Chuyện ở đảo Khỉ vàng
Hoa quả sơn” của Cẩm Phả
Từ cảng Vũng Đục (thành phố Cẩm Phả), chỉ mất chừng 5 phút đi ca-nô máy cao tốc, chúng tôi đã đặt chân lên Rều. Hòn đảo rộng hơn 22ha nhưng có đến hai ngọn núi và bãi cắt trắng tinh với rặng dừa xanh rì.
Dường như đảo Rều vẫn giữ được những nét hoang sơ của vịnh Bái Tử Long. Ngư dân trong vùng hay gọi nó là đảo Khỉ vàng bởi trên đảo có mấy chục đàn khỉ có số lượng lên đến cả nghìn con.
Đảo trưởng Vũ Công Long nếm thử thức ăn cho khỉ |
Đón chúng tôi ngay bậc thềm Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế - đảo Rều, bác sĩ Vũ Công Long, vị “chúa đảo” không ngai có hơn 30 năm gắn bó với loài khỉ vàng, hồ hởi giới thiệu ngay về những con khỉ trên đảo: Hơn 50 năm về trước, đây chỉ là hòn đảo hoang, chỉ có một vài cư dân từ đất liền đến đây khai phá trồng ngô, khoai, sắn.
Từ năm 1962, đảo được giao cho Bộ Y tế để đầu tư thành trại nuôi khỉ để thử nghiệm, nghiên cứu, chiết xuất vắc-xin. Đặc biệt, đây là nơi duy nhất ở Việt Nam cùng là một trong ba nơi trên thế giới nuôi khỉ phục vụ nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh cho người.
Rất ít người biết rằng, giống khỉ vàng của đảo Rều góp phần “quyết định” tiêm hàng chục loại vắc-xin Việt Nam như bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy trẻ em, viêm đường hô hấp, chân tay miệng, thuốc phòng chống H5N1; H1N1… Gần đây nhất là thử nghiệm vắc-xin chống sốt xuất huyết. Nói cách khác, loài khỉ vàng trên đảo Rều đã và đang góp phần bảo vệ hàng triệu sinh mạng trẻ em Việt Nam.
Bác sĩ Vũ Công Long còn “tiết lộ”, đảo đang chuẩn bị thử nghiệm cả vắc-xin “trẻ hóa tế bào”, nôm na nếu thành công con người có thể “cải lão hoàn đồng”. Nếu điều này thành sự thật, đảo Rều nhất định trở thành cái tên đại diện cho nước ta đặt dấu ấn cho sự phát triển của nhân loại.
Theo bác sĩ Long, ở Việt Nam có quá nhiều đảo khỉ phục vụ mục đích du lịch, còn đảo khỉ (đảo Rều) Quảng Ninh chỉ nghiên cứu vắc-xin nên không phải ai cũng biết. Do có nhiều khỉ sống trên đảo (hơn 1.000 con) mà hình thành cái tên đảo Khỉ, bởi thế mà nhiều người vẫn còn nhầm lẫn đảo Rều là khu du lịch, ai đến mà cũng được.
Vì thế cũng nảy sinh nhiều chuyện cười ra nước mắt, ví dụ như có nhiều nơi cứ gọi điện cho ông Long để… đặt phòng hay yêu cầu ông làm “hướng dẫn viên” cho du khách về “Hoa Quả Sơn”. Có người còn tưởng tượng ra ông Long như Robinson trên đảo hoang, một mình sống cùng cả nghìn con khỉ…
Chúng tôi cũng thử tra thử trên google từ khóa “đảo Rều” thì cũng toàn ra các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Có người còn tưởng đảo Khỉ vàng bị xóa sổ làm du lịch.
Thực tế là việc lên đảo không hề đơn giản, đảo chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, vậy nên mọi thứ phải xin phép qua một số cơ quan chuyên trách của Bộ Y tế. Trên đảo, công tác vệ sinh phòng dịch cho khỉ luôn được đề cao, nên đảo không đón khách du lịch, vì khỉ có cơ thể sinh học gần giống con người rất dễ mắc các căn bệnh của người, khỉ mắc bệnh không thể chiết vắc-xin được.
Mặt khác khỉ trên đảo sống bán hoang dã, nên nếu có sự xuất hiện đông người kéo dài nhiều ngày chúng sẽ sợ và bỏ đi đảo khác. Khỉ chúa rất hung dữ, ngay cả nhân viên nuôi khỉ cũng có người bị khỉ cắn bị thương, nếu như chuyện này mà xảy ra với khách du lịch thì thật phiền toái.
Khỉ trên đảo vô cùng nghịch ngợm, tôi tận mắt chứng kiến lũ khỉ vòi vĩnh thức ăn của bác sĩ Long, không cho nó nhe răng hăm dọa, sẵn sàng lao vào tấn công. Do vậy, những người đặt chân lên đảo chỉ có các nhà nghiên cứu khoa học, khách của Bộ Y tế và hãn hữu lắm là các nhà báo như chúng tôi.
Hy sinh thầm lặng
Khỉ trên đảo Rều là giống khỉ lông vàng đuôi ngắn, có tên khoa học là Macaca Mulallata. Loài khỉ vàng này có cơ thể tương đối sạch, ít bị nhiễm các mầm bệnh hơn các loài khỉ khác, mỗi năm trên đảo có khoảng 150 khỉ con được ra đời. Loài khỉ này duy nhất trên thế giới được sử dụng vào công tác nghiên cứu vắc-xin.
Theo bác sĩ Long, nếu thử nghiệm thành công trên loài này thì ắt thành công trên người, xác suất gần như là tuyệt đối.
Công việc của các cán bộ ở đây tưởng chừng đơn giản nhưng hết sức quan trọng, bởi nếu sai hoặc nhầm lẫn sẽ dẫn đến thất bại trong nghiên cứu.
Mỗi lần thử nghiệm sẽ có khoảng 30-50 chú khỉ khoảng 1 năm tuổi. Chúng được tiêm, được uống, được chăm sóc, nuôi nhốt theo dõi hết sức cẩn thận trong quá trình nghiên cứu.
“Khỉ ở đây thông minh và nó cũng có linh cảm như con người, khi chúng tôi bắt chúng để chuẩn bị “hiến thân” nó cũng khóc, cũng buồn và sợ hãi. Những khi cho nó uống thử vắc-xin thì nhiều con cũng gan lì, phản đối lắm nhưng nó cũng biết nhìn vào ánh mắt của cán bộ để xử sự đấy” - “chúa đảo” Long chia sẻ.
Để có thể sản xuất hàng triệu liều vắc-xin phòng bại liệt, viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp và gần đây là thuốc phòng chống H5N1 giúp chúng ta ngăn ngừa mầm mống dịch bệnh, chống chọi với những đại dịch, ngoài sự nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học không thể không kể đến hàng vạn con khỉ đã thầm lặng hiến thân cho những cuộc thử nghiệm. Hơn 50 năm tồn tại, đảo khỉ đã cống hiến hàng vạn cá thể cho khoa học, hàng triệu liều vắc-xin đã đồng hành cùng cuộc sống được thử nghiệm và chiết xuất từ nơi đây.
Chuyện khỉ đến chuyện người
Cuộc sống của những người trên đảo Rều đều xoay quanh loài khỉ vàng. Bởi vậy nên họ có một sự đồng cảm đặc biệt với chúng. Bác sĩ Vũ Công Long cho rằng, khỉ vàng có nhiều điểm tương đồng với con người. Ông Long kể rằng, cách đây mấy năm, trên đảo từng có con khỉ chúa vô cùng hung bạo, ngang ngược.
Gặp người, nhất là trẻ con là lao vào giật tóc, thậm chí là cắn trộm. Đã nhiều lần các bác sĩ tính kế đặt bẫy tóm nó để tách sang hòn đảo bên cạnh nhưng không ăn thua. Nhưng riêng đối với ông Long thì hoàn toàn ngược lại.
Cứ mỗi chiều ông làm việc xong, trên đường về nhà là con khỉ chúa lại bám theo như hình với bóng. Cứ thấy tôi, con khỉ chúa lại làm ra bộ mặt đáng thương. Tôi đi họp nó cũng lẻn vào phòng tìm rồi chìa tay xin ăn. Đến mức đi tắm nó cũng đứng ngoài đợi bằng được - Ông Long kể.
Sau đó ông chuyển sang nhắc đến cái sự tinh nghịch của loài khỉ vàng một cách thích thú. Tuy đất trên đảo màu mỡ nhưng không trồng được rau. Vì hễ trồng là chỉ qua được 1 đêm là khỉ phá sạch. Khỉ vẫn mang chất hoang dã, nên những gì không thuộc về tự nhiên là chúng tìm cách phá. Năm 1996, đảo mua về 500 cây dừa trồng xung quanh các bãi cát, nhưng chỉ qua 1 đêm lũ khỉ nhổ sạch.
Nhưng lạ một cái là nếu cây mọc tự nhiên trên đảo thì chúng không bao giờ động đến. Quần áo anh em giặt phơi cũng phải trông chừng, nhất là có màu sắc sặc sỡ, bởi khỉ rất thích ăn cắp rồi mang lên cây xé tan tành. Đó là còn chưa kể những con hung dữ sẵn sàng lao vào tấn công người chỉ vì chúng cảm thấy “ngứa mắt”, hay đôi khi chúng coi đó là… trò giải trí.
Khỉ thường sống theo đàn khoảng 30-50 con/đàn, mỗi đàn có một khỉ chúa là con khỉ đực to lớn và có sức khỏe nhất trong đàn. Mỗi khỉ chúa thường “5 thê, 7 thiếp” sở hữu nhiều khỉ cái là chuyện bình thường. Vì thế, trên đảo xảy ra không ít trận chiến “quyền lực” đến rợn người của đám khỉ đực, lẽ tất yếu kẻ yếu sẽ bị cô lập khỏi đàn, kẻ chiến thắng thống lĩnh đảm đương trách nhiệm bảo vệ cả đàn và nó có tất cả.
Vị trí của khỉ chúa cũng không được ổn định, khi có một con khỉ khác trong đàn có sức khỏe hơn, nó lại chiếm lĩnh vị trí độc tôn của khỉ chúa. Con khỉ bại trận thường tự bỏ đàn sống lang thang như kẻ vô gia cư. Nó trở nên “bất cần đời” hay ăn trộm thức ăn trong nhà bếp, hoặc rình rập trêu ghẹo bắt nạt khỉ con, khỉ cái.
Từ câu chuyện về loài khỉ vàng, chúng tôi lân la đến chuyện đời của những người trên đảo. Hơn nửa thế kỷ tồn tại, nhiều thế hệ bác sĩ, nghiên cứu sinh đến rồi đi. Đến nay, cả đảo chỉ còn 14 người trụ lại. Hỏi ra mới biết, phần lớn họ đều có “dây chằng mối nhợ” từ nhiều thế hệ.
Ngoài hai vợ chồng chúa đảo Vũ Công Long đã gắn với đảo suốt 30 năm còn có Đảo phó Nguyễn Huy Phương công tác ngót nghét 20 năm. Còn anh Dũng “tàu”, thuộc thế hệ thứ 3 chuyên đón đưa người từ đất liền ra đảo. Họ là trụ cột chính của 3 trong 4 gia đình đang sinh sống trên đảo.
Dẫn tôi vào thăm căn nhà cấp 4 cũ kỹ, anh Long bùi ngùi: “Mỗi đôi vợ chồng được cấp 1 gian nhà để ở, còn lại mọi chi phí sinh hoạt phải tự lo. Do nơi đây không có trường học nên các cháu nhỏ nếu có điều kiện thì cũng chỉ ở với bố mẹ đến 5 tuổi, khi vào tiểu học lại phải vào đất liền ở với người thân để đi học”. Mặc dù cách đất liền không xa nhưng dăm bữa nửa tháng, họ mới thay nhau về thăm gia đình một lần.
Đối với chúng tôi, điều lạ nhất ở Đảo Rều đến nay vẫn chưa có điện. Bởi riêng chuyện một hòn đảo có hơn nửa thế kỷ cho ra đời hàng triệu liều vắc-xin bảo vệ tính mạng cho trẻ em Việt Nam mà chưa có điện lưới hoặc đầu tư cho 1 máy phát điện chạy gió, năng lượng mặt trời… phục vụ cho mục đích khoa học thì đáng tiếc vô cùng.
Được biết, trung tâm đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, bộ, ngành nhưng vì lý do nào đó vấn đề này vẫn chưa thực sự được quan tâm. Mong rằng, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, bác sĩ Đảo Rều sẽ sớm trở thành hiện thực trong một ngày không xa.
Mạnh Kiên
Số Xuân 2016