Chuyện về người đàn ông giống Bác Hồ
[Chùm ảnh] Gặp mặt người đàn ông giống Bác Hồ đến kỳ lạ Lần theo thông tin do độc giả cung cấp, nhóm phóng viên PetroTimes đã tìm được người đàn ông đặc biệt này thành phố Lào Cai. |
Ông Lâm Văn Lập |
Những ngày sau tết Nguyên đán Bính Thân 2016, cộng đồng mạng lan truyền tấm ảnh chụp một người đàn ông ở lễ hội, điều khiến mọi người ngỡ ngàng chính là dung nhan nhân vật trong tấm ảnh quá giống Bác Hồ.
Theo ông Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập Báo Năng lượng Mới kể lại, ngày ấy ông làm công nhân của đoàn phim “Vùng Trời”, nên cứ hôm nào quay cảnh Bác Hồ đến thăm bộ đội không quân là nghệ sĩ Tuấn Tú phải dậy từ 3 giờ sáng… Một kíp hóa trang 5 người phục vụ làm suốt 5-6 tiếng mới xong. Và nếu như hôm đó thời tiết không ổn, không quay được, thế là công cốc.
Hay như nghệ sĩ Tiến Hợi nổi tiếng là người đã thể hiện thành công nhất những vai diễn về Bác Hồ, ông đã để lại dấu ấn khó quên trong nhiều vở kịch và bộ phim nói về Bác như “Đêm trắng”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Hà Nội mùa thu năm 46”…
Ngoài ra, một số diễn viên khác cũng tham gia đóng vai Bác Hồ thời trẻ, để có vẻ ngoài giống Bác, các nghệ sĩ, diễn viên đã phải hóa trang suốt nhiều giờ đồng hồ. Và dù khéo đến mấy thì cũng chỉ “hơi nhang nhác”, chứ chưa một ai đóng vai Bác Hồ mà được công nhận là “giống Bác”.
Vậy mà, nhân vật trong bức ảnh được lan truyền có vẻ như không cần phải hóa trang kỹ càng mà vẫn rất giống Bác, khiến ai thấy cũng trầm trồ.
Chính sự trùng hợp một cách đáng ngạc nhiên này khiến nhiều người không tin vào mắt mình và suy đoán rằng, chắc ai đó sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh, cắt ghép để nhân vật giống Bác…? Tuy nhiên, cũng có nhiều người lại quả quyết là có thật. Trước những thông tin trái chiều khiến cư dân mạng tò mò, không ngoại trừ cả tôi, đã thúc giục chính tôi phải đi tìm câu trả lời.
Bằng sự tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, cộng với sự tò mò, cái máu nghề của một người làm báo, tôi đã huy động mọi mối quan hệ để tìm người trong tấm hình cũng như người đăng tải tấm hình đó lên mạng xã hội.
Gần hai ngày bỏ công tìm kiếm, sâu chuỗi thông tin, tôi đã xác định được điểm mình cần đến, đó là thành phố Lào Cai. Trên xe ôtô, tôi không tài nào chợp mắt được, thi thoảng ngó sang anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi, thấy anh vẫn bấm điện thoại đọc lại bài báo đã đăng về người đàn ông có vẻ ngoài giống Bác Hồ, đoạn anh lại mở bản đồ xem đã đi được bao nhiêu quãng đường.
Người đàn ông có vẻ ngoài giống với Bác bên mảnh vườn trồng rau |
Tôi hỏi sao anh không chợp mắt, anh đáp: “Anh cũng như chú thôi, không biết lên có gặp được ông ấy không?”. Thú thật, trong đầu tôi lúc này cũng có hàng loạt câu hỏi mà chưa có câu trả lời đại loại như: Ở ngoài ông ấy có thật không? Có giống như trong ảnh? Hay ông ấy là người thế nào, ông ấy có chịu gặp báo chí hay không?… Quanh đi quẩn lại, những câu hỏi đó khiến tôi nghĩ đến một khả năng, có thể đó chỉ là một trò đùa, rằng người chúng tôi đang tìm hoàn toàn không có.
Sau hơn 4 giờ đồng hồ trên xe ôtô, tôi đã đến trung tâm thành phố Lào Cai khi trời chưa sáng. Dù lần đầu đặt chân trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nhưng tôi có cảm giác nơi đây rất đỗi thân thuộc. Tôi không tài nào giấu nổi cảm giác bồn chồn vì sắp gặp người có vẻ ngoài giống Bác. Nhưng trái ngược với sự tò mò và cả cảm giác nôn nóng của tôi, ở nơi người đàn ông có dung mạo giống Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống, người dân lại có phản ứng rất bình thường, nếu không muốn nói là chẳng mấy người quan tâm.
Trên chuyến taxi đi đến phường Duyên Hải, phải nói là may mắn khi anh tài xế lại chính là dân ở cùng phường này. Tuy nhiên, thông tin về người đàn ông giống Bác thì anh tài xế cũng không chắc chắn. Thấy khách từ Hà Nội lên, anh tài xế rất nhiệt tình. Tôi đưa anh xem tấm ảnh trong điện thoại, anh liền táp xe vào lề đường và cầm chiếc điện thoại vẫn mở tấm hình xuống hỏi từng nhà một.
Kiên trì dò hỏi, cuối cùng cũng có người biết nhà người đàn ông có vẻ ngoài giống với Bác. Dù được người dân chỉ dẫn chi tiết, nhưng để tìm đến ngôi nhà của người đàn ông này quả thật không dễ dàng chút nào. Men theo còn đường mòn vào khu vườn cách phố Điện Biên hơn 300m, vượt qua con dốc thoai thoải mới được trải một lớp bê tông tôi đã tìm đến nơi mình cần đến.
Một căn nhà nhỏ nằm giữa vườn trồng vải, nói là nhà thì hơi quá mà phải nói là lều mới đúng vì nơi người đàn ông giữ vẻ ngoài giống Bác Hồ rộng chưa đầy 20m2, tường quây bằng bạt, mái lợp tôn, gió lùa tứ phía.
Nhân vật trong tấm ảnh giống Bác sống cùng một người con, gian nhà nơi ông sinh sống rất giản dị, nếu không muốn nói là thiếu thốn. Ngoài chiếc tivi cũ kỹ thì trong nhà không có đồ đạc gì đáng giá.
Chiếc giường, chiếc điều khiển tivi hay bất kỳ vật dụng nào đó đều thể hiện đã qua nhiều năm sử dụng, đáng chú ý là những chiếc nỏ được làm bằng gỗ lim chắc chắn in hằn dấu vết của thời gian. Ngôi nhà tạm bợ đến mức cả sàn nhà cũng nhấp nhổm đất chưa được san phẳng, cánh cửa duy nhất của ngôi nhà phát ra âm thanh kẹt kẹt mỗi khi chủ nhân của nó đóng hay mở cửa.
Phóng viên Năng lượng Mới và ông Lập |
Thấy nhà có khách, người được dân quanh khu vực gọi là “bác Sao” - tức “bản sao Bác Hồ” mới dừng tay, dọn dẹp nhà cửa, chạy sang hàng xóm mượn ấm chén pha trà tiếp khách. Bằng 3 chiếc ghế tạm bợ, ấm nước mới pha, câu chuyện của chúng tôi với “bác Sao” bắt đầu bằng ánh mắt ngờ vực của chủ nhà và tâm trạng hồi hộp của tôi. Tất nhiên, cả hai chưa biết gì về nhau.
Trò chuyện với chúng tôi, người đàn ông này cho biết mình tên là Lâm Văn Lập. Khi nhắc đến vấn đề mình có vẻ ngoài giống Bác Hồ, ông Lập tỏ ra ngượng ngùng. Ông tâm sự, quê gốc ông ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ông là con duy nhất của hai vợ chồng người dân tộc Cao Lan.
“Khi tôi mới được mấy tháng tuổi, không hiểu chuyện gì xảy ra mà bố mẹ tôi chia tay nhau. Tôi sống với mẹ, còn bố đi lấy vợ khác. Đến khi tôi hơn chục tuổi, mẹ tôi mới đi bước nữa và có được 6 người con nữa” - ông Lâm Văn Lập nhớ lại ký ức tuổi thơ đầy trắc trở của mình.
Và cứ như vậy, chàng trai dân tộc Cao Lan lầm lũi sống với cha dượng suốt tuổi thơ đầy sóng gió. Năm 18 tuổi, ông Lập bỏ bản, rời quê hương lên Lào Cai tìm việc làm. Cũng từ mảnh đất mới này, ông xây dựng gia đình và sinh sống đến tận bây giờ.
Nhắc về câu chuyện vẻ ngoài giống Bác Hồ, ông Lập bỗng khựng lại… sau một hồi trầm ngâm, ông kể: “Tôi cũng chỉ biết dung mạo của Bác qua lời kể, phim ảnh… chứ đâu có được gặp bao giờ. Thấy mọi người bảo tôi giống Bác, tôi mới vội soi gương, tìm xem ảnh Bác mới hay mình cũng có đôi chút giông giống. Mà lúc đó râu cũng mới lún phún mọc vài cái thôi, nhưng đi đến đâu người ta cũng ồ lên. Có lần đi Phú Thọ dự thi bắn nỏ, bước vào nhà thi đấu là người ta ồ lên, chạy ra xin được chụp ảnh chung.
Cũng trong lần đó, có một thanh niên tên là Lèo Văn Long (ở huyện Văn Chấn, Yên Bái) không được chụp ảnh cùng nên mếu máo khóc. Đến hôm sau, khi tôi chụp ảnh cùng với nó, nó không chịu bỏ tiền ra rửa ảnh. Khi tôi rửa ảnh thì nó bảo: “Bác ơi bác cho cháu xem ảnh tí thôi, không lúc về nhà nhớ quá”. Nghe vậy tôi mới bảo: “Ờ thì cho mày xem”. Thế nhưng khi tôi vừa lấy ra thì nó cầm ảnh rồi bảo thôi cháu xin nhé rồi chạy mất”.
Được mọi người kháo nhau có vẻ ngoài giống Bác Hồ, mới đầu người đàn ông này rất đỗi tự hào và vinh dự, đến người con dâu của ông Lập cũng tấm tắc khen bố chồng có vẻ ngoài giống Bác Hồ. “Con dâu tôi bảo giờ mà bố về Hà Nội, mặc bộ quần áo nâu với đội mũ cát đi loanh quanh ở Bờ Hồ vào thì chả ai bảo không phải Bác Hồ” - ông Lập kể lại.
Thế nhưng, chính vinh dự ấy đã khiến cho ông vướng vào những câu chuyện dở khóc dở cười. Nhiều hôm đang làm vườn, ông Lập giật thót người khi có một vị khách xa lạ đến nhà gọi “Bác Hồ ơi”. Hóa ra là họ đến cũng chỉ để được một lần nhìn mặt xem có giống như lời đồn hay không rồi bỏ về sau những tiếng cười đầy hàm ý. Cũng có nhiều cháu nhỏ đến chơi, hỏi xin chụp ảnh cùng, thành thử nhiều khi công việc làm vườn bị dang dở. “Bản thân tôi thấy mình cũng bình thường nhưng nhiều người bảo giống vị lãnh tụ của cả dân tộc khiến mình bị xấu hổ, nhiều lúc khó xử” - ông Lập nói.
Lần được mọi người nhận nhầm là Bác Hồ khiến tôi ngại nhất là hồi cuối năm 2000. Hồi ấy, trong một lần đi cùng đoàn thể thao của tỉnh Lào Cai xuống thi bắn nỏ ở Yên Bái. Lúc ăn cơm bỗng dưng có một bà cụ 85 tuổi chạy tới chắp tay vái lạy và bảo: “Có phải cụ trên tivi không, cụ quay lại cho cháu xem tí”. Tôi hỏi lại bà cụ thì mới biết mấy hôm trước thấy tôi ở trên tivi tại hội thi bắn nỏ, hôm nay đang giặt quần áo thì nom thấy nên chạy xuống xem có đúng là ông trên tivi không.
Hay là lần về Tân Hương thăm họ hàng khoảng 2 năm trước, khi đi bộ qua cổng một trường tiểu học trên địa bàn, một cháu học sinh nhìn thấy tôi liền hét toáng “Bác Hồ… Bác Hồ…!”. Nghe tiếng hét của cháu học sinh đó, rất nhiều học sinh khác ùa ra từ cổng trưởng và đồng thanh hô to “Chúng cháu chào bác ạ”. Quả thật, lúc đấy tôi vô cùng ngượng ngùng khi được các cháu nhỏ nhầm tưởng là Bác Hồ.
Giờ đi đến đâu cũng thế, kể cả bây giờ vào quán xá, nhà hàng cũng ngại lắm, nên tôi cứ ở nhà thôi. Xuống quê đi hội của làng, các cụ móm mém rồi, ngồi nói chuyện cũng toàn gọi bằng Bác, đám trẻ con gặp thì cứ chào là Bác Hồ, sang Tuyên Quang, Phú Thọ cũng thế” - ông Lập kể lại.
Ông Lập bắn nỏ |
Trở lại với cuộc sống thường nhật của ông Lập. Người đàn ông này sống trên một khoảnh đất cao, xung quanh có nhiều cây cối, ông tự nhận mình là người thích cây cối, thiên nhiên.
“Ngày trước ở Yên Bái, tôi làm nhà sàn để ở, sau chuyển sang đây thì làm nhà đất. Ở với con cái, cuộc sống của tôi gắn liền với mảnh vườn, cũng chỉ mong giúp cho chúng được phần nào về cuộc sống nên chẳng có thời gian ra ngoài. Tôi cũng là thành viên Hội Bắn nỏ của Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh Lào Cai nên hay phải tham gia các giải thi bắn nỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Các tỉnh như Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang tôi đi nhiều rồi. Có khi là đi thi, có khi đi giao lưu, gặp gỡ bạn bè... Nhưng lần nào đi đến đâu cũng có người xoắn xít lại xin chụp ảnh cùng để làm kỷ niệm” - ông Lập thả giọng nhẹ nhàng sau khi nhấp ngụm nước trà mới pha.
Theo ông Lập, những hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội mới đây là lúc ông đang tham gia hội thi bắn nỏ ở Yên Bái vào ngày mùng 4 tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua. Tạm gác lại những tình huống vừa bi vừa hài khi được người khác nhận nhầm là Bác Hồ, ông Lập hồ hởi kể về việc đang là Hội viên Hội Bắn nỏ thuộc Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh Lào Cai, nên từ nhiều năm nay ông luôn được mời đi tham gia nhiều giải thi đấu ở cả trong và ngoài tỉnh.
Nếu tính theo tuổi thì chắc ông Lập không phải là người nhiều tuổi nhất trong làng nỏ Việt Nam, nhưng có lẽ ông cũng là người có “tên tuổi” trong các cuộc thi bắn nỏ ở các tỉnh phía Bắc. Ngoài việc dẫn người đi thi đấu, ông Lập còn dạy bắn nỏ cho lớp trẻ tại một bãi đất trống gần nhà. Việc làm này theo ông là để tìm những tay nỏ có tố chất, mài giũa tăng thêm sức mạnh cho đoàn thể thao của tỉnh nhà.
Thấy chúng tôi quan tâm tới việc bắn nỏ, ông Lập vác nỏ ra bãi đất trống gần nhà “thi thố tài năng”. Quả thật, nếu xét về tuổi, ông đã sắp lên lão nhưng ông rất khỏe, chỉ trong khoảng 5 giây ông đã kéo được dây nỏ vào khấc, trong khi tôi loay hoay cả lúc lâu cũng không làm được.
Nheo mắt hướng về tấm biển cách xa chừng 20m ông Lập nói: “Người bắn nỏ cần ngắm thẳng hồng tâm, ngắm làm sao cho thân nỏ, mũi tên và đích nằm trên cùng một đường thẳng thì mới được”. Vừa nói đoạn, ông buông tay nỏ và mũi tên đã nằm trong đường tròn có in số 9 với sự ngỡ ngàng của những vị khách từ Hà Nội lên. Trước đó, tôi đã thử bắn mà cao nhất chỉ được 6 điểm.
Từ lúc phóng mũi tên vào tấm biển có điểm cao, ông Lập bỗng ít nói hơn, rút mũi tên cắm sâu vào tấm biển, ông tâm sự: “Tôi làm nỏ vừa để đi thi đấu và nếu ai có nhu cầu thì bán để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Cả hai vợ chồng tôi đều mưu sinh bằng nghề lao động tự do, ai thuê gì làm nấy. Tôi với bà ấy sinh được 5 đứa con thì chỉ có độc một đứa con trai. Các con tôi lập gia đình rồi, ngay bên cạnh là nhà con gái, còn đứa con trai sống phường bên. Nói chung là 5 đứa con thì giống nhau nhưng không đứa nào giống bố”.
[VIDEO] Trò chuyện với người đàn ông giống Bác Hồ Ngày 18/2, nhóm phóng viên PetroTimes đã tìm đến địa chỉ do bạn đọc cung cấp để trò chuyện với người đàn ông có dung mạo giống Bác Hồ. Đó là ông Lâm Văn Lập (52 tuổi, ở phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai). |
Trở về căn nhà tạm bợ, rót chén nước mới, ông Lập tiếp tục kể về cuộc sống của mình: “Từ lúc đến nhà, tôi thấy các chú nhìn nhà cửa tôi thế này chắc là đang tò mò vì sao lại tuềnh toàng thế phải không?”. Trước câu hỏi của người có vẻ ngoài giống Bác, tôi chỉ biết cười trừ để lấp liếm sự tò mò.
Tự đặt câu hỏi, ông Lập tự trả lời: “Trước tôi cũng có một căn nhà kiên cố trên phường Cốc Lếu, nhưng cảnh đông con, nhiều cháu nên đành phải bán cho mỗi đứa một ít làm vốn và mua khu đất rìa thành phố này cắm rùi mưu sinh. Hằng ngày, bà ấy đi ra chợ làm thuê, còn tôi làm vườn tược, cây cối xung quanh nhà. Hôm nào có hội thi đấu thể thao thì đi thôi. Các hội bắn nỏ ở Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Phú Thọ tôi đều đi cả rồi. Đến năm nay cũng phải có đến chục giải thưởng, huy chương, giấy khen nhưng nhà không có chỗ treo nên để ở nhà con hết”.
Quay trở lại việc ông Lập giống Bác Hồ, tôi chợt nhớ câu hỏi đã chuẩn bị từ trước khi lên gặp ông. “Đã có ai ngỏ lời mời bác đóng vai Bác Hồ không?
Nghe tôi hỏi câu ấy, ông Lập từ tốn nói: “Từ lúc người ta bảo tôi giống Bác Hồ, tôi cũng tự xem lại mình xem giống Bác ở điểm nào nhưng ở quan điểm cá nhân, tôi thấy mình bình thường, không dám nói là giống hay so sánh với một vĩ nhân như Hồ Chủ tịch. Còn việc mời đóng vai Bác Hồ thì nói thật là chưa”.
Cuộc nói chuyện giữa tôi với ông Lập bị gián đoạn vì có hai anh công an khu vực đến hỏi thăm. Qua trò chuyện với cán bộ công an khu vực chúng tôi được biết, ở địa phương ông Lập là người chấp hành tốt chủ trương của phường, thành phố. Ngoài việc là một công dân tốt, ông Lập được biết đến là cây nỏ của địa phương, mỗi khi có hội ông sẵn sàng dẹp hết công việc nhà để tham gia một cách nhiệt tình.
Sau đó, chúng tôi xin phép ông Lập để về Hà Nội. Trước khi chia tay, ông còn vui vẻ tặng chúng tôi cây nỏ để làm kỷ niệm.
Rời nhà ông Lập được một quãng, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi, nếu như có người đưa ảnh ông Lập lên mạng xã hội sớm hơn, báo chí tìm đến và thông tin chi tiết về người đàn ông đặc biệt này thì có lẽ trong những thước phim tái hiện cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh hay bộ phim về những năm tháng chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc người dân sẽ có hình tượng rõ nét hơn về vị cha già kính yêu của dân tộc.
Nhưng tôi tin rằng sau bài báo này, biết đâu các đạo diễn tìm đến người đàn ông này để mời ông đóng phim về Bác Hồ của chúng ta.
[VIDEO] Trò chuyện với người đàn ông giống Bác Hồ Ngày 18/2, nhóm phóng viên PetroTimes đã tìm đến địa chỉ do bạn đọc cung cấp để trò chuyện với người đàn ông có dung mạo giống Bác Hồ. |
So sánh ảnh Bác Hồ với người giống Bác Với sự trợ giúp của độc giả, nhóm phóng viên PetroTimes đã tìm được người đàn ông có vẻ ngoài giống Bác Hồ đến kỳ lạ. Ông tên Lâm Văn Lập (52 tuổi) ở TP Lào Cai. |
[Chùm ảnh] Gặp mặt người đàn ông giống Bác Hồ đến kỳ lạ Lần theo thông tin do độc giả cung cấp, nhóm phóng viên PetroTimes đã tìm được người đàn ông đặc biệt này thành phố Lào Cai. |
Thiên Minh - Xuân Hinh
Năng lượng Mới số 499
-
[VIDEO] Petrovietnam: 65 năm hiện thực mong ước của Bác Hồ
-
[VIDEO] Người Việt ở Nga với Bác Hồ và quê hương
-
[PetroTimesTV] Đoàn 36: Những bước chân đầu tiên của cuộc trường chinh đi tìm lửa
-
[PetroTimesTV] Dầu khí là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất của đất nước
-
Gần 2 vạn lượt khách vào Lăng viếng Bác trong sáng 30/4