Chuyên gia Mỹ chỉ ra chiến lược ngăn cản của Trung Quốc dựa "đường lưỡi bò" đơn phương
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc (Ảnh: Maritime Executive) |
Trong tuyên bố phát đi ngày 19/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Trong báo cáo đưa ra ngày 16/7, Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, hai lần trong 6 tuần qua, các tàu của chính phủ Trung Quốc đã cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của các quốc gia láng giềng ở Biển Đông.
Báo cáo nêu rõ, tàu Hải Dương 8 thuộc sở hữu của Cơ quan khảo sát địa chất Trung Quốc do chính phủ nước này quản lý đã tiến hành hoạt động thăm dò địa chất bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm quyền tiếp cận các tài nguyên kinh tế của Việt Nam bên trong thềm lục địa của mình.
Nhận định với Dân trí về các hành động của Trung Quốc, ông Gregory Poling, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), cho rằng điều này không chỉ làm gia tăng nguy cơ đối đầu giữa các tàu của Trung Quốc và Việt Nam trong khu vực.
Nhắc tới một vụ việc tương tự hồi tháng 5 khi tàu hải cảnh Trung Quốc có những hành vi cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia cũng trên Biển Đông, ông Poling cho rằng các vụ việc này cũng cho thấy Bắc Kinh dường như quyết ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí mới của các nước láng giềng ở bất kỳ đâu trong đường lưỡi bò hay đường chín đoạn mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra nhằm đòi chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời sẵn sàng đơn phương tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực.
“Điều đáng chú ý ở đây là Trung Quốc có xu hướng sử dụng sự hăm dọa và đe dọa để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền đơn phương. Và khi các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông không lùi bước trước những lời đe dọa và tiếp tục các hoạt động hợp pháp của mình, Bắc Kinh thường sẽ xuống nước”, ông Poling nói.
Chuyên gia trên cũng đánh giá, Trung Quốc đã chùn bước trước hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt của Malaysia, và nhiều khả năng nước này cũng hành động tương tự ở bãi Tư Chính.
Theo ông Poling, Việt Nam cần tiếp tục khẳng định chủ quyền và tiếp tục các hoạt động hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Ông cho rằng, nếu Việt Nam không hành động cương quyết thì sẽ dần bị đẩy ra khỏi vùng biển của chính mình.
Giám đốc AMTI cho rằng, các biện pháp giải quyết căng thẳng hiệu quả nhất là thông qua con đường ngoại giao và kinh tế. Ông Poling nhấn mạnh, Mỹ đã có bước đi rất quyết liệt khi ra tuyên bố mạnh mẽ lên án các hành vi của Trung Quốc trong khu vực.
“Các quốc gia khác cũng nên hành động như vậy. Chỉ có áp lực bền bỉ từ cộng đồng quốc tế mới có thể khiến Trung Quốc xem lại hành động của mình”, ông nói.
Theo Dân trí
-
Bão Trami có thể chuyển hướng khi đến gần bờ nước ta
-
Hệ quả từ sự phát triển quá nóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc
-
Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng như thế nào?
-
Thăm dò dầu khí của Petronas ở Biển Đông: Những thách thức về địa chính trị và năng lượng
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3