Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chuyện về làng chiếu Cẩm Nê

06:45 | 16/06/2024

542 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từng suy rồi thịnh, từng có cả trăm hộ làm nghề nhưng giờ đây khung dệt bụi phủ, tay người chênh chao. Nỗi niềm của làng chiếu chẳng mấy người thấu tỏ khi cả làng chỉ còn duy nhất một bà lão dệt chiếu, cùng những chông chênh.
Chuyện về làng chiếu Cẩm Nê
Sợi cói được nhuộm với nhiều màu sắc rồi phơi khô

Gió buồn qua miền cói

Làng Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, Hoa Vang, Đà Nẵng) giờ đã khác khi đời sống người dân khấm khá hơn rất nhiều, bao quanh vẫn là đồng lúa đang chín vàng và chon von những ngôi nhà 2-3 tầng rợp bóng cây xanh. Làng từng nổi tiếng với nghề dệt chiếu và những chiếc chiếu đặc biệt dệt để tiến vua. Người làng trong câu chuyện mỗi tối, vẫn nhớ về nghề cha ông với câu chuyện chiếc chiếu hoa được tiến kinh ngày trước. Chiếu rộng 2,5m và dài tới 25m, được những người dệt chiếu lão luyện làm trong gần 1 tháng. Nhờ chiếc chiếu ấy, người làng đã được ban thưởng trọng hậu và sau kỳ tích đó, tiếng tăm chiếu Cẩm Nê đã bay đi khắp nước.

Tôi vào làng, người xứ ruộng đồng vẫn quê kiểng, chân chất như bao đời qua. Thủng thẳng trong câu chuyện về làng mình, những người già của làng vẫn nhiều lưu luyến về thời quá vãng vàng son cách đây mấy trăm năm. Có nguồn gốc từ Thanh Hóa lúc vua Lê Thánh Tông mở đất về phương Nam, nhiều người đã ở lại đây sinh sống mang theo nghề dệt chiếu. Hơn 500 năm, nghề làm chiếu đã nuôi sống người ở đất này. Người làng cũng rất tự hào về một nghề được truyền nối qua bao thế hệ. Làng chiếu Cẩm Nê cứ thế nổi tiếng gần xa. Nhà nào cũng có ít nhất 1 khung dệt, nhà nhiều thì có 3, 4 khung và thuê nhân công dệt ngày, dệt đêm. Làng quê luôn rộn ràng tiếng rập khung, tiếng xe cộ chuyển hàng. Từ đầu làng đến cuối làng rực rỡ những gam màu vàng, xanh, đỏ, tím… nhuộm trên những sợi cói được hong phơi.

Chuyện về làng chiếu Cẩm Nê

Khoảng những năm 1980-1990, chiếu Cẩm Nê ở vào giai đoạn cực thịnh khi sản phẩm của làng bán khắp cả miền Trung. Nhà nhà dệt chiếu. Khung lớn, khung bé rải đều từ nhà dưới lên nhà trên. Trong nhà khi nào cũng có cả chục người làm, xe cộ nườm nượp vào ra để chở chiếu đem bán. Đến mỗi dịp tết, đơn hàng tới tấp. Ngày thường, khung dệt 2-3 đôi chiếu thì phải tăng ca thành 4 mà vẫn không đủ bán. Nhưng thịnh rồi suy, làng chiếu bây giờ dường như chỉ còn cái tên, bởi chẳng còn những lách cách thoi đưa, những sợi cói rực rỡ trong nắng, những bãi đay bãi lác rì rào trong gió, tất cả chỉ là một thời của quá vãng. Những cơn lốc của thị trường đã cuốn làng chiếu lao đao. Nào là những sản phẩm đệm, rồi chiếu nhựa, chiếu công nghiệp, các loại thảm với giá rất rẻ đã đánh sập nghề gia truyền mấy trăm năm của làng.

Quá trưa, bà Dương Thị Thông (65 tuổi) mới tất tả đạp xe về. Bà là con gái cụ Ngô Thị Thân - một nghệ nhân dệt chiếu hơn 70 năm làm nghề của làng. Bà Thông cũng là một nghệ nhân và là người cuối cùng còn dệt chiếu ở làng. Trước cửa, tấm biển giới thiệu sản phẩm làng nghề chiếu Cẩm Nê của bà đã bạc như cái nghề dệt chiếu đang lay lắt ở chính nơi này. Giờ bà Thông chỉ thi thoảng mới dệt chiếu khi có khách đặt hàng, hay khi có đoàn du lịch tới tham quan và chỉ những dịp cuối năm khi việc nông đã vãn, việc làm thuê cũng vơi. Còn lại, ngày ngày bà đi phụ hồ, đi nấu đám tiệc, hay làm các công việc lặt vặt khác. Bởi nghề gia truyền giờ không còn nuôi sống nổi thân mình, bỏ thì cũng tiếc lắm chứ!

Chuyện về làng chiếu Cẩm Nê
Bà Thông cùng người bạn già dệt chiếu

Với bà, nghề dệt chiếu đã như máu như thịt, là nghề gia truyền, ông bà nội và cha mẹ bà đều là những nghệ nhân dệt chiếu trong làng. Tuy trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, gia đình bà vẫn cố gắng giữ cho được nghề. Ngay từ năm 10 tuổi, bà Thông đã được cha mẹ truyền lại và cho đến nay bà đã gắn bó với nghề hơn 55 năm. Trong mạch ngầm trí nhớ, bà Thông vẫn như mường tượng ra cảnh người làng từ già đến trẻ, người trồng lác, người chăm đay, người se sợi, người nhuộm cói..., tiếng gọi tiếng cười, tiếng thoi, tiếng cửu rộn ràng với cả tiếng mua bán giăng kín cả làng chiếu này. Chỉ chừng đó thôi đủ thấy thời đỉnh cao của làng nghề dệt chiếu này đã huy hoàng đến mức nào. Ký ức ấy, bà Thông chưa bao giờ một lần dám quên. Nhưng rồi thời cuộc, rồi kinh tế thị trường... đã đưa những kỷ niệm hoàng kim ấy lùi xa sau cơm áo gạo tiền.

Công làm một chiếc chiếu không hề nhỏ, từ việc gặt lác, chặt đay về đem phơi, rồi phẩm nấu lên và nhúng sợi lác vào, nhúng từng nắm một và mang phơi nắng. Một nắm lác có thể nhuộm 1 hoặc 2, 3 lần. Mỗi khung dệt có 2 người tham gia. Trong đó, một người luồn cói và người kia dùng go dệt cói vào đay cho chắc chắn. Chiếu dệt xong mang phơi khắp sân, cuối cùng ghim các đầu dây đay cho hai đầu chiếu khỏi bung ra. Để chiếu không lệch thì làm công đoạn này phải khéo tay và có cặp mắt tinh tế. Viền chiếu luôn được gấp rất kỹ, độ dày cũng lớn hơn, độ bền chắc chắn và nằm êm lưng hơn so với chiếu địa phương khác. Giá mỗi đôi chiếu đặt làm đặc biệt có giá 700-800 nghìn đồng, tương đương với chiếu trúc làm máy. Sau khi trừ tiền thuê nhân công và nguyên vật liệu thì gần như không còn một đồng lời. Do không có nguồn nguyên liệu tại chỗ, người làng chiếu phải đặt mua sợi cói từ địa phương khác, lấy công phơi, nhuộm cói, dệt chiếu làm lời. Mỗi chiếc chiếu thủ công thông thường được bán với giá khoảng 250-300 nghìn đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, số tiền bán được có khi cũng không đủ trang trải cuộc sống. Bởi vậy, nghề cứ dần lụi đi.

Chuyện về làng chiếu Cẩm Nê
Bà Thông thi thoảng dệt chiếu khi có khách du lịch đến làng tham quan hoặc khi có khách đặt hàng và vào độ tết
Đối với những chiếc chiếu hoa, người nghệ nhân phải nhuộm từng gam màu vào các sợi lác như: màu vàng, màu lục, màu đỏ, màu xanh…, sau đó đem phơi. Khi phơi xong mới đến công đoạn dệt. Bởi vậy, khắp các nẻo đường khi bước chân vào làng chiếu Cẩm Nê, du khách sẽ thích thú bởi mùi hương của cói và màu sắc rực rỡ từ nguyên liệu này

Người còn nhớ tiếng thoi đưa

Tôi đi khắp làng, ngang qua những xóm Ðùng, xóm Ðồng Khánh, xóm Bến Ðò, xóm Bến Bắc, xóm Dinh, xóm Làng... chẳng còn vang tiếng loạch xoạch làm chiếu nữa. Nhiều người già đau đáu với cái nghề của cha ông nhưng đành chịu. Khi cuộc sống rơi vào khó khăn, người làng lần lượt bỏ nghề, những khung dệt dần đóng bụi.

“Cách đây 5-7 năm, sau nhiều năm cất giữ với ước mong hồi sinh làng nghề, nhiều nhà đành phá khung dệt vì chật nhà. Người làng cái tay không còn quen đưa thoi, bàn chân không còn quen dập, con mắt không còn quen nhìn màu nhuộm nữa. Đau lòng lắm!”, bà Ngô Thị Mua (66 tuổi, trú thôn Cẩm Nê), người phụ làm chiếu với bà Thông bộc bạch.

Còn bà Thông gắn bó với nghề hơn 50 năm, trải qua biết bao những thăng trầm cùng khung dệt, vẫn không nỡ rời xa. Ngày trước cả làng có khoảng 200 hộ nhưng hộ nào cũng dệt chiếu mưu sinh. Khung cảnh làng quê nhộn nhịp lắm. Còn bây giờ, gần 700 hộ dân mà chỉ còn mình bà Thông bám trụ. Nguyện vọng duy nhất của bà là giữ nghề cho đến khi nằm xuống. Không làm thường xuyên nữa nhưng cần thì vẫn dệt chiếu để giữ lấy thương hiệu làng nghề. Dù vậy, tuổi đã cao, thỉnh thoảng bà Thông mới ngồi vào khung dệt. Chiếc khung dệt hầu hết nằm lặng lẽ ở góc sân mà nhớ bàn tay đưa thoi.

Cách đây chừng gần 7 năm, chính quyền huyện, xã từng triển khai các chương trình hỗ trợ để khôi phục làng nghề nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên liệu thiếu hụt, người dệt chiếu chẳng còn mặn mà khi thu nhập quá thấp, sức cạnh tranh của các loại chiếu công nghiệp khác là những nguyên nhân cốt lõi. Chính quyền các cấp cũng định hướng việc làng chiếu Cẩm Nê được khai thác và phát triển theo dướng du lịch làng nghề, điều này sẽ mang đến hiệu quả kép như vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân qua dịch vụ phục vụ du lịch, góp phần tăng nguồn thu, cải thiện đời sống kinh tế.

Năm 2017, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cũng về Cẩm Nê tìm người có tâm huyết để khôi phục nghề dệt chiếu. Nhưng không còn nhiều người. Những người dệt chiếu và bán chiếu nơi này đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, muốn dựng lại làng nghề phải đào tạo lớp thợ trẻ mới. Huyện cũng đã lập phương án khôi phục làng nghề truyền thống để tạo sản phẩm phục vụ du lịch. Huyện hỗ trợ 100 triệu đồng cho các khoản: làm lại mái che nhà xưởng, khung cửi; hỗ trợ tiền nhân công, tiền dạy nghề cho người còn yếu nghề… Trong đó trực tiếp hỗ trợ 45 triệu cho bà Thông để mua nguyên vật liệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Dưới sự “đỡ đầu” của chính quyền.

Chuyện về làng chiếu Cẩm Nê
Những chiếc khung dệt phủ bụi, có chiếc nằm đợi người đưa thoi

Có vốn, bà Thông mua lác từ miền Tây Nam Bộ, từ Quảng Nam về làm. Bà cũng vận động 2 người nữa dệt chiếu. Nhưng rồi, họ cũng buông tay. Làm chiếu cần phải có 2 người, còng lưng cả ngày có khi không có lãi, may chăng có những đoàn du lịch họ đến tham quan, hay dịp tết đến rỗi việc thì bà Thông mới làm và chỉ lãi được 100 nghìn đồng/đôi chiếu. Cực nhọc là vậy, mà buông khung dệt là lòng bà cứ bồn chồn. Gần một đời theo nghề dệt chiếu, bà Thông hiểu rằng, để có được thương hiệu trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng, chiếu Cẩm Nê phải được làm hoàn toàn bằng thủ công và phải giữ đúng với kỹ thuật của làng. Nhưng rồi cũng rơi rụng dần, giờ chỉ còn một mình bà Thông dệt chiếu, khó có thể tạo thành một làng nghề. Những thanh âm trỗi lên từ những khung cửi dệt chiếu không còn thường xuyên vang lên rộn rã ở các căn nhà ở làng Cẩm Nê.

Chuyện về làng chiếu Cẩm Nê
Chuyện về Làng Chiếu Cẩm Nê

Bây giờ, bà Thông thương vô cùng cái nghề của cha ông, nhưng bất lực bởi sự hiu hắt của làng nghề. Bóng chiều hắt vào hiên nhà cũ, bà Thông ngồi bên khung dệt cùng người bạn già dệt chiếu. Đôi tay thoăn thoắt bện những sợi cói đủ màu sắc, tiếng thoi đưa chậm rãi như nhịp thở của người già. Những sợi cói, sợi lác nằm len lén bên hiên nhà đong đưa theo gió, hình như cũng chùng chình như muốn níu giữ lấy nghề đã lưu truyền qua bao đời của người thợ dệt chiếu cuối cùng xứ Cẩm Nê.

Điều làm nên sự khác biệt của các sản phẩm chiếu nơi đây đó chính là sự dày dặn, bền đẹp, nằm rất êm lưng. Ngoài ra, mùa hè, chiếu Cẩm Nê đem lại cảm giác thoáng mát, thoang thoảng mùi hương thơm của cói. Vào mùa đông, chiếu lại tỏa ra một hơi ấm lạ thường.

Hữu Cường - Bảo Anh