Chuyện hộ khẩu của Trung Quốc
Trung Quốc và vấn đề hộ khẩu
Hộ khẩu tại Trung Quốc (bắt đầu áp dụng từ năm 1953) thật sự là một “ác mộng” của nhiều người, đặc biệt thành phần nhập cư. Không hộ khẩu, đừng mơ xin cho con đi học, không thể mua xe, không thể sắm nhà và thậm chí không thể xin cấp bằng lái. Chính sách kiểm soát cư trú theo mô hình hộ khẩu vô hình trung đã tạo ra hai tầng lớp - thị dân và cư dân miền quê, ảnh hưởng từ đời này sang đời kia (bởi rằng dù sinh tại bất cứ đâu, em bé cũng phải theo hộ khẩu bố mẹ).
Nhiều thập niên qua, hộ khẩu luôn là vấn đề xã hội bức xúc tại nhiều thành phố lớn Trung Quốc. Asia Times cho biết, hiện Thâm Quyến có hơn 10 triệu cư dân nhưng vỏn vẹn 1,5 triệu người là có hộ khẩu thường trú. Như nhận xét của nhà nghiên cứu Vương Xuân Quang thuộc Viện Xã hội học Trung Quốc, rằng nếu tình trạng tồn tại của tầng lớp “công dân hạng hai” (những người không có hộ khẩu thành phố) kéo dài, chắc chắn sẽ nảy sinh thêm nhiều tiêu cực như là mặt trái không thể chối bỏ của hình thức quản lý cư trú bằng hộ khẩu. “Nhiều người sống và làm việc tại thành phố hơn 20 năm bây giờ đã không còn ruộng đất cũng như kỹ năng canh nông. Nếu các thành phố lớn nơi họ làm việc nhiều năm nay không chấp nhận họ, họ còn biết đi đâu?” - ông Vương nói.
Theo cách hiểu thông thường, đô thị hóa là tiến trình trong đó tỷ lệ cư dân đô thị trong tổng dân số bắt đầu phát triển mạnh. Theo định nghĩa này, hơn 300 triệu lao động nhập cư tại các tỉnh thành lớn ở Trung Quốc nên được xem là cư dân đô thị.
Chính sách hộ khẩu mang lại vô số bất công đối với người nhập cư tại Trung Quốc
Từ giữa năm 2001, Trung Quốc bắt đầu thực hiện vài cuộc cải cách hộ khẩu nhỏ; thoạt đầu thí điểm tại 200 thị trấn, thành phố nhỏ và sau đó được áp dụng rộng cho nhiều tỉnh lớn trong đó có Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, An Huy, Tứ Xuyên và Hồ Bắc; rồi được nhân rộng (từ năm 2005) tại một số thành phố trong đó có Thạch Gia Trang (Hồ Bắc), Hợp Phì (An Huy), Ninh Ba (Chiết Giang), Tế Nam (Sơn Đông), Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thượng Hải.
Luật Hộ khẩu cải cách Trung Quốc quy định cấp hộ khẩu cho đối tượng nhập cư với điều kiện họ có việc làm ổn định trong thành phố từ 1 năm trở lên. Tuy nhiên, do chưa thật sự “đoạn tuyệt” với hộ khẩu cũng như nhiều quy định liên quan hộ khẩu nên tiến trình cải cách hộ khẩu Trung Quốc vẫn không hiệu quả. Một khảo sát năm 2007 của giáo sư Thái Định Kiếm thuộc Đại học Luật - Chính trị Trung Quốc (thực hiện tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Vũ Hán, Nam Kinh, Thẩm Dương, Tây An, Thành Đô, Trịnh Châu, Thanh Đảo…) vẫn cho thấy, vấn đề hộ khẩu tiếp tục là rào cản lớn đối với bình đẳng xã hội.
Trung Quốc có lý do “chính đáng” để chưa thật sự cởi hết quy định quản lý cư trú bằng luật hộ khẩu. Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2007 của Liên Hiệp Quốc cho biết, 18 triệu dân Trung Quốc đang đổ vào các thành phố lớn mỗi năm; đến năm 2030, theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), số dân thành thị Trung Quốc sẽ lên đến hơn 900 triệu người! Cho nên, nhiều thành phố lớn nằm trong diện cải cách hộ khẩu vẫn có những quy định riêng nhằm hạn chế nhập hộ khẩu. Cư dân từ nơi khác muốn đạt tiêu chuẩn nhập hộ khẩu Bắc Kinh phải thuộc đối tượng có trình độ chuyên môn cao hoặc doanh nghiệp có từ 100 nhân viên trở lên. Trong khi đó, vài thành phố khác hạn chế nhập hộ khẩu bằng cách chỉ cho nhập đối với đối tượng có hộ khẩu thường trú tại các thị trấn giáp giới tỉnh thành mình. Nói chung là mỗi địa phương có chính sách riêng cho vấn đề nhập hộ khẩu. Tại Thạch Gia Trang (Hồ Bắc), chính quyền nơi này quy định chỉ cấp hộ khẩu cho đối tượng nào có nhà ở và việc làm ổn định (trong khi đó, đối với người nhập cư, đa số thuộc thành phần nghèo, khả năng mua nhà tại thành phố là một giấc mơ khó thành).
Thử xem một trường hợp cải cách hộ khẩu tại Tế Nam (Sơn Đông)... Là một trong những trung tâm sầm uất của tỉnh Sơn Đông, Tế Nam hiện có 3,3 triệu người nhập cư vẫn mang trong mình sổ hộ khẩu địa phương (chiếm 58% trong 5,6 triệu dân số Tế Nam). Từ năm 1997, người có bằng đại học trở lên, nhà đầu tư, nhà kinh doanh địa ốc bắt đầu được xét vào diện được cấp hộ khẩu. Tháng 8/2005, Tế Nam tiếp tục điều chỉnh luật cư trú khi cho phép người có hộ khẩu ở các vùng giáp giới Tế Nam được nhập hộ khẩu với điều kiện họ phải có chỗ ở và việc làm ổn định. Với nhiều người, việc được nhập hộ khẩu vào thành phố chẳng khác gì được “lên đời”. Từng đến Tế Nam 8 năm trước, kiếm sống bằng nghề làm mướn và nay trở thành nhà quản lý trong một công ty xây dựng, một công dân Tế Nam cho biết mình từng khao khát nhập hộ khẩu chỉ vì tương lai các con. Không hộ khẩu, ông phải đóng 2.000 tệ/năm cho con; khi có hộ khẩu, học phí chỉ còn 700 tệ! Hộ khẩu cũng giúp ông có quyền đăng ký quỹ lương hưu Tế Nam…
Có nhiều cách để quản lý cư trú
Cần tách bạch sự khác biệt giữa vấn đề kiểm soát - hạn chế nhập cư và vấn đề quản lý cư trú. Tại Nhật chẳng hạn, người ta theo dõi hệ thống nhân khẩu bằng sổ gia đình (koseki), dùng để ghi nhiều thông tin liên quan gia đình chẳng hạn khai sinh, khai tử, kết hôn, ly dị và cả tiền án hình sự. Song song với koseki là jyuminhyou - tờ khai cư trú, gần tương tự tờ hộ khẩu của Việt Nam. Jyuminhyou được dùng theo dõi hồ sơ thuế cũng như được xem là “tờ chứng thực” việc công dân được quyền hưởng các tiện ích công cộng như phúc lợi xã hội hoặc bảo hiểm y tế quốc gia (jyuminhyou chỉ dành cho người Nhật nên nếu người nước ngoài kết hôn với người Nhật sẽ được đăng ký trong một tờ khai riêng theo Luật Đăng ký cư trú dành cho người nước ngoài). Bất cứ khi nào chuyển địa chỉ cư trú, người dân cũng phải khai báo. Từ năm 2000, Nhật bắt đầu áp dụng hệ thống Juki Net (vi tính hóa) để quản lý kho jyuminhyou và tờ jyuminhyou gần như xóa sổ. Tuy nhiên, không như Trung Quốc, jyuminhyou thuần túy là công cụ quản lý-theo dõi cư trú, không được dùng cho nhiều qui định ăn theo.
Quản lý cư trú theo số An sinh Xã hội (Social Security Number, SSN) của Mỹ cũng là mô hình đáng được tham khảo. Cần nhấn mạnh, SSN được cấp cho người tạm trú lẫn cư trú ổn định; người quốc tịch Mỹ lẫn người nước ngoài sống tại Mỹ. Ở một nơi không hề có thẻ căn cước và hộ khẩu như Mỹ, SSN có thể được xem là hình thức quản lý nhất cử lưỡng tiện (vừa là chứng minh thư vừa là hộ khẩu). Đây có thể xem là một trong những hệ thống quản lý cư trú ổn định nhất xã hội Mỹ. Gần như tất cả những gì liên quan đời sống người dân đều “gắn bó mật thiết” với SSN - số SSN được ghi trong bảng lương, hồ sơ sinh viên đại học, hồ sơ thẻ tín dụng, bằng lái xe… (đó là lý do tại sao nạn đánh cắp SSN từng lộng hành).
SSN gồm 9 chữ số được viết theo dạng “xxx-xx-xxxx”; ba số đầu là biểu thị vùng miền, không nhất thiết liên quan mã số tiểu bang nơi người đăng ký cư trú, bởi người đăng ký có thể xin tờ khai SSN tại bất cứ văn phòng An sinh Xã hội nào ở khắp Mỹ, thậm chí đăng ký ngay trên mạng, tại website Cơ quan An sinh Xã hội Hoa Kỳ (ssa.gov). Cùng bằng lái xe, thẻ SSN hoặc thông hành, bất kỳ công dân Mỹ hoặc người ngoại quốc nào sống tại Mỹ cũng được giám sát chặt chẽ. Và cũng xin nhấn mạnh, SSN chẳng là sáng kiến quản lý cư trú thời hiện đại. Từ năm 1936, mô hình này đã được Chính phủ Mỹ áp dụng!
Xóa bỏ hộ khẩu hay không?
Trở lại với vấn đề Trung Quốc. Ở thời mà sự chuyển dịch (lực lượng lao động) là một trong những đặc tính lớn nhất của nền kinh tế và là xu hướng không thể cưỡng lại (bằng bất cứ hình thức nào, kể cả hạn chế vấn đề nhập hộ khẩu!), việc cố duy trì quản lý cư trú bằng hộ khẩu hẳn nhiên là không hiệu quả và thiết thực.
Điều đó càng trở nên nghiêm trọng bởi thực tế rằng hộ khẩu không chỉ dùng để kiểm soát cư trú mà còn có nhiều ràng buộc pháp lý dính dáng đến nó. Và sự hiện diện của nó đã khiến hiện tượng bất bình đẳng xã hội trở nên ngày càng nghiêm trọng. Theo The Diplomat (11/10/2013), ghi nhận của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc năm 2012 cho thấy, lương tháng trung bình của công nhân nhập cư là 2.290 tệ so với 3.897 tệ của dân có hộ khẩu (!), trong khi dân nhập cư phải tiết kiệm nhiều hơn do không được hưởng chính sách ưu đãi an sinh. Đó là chưa kể vô số tiêu cực nảy sinh từ vấn đề hộ khẩu.
Ngay trên tờ chính thống Global Times (24/10/2013) cũng có bài viết chỉ trích rằng có người phải chi đến 720.000 tệ (khoảng 118.000USD) để “chạy” hộ khẩu thành phố Bắc Kinh, nơi vẫn tiếp tục “siết” hộ khẩu bằng… “hạn ngạch”: trong 229.000 sinh viên sẽ tốt nghiệp từ các đại học tại Bắc Kinh năm nay, có 145.000 là dân các tỉnh; trong khi đó, “quota” hộ khẩu của thành phố Bắc Kinh chỉ có 10.000; và tình hình sẽ càng éo le hơn đối với một cậu cử nhiều hơn 24 tuổi (tuổi hạn chế để được xét hộ khẩu đối với nghiên cứu sinh là 27 và tiến sĩ là 35).
Một khảo sát 2011 cho biết thêm, chỉ 0,7% dân nhập cư Trung Quốc là đủ khả năng mua nhà tại thành phố họ sống (so với 60-80% đối với dân có hộ khẩu). Trong khi đó, việc xem dân nhập cư là thứ “của nợ” vẫn là tư duy phổ biến của nhiều chính quyền. Năm 2008, Bạch Cảnh Phú, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công an, còn nói: “Bắc Kinh có gần 20 triệu dân rồi. Làm sao gồng nổi thêm 20 triệu nữa?” (The Economic Observer 7/10/2013). Thật ra thì vấn đề nằm ở chỗ khác chứ không phải tài chính.
Giáo sư Mỹ gốc Hoa Trần Chân Dung (Đại học Washington), chuyên gia đô thị hóa và di cư của Liên Hiệp Quốc, đánh giá rằng, nếu Trung Quốc kiên quyết cải tổ hộ khẩu trong 15 năm tới, chi phí hằng năm cũng chỉ bằng 1/5 số tiền mà họ đổ vào Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Thượng Hải đã chứng minh rằng, nếu muốn, mọi việc đều có thể thực hiện được. Từ tháng 7/2013, Thượng Hải đã đưa ra quy định, theo đó dân nhập cư có ít nhất hai điều kiện cơ bản - “chỗ ở hợp pháp ổn định” và “việc làm hợp pháp ổn định” - sẽ được xét đơn xin nhập hộ khẩu...
Như đã nói, chỉ cần thay đổi tư duy về quản lý và kiểm soát con người, vấn đề hộ khẩu của Trung Quốc sẽ được giải quyết. Lịch sử văn minh nhân loại đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần với bao nhiêu quốc gia và thành phố được đô thị hóa rồi mà chẳng hề lưu lại vết tích của một thứ “sổ con người” quái đản như vậy cả. Nếu bây giờ Trung Quốc không xử lý vấn đề này, đến năm 2030, 900 triệu người nhập cư (như dự báo), những kẻ sống gần như bất hợp pháp ngay trên đất nước họ, chịu bao nhiêu bất công đè lên đầu, sẽ trở thành một lực lượng mà chắc chắn không nhà nước nào đủ sức chống lại một khi bạo động toàn diện xảy ra!
Mạnh Kim
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng