Chuyện trên tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam (Kỳ 5)
Chuyện trên tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam (Kỳ 4) |
Chuyện trên tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam (Kỳ 3) |
Vào khoảng năm 2010-2011, PV Trans đúng nghĩa là một “con tàu sắp đắm”: Nợ nần thì chồng chất, có 16 đơn vị thì 7 đơn vị làm ăn thua lỗ, 3 đơn vị phá sản, có đơn vị vốn pháp định là 362 tỉ thì lỗ hơn 300 tỉ.
Hoàn cảnh lúc đó thật là bi đát. Mà “tàu sắp đắm” thì ai “có phao” là tìm đường bơi đi ngay. Năm tháng ấy, một bầu không khí thê thảm, ảm đạm bao trùm tất cả.
Máy tàu Athena |
Một trong những nguyên nhân lớn nhất làm con tàu PV Trans nghiêng ngả là giá thuê tàu trên thế giới giảm xuống đáy. Nếu so với giá thuê tàu hiện nay, thì giá thuê tàu ngày ấy giảm đến mức không ai có thể tưởng tượng nổi. Ví dụ năm 2010, giá thuê những con tàu như Athenna, Hercules còn là 35.000-40.000USD/ngày, thì vào thời điểm đầu năm 2011 chỉ còn 3.000USD/ngày. Trong khi đó, chi phí nuôi tàu nằm bờ đã là 15.000USD/ngày.
Nằm bờ cũng chết, mà đi chở thuê thì cũng chết. Không những vậy, lại còn phải cõng gánh nặng nợ nần từ Vinashin chuyển sang.
Tàu Athena được bảo dưỡng tại Dung Quất |
Thấy con tàu Vinashin sắp đắm, các ngân hàng cũng ngần ngại không muốn cho vay nữa.
Anh Phạm Việt Anh, khi đó là Tổng giám đốc PV Gas đã được điều về làm Tổng giám đốc PV Trans trong bối cảnh như vậy đó.
Khác với nhiều cán bộ của PV Trans và PTSC đều trưởng thành từ những người đi biển, Phạm Việt Anh lại vào nghề từ một anh kỹ sư cơ khí chế tạo máy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trời cho anh năng khiếu nói tiếng Anh, nên khi Công ty Địa vật lý và Dịch vụ Dầu khí thông báo tuyển dụng, Phạm Việt Anh tới dự tuyển. Một người cùng đi dự tuyển với anh khi ấy là Phạm Tiến Dũng, bây giờ đang là Tổng giám đốc của PV Drilling.
Vì có khả năng tiếng Anh tốt nên anh cũng như Phạm Tiến Dũng trúng tuyển ngay. Về nhận việc được ít hôm, công ty lại chọn những người có khả năng tiếng Anh tốt đi làm thuê cho một tập đoàn dầu khí quốc tế danh tiếng là BP. Năm 1994, Việt Anh lại được phân công thực hiện một nhiệm vụ rất thú vị là đưa một đoàn chuyên gia của Mobile đi khảo sát về tình hình hoạt động dầu khí ở Việt Nam. Năm 24 tuổi, Việt Anh đã được mời làm giám sát của Mobile khi đang thăm dò ở mỏ Thanh Long.
Trong lịch sử cận đại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có rất nhiều cán bộ được đề bạt từ khi còn rất trẻ. Việt Anh là một trong số đó. 28 tuổi, anh đã được bổ phiệm làm Phó giám đốc PTSC Marine. Đến năm 35 tuổi, anh đã là Phó tổng giám đốc PTSC.
Kết nạp Đảng cho Thuyền trưởng Nguyễn Thế Việt và Đại phó Trần Ngọc Thường |
Năm 2007, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng thành viên ngày ấy cùng Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh quyết tâm gây dựng đội tàu chở dầu cho Tập đoàn Dầu khí. Đây là một chủ trương có tầm nhìn rất xa của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Và thế là, tháng 8-2007, Phạm Việt Anh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PV Trans. Khi đó, anh mới 36 tuổi. Nhưng rồi khi làm ở PV Trans, chưa kịp thực hiện hoài bão, ước mơ gì, anh lại được điều sang làm Tổng giám đốc PV Gas. Rồi đầu năm 2010, anh lại đảm nhiệm chức Phó chủ tịch HĐQT của PTSC. Và cuối năm 2010, khi “con tàu” PV Trans đã “chìm”, chỉ còn ngóc được mũi tàu lên thì Phạm Việt Anh lại được điều về làm Tổng giám đốc.
Hôm ở Kuwait, tôi đã chứng kiến Phạm Việt Anh cùng với Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh và một số cán bộ trao đổi với Công ty Dầu mỏ Kuwait về một dự án có tính chiến lược là vận chuyển dầu thô từ Kuwait về cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sau này. Nếu như kế hoạch này thành công, chỉ cần phía Kuwait giao cho PV Trans chở một nửa số dầu chuyển về Nghi Sơn thì đội tàu của PV Trans phải tăng lên so với hiện nay khá nhiều.
Và tôi đã có một buổi trao đổi khá lâu với Phạm Việt Anh, mà chủ yếu là được nghe những bài học kinh nghiệm của lãnh đạo PV Trans về việc làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng khốn khó ngày đó, và đưa PV Trans trở thành một trong 50 đơn vị có giá trị thương hiệu mạnh nhất Việt Nam.
Cũng phải nói thêm rằng, trước đây, từ khi Báo Năng lượng Mới ra đời, phóng viên báo đã nhiều lần đề nghị viết bài về hoạt động của PV Trans, nhưng hầu hết bị từ chối. Chính tôi cũng đã có lúc cảm thấy rất khó chịu và nghĩ rằng lãnh đạo PV Trans “lạnh lùng với báo chí”.
Nhưng hóa ra không phải thế. Lý do là trong suốt mấy năm qua, PV Trans phải vật lộn với bao nỗi khó khăn, vất vả và cảm thấy chưa vững chắc nên các anh không muốn tuyên truyền.
Phạm Việt Anh nói rằng, nếu nói về những gì PV Trans đã làm được thì phải nói rất dài và có khi kể ra cũng chẳng ai tin nổi.
Từ đầu năm 2011, tập thể lãnh đạo của PV Trans đã nhận thấy mô hình tổ chức, quản lý của PV Trans có nhiều điều không ổn. Chính vì vậy, việc đầu tiên phải thực hiện là tập trung chuyển từ quản lý toàn diện đến quản lý chung và xé nhỏ các đơn vị tàu.
Cách làm này là để tránh rủi ro, bởi có những tàu của PV Trans bị bắt siết nợ. Khi một con tàu bị như vậy thì cả công ty “chết theo”. Do đó, phải phân tán nhỏ lẻ và phải gắn trách nhiệm cho giám đốc các công ty.
Khi tổ chức lại theo mô hình này, phải tuyên chiến với lề thói cũ, đó là khi thắng lợi thì cho rằng “thành công này là do tôi, của tôi”, còn khi thất bại thì lại nói rằng “lỗi này là của chúng ta” - nghĩa là có công thì cá nhân hưởng, có tội thì tập thể chịu. Bây giờ thì không thể tiếp tục như vậy, việc gì cũng phải có một người chịu trách nhiệm đến cùng và dứt khoát phải tuyên chiến với kiểu “chịu trách nhiệm tập thể”, chấm dứt tình trạng cha chung không ai khóc.
Thêm vào đó, làm việc gì cũng phải có kiểm tra chéo. Tất cả phải hết sức minh bạch, đặc biệt là về mặt tài chính.
Chính những cải tổ mạnh mẽ, quyết liệt và rất hợp lý đó đã tạo nên sức bật mới cho toàn tổng công ty.
(Xem tiếp kỳ sau)
Chuyện trên tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam (Kỳ 2) | |
Chuyện trên tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam |
Nguyễn Như Phong
Năng lượng Mới