Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chuyện tình cảm động của đôi vợ chồng khuyết tật

07:00 | 20/10/2013

1,213 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khác với cuộc sống ồn ào phố thị là một khung cảnh yên bình của một túp lều nhỏ nằm cạnh cánh đồng xã Vĩnh Quỳnh. Nhiều người đều gọi đó là “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” bởi câu chuyện tình cảm động của đôi vợ chồng khuyết tật.

Hai mảnh đời một số phận

Nhiều năm nay, người dân xung quanh xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội không còn xa lạ với hình ảnh một đôi nam nữ ngồi chung một chiếc xe lăn rong ruổi trên đường. Dù nắng hay mưa đi đâu họ cũng có nhau, hai con người chung một số phận hòa vào dòng người tấp nập.

Đó là vợ chồng anh Dương Văn Minh, sinh năm 1983 quê ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và chị Nguyễn Thị Thương, sinh năm 1976 ở thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Túp nều nhỏ, vật dụng đơn sơ là tổ ấm của vợ chồng anh  Minh – chị Thương

Trò chuyện với chúng tôi về số phận mình, anh Minh chia sẻ, anh không may bị liệt từ nhỏ sau một trận ốm li bì khiến đôi chân anh không thể đứng và đi lại được. Gia đình anh đã đưa đi chạy chữa khắp nơi, bán hết mọi thứ trong nhà kể cả con bò vốn để cày ruộng, nhưng bệnh vẫn không khỏi. Nhà có tới 5 anh chị em, bố mẹ làm nghề nông chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nên học hết lớp 7 anh Minh đành phải bỏ học giữa chừng.

Ngày tháng cứ thế trôi đi, đến tuổi trưởng thành anh cũng thầm khát khao có được một mái ấm gia đình nhưng không dám nghĩ tới. Ước mơ của anh tưởng chừng như không bao giờ có được bỗng thành sự thật khi anh gặp chị Nguyễn Thị Thương là người cùng cảnh ngộ.

Hoàn cảnh cũng chẳng khác gì anh, chị Thương bị bại liệt sau một trận sốt. Tuổi thơ của chị trôi đi trong sự tự ti, mặc cảm. Nhà cũng có 5 anh chị em, bố mẹ làm ruộng nên không có điều kiện cho chị đi học. Khi biết nhận thức, bắt gặp ánh mắt lo lắng của bố mẹ, sự thương hại của mọi người xung quanh chị tự nhủ phải thật kiên cường, tập đi lại bằng nạng, tự làm những việc cá nhân, giúp bố mẹ việc vặt trong nhà.

Năm 2005, chị Thương xin đi học nghề tại Trung tâm dạy nghề khuyết tật Quỳnh Hoa để kiếm một nghề sau này để tự nuôi thân, để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Chính nơi đây, chị đã gặp anh Minh, nơi anh cũng đăng ký theo học. Ngay buổi gặp ban đầu, anh Minh đã thấy cảm mến sâu sắc người con gái hơn mình 7 tuổi. Rồi chính tình yêu chân thành của chàng trai kém tuổi mình đã làm trái tim chị Thương rung động.

Sự đồng cảm, vượt qua khó khăn để tìm đến nhau

Những ngày sống ở Trung tâm, hàng ngày chị Thương và anh Minh cùng nhau làm công việc gấp giấy cuộn tạo ra những sản phẩm con thú đồ chơi; gấp những tấm thiệp để kiếm những đồng tiền ít ỏi tự nuôi sống bản thân và dành dụm cho tương lai. Nhưng khi tình yêu của hai người đang độ chín thì gặp sự phản đối của gia đình.

Anh chị cũng không nhớ đã về quê nhau bao lần để thuyết phục hai bên gia đình. Những ngày đầu anh chị yêu nhau khiến ai cũng ái ngại vì gia đình bố mẹ hai bên cho rằng, cả hai cùng khuyết tật ở chân, tự đi lại đã khó khăn thì làm sao mà nuôi nổi nhau. Sau nhiều lần thuyết phục, bằng chính tình yêu chân thành của anh chị đã khiến hai bên gia đình chấp thuận.

Anh Minh tâm sự, quãng thời gian yêu Thương, cùng nhau vượt qua những khó khăn, vất vả là nhờ vào tình yêu. "Với những người có hoàn cảnh khuyết tật như chúng tôi thì tình yêu càng mãnh liệt vì chúng tôi có sự đồng cảm và cần nhau."

Bằng tình yêu chân thành để hạnh phúc bên nhau 

Một túp lều tranh, hai trái tim vàng

Túp lều nhỏ nằm tách khỏi làng, được xây tạm bợ với mái lợp prô xi măng và phủ vài mảnh chăn đã cũ. Nắng, mưa, gió, bão đều “ghé thăm”. Bên trong “Túp lều nhỏ” là  những vật dụng đơn sơ mà vợ chồng anh chị xin lại được của mọi người. Nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, chỗ tắm không có. Trước cửa lều dựng vài thanh tre và căng mảnh bạt làm nơi bán hàng nước... Nhưng nơi ấy  luôn tràn đầy tiếng cười.

“Vợ chồng tôi yêu nhau gần chục năm, ngần ấy năm chỉ mơ ước được bên nhau, giờ mới thành sự thật. Túp lều thế này chúng tôi cũng không dám mơ, không phải của vợ chồng tôi đâu, bố mẹ thầu ao cá, nên bọn chúng tôi mới có chỗ ở. Chỉ cần được ở bên nhau khó khăn mấy vợ chồng tôi cũng vượt qua”, anh Minh Chia sẻ.

Hàng ngày, anh Minh phải lê lết, dò dẫm mãi mới dọn được bộ bàn ghế nhựa để bán nước. Còn chị Thương cũng thật khó khăn khi vừa để rổ trứng trên đùi vừa lăn những vòng xe chậm chạp ra chợ bán. Bộ bàn ghế nhựa mỏng manh, vài chai nước giải khát, thúng trứng đặt dưới gầm giường là cả gia tài mà anh chị dành dụm để lập nghiệp.

Chị Thương cho biết, ngày bán hàng được nhiều nhất cũng chỉ vài chục nghìn, còn những ngày mưa thì chị không đi chợ bán trứng được, quán nước của anh Minh cũng ế ẩm, vắng khách vì ở đây gần cánh đồng nên ít người đi lại.

Quán nước mưu sinh của vợ chồng chị Thương

Khách vào quán nước của anh chị đa số là người quen, những người trong làng đi làm đồng tạt qua, hay những công nhân rửa xe rác tranh thủ ngồi nghỉ ngơi. Khách hàng của anh chị  cũng thật đặc biệt, họ tự túc phục vụ vì họ thông cảm cho ông chủ với đôi chân đi lại khó khăn.

Chia tay vợ chồng Minh khi buổi chiều thu, lúc vợ chồng anh Minh tranh thủ nấu bữa cơm tối. Người chồng với đôi chân gập vào nhau đang cố với lên bếp luộc rau, người vợ tập tễnh đi đong gạo nấu cơm... Mọi sinh hoạt của anh chị đều được gói gọn trong túp lều rộng khoảng 13m2, nhưng tiếng cười nói vẫn không ngớt. Chứng kiến cảnh tượng vợ chồng anh Minh hạnh phúc bên nhau, khiến chúng tôi phải thán phục. Tôi nhận ra giữa cuộc sống bộn bề, khó khăn, chông gai, họ vẫn sẵn sàng vượt qua, bởi họ đầy ý trí và nghị lực. Vẫn còn đó tồn tại “một túp lều tranh hai trái tim vàng”.

Nguyễn Hoan