Cơ hội vượt bẫy thu nhập trung bình
Bùng nổ KTCS
Ở Việt Nam, dù mới phát triển nhưng KTCS (sharing economy) đã bắt đầu “bùng nổ” với 3 loại hình dịch vụ nổi bật: vận tải (Grab, Dichung, Fastgo…), phòng nghỉ (Airbnb, Travelmob, Laxstay…) và cho vay ngang hàng P2P. Một số dịch vụ khác cũng bắt đầu xuất hiện như chia sẻ chỗ làm, gửi xe, nhân lực…
Nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) đã làm thay đổi sự vận hành của nhiều mô hình kinh doanh trên toàn cầu |
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận, kể từ khi Chính phủ đồng ý thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử - GrabCar vào tháng 10-2015, đến nay cả nước đã có 866 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã vận tải tham gia, với 36.809 phương tiện. Riêng tại TP HCM có 506 DN vận tải, 3 nhà cung cấp phần mềm, với 21.601 phương tiện tham gia; Hà Nội có 354 DN vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm, 15.046 phương tiện; Quảng Ninh có 4 DN vận tải, 2 nhà cung cấp phần mềm, 62 phương tiện; Khánh Hòa có 2 nhà cung cấp phần mềm đồng thời là DN vận tải, với khoảng 100 phương tiện...
Đối với dịch vụ chia sẻ phòng ở, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Công ty Grant Thornton cho biết, tính tới tháng 6-2017 có khoảng 6.500 khách sạn đã tham gia ứng dụng Airbnb để nhận đặt phòng qua Internet, nhiều cơ sở lưu trú tham gia các dịch vụ đặt phòng trực tuyến khác. Các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng như Airbnb sẽ thu của chủ khách sạn 3% tổng giá trị đặt phòng, thu của khách đặt phòng 6-12% giá phòng, nhưng vẫn bảo đảm giá thuê phòng rẻ hơn khách đặt qua kênh truyền thống khoảng 30%. Theo Airbnb, Hà Nội xếp thứ 6 trong danh sách điểm đến dựa trên lượng khách đặt phòng trực tuyến qua ứng dụng Airbnb trong năm 2017.
Dịch vụ cho vay ngang hàng giúp người có nhu cầu vay vốn tiếp cận tín dụng mà không cần thông qua tổ chức trung gian truyền thống như ngân hàng. Từ năm 2016 đã xuất hiện hàng chục công ty hoạt động theo mô hình P2P tại Việt Nam như Huydong.com, Tima, SHA, Mobivi, Vaymuon.vn...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiện đang diễn ra cuộc cạnh tranh không công bằng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và công nghệ.
Ví dụ, báo cáo của Sở Du lịch TP HCM cho thấy, có đến 1/3 số chủ nhà sở hữu trên 1 cơ sở cho thuê, họ là những người cho thuê nhà kiếm lợi nhuận chuyên nghiệp chứ không chỉ là những chủ nhà tận dụng không gian nhàn rỗi cho thuê phòng theo mô hình KTCS. Tại TP HCM những năm gần đây, các căn hộ dịch vụ cho thuê ngày càng nở rộ và bắt đầu chia sẻ thị phần với các khách sạn truyền thống. Vì vậy, dù khách du lịch đến TP HCM năm 2017 tăng mạnh nhưng công suất phòng của các khách sạn 4 - 5 sao không tăng, thậm chí giảm.
Ông Nguyễn Hoàng Hà (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, KTCS đã buộc các DN truyền thống phải chấp nhận thay đổi để cạnh tranh, qua đó người tiêu dùng được hưởng lợi. Thêm nữa, KTCS cũng thúc đẩy các startup trong nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số.
Tận dụng cơ hội
Bà Lucy Cameron - chuyên gia thuộc Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia cho rằng thúc đẩy nền kinh tế số chính là cơ hội cho Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Một trong những mô hình của nền kinh tế số là KTCS.
Grab là mô hình KTCS thành công tại Việt Nam |
“Việt Nam đang thực hiện tốt so với các nước Đông Nam Á về công nghệ thông tin viễn thông và kinh tế số. Nhưng Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho giáo dục ở sau bậc trung học, cần đẩy mạnh đào tạo để người lao động có thể tham gia vào nền kinh tế số. Việt Nam cần có chính sách tốt cho DN khởi nghiệp phát triển”, bà Lucy Cameron nói.
Cùng quan điểm, thạc sĩ Đỗ Thị Nhung (Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh) cho hay, qua việc tạo áp lực cạnh tranh đối với các loại hình kinh doanh truyền thống, KTCS cũng thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động thương mại - dịch vụ, vấn đề then chốt mà Việt Nam đang hướng tới, qua đó giúp kinh tế Việt Nam thích ứng tốt hơn với những đổi thay lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo cùng mọi nguồn lực để đất nước tiến lên phía trước.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), KTCS là một phần tất yếu của nền kinh tế số, là kết quả của đổi mới sáng tạo. KTCS đang góp phần tái cấu trúc nhiều ngành kinh tế. Song, nó cũng tạo những thách thức mới trong quản lý nhà nước. Hiện nay, chính sách quản lý KTCS của các nước cũng khác nhau nhưng nhìn chung đều thể hiện linh hoạt, hợp tác và điều tiết ở từng lĩnh vực cụ thể với mức độ khác nhau.
Phó viện trưởng CIEM khuyến nghị: Cần phải tận dụng cơ hội phát triển từ mô hình KTCS vì đây là cơ hội cuộc mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, để bắt kịp xu hướng chung của thế giới; Cần phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thích nghi với sự đa dạng, phát triển nhanh của nền kinh tế số, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh thực hiện chính phủ số, hệ thống dữ liệu mở và thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ; tăng cường đánh giá tác động của mô hình KTCS đến các mục tiêu phát triển như đầu tư, việc làm, thuế, cạnh tranh và dự báo sự phát triển của các lĩnh vực có tiềm năng để chủ động điều chỉnh linh hoạt chính sách - bà Tuệ Anh nhấn mạnh.
Nếu ứng xử với mô hình KTCS theo xu hướng siết chặt và biện minh là để bảo đảm sân chơi bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và cũ, sẽ không thực tế, thiếu khả thi. ÔNG VŨ TÚ THÀNH (HỘI ĐỒNG KINH DOANH HOA KỲ - ASEAN) Mô hình KTCS mang đến nhiều lợi ích cho các bên tham gia nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các cơ quan Nhà nước đang lúng túng trong quản lý hoạt động KTCS, các DN và cơ quan quản lý chưa tìm được tiếng nói chung. ÔNG VŨ ĐẠI THẮNG - THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ |
Hà Phương
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 4/11: Các công ty năng lượng Mỹ kêu gọi tính nhất quán trước thềm bầu cử
-
Tôn vinh Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh năm 2024
-
TPBank báo lãi hàng nghìn tỷ, nợ xấu vượt hơn 5.000 tỷ đồng
-
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra nguyên nhân khiến giá vàng nhẫn tăng cao
-
Tin tức kinh tế ngày 3/11: Xuất khẩu gạo năm 2024 khả năng đạt kỷ lục mới