Chuyện ở cảng cá lớn nhất miền Trung
Cảng cá Thọ Quang nằm tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, có diện tích mặt nước là 58 hécta, diện tích trên bờ là 28 hécta. Cảng cá này hiện được coi là cảng cá lớn nhất miền Trung. Không chỉ tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, mà tàu cá của các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định cũng thường xuyên ghé đây để bán cá và lấy dầu, nước ngọt, đá lạnh và lương thực để tiếp tục ra khơi. Theo số liệu từ Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, hằng ngày có 50-60 tàu thuyền các tỉnh cập bến và có 3.000-4.000 người tập trung về tham gia các hoạt động của âu thuyền và cảng cá.
Toàn cảnh âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang |
Cảng cá không chỉ là nơi trao đổi hải sản lớn nhất miền Trung mà còn là nơi tránh, trú của nhiều tàu thuyền mỗi khi có bão biển đổ về. Và theo như thống kê của các ngành hữu quan ở Đà Nẵng, âu thuyền này đang quá tải và đang là một điểm nóng ô nhiễm môi trường. Nhiều cuộc họp bàn để đưa ra về vấn đề mở rộng âu thuyền và cảng cá, nhưng dường như tất cả vẫn chưa có giải pháp triệt để.
Bàn về vấn đề môi trường nơi cảng cá, thì phải bàn về câu chuyện xa xưa, từ thời cảng cá còn ở Thuận Phước, phía cửa sông Hàn; rồi di dời về đây năm 2007. Trước đó, bến cá Thuận Phước là nơi tập trung mua bán, trao đổi các loại hải sản của ngư dân Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận. Thế nhưng, với sự phát triển của đội tàu cá cả về công suất và số lượng thì bến cá Thuận Phước không còn đáp ứng được nhu cầu nữa. Và âu thuyền Thọ Quang được xây dựng, cảng cá cũng chuyển về đây.
Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngô Văn Cát, Phó ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang nói, thực chất thì âu thuyền Thọ Quang như một vùng nước kín gió, dùng để tàu thuyền tránh trú mỗi khi bão về thì rất hợp lý. Nhưng điều đó đồng nghĩa là dòng chảy ở đây rất yếu, nói nôm na là giống như một cái ao nước lớn. Điều này làm cho nước ở đây cứ tù đọng, lâu ngày thành ra bốc mùi khó chịu và ô nhiễm môi trường.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng cũng nói rằng, việc cần thiết để phát triển và giải quyết môi trường này là chuyển Cảng cá Thọ Quang ra một nơi khác. Đồng thời các cấp chính quyền phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp xả thải lén lút tại khu vực này.
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) đã nêu ý kiến rằng: “Rất oan khi nói âu thuyền hôi do tàu cá và tội cho nghề cá, cũng như một cái thùng rác, cái thùng rác đó không hôi do người đổ rác xuống gây hôi. Vì vậy, nguyên nhân mùi hôi ở đây không chỉ do tàu cá mà chủ yếu là do các nhà máy xả nước thải ra chưa được xử lý. Nếu như các nhà máy ở KCN Thọ Quang làm đúng theo quy trình dứt khoát âu thuyền không có hôi”. Tất cả cộng lại làm cho Cảng cá Thọ Quang giờ đây như một điểm nóng về môi trường của thành phố Đà Nẵng.
Vận chuyển cá lên bờ ở Cảng cá Thọ Quang |
Bộ NN&PTNN đã xác định, Đà Nẵng là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn nhất Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho Đà Nẵng xây thêm một khu tránh trú bão và cảng cá cấp quốc gia. Nghĩa là vấn đề chủ trương và cơ chế đã có, TP Đà Nẵng sẽ được tiếp cận những nguồn vốn từ Trung ương để phát triển về vấn đề này. Thế nhưng, dự án mở rộng và nâng cấp Cảng cá Thọ Quang vẫn chưa được triển khai vì nhiều nguyên nhân. Và cái cảng cá này, đang ngày ngày oằn mình lên để gánh vác khối lượng tàu cá ra vào, khối lượng hải sản trao đổi vượt quá năng lực của mình.
Bỏ vấn đề môi trường và sự quá tải hay bất hợp lý của Cảng cá Thọ Quang qua một bên thì ở một khía cạnh nào đó, cảng cá này như một nơi ghi dấu những niềm vui, sự đoàn tụ và cả nỗi buồn, sự đau đớn, những giọt nước mắt của rất nhiều ngư dân khắp các vùng biển miền Trung. Vui khi tàu về sau cả tháng lênh đênh trên biển, cha gặp con, vợ gặp chồng, mừng tủi nói không nên lời. Vui khi tàu về bến với hải sản đầy khoang, có tiền nuôi sống gia đình. Nhưng cũng không ít tàu về bến trong tình trạng nát vụn, bị cướp phá, bị đâm va. Những con tàu ấy, phần nhiều ngư dân phải vay mượn để đóng làm phương tiện ra khơi, cứ ra biển trở về không có cá đã là thiệt hại nặng. Huống hồ hỏng hóc, trở về tay trắng.
Những người phụ nữ gánh cá ở Cảng cá Thọ Quang |
Mới đây nhất, ngày 2-1-2016, những người phụ nữ Quảng Ngãi vội vã bắt xe đò, nước mắt ngắn dài tìm đến Trạm Biên phòng Mân Quang chờ đón những người chồng của mình thoát chết trở về từ biển. Tàu cá QNg 98459 bị đâm chìm trên biển khi vừa ra khơi được một ngày, chưa kịp đánh bắt. Trưa ngày 1-1-2016, khi tất cả 9 thuyền viên đang ngủ, chỉ còn một mình Thuyền trưởng Huỳnh Thạch (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) cầm lái thì bị một tàu vỏ sắt đâm thẳng vào mạn tàu. 7 người bị hất tung xuống biển, thuyền trưởng Thạch và 2 người khác bám được vào tàu nên không bị rơi. Khi bị rơi xuống biển, anh em kêu tàu kia quay lại cứu, nhưng chiếc tàu lạnh lùng quay vòng, lấy đà đâm trực diện vào mũi tàu một lần nữa. Rồi tàn nhẫn bỏ đi, mặc cho 7 ngư dân đối mặt với sóng dữ.
Sau đó, Thuyền trưởng Thạch lấy bộ đàm gọi cho các tàu xung quanh. Gần một tiếng sau, các tàu mới đến được nơi để ứng cứu. Lúc này, tàu đã gần chìm hẳn xuống biển. Tất cả mọi người nhanh chóng vứt hết đồ dùng nặng, đá lạnh, thay nhau tát nước để cho tàu trồi lên. Và như có phép mầu, đến 16giờ ngày hôm đó, tàu QNg 98459 trồi lên khỏi mặt nước; sau đó được tàu đi cặp cùng là tàu QNg 94429 lai dắt trở về. Thoát chết trở về, nhưng nợ nần bủa vây những người ngư dân này. Khi mà chi phí mua sắm đồ dùng cho chuyến biển này cũng hơn 100 triệu đồng, vừa ra khơi một ngày đã phải trở về. Rồi chi phí mua lại những đồ dùng hỏng hóc, chi phí sửa tàu. Tất cả lại làm cho đôi vai những người ngư dân thêm oằn xuống.
Lật giở những trang lưu biên bản của Trạm Biên phòng Mân Quang, nơi cửa ngõ ra vào Cảng cá Thọ Quang thấy dày đặc các thông tin về tàu cá bị hư hại, đâm, cướp phá, cắt lưới... trong quá trình đánh bắt trên biển. Vụ việc của tàu QNg 98459 là mới nhất. Ngày 16-11-2015 thuyền trưởng tàu ĐNa 90370 TS trình báo sự việc trong biên bản: “Vào khoảng 2 giờ ngày 14-11-2015, tại tọa độ 17 độ 38’N - 107 độ 56’E, tàu ĐNa 90370 TS đang hành nghề thì phát hiện một đoàn tàu cá khoảng 200 chiếc có ghi chữ Trung Quốc hành nghề giã cào, tàu sơn màu xanh, ca-bin màu vàng và trắng; chạy theo hướng từ Bắc vào Nam”. Thuyền trưởng Đào Ngọc Đức trình bày tiếp, đội hình tàu cá này đi qua khu vực thả lưới của tàu ĐNa 90370 TS. Mặc dù tàu ĐNa 90370 TS và 4 tàu Đà Nẵng, cộng thêm 4 tàu kiểm ngư Việt Nam có ra chặn để báo hiệu đây là khu vực đang thả lưới nhưng đoàn tàu này vẫn tiếp tục lao tới. Sau khi hàng trăm chiếc tàu này đi khỏi, thuyền viên kéo lưới lên thì phát hiện có 40 tấm bị đứt, đã rơi xuống biển, 10 tấm bị rách, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Trên đây chỉ là 2 trong số những vụ việc gần đây nhất minh chứng cho việc ngư dân trở về nơi cảng cá này ngoài niềm vui còn là những nỗi buồn nặng trĩu. Và cảng cá Thọ Quang là nơi ghi dấu cho niềm vui và nỗi buồn của những người ngư dân ấy, như một chứng nhân lịch sử.
“Cha chài, mẹ lưới, con câu/ Ăn nhờ bọt nước lấy đâu mà giàu”... cuộc sống những người ngư dân phụ thuộc vào biển khơi, cũng bấp bênh, lên xuống như con sóng. Thế mà sau khi vất vả ra khơi trở về, những sản vật mình đánh bắt được, đôi khi mất trắng. Điều chúng tôi muốn nói là tình trạng mất an ninh tại nơi cảng cá lớn nhất miền Trung này. Tình trạng khi các tàu cá trở về bến, có những nhóm người ngang nhiên lên thuyền lấy cá, lấy mực “như của mình” không phải hiếm ở cảng cá này. Thời điểm xảy ra nhiều nhất tình trạng này là thời điểm từ 0 giờ đến 2 giờ sáng, là thời điểm tàu cá ra về nhiều nhất.
Chủ tàu T.V.T (Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, cách đây 3 ngày, tàu ông về đến bến, vừa mở nắp hầm cá lên thì một nhóm 4 thanh niên xăm trổ đầy người đem giỏ xuống cướp cá. Những thuyền viên trên tàu phản ứng thì bị chúng hăm dọa. Ông T kể thêm rằng, số cá hôm đó trị giá khoảng 2 triệu đồng và tàu ông không phải là tàu duy nhất bị cướp cá như vậy. Đề cập đến vấn đề này với Thượng tá Nguyễn Ánh Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết, từ cuối năm 2015, đồn đã tổ chức tuần tra đêm để giải quyết tình trạng này. Thượng tá Nguyễn Ánh Dũng cũng cho rằng âu thuyền Thọ Quang là nơi tập trung nhiều tàu cá ra vào nên các đối tượng bất hảo trà trộn vào xin bốc cá thuê, rồi tranh giành, mất trật tự. Thậm chí, khi không có lực lượng chức năng thì cướp như trường hợp chủ tàu T.V.T vừa nêu. Và các chủ tàu gặp tình trạng này, thường không trình báo vì sợ bị trả thù.
Cảng cá Thọ Quang về đêm, ồn ã, náo nhiệt và thấm đẫm mùi biển. Lẫn trong tiếng xoèn xoẹt của máy cưa nước đá, tiếng động cơ tàu cá, tiếng mà cả bán mua… Tất cả hòa vào nhau, tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp, lùng bùng trong tai. Ẩn mình trong cái cảng cá ồn ã, lớn nhất miền Trung này là nhiều chuyện đời, nhiều phận người, kẻ nghèo đói, người tha hương… Tôi theo chân những người phụ nữ gánh cá thuê, lặng lẽ đi về phía các tàu cá vừa cập bến. Họ đi không một tiếng cười, bước chân mưu sinh lặng lẽ nhưng tất tả, đi nhanh về phía cảng, rồi dường như mất hút trong ánh đèn, trong mùi tanh nồng của hải sản, trong tiếng máy tàu và lao xao bán mua… Cuộc sống ở quê nhà nghèo khó, làm ruộng quanh năm không đủ ăn, họ để lại những đứa con nhỏ, để lại ruộng vườn cho chồng, cho cha mẹ già chăm sóc, rồi kéo nhau đến mưu sinh nơi cảng cá “cuối sông, đầu biển” này.
Những người đàn bà ấy sống trong những khu nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp ven cảng cá với giá mỗi người 10.000 đồng/ngày. Vật dụng mưu sinh của họ không có gì đáng giá, chỉ có đôi quang gánh và vài bộ quần áo bạc phếch. Chị Nguyễn Thị Hài (quê Thọ Xuân, Thanh Hóa) dáng thấp bé, chồng mất sớm, một mình nuôi 3 đứa con, nhỏ nhẹ nói: “Ở quê không cục đất chọi chim chú ạ, biết làm gì mà ăn. Làm ở đây tuy cực, nhưng còn có tiền gửi về cho ông bà nuôi sắp nhỏ, chứ không bọn hắn chết đói hết”.
Một ngày của họ dường như bắt đầu từ 17 giờ hôm trước, lúi húi nấu cơm, ăn uống qua loa, lan man kể với nhau những câu chuyện không đầu, không cuối, rồi 19 giờ đi ngủ, lấy sức để mưu sinh. 0 giờ, khi đa phần mọi người chìm trong giấc ngủ thì họ xách đôi quang gánh lên, bắt đầu công việc mưu sinh nơi cảng cá của mình. Tách khỏi đoàn người, tôi đi theo chị Hài để tận mắt thấy sự vất vả, nhọc nhằn của những người gánh cá thuê. Tàu cá rẽ sóng vào bến, cá nục, cá thu, tôm, cua… lần lượt được chuyển xuống chỗ của các đầu nậu. Trên đôi vai những người gánh thuê, hải sản được đưa đến các tiểu thương, đưa đến những chiếc ôtô ra vào tấp nập nơi cảng cá này. Tiếng đòn gánh kĩu kịt theo nhịp bước chân đi mà như chạy của họ. Dù gần, dù xa, mỗi gánh cá được trả 4.000 đồng. Cô Đinh Thị Tho (56 tuổi, quê Quảng Nam) chia sẻ: “Mỗi ngày gánh 7-8 tiếng, ngày nhiều việc thì được khoảng 40 gánh, oằn vai, tê rần”.
Ngày mưa cũng như ngày nắng, mỗi ngày 40 gánh, mỗi gánh khoảng 25-30kg, tính ra những đôi vai phụ nữ này mỗi ngày gánh cả tấn cá, thanh niên trai tráng như tôi cũng xin bái phục! Tất cả những người gánh cá ở đây đều mặc áo mưa, không phải vì ngại bẩn thỉu, hôi tanh, mà họ sợ cảm lạnh, ngày mai không thể mưu sinh nuôi con. Cuộc sống của những người ngư phủ còn bấp bênh, dựa vào biển cả, huống hồ là cuộc sống của những người gánh cá, hoàn toàn phụ thuộc vào lượng hải sản mà ngư dân đánh bắt được. Nếu may mắn trời yên biển lặng, ngư dân đánh bắt được nhiều hải sản, cá tôm thì những người phụ nữ gánh cá còn nhiều việc để làm. Còn khi những ngày mưa gió, biển động, họ chỉ biết ngồi trong phòng trọ, bó gối nhìn mưa, thở dài nhớ con cái, nhớ quê hương…
Những người phụ nữ gánh cá quanh năm, suốt tháng gắn bó với chiếc đòn gánh bóng mồ hôi, với những gánh cá nặng oằn vai, với mùi tanh nồng của cá tôm… để hằng tháng có chút tiền gửi về nuôi con ăn học.
Vừa ngồi đếm từng đồng tiền lẻ sau một ngày lao động, chị Trần Thị Bính (quê Thừa Thiên - Huế) vừa kể chuyện: “Những ngày mưa bão, không có việc làm, lại thức đêm quen rồi, tui không ngủ được. Cứ 2, 3 giờ sáng lại dậy, giở ảnh con trai ra nhìn cho đỡ nhớ. Con trai tui hắn đang học đại học ở Sài Gòn, năm thứ 3 rồi. Cũng mong hắn học thành tài, để đời hắn không khổ như đời cha, đời mẹ hắn”.
Chị Bính có khuôn mặt già hơn nhiều so với cái tuổi 43 của chị, nhưng từng đường nét trên khuôn mặt ấy như giãn ra, đôi mắt như ánh lên những niềm hy vọng khi nhắc đến cậu con trai đang học đại học của mình. Chàng trai ấy có thể sẽ có một tương lai sáng hơn và tương lai ấy được hiện thực hóa bằng những giọt mồ hôi, bằng những vết chai sần trên đôi vai mẹ cậu.
Ở khu vực Cảng cá Thọ Quang có khoảng 200 người phụ nữ làm nghề gánh cá thuê. 200 con người là 200 thân phận khác nhau, nhưng phần lớn trong số họ phiêu dạt từ nơi khác đến đây để kiếm tiền nuôi con.
“Tôi làm việc này 5 năm rồi, kịp cho thằng lớn học xong cao đẳng, con bé thứ 2 vừa vào đại học năm ngoái. Thằng anh cũng chưa lo được cho em gái, nên vợ chồng tôi mỗi người một nơi, lo cho con bé ăn học. Chồng tôi làm vàng trong Quảng Nam, ruộng vườn ở quê cho người ta cấy lại, lấy ít gạo cho cháu nó đem lên trường”, chị Nguyễn Thu Huệ (quê Thanh Hóa) chia sẻ.
Những người phụ nữ gánh cá, đều xuất thân từ nông thôn nghèo khó, họ kiệm lời, nhưng đều trò chuyện thật lòng, đều không giấu nổi niềm vui khi nhắc đến ngày tết, sắp được về đoàn tụ với gia đình, với con. Đó chính là niềm vui, niềm an ủi lớn nhất trong cuộc đời quá nhiều vất vả của họ.
Thanh Hiếu
Năng lượng Mới số 469
-
Bão số 4 (Soulik) gây ngập lụt, chia cắt 77 điểm tại miền Trung
-
Bão số 4 (Soulik) đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị
-
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó với mưa bão, ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất
-
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4, đổ bộ ngay chiều nay
-
Áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại 5 tỉnh miền Trung