Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chuyện về một người 2 lần tự tử nhưng không… được chết!

09:14 | 29/01/2019

6,581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Những ngày ở trại giam đối với ông Lân thật khủng khiếp. Chịu không nổi sự đau đớn giày vò vì bị bắt oan và bị hành hạ bởi đủ kiểu mà đám giang hồ nhốt chung nghĩ ra, ông Lân bèn tìm đến cái chết.

Ngắm nhìn những tấm ảnh ông cười rạng rỡ khi đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007, rồi ảnh ông điềm tĩnh ngồi đàm phán với đối tác nước ngoài, hoặc ảnh ông ký kết hợp đồng kinh tế… Tôi cứ thấy ớn lạnh trong người với suy nghĩ: Ngày ấy, nếu như sợi dây ông treo cổ không bị đứt, nếu như cái gã giang hồ Hải “bánh” không về đúng lúc, thì hẳn bây giờ ông đã được con cháu, bạn bè tổ chức lần giỗ thứ… 8. Và cái chết của ông sẽ là dấu chấm hết cho một đơn vị kinh tế có tiếng bậc nhất ở Bình Dương và chắc chắn là niềm vui vô bờ bến cho một số người đã bất chấp pháp luật, vu cho ông cùng các cộng sự đủ thứ tội. Họ tạo cớ để bắt ông và các cộng sự vào nhà giam, rồi dùng đủ mọi thủ đoạn nhằm bắt họ phải nhận những hành vi mà dù có nằm mơ ông cũng không nghĩ tới.

Ông là Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hưng Thịnh.

Vóc người nhỏ nhắn nhưng rắn chắc và nhanh nhẹn, cùng với cách nói cương quyết của ông, khiến người khác dễ nghĩ ông như một… võ sư. Ông lập nên cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, từng chịu đựng đủ mọi khó khăn vất vả của cuộc đời, vậy mà có lúc buông xuôi, tìm đến cái chết để mong được giải thoát…

Tôi hỏi ông: “Vì sao ông lại tìm đến cái chết, chả lẽ ông không biết đó là lối thoát tiêu cực nhất?”.

chuyen ve mot nguoi 2 lan tu tu nhung khong duoc chet

Ông Bùi Mạnh Lân nhận Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007.

Ông cười buồn và bảo: “Bây giờ nói thì dễ, nhưng lúc ấy… Anh thử nghĩ xem, một người như tôi…, dù chẳng phải là quan chức quyền lực gì, nhưng là người được bạn bè, xã hội xem trọng, đang mang hết tâm huyết của mình ra xây dựng kinh tế, được chính quyền tin cậy. Vậy mà chỉ trong chốc lát, trở thành kẻ nằm trong “Chuyên án Năm Cam giai đoạn 2”, bị nhốt chung với những kẻ giang hồ, lưu manh như Hải “bánh”; bị cắt thăm nuôi, cắt tiếp xúc, bị quát nạt, bị vu oan, xỉ nhục, bị ngày cũng như đêm phải trả lời những câu hỏi mà không liên quan gì đến “hành vi phạm tội” theo như lệnh bắt khẩn cấp.

Lần theo hồ sơ vụ án này, chúng tôi thấy quả là chuyện không thể nào tin nổi.

Năm 2003, ông Bùi Mạnh Lân là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Thịnh. Hưng Thịnh là Công ty lớn ở tỉnh Bình Dương, và là chủ đầu tư khu Công nghiệp Đồng An để cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thuê. Cũng phải nói thêm rằng, khu Công nghiệp Đồng An rộng 145hécta là khu công nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký giấy phép số 01 và cấp giấy phép vào ngày 1/1/1997. Năm 2002 đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Vào thời điểm đầu năm 2003, khu công nghiệp đã có gần 100 nhà đầu tư nước ngoài đến thuê mặt bằng sản xuất. Ngoài thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, ông Lân cũng rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Có một điều khác với nhiều doanh nhân là ông lặng lẽ làm từ thiện, lặng lẽ đóng góp và rất ít tiếp xúc với báo chí. Mỗi năm, ông chi hàng chục tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội, nhưng hầu như không mấy ai biết. Khi nói chuyện với ông, tôi thấy ông rất ghét cái lối mượn danh nghĩa làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi.

Trong Khu Công nghiệp Đồng An có một đơn vị kinh tế chuyên làm nghề kinh doanh sang chiết gas đến thuê mặt bằng sản xuất, đó là Công ty Cổ phần Gas Bình Dương. Công ty này có 4 sáng lập viên là ông Đỗ Cao Bằng, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Viết Tạo là Tổng giám đốc, ông Nguyễn Đức Bình là Ủy viên HĐQT, ông Phạm Văn Hướng là Ủy viên HĐQT và là Phó tổng giám đốc.

Trong quá trình làm ăn, giữa 4 vị sáng lập viên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” này, thì các ông Bằng, Hướng, Bình cho rằng ông Tạo có những biểu hiện lạm quyền, bộc lộ ý đồ chiếm đoạt tài sản của công ty. Vụ việc được đưa ra tòa Kinh tế thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương giải quyết. Nhưng các bên vẫn nghi ngờ nhau về tài sản. Ngày 18-9-2000, thấy ông Tạo có hành động tẩu tán tài sản, ông Đỗ Cao Bằng bèn đưa một số bạn bè, chiến hữu vào nhằm ngăn chặn. Ông Tạo đưa bảo vệ công ty ra chống lại… Thấy tình hình có nguy cơ “đụng dao kiếm”, Công an tỉnh Bình Dương đã điều lực lượng đến và vụ việc chấm dứt ở đó. Sau đấy, Ban Quản lý Khu Công nghiệp Đồng An và Công an tỉnh Bình Dương đã mời các bên ngồi lại và giải quyết. Mọi khúc mắc coi như chấm dứt vào cuối năm 2000.

Vụ việc tưởng như chìm vào quên lãng thì đến đầu năm 2003 lại sinh chuyện.

Số là vào thời điểm từ năm 2001 đến đầu 2003, vụ án Năm Cam gây chấn động xã hội. Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Việt Thành hay còn được gọi bằng cái tên rất đỗi thân thương – anh Tư Bốn, là Thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, và là Trưởng ban Chuyên án Năm Cam (Z501), hàng chục tên tội phạm cờ bạc, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi v.v… đã bị bắt, kèm theo đó là hàng chục sĩ quan Công an bị kỷ luật hoặc bị đưa ra truy tố, trong đó có cả ông Bùi Quốc Huy, Giám đốc CA TP Hồ Chí Minh… Ông Tư Bốn trở thành “người hùng” trong đấu tranh chống tội phạm, được nhân dân yêu quý gọi là “Bao Công mới”.

Trong quá trình điều tra vụ án Năm Cam và về sau này nữa, hầu như tất cả các đối tượng bị bắt, nếu là ngoài lực lượng Công an đều không được giam ở trại của Bộ mà ông Tư Bốn đưa hết về trại giam của Công an tỉnh Tiền Giang. Để “tăng cường sức mạnh”, ông cho thành lập một tổ điều tra đặc biệt mang mật danh A4 gồm một số điều tra viên của Phòng Cảnh sát Điều tra – Công an Tiền Giang và Nguyễn Văn Nên, Phó trưởng phòng được giao làm tổ trưởng. Vào thời điểm này, uy tín của ông Tư Bốn rất cao và quả thực là “trên thì giời, dưới thì… Tư Bốn”. Ông Tư cũng là người có “biệt tài” sử dụng báo chí làm công cụ cho mình. Lịch sử Công an nhân dân chưa bao giờ có cảnh mỗi khi Công an đi bắt tội phạm thì lại có hàng chục xe máy của nhà báo phóng theo. Chuyện về ông Tư Bốn, chúng tôi sẽ đề cập đến trong những bài điều tra khác.

chuyen ve mot nguoi 2 lan tu tu nhung khong duoc chet

Một góc Khu công nghiệp Đồng An.

Trở lại vụ án của ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng…

Dù đã được Tòa án Bình Dương giải quyết theo luật định, dù đã được Công an Bình Dương và Ban Quản lý Khu Công nghiệp Đồng An giải quyết xong, nhưng ông Nguyễn Viết Tạo vẫn ấm ức. Thế là ông gửi đơn lên Ban Chuyên án Z501, tố cáo ông Bằng, ông Hướng và một số thành viên trong HĐQT của Công ty Hưng Thịnh đã thuê các đối tượng trong băng nhóm Năm Cam đến chiếm giữ tài sản của Công ty Gas Bình Dương. Ông Tư Bốn giao việc điều tra cho tổ A4.

Sau gần 2 tháng điều tra, ngày 6/1/2003, Nguyễn Văn Nên đã gửi báo cáo số 15 gửi ông Tư Bốn về kết quả xác minh “14 tên xã hội đen, do Đỗ Cao Bằng và Nguyễn Đức Bình (là đàn em của Năm Cam) thuê mướn đến gây rối và chiếm giữ tài sản của Công ty Gas Bình Dương”. Đồng thời đề nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự với tội danh “gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản” rồi ủy thác cho Cơ quan CSĐT, CA Tiền Giang điều tra.

Hai ngày sau, ông Tư Bốn có bút phê chỉ đạo: “Gửi anh Bình, PCTC16, anh Việt – Phó CTC14. Đọc báo cáo của tổ A4, thấy đây là vụ xử lý tranh chấp ngang nhiên, trắng trợn, trái pháp luật của Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình. Tổ A4 đã điều tra, xác minh khá chu đáo, chặt chẽ, có cơ sở xử lý theo pháp luật vụ này. Vì vậy đề nghị hai anh có cuộc họp cùng tôi để dự bàn: xác định rõ chứng cứ, kế hoạch bắt và bắt khẩn cấp, giải tỏa Công ty Gas Bình Dương đi vào hoạt động; bắt trước 2 tên hay bắt cả 4 tên. Tôi yêu cầu hai anh quan tâm đến vụ này. Không thể bất lực với bọn côn đồ này…”.

Ngày 22/3/2003, vào lúc 14giờ, Ban Chuyên án họp và thống nhất chỉ đạo: “Làm thủ tục bắt, khám xét khẩn cấp 05 tên: Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình và 03 đối tượng được thuê đến gây rối là Trang Quốc Thọ, Nguyễn Văn Có và Phạm Văn Luông; giao C16 khởi tố vụ án rồi ủy thác điều tra cho PC16 Công an Tiền Giang điều tra. Thống nhất ý kiến của đồng chí Tiến – Phó trưởng phòng 5/C16 khởi tố thêm tội cưỡng đoạt tài sản, củng cố chứng cứ trong 07 ngày sau khi bắt khẩn cấp 05 đối tượng trên để xin VKSNDTC phê chuẩn lệnh tạm giam. PC16 Công an Tiền Giang làm thủ tục tố tụng (lệnh bắt, khám xét khẩn cấp); C14 theo dõi bám sát đối tượng; C17 theo dõi Nguyễn Đức Bình (vì Bình là đối tượng buôn bán ma túy trước đây Việt Nam – Nhật Bản); thực hiện lệnh bắt khám xét khẩn cấp vào ngày 25/3/2003”.

Thật khốn khổ cho Nguyễn Đức Bình, một người trước đây có đánh hàng “xì-cơn-hen” từ Nhật về, nay bỗng dưng thành “buôn bán ma túy”.

Nhưng tội của Nguyễn Đức Bình chưa là “cái đinh gì”, so với tội của ông Bằng. Ông Đỗ Cao Bằng là người rất có tiếng tăm mà không vì cái chức Chủ tịch HĐQT. Ông là một bác sĩ quân y đã chiến đấu ở các chiến trường Lào, chiến trường B5, Campuchia. Năm 1972, trong một trận đánh ác liệt ở Quảng Trị, ông bị thương khá nặng (sau này xếp hạng 2/4). Được chữa khỏi, ông lại đòi đi chiến đấu và ngày 30/4/1975, ông đã có mặt ở Sài Gòn trong đoàn quân chiến thắng. Rồi năm 1979, ông lại sang Campuchia, chiến đấu ở với quân Pôn Pốt ở tỉnh Krache…

Sau này, khi làm doanh nhân, ông vẫn không quên những đồng đội đã ngã xuống. Suốt bao năm, ông lặng lẽ đi tìm hài cốt đồng đội, xây dựng hàng chục miếu thờ… Ngày 18/3/2003, ông ra Gò Công để giao nhà tình nghĩa cho thương binh nặng và bàn bạc với chính quyền xây nhà cho 12 đồng chí thương binh khác nữa… Nhưng trời ạ, tất cả hoạt động của ông trong những ngày ấy đều được báo cáo về tổ A4 và người ta nhận định rằng Đỗ Cao Bằng đang đi “rửa tiền”.

chuyen ve mot nguoi 2 lan tu tu nhung khong duoc chet

Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương.

Ngày 27/3/2003, vào lúc 15h. Khu Công nghiệp Đồng An náo loạn bởi hàng chục cảnh sát với vũ khí trong tay rầm rập ùa vào từng phòng và “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hàng chục nhà đầu tư nước ngoài đang họp tại phòng họp lớn cũng được lệnh ngồi im tại chỗ. Có ông Tây nhìn cảnh sát súng AK trong tay lăm lăm canh giữ, sợ phát khóc. Lệnh bắt khám xét khẩn cấp đối với Đổ Cao Bằng và Nguyễn Đức Bình cùng ba đối tượng khác là Thọ, Có và Luông được Phòng CSĐT CA Tiền Giang thực hiện.

Câu đầu tiên mà Nguyễn Văn Nên hỏi ông Đỗ Cao Bằng tại trại giam của CA Tiền Giang là: “Mày đi rửa tiền ở Gò Công à?”.

Bắt nhốt được ông Đỗ Cao Bằng và Nguyễn Đức Bình vào trại xong, Nguyễn Văn Nên lại điều tra về ông Bùi Mạnh Lân vào Phạm Văn Hướng. Ngày 27/4, Cục Cảnh sát Hình sự – Bộ Công an (C14 ngày ấy) có Công văn số 03/C14B báo cáo nhanh gửi ông Tư Bốn về việc Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng đang tìm cách bán nhà, bán cổ phần, tài sản, không về nơi thường trú và có dấu hiệu bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giám sát của trinh sát… Báo cáo cũng đề xuất áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn để bắt giữ Lân và Hướng.

Ngày 28/4, ông Tư Bốn có bút phê và cho lệnh bắt khẩn cấp với ông Lân và Hướng. Việc bắt này phải được thực hiện trước ngày 30/4.

Ngày 29/4, Nguyễn Văn Nên ký lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng về tội “Gây rối trật tự công cộng”…

Lệnh bắt được thực hiện vào chiều ngày 29/4, ông Lân được đưa về Tiền Giang giam chung với Hải “bánh”.

Công ty Hưng Thịnh như rắn mất đầu. Hàng chục nhà đầu tư nước ngoài đang yên ổn làm ăn nay hoảng sợ, bỏ của chạy lấy người. Hàng loạt công trình bị bỏ dở, thiệt hại về vật chất lên gần 100 tỉ.

Những ngày ở trại giam đối với ông Lân thật khủng khiếp. Chịu không nổi sự đau đớn giày vò vì bị bắt oan và bị hành hạ bởi đủ kiểu mà đám giang hồ nhốt chung nghĩ ra, ông Lân bèn tìm đến cái chết. Lần thứ nhất, lợi dụng lúc phòng giam không có ai, ông bèn xé quần áo bện làm dây, treo lên xà nhà… Nhưng số ông chưa… được chết. Sợi dây bị đứt, quăng ông xuống nền nhà, đập chân vào cạnh bệ xi măng, rách toạc ra. Ông lại nghiến răng chịu đau, bện tiếp sợi dây khác. Đúng lúc đó, Hải “bánh” đi cung về, vội vàng ngăn lại. Hiểu nỗi lòng của ông, Hải “bánh” ôm lấy ông và khóc rưng rức, bởi lẽ trong lòng Hải “bánh” cũng chứa chất quá nhiều nỗi niềm mà phải đào sâu chôn chặt.

Mấy ngày sau, ông lại tìm đến cái chết bằng cách lao đầu vào bể nước, nhưng cũng không… được chết!

Hải “bánh” vội vàng bẩm báo Nguyễn Văn Nên và ông bị chuyển sang phòng giam khác.

Trong những ngày ông Lân bị giam thì ở bên ngoài, giữa Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát Tối cao đã có những cuộc “đối đầu” căng thẳng.

Phóng sự điều tra của Nguyễn Như Phong

N.N.P