Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thay đổi mô hình tăng trưởng đi liền với tái cấu trúc nền kinh tế
PV: Mặc dù lãi suất đã giảm nhiều nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận vốn vay. Vậy cần có những giải pháp gì để có thể cải thiện tình trạng này, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: DN vẫn không tiếp cận được với vốn giá rẻ, trên thực tế DN ở hầu hết các lĩnh vực vẫn kêu là không tiếp cận được và họ vẫn có cảm nhận là giảm chi phí về lãi suất nhưng chủ yếu lại để cho các ngân hàng (NH) hưởng. Vì có tình trạng vay chéo giữa các NH rất nhiều và họ giải tỏa bớt vốn cho nhau bằng cách đó. Thành ra giảm lãi suất nhưng số DN được hưởng lợi lại rất ít, nhất là những DN có các khoản nợ cũ, thì thậm chí họ phải chịu lãi suất cao hơn, DN phản ánh là họ phải trả tới mức 30% cho các khoản vay đó. Do phải chịu thêm phần lãi sàn vì trả chậm. Đó vẫn là thực tế phổ biến ở các DN hiện nay. NH thì họ cũng có lý do của họ vì họ còn phải thẩm định dự án để đảm bảo là DN phải có khả năng hoàn trả. Nhiều NH cho rằng, DN vay thực chất là để đáo nợ chứ không phải để đầu tư, vì vậy họ cũng ngần ngại không cho vay. Niềm tin giữa 2 bên NH và DN đang ở trong trạng thái rất thấp, mà quan hệ tín dụng dựa rất nặng trên cơ sở niềm tin. Vì vậy rất khó để giải tỏa vấn đề tín dụng.
Bà Phạm Chi Lan
PV: Phải chăng môi trường đầu tư của VN “đang có vấn đề”, cụ thể là giảm sức hấp dẫn. Theo bà, giải pháp nào để có thể tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư?
Bà Phạm Chi Lan: Sức hấp dẫn ở môi trường đầu tư của Việt Nam ở đây là vấn đề của cả nhà đầu tư trong nước lẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Về mặt kinh tế vĩ mô, một là chúng ta đang chịu ảnh hưởng từ tình hình kinh tế vĩ mô liên tục biến động. Trong những năm vừa qua, khi kinh tế vĩ mô bất ổn, cùng với lạm phát cao, đã làm cho các DN luôn lo lắng, bất an. Trong điều kiện vĩ mô bất ổn như vậy, thì các chính sách chạy theo thường là ngắn hạn chứ không phải dài hạn. Chuyện không tiên liệu trước được chính sách là điều các nhà đầu tư rất lo ngại, họ sẽ không thể nào biết được hôm nay thì ưu đãi như thế này, ngày mai lại khác, đây là điều gây ra thắc mắc và trở ngại lớn cho các DN về mặt tính tiêu liệu được của chính sách.
Còn các nhân tố khác về môi trường kinh doanh ở Việt Nam thì hiện nay, Việt Nam đã không còn là thị trường giá rẻ nữa, khi mà giá đầu vào như: đất, nhân công, điện, xăng dầu… tăng lên, làm cho bài toán kinh doanh của DN bị méo mó, lệch lạc đi. DN nào muốn tìm đến với Việt Nam để chào mời điều kiện kinh doanh với giá thành thấp thì sẽ thấy là khó có thể làm được ở Việt Nam.
Lâu nay cứ nói đến hạ tầng yếu kém là các cơ quan liên quan chỉ có một chiều kêu gọi là phải có thêm tiền để đầu tư, lúc nào cũng đặt bài toán là phải đầu tư nhiều hơn nữa để giải quyết sự thiếu hụt. Tại sao không đặt một cách tiếp cận khác như các nước là 1 đồng năng lượng sinh ra 1 đồng tăng trưởng, mà ở Việt Nam cứ phải tốn 2 đồng năng lượng thì mới được 1 đồng tăng trưởng. Nếu giảm dần xuống được chi tiêu về năng lượng thì sẽ giảm được chi tiêu đi. Tôi nghĩ là có nhiều diều chúng ta phải làm, nhất là ở khu vực nhà nước.
PV: Bên cạnh những thành quả đạt được trong việc ổn định lạm phát, tỷ giá… thì số liệu về sản xuất công nghiệp, chỉ số hàng tồn kho, xuất nhập khẩu… cho thấy tình trạng trì trệ của nền kinh tế chưa được dỡ bỏ hoàn toàn. Vậy căn nguyên sâu xa của tình trạng này là gì, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ căn nguyên sâu xa của nó chính là mô hình tăng trưởng không hợp lý của Việt Nam kéo dài trong những năm vừa qua, nó có thể là đứng trong giai đoạn đầu ngay khi chúng ta chưa có gì trong tay, cần khai thác tài nguyên thô, cần xuất khẩu dầu thô, thậm chí lúc đó không có cách nào khác ngoài khai thác dầu thô thì nền kinh tế không thể lên được, mặc dù có chính sách đổi mới nhưng không có nguồn nào hợp lý để thay thế. Khai thác lao động giá rẻ cũng là 1 thực tế mà chúng ta phải chấp nhận trong giai đoạn đầu, khi mới đổi mới chúng ta đề ra trong chiến lược trọng điểm là sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu… Chúng ta đã kéo dài quá lâu mô hình này, thậm chí sau này còn nặng nề hơn. Ví dụ tỷ lệ vốn, sau này chúng ta dựa vào tỷ lệ vốn ngày càng nặng nề hơn, hao phí quá nhiều vào tài lực, cũng như các nguồn lực khác trong quá trình phát triển. Nhưng chúng ta đã quá chậm trong thay đổi mô hình tăng trưởng, gần như năm nào Chính phủ báo cáo trước Quốc hội cũng lo lắng về mô hình tăng trưởng chiều rộng hơn là chiều sâu. Nặng về số lượng thành tích hơn là chất lượng, nhưng mà năm nào cũng nhắc lại nghĩa là chưa khắc phục được nguyên nhân sâu xa này.
Như vậy là muốn thay đổi thì không có cách nào khác là thay đổi mô hình tăng trưởng và thay đổi mô hình tăng trưởng đi liền với tái cấu trúc nền kinh tế cùng 3 trọng tâm mà Nhà nước đề ra ban đầu là hoàn toàn đúng đắn. Chắc chắn quá trình này sẽ là một quá trình đau đớn vì nó sẽ động đến “lợi ích nhóm”. Nhưng phải chấp nhận đau đớn đó để khắc phục, còn nếu không thì tình trạng đó sẽ lặp đi lặp lại và không có cách nào vượt qua được, nếu không sớm khắc phục thì hậu quả của nó sẽ ngày càng nặng nề hơn.
Năm 2011 lạm phát lên rất cao, tốc độ tăng trưởng cũng giảm sút, để lại di chứng cho năm 2012 với nỗ lực kiềm chế lạm phát thì nó được về mặt con số nhưng lại gắn với hệ quả là gây tắc nghẽn mạch kinh tế. Như vậy là hệ quả của mô hình cũ đã để lại di chứng ngày càng nặng nề hơn.
PV: Liệu chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng 6-6,5% như đã đề ra đầu năm không thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ năm nay khó có thể đạt được mục tiêu 6-6,5%, đã có nhiều dự báo đưa ra, kể cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ vừa rồi cũng đưa ra mức dự báo 5,3-5,5%, Tôi nghĩ đó là mức hợp lý và chúng ta nên chấp nhận, dù ở kỳ họp Quốc hội giữa năm vừa rồi không điều chỉnh mức tăng trưởng nhưng mà chúng ta nên chấp nhận thực tế như vậy. Đừng buộc mình vào chỉ tiêu để rồi lại phải tăng bằng mọi giá, để rồi lại gây hệ quả lâu dài cho nền kinh tế. Năm nay khi tập trung đi vào điều tiết vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì tôi cho là phải chấp nhận mức tăng trưởng thấp và theo tôi, mức tăng trưởng hơn 5% đã là ổn rồi, chứ không nhất thiết phải đạt 6-6,5%.
Toàn Hưng (thực hiện)
-
[PetroTimesTV] Petrovietnam bám sát các mục tiêu quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2024
-
[PetroTimesTV] Tập trung số 1 vào công tác tái cấu trúc DQS
-
[PetroTimesTV] Khối dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng mới của Petrovietnam
-
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ II): Bùng nổ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng