Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chuyện xe công phục vụ tư?

08:26 | 13/10/2011

463 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chắc chắn rằng bây giờ không ai có thể thống kê nổi là có bao nhiêu chiếc xe công mà đang được sử dụng như xe tư, để phục vụ cho rất nhiều các quan chức nước nhà.

Chắc chắn rằng không ai có thể thống kê nổi mỗi một năm những chiếc xe công nhưng được sử dụng sai mục đích thì Nhà nước phải trả bao nhiêu tiền xăng, phải nuôi bao nhiêu lái xe và những chiếc xe đấy trị giá bao nhiêu tiền.

Chắc chắn rằng không ai có thể thống kê nổi mỗi một năm những chiếc xe công này đã chạy bao nhiêu cây số để phục vụ cho việc tư của người đứng đầu một cơ quan và người đó đã nghiễm nhiên coi chiếc xe công đó như là xe của riêng mình. Ông đi đã đành, nhưng thứ Bảy, Chủ nhật lại còn phải phục vụ vợ con, thậm chí cháu chắt đi chơi, đi lễ đền chùa miếu mạo, đi thăm đi hỏi v.v… Các vị quan chức lạm dụng chức quyền mà trong đó biểu hiện dễ thấy nhất là dùng xe công vào việc tư như thế nào thì đó là chuyện bấy lâu nay thiên hạ đều biết cả. Nhất là vào những dịp lễ tết, hội hè cảnh xe biển công đỗ nườm nượp ở những nơi danh thắng, những lễ hội nổi tiếng, những đám cưới của các nhà quan chức đã diễn ra từ năm này qua năm khác và như cái gai chọc vào mắt người dân phải đóng thuế.

Đoàn xe công đi lễ tại Yên Tử

Đã có nhiều chỉ thị, biện pháp của Chính phủ nhằm hạn chế sử dụng xe công nhưng xem ra chẳng có chút tính khả thi nào. Người ta có thể thấy không ít cán bộ các cơ quan hầu như từ cấp cục, vụ là đã sử dụng xe công đi đưa đón, ở các thành phố, không ít giám đốc các sở, ban và chủ tịch, bí thư các quận, huyện cũng đều được xe công đưa đón.

Theo quy định thì chỉ cán bộ có cấp hàm từ Thứ trưởng trở lên mới có tiêu chuẩn xe đưa đón, nhưng thực tế thì lại khác hẳn. Xe công là của cơ quan, nhưng rất, rất nhiều thủ trưởng các đơn vị coi xe này như là của mình, thậm chí cấp phó muốn sử dụng cũng rất khó.

Không hiếm các vị quan chức coi chiếc xe là biểu tượng danh giá của mình. Thế cho nên mới có chuyện người mới được đề bạt không chịu sử dụng xe của người tiền nhiệm mà phải nằng nặc đòi tậu được xe mới. Họ cũng không sử dụng lái xe của người tiền nhiệm mà dứt khoát phải tuyển cho mình được lái xe ưng ý. Những người lái xe phải phục vụ cho các vị quan chức này thì nhiều khi đã bị sử dụng như một nhân viên cần vụ, làm kẻ ăn người ở cho gia đình. Với họ, khái niệm được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật là điều xa xỉ. Với họ, khái niệm làm ngoài giờ mà không được trả lương đó là lẽ đương nhiên. Không phải là tất cả nhưng rất nhiều lái xe của các quan chức đã bị bóc lột, nếu không nói là thậm tệ thì cũng là quá quắt. Nhưng vì miếng cơm manh áo và cũng có thể vì chút “lộc rơi lộc vãi” nên họ phải chấp nhận phục vụ thủ trưởng và cả người thân của thủ trưởng vô điều kiện.

Tốn kém tiền của để phục vụ cho cái việc đi lại của các vị đã đành (mà đây là tiền thuế của dân đấy) nhưng nguy hiểm hơn là nó đã tạo ra một kiểu suy nghĩ rằng, họ có quyền được hưởng thụ, họ có quyền được lạm dụng chế độ của Nhà nước.

Cũng có một thực tế là cán bộ hiện nay phải xử lý công việc nhiều hơn thời bao cấp rất nhiều và tốc độ cũng đòi hỏi nhanh hơn. Chính vì vậy, việc có xe con đưa đón cũng là một cách tạo điều kiện cho người đứng đầu đi lại an toàn hơn, xử lý công việc tốt hơn. Nhưng lạm dụng xe công vào việc tư lại là chuyện khác.

Thật ra, hầu hết các nước trên thế giới không quản lý xe công như kiểu của ta.

Trông sang nước bạn Lào kia, thấy chính quyền xử lý việc xe mới nhẹ nhàng làm sao và cực kỳ hiệu quả, tiết kiệm. Ấy là những cán bộ nào được đề bạt mà có tiêu chuẩn được đi xe con đi làm thì Nhà nước cấp luôn cho một chiếc xe mới tinh. Rồi hàng tháng Nhà nước lại cấp luôn cho một khoản tiền xăng dầu. Người được sử dụng xe thì tự lái mà đi làm, nếu không biết lái thì bỏ tiền ra mà thuê lái xe. Hàng tháng đi bao nhiêu xăng thì bỏ tiền ra mà mua, thừa thì coi như tiền đó là của mình mà thiếu thì bỏ ra mà bù. Còn khi người đó đi đến cơ quan phải đi công cán thì sử dụng xe chung. Chính vì vậy mà ở các cơ quan công quyền, số lượng xe để phục vụ rất ít. Ở nhiều quốc gia khác, quan chức cũng được trả tiền xe cộ vào trong lương, còn ai muốn đi bằng phương tiện gì thì mặc kệ.

Cách làm như vậy quả là rất hay. Ta cứ thử làm một phép tính như sau. Một ông thủ trưởng tự tiện sử dụng một chiếc xe để đưa đón ông đi làm việc và đi công chuyện. Chiếc xe đó trị giá khoảng 600 triệu. Mỗi một tháng ông lại đi hết chí ít cũng phải hết 4 triệu tiền xăng. Rồi phải nuôi cho ông một lái xe và trả lương tháng, cộng tiền bảo hiểm và đủ các thứ thưởng khác thì trung bình cũng khoảng 5 triệu. Như vậy một năm ông ngốn đứt của Nhà nước riêng tiền xăng và tiền lương lái xe khoảng hơn trăm triệu. Nếu như ông giữ nguyên được chức vụ ấy trong một nhiệm kỳ là 5 năm thì chi phí xăng xe cho ông là cũng hơn nửa tỉ. Đó không phải là một con số đùa.

Chúng ta cứ nói mãi về việc phải tiết kiệm. Nhưng các biện pháp mà Chính phủ đề ra hầu như không được lãnh đạo các cấp cơ sở chấp hành nghiêm túc. Nếu Chính phủ cho làm một cuộc điều tra cụ thể, tỉ mỉ về tình hình sử dụng xe công và chi phí thực tế thì chắc chắn sẽ là một con số mà không ai có thể “cười” được nữa. Hạn chế xe công để giảm tắc đường cũng sẽ là một biện pháp quan trọng. Nhưng trước hết, Chính phủ phải có những biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ nhằm xóa bỏ ngay tư tưởng hưởng thụ trong cán bộ, đảng viên mà bắt đầu từ việc ngồi trong chiếc xe con.

Nên chăng hãy cứ áp dụng ngay cách như ở nhiều quốc gia đang thực hiện đối với công chức đó là “bù tiền xăng xe” vào lương?

{lang: 'vi'}

Như Phong