Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

“Cơm treo, mèo nhịn đói”

07:00 | 07/07/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho hộ nghèo vay mua nhà đã có hiệu lực từ 1 tháng nay nhưng cả nước mới có một vài hộ vay được vốn. Niềm vui vừa được lóe lên đã thành nỗi thất vọng. Người dân đang khát vốn lại gặp phải những vướng mắc bởi thủ tục rườm rà.

Thái Long (NLM số 236)

Chỉ 3 ngày sau khi Nghị quyết 02/NQ-CP ban hành, 5 ngân hàng thương mại Nhà nước được giao nhiệm vụ cho vay hỗ trợ nhà ở đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để triển khai cho vay đối với khách hàng. Đáng chú ý hơn là những thông tin hấp dẫn từ ngân hàng khiến lòng dân khấp khởi: Ngân hàng BIDV cam kết sẽ xử lý đề nghị vay của khách hàng cá nhân trong vòng 4 ngày và khách hàng doanh nghiệp trong vòng 20 ngày. Các khách hàng là cá nhân vay để mua nhà ở có thể được vay lên tới 80% số tiền mua căn nhà; thời gian vay có thể lên tới 15 năm và được sử dụng chính căn nhà mua để thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Hoặc Agribank quy định thời hạn cho vay tối thiểu cho khách hàng cá nhân lên tới 10 năm và tối đa 5 năm cho khách hàng doanh nghiệp. Đặc biệt, khách hàng cá nhân hoàn toàn có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay (căn hộ, căn nhà dự án) để vay vốn mua nhà ở trong chương trình… Vậy mà thực tế đã không như mong muốn!

Gói hỗ trợ này dành cho “người thu nhập thấp”. Nhưng thế nào là “người thu nhập thấp” thì lại do Bộ Xây dựng đề ra quy chuẩn. Mà chờ đến 1 tháng rồi, các ngân hàng vẫn chưa thấy Bộ này công bố về “chuẩn thu nhập thấp” nên phải “án binh bất động”, không dám giải ngân vì sợ cho vay nhầm đối tượng. Vì vậy, nhiều hộ đã làm gần xong hồ sơ mà cũng phải nóng lòng chờ đợi xem mình có được xác định là hộ nghèo hay không.

Mấy tuần lễ nay, người có nhu cầu vay vốn mua nhà đã phải lo chạy qua nhiều “cửa” để có được trên dưới khoảng 10 loại giấy tờ như: Hợp đồng mua nhà ở xã hội, giấy đề nghị vay vốn, giấy xác nhận của đơn vị công tác, giấy xác nhận của UBND phường hoặc xã về tình trạng nhà ở, hợp đồng lao động (phải còn thời hạn ít nhất 1 năm và đã công tác ít nhất 1 năm), bảng lương của cả vợ và chồng... Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dù có đủ những giấy tờ này rồi thì họ vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn. Vấn đề này, các ngân hàng rất thông cảm với dân nhưng không thể giải quyết được mà vẫn phải còn chờ xem “chuẩn thấp” của Bộ Xây dựng như thế nào.

Bao nhiêu người nghèo chưa có nhà ở đang mỏi mòn, phấp phỏng mong đợi. Thật chẳng khác nào “cơm treo” mà “mèo” phải nhịn đói!

Cũng nhân nói về gói hỗ trợ này lại thấy rõ mối lợi thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được tham gia vay vốn để xây nhà ở xã hội. Họ chẳng khác nào “ngư ông đắc lợi”.

Theo các ngân hàng được chỉ định cho vay ưu đãi thì trong 2-3 năm đầu, tỷ lệ cho vay giữa doanh nghiệp và người mua nhà là 60% và 40%. Lý do được đưa ra là các dự án nhà ở xã hội hiện nay còn rất ít, không đủ để cung cấp cho người dân, các doanh nghiệp bất động sản đang cần tiền để hoàn thành dự án nên phải ưu tiên vốn, sau đó mới ưu tiên cho khách hàng mua nhà. Chính vì thế mà ngay sau khi gói tín dụng 30.000 tỉ chính thức được triển khai, các doanh nghiệp bất động sản đã nhanh chóng chớp thời cơ để được lọt vào danh sách tham gia xây dựng nhà ở xã hội, có đủ điều kiện để vay vốn. Và việc phê duyệt danh sách 10 doanh nghiệp được vay tổng số 9.000 tổng đồng với lãi suất 6%/năm trong vòng 10 năm đã được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn tất.

Cũng nhân cơ hội này, một số doanh doanh nghiệp đang cố gắng tìm cách chuyển đổi các dự án nhà thương mại của mình “biến” thành nhà ở xã hội để được ứng cử vào danh sách đủ điều kiện vay ưu đãi. Gói 30 nghìn tỉ như động lực mới kích cầu thị trường, khiến cho hàng loạt các chủ đầu tư hăng hái làm hoặc xin chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội. Đây sẽ là một nghịch lý khi “hàng bất động sản tồn kho” vẫn tiếp tục tăng mà hàng trăm dự án nhà ở xã hội lại tiếp tục được khởi công xây dựng. Hiện nay, cả nước đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỉ đồng. Ngoài các dự án nhà xã hội thì cả nước có 47 dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội.

Nhìn ngay trước mắt thì số lượng nhà ở xã hội chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhưng với không khí “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” trên đây thì e rằng, lại có khủng hoảng thừa về nhà ở xã hội trong tương lai gần. Việc cần làm ngay là nhanh chóng xác định cho người dân có phải hộ nghèo hay không để được vay vốn mua nhà; sau đó là phải rà soát nhu cầu nhà ở xã hội ở từng địa phương xem cần có bao nhiêu mới cho triển khai số lượng dự án xây dựng. Chớ nên để doanh nghiệp đắc lợi, còn người dân cứ phải đợi chờ!

T.L