Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chuyện của một người đi tìm lửa (Kỳ I)

09:10 | 14/10/2011

215 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tôi được thấy ông Ngô Thường San lần đầu tiên vào khoảng tháng 10/1987. Khi ấy ông là Phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô, còn tôi là phóng viên Báo Công an Nhân dân. Lần ấy, tôi đi viết về công tác bảo vệ ở Liên doanh Vietsovpetro. Một cán bộ của phòng bảo vệ là sĩ quan công an biệt phái dẫn tôi đi ra cảng Dầu khí. Cũng phải nói thêm rằng, vào những năm 80 của thế kỷ trước, trên tất cả các công trình trọng điểm, công tác bảo vệ được chú trọng đặc biệt và phụ trách các phòng, ban bảo vệ thường do cán bộ công an biệt phái sang.

1. Sau 24 năm

Khi ra ngoài cảng, giữa bộn bề sắt thép, tôi thấy có một nhóm cán bộ của ta và Liên Xô (ngày ấy không gọi người Nga như bây giờ mà chỉ gọi là Liên Xô) đang tranh luận việc gì đó rất hăng. Chúng tôi lại gần và thấy hai cán bộ Việt Nam nói chuyện với các chuyên gia Liên Xô bằng tiếng Nga khá thoải mái. Nghe họ nói, tôi phục lắm và cũng thấy tự hào.

Anh cán bộ bảo vệ giới thiệu với tôi rằng, “Người đang nói là Ngô Thường San, Phó tổng giám đốc Liên doanh. Ông ấy giỏi lắm, nói tiếng Nga như tiếng Việt. Mà ở đây chỉ có ông ấy dám cãi nhau với chuyên gia Liên Xô thôi”. Anh nói xong rồi lôi tôi đi ngay. Câu nói ngắn ngủi của anh về ông San làm tôi rất ấn tượng. Ngày ấy, trong con mắt của chúng tôi, ai mà có thể nói chuyện được với “Tây” trực tiếp, không cần phiên dịch thì thực là đáng kính nể. Mà người lại còn dám tranh luận với “Tây” thì lại còn đáng kính nể hơn nữa.

Chuyện của một người đi tìm lửa (Kỳ I)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp ông Ngô Thường San (năm 1994)

Sau lần được “nhìn” thấy đó, 24 năm sau, vào tháng 11/2010 tôi mới được “gặp” ông, lúc này ông đã nghỉ và là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam. Tôi gặp ông để trình bày về việc xin xuất bản tờ Báo Năng lượng Mới. Với vẻ lịch lãm, cách nói rất ngắn gọn, cụ thể mang tác phong của một nhà khoa học, ông đã thực sự thu hút tôi. Và bây giờ tôi mới hiểu được thế nào là một người “hưu” nhưng không “hắt”. Ông vẫn thường xuyên vào Nam ra Bắc để chủ trì các cuộc họp của Hội Dầu khí, tham gia giảng dạy, tham gia các buổi hội thảo về khoa học… Tôi có cảm giác rằng, ông đang hối hả làm việc, ông đang cướp lấy thời gian. Sau này, khi tôi đặt vấn đề với một số lãnh đạo của Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro để viết về những ngày đầu của liên doanh, đặc biệt là từ năm 1984 đến 1990 thì ai cũng nói với tôi rằng: “Anh muốn biết rõ cứ hỏi bác San”. Nhưng khi tôi đặt vấn đề với ông thì ông lại ngại và giới thiệu tôi sang gặp những người khác. Cuối cùng, tôi cũng đã thuyết phục ông dành cho tôi một buổi. Nhưng rồi tôi cũng thất vọng bởi lẽ trong buổi làm việc đó hầu như ông chỉ kể về những kỷ niệm của ông với những chuyên gia Liên Xô và các đồng nghiệp. Dường như ông chỉ muốn đóng vai trò mình là người chứng kiến chứ không phải là một người đã có những đóng góp nhất định, quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của Vietsovpetro cũng như ngành Dầu khí Việt Nam sau này.

Ông San vốn là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và được đưa đi học ở Liên Xô từ khi còn đang học cấp 3 (lớp 9 ngày ấy). Ông học mất một năm dự bị rồi được đưa đi học trung cấp, sau lên Đại học Địa chất và vào khoa Tìm kiếm mỏ. Mãi đến năm 1962 ông làm về đề tài Kiến tạo địa chất miền Bắc, năm 1963 ông sang Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, rồi lại được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Thật ra ngày ấy ông cũng chẳng thích thú gì chuyện đi học ở Liên Xô, bởi lẽ ông cũng như rất nhiều học sinh miền Nam, ra Bắc chỉ mong ngóng được trở về miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Nhưng những cán bộ phụ trách đã “lên lớp” cho ông rằng, đi học cũng là một nhiệm vụ. Học giỏi cũng như đã chiến đấu giỏi. Thấm nhuần mục tiêu ấy nên ông và nhiều anh em khác lao vào học ngày, học đêm và họ cảm thấy xấu hổ nếu như không được điểm cao. Nhưng thật không may cho ông, năm 1964 do phong trào chống chủ nghĩa xét lại của Liên Xô (cũ) nên ông và nhiều sinh viên khác phải về nước, đặc biệt là các sinh viên nghiên cứu một số ngành nghề trong đó có dầu khí.

Trở về nước ông công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, kết hợp công tác với Đoàn địa chất 36, đóng quân ở vùng trũng An Châu, khu vực Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1971, ông được quay trở về Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Và năm 1972 có một sự kiện khiến ông không thể nào quên. Đó là đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn gọi ông lên giao nhiệm vụ nghiên cứu địa chất miền Nam. Tài liệu về dầu khí thì chẳng có gì ngoài một số tờ báo tiếng Pháp, tiếng Anh. Có những bài viết về tình hình thăm dò dầu khí ở miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn yêu cầu phải tiếp cận nghiên cứu về tiềm năng dầu khí ở miền Nam. Qua những tài liệu ít ỏi đó, ông thấy hoạt động thăm dò dầu khí ở miền Nam rất nhộn nhịp bởi các hãng như Mobil, Esxo, nhưng việc nghiên cứu cũng chẳng đi đến đâu, bởi tài liệu thì ít… Năm 1975 Sài Gòn giải phóng, vào tháng 6 đồng chí Phạm Hùng đã xin Ủy ban Thống nhất đưa ông vào miền Nam. Thế là ông Ngô Thường San cùng ông Đào Duy Chữ là cán bộ Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và ông Vũ Trọng Đức cán bộ của Tổng cục Hóa chất đáp máy bay IL18 vào Sài Gòn rồi đến tiếp quản trụ sở Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chế độ Sài Gòn cũ. Qua những tài liệu của chế độ cũ để lại, ngày 25/7, ông cùng ông Hồ Đắc Hoài đã có báo cáo sơ bộ về tiềm năng dầu mỏ ở miền Nam Việt Nam. Ông và ông Nguyễn Văn Biên, lúc ấy là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ được đồng chí Lê Duẩn gọi đến báo cáo trực tiếp với Bộ Chính trị. Ngày 3/9, Tổng cục Dầu mỏ Khí đốt Việt Nam ra đời, ông Nguyễn Văn Biên được cử làm Tổng cục trưởng, ông Lê Văn Cử là Tổng cục phó. Ông San lúc này quân số thuộc Viện Khoa học Việt Nam nhưng lại làm ở bên Tổng cục Dầu mỏ Khí đốt. Thấy làm việc theo kiểu “quân vay tướng mượn” thế này chán quá, ông bèn lên gặp Giáo sư Trần Đại Nghĩa và xin chuyển về Tổng Công ty Dầu khí.

Qua tài liệu thăm dò mà các hãng nước ngoài để lại thì từ tháng 4/1974, Hãng Mobil đã khoan và phát hiện ra dầu ở Bạch Hổ 5 (tầng Bạch Hổ 5, sau này Vietsovpetro gọi là tầng 23). Thời chế độ Sài Gòn, các hãng nước ngoài thăm dò dầu khí ở vùng thềm lục địa đã chia ra từng lô và đặt tên các lô theo truyền thống của mỗi nước. Hãng Mobil thì có thói quen đặt lô theo tên thú dữ, nào là Bạch Hổ, Đại Hùng, rồi Sói, rồi Rồng… Hãng Shell thì lại lấy tên những dòng sông, nào là Trà Giang, nào là Sông Ba… Hãng BP lại lấy tên các loài hoa phong lan như Lan Tây, Lan Đỏ… Hãng Mobil phát hiện ra dầu và khuyếch trương rất lớn. Báo chí Sài Gòn thời đó đã ví: “Dầu của Trung Đông so với Việt Nam thì không khác nào con tem dán trên lưng con voi?!”. Thông tin về có dầu ở Bạch Hổ đã trở thành quan trọng đến mức mà hồi ấy các đoàn công tác của chúng ta đi nước ngoài, tới đâu cũng giới thiệu tiềm năng dầu khí ở Bạch Hổ. Thậm chí còn mang sang cả Trung Đông giới thiệu với Kuwait, Iraq.

Chuyện của một người đi tìm lửa (Kỳ I)
Công nhân đang làm việc trên một giàn khoan của Vietsovpetro

Ông San không thể nào quên được một kỷ niệm, đó là lần ông cùng với ông Nguyễn Xuân Trúc, ông Đồng Hải được cử đi công tác ở Kuwait, với nhiệm vụ tìm kiếm khả năng hợp tác. Theo tiêu chuẩn đi công tác ở Trung Đông, cán bộ như ông được 25 cent một ngày, nếu là hàm Vụ trưởng thì được du di nâng lên Thứ trưởng để hưởng tiêu chuẩn 45 cent. Cả đoàn đi được Nhà nước cấp cho 1.000 đôla nhưng toàn tiền có mệnh giá 1 và 2 đôla. Số tiền ấy được bó thành bốn cục như hòn gạch. Sang đến Kuwait, được họ sắp xếp cho ở khách sạn Sheraton, là một khách sạn 5 sao vô cùng lộng lẫy. Cả đoàn sợ hãi vì không biết lấy tiền đâu ra để mà trả nên đành phải ăn bánh mì và uống nước máy. May mắn làm sao sáng hôm sau, nhân viên của Tập đoàn Dầu khí Kuwait thông báo với đoàn rằng, mọi việc ăn ở của đoàn ở đây được họ đài thọ. Ông và mọi người thở hắt ra, nhẹ nhõm. Nhưng chuyến đi thất bại bởi Quỹ đầu tư Arập hứa cho Việt Nam vay tiền nhưng lại không được đầu tư vào dầu khí mà phải đầu tư cho nông nghiệp…

Từ sau năm 1976, Tổng cục Dầu khí thấy cần phải hợp tác với một số nước tư bản bởi họ có kinh nghiệm khai thác ở ngoài biển. Đồng chí Đinh Đức Thiện được cử về phụ trách dầu khí và ngay từ lúc ấy ông đã đặt ra yêu cầu là khai thác dầu khí với tư bản, nhưng phải bảo vệ được chủ quyền biển đảo quốc gia. Năm 1977, ta ký hợp tác thăm dò với một loạt các công ty như AZIP, Total, CFP, Deminex… Các hãng này cũng bỏ tiền bỏ của ra khoan thăm dò mấy giếng nhưng giếng có, giếng không và một thời gian sau họ lẳng lặng rút đi. Sau này mới biết, họ chuyển sang hợp tác với Trung Quốc, với những hợp đồng có điều kiện ưu đãi hơn. Thế là từ năm 1979, Đảng, Nhà nước quyết định hợp tác toàn diện với Liên Xô để thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế trên vùng biển Việt Nam.

Nói về những ngày này ông San bồi hồi nhớ lại: “Thời ấy cũng đã có người nói rằng, Liên Xô lừa Việt Nam để nhằm lấy tài nguyên của Việt Nam. Nhưng họ không biết rằng, hàng năm Liên Xô phải viện trợ cho Việt Nam một triệu tấn dầu. Mà dầu chở từ Liên Xô sang, đường sá xa xôi, chi phí cực kỳ tốn kém. Đã có một thời gian dài, Liên Xô phải bỏ tiền ra mua dầu ở Iraq rồi chuyển cho Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng và nhân dân Liên Xô đã thay đổi quan điểm chiến lược, đó là: Phải giúp Việt Nam phát triển ngành Công nghiệp Dầu khí, đó là cách cho “cần câu” chứ không cho “cá”. Vì không muốn cho “cá” nên Liên Xô quyết định đầu tư cho ngành Dầu khí Việt Nam và nêu khẩu hiệu: “Làm ở Việt Nam xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim”. Liên Xô đưa các cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Khí sang Việt Nam và thành lập Liên doanh Vietsovpetro”.

Có một điều mà ông San không nói nhưng chúng tôi biết, vào ngày ấy, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô và Bộ Công nghiệp Khí ủng hộ việc thành lập liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam rất mạnh mẽ, trong khi đó Bộ Công nghiệp Dầu ở Liên Xô thì lại không muốn. Còn có một Bộ phản đối ra mặt, đó chính là Bộ Địa chất Liên Xô.

Chuyện của một người đi tìm lửa (Kỳ I)
Chuyện của một người đi tìm lửa (Kỳ I)

Ông Ngô Thường San

Năm sinh: 1938

- Quê quán: Xã An Ninh, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

- Trình độ chuyên môn: Đại học Địa chất, Tiến sĩ danh dự Trường đại học Dầu khí Gupkin, Mátxcơva.

- Trình độ chính trị Cao cấp: Chính trị Mác-Lênin.

Từng tham gia các chức vụ:

- Phó giám đốc Công ty Dầu khí II Tổng cục DKVN

- Phó tổng giám đốc, sau đó là Tổng giám đốc Liên doanh Dầu khí Viesovpetro.

- Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc, thường trực Hội đồng Quản trị, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.

- Ủy viên BCH Tỉnh Đảng bộ Bà Rịa – Vũng Tàu.

- Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Ủy viên Hội đồng Khoa học Công nghệ Quốc gia.

- Phó chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam.

- Chủ nhiệm danh dự bộ môn Địa chất – Dầu khí Trường đại học Bách khoa TP HCM

Khen thưởng:

- Bằng khen Thủ tướng Chính phủ.

- Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

- Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Ba.

- Huân chương Lao Động hạng Ba; hạng Nhất.

- Anh hùng Lao động.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong