'Chuyện chưa từng có' lần ông Đỗ Mười được bầu giữ chức Thủ tướng
Nhiều năm tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại giữ những kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc về cố Tổng bí thư Đỗ Mười. Trong đó có sự kiện ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt cùng được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) vào năm 1988.
"Đây là chuyện chưa từng có trước đó và là một dấu son dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam", ông Vũ Mão chia sẻ.
Ngày 10/3/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đột ngột qua đời. Theo quy định của Hiến pháp, ngày 11/3/1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký quyết định cử ông Võ Văn Kiệt khi ấy đang là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng làm quyền Chủ tịch Hội đồng cho đến khi Quốc hội bầu lãnh đạo Chính phủ mới.
Cố Tổng bí thư Đỗ Mười (trái) và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu |
Theo ông Vũ Mão, sau đó các cấp có thẩm quyền đã xem xét, quyết định giới thiệu ông Đỗ Mười (khi đó đang là Thường trực Ban Bí thư, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) để Quốc hội bầu giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa VIII (tháng 6/1988), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã đọc tờ trình của Ban chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu ông Đỗ Mười vào cương vị nêu trên.
“Trong không khí đổi mới, mở cửa, nhiều đại biểu đề nghị giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt để có tranh cử”, ông Vũ Mão kể.
Lúc đó, đại biểu Ba Thi - Nguyễn Thị Ráo nói: “Chúng tôi tha thiết đề cử đồng chí Võ Văn Kiệt, người mà nhân dân miền Nam, nhất là nhân dân TP HCM rất kính trọng”.
Đại biểu Lý Chánh Trung nêu ý kiến, trước đây ông vận động người dân, trí thức miền Nam xuống đường đấu tranh chống độc diễn trong bầu cử của chính quyền Sài Gòn. Bây giờ đất nước thống nhất, độc lập thì bầu cử phải có số dư. Vì vậy, ông đề xuất giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt vào chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Quốc hội thảo luận sôi nổi và cuối cùng 33/53 đoàn đại biểu đề cử ông Võ Văn Kiệt là ứng cử viên thứ hai, bên cạnh ông Đỗ Mười, để bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ông Vũ Mão nhớ lại, lúc đó ông Võ Văn Kiệt đã từ chối và giải thích: “Tôi là đảng viên, tôi tuân thủ nguyên tắc Đảng. Ban chấp hành Trung ương đã giới thiệu đồng chí Đỗ Mười rồi thì nếu có gì khác, chúng ta phải báo cáo Trung ương”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu không đồng ý cho ông Kiệt rút.
Ông Vũ Mão. Ảnh: N.H |
Theo lời ông Vũ Mão, khi ấy ông có trao đổi với ông Đỗ Mười rằng, đây là thời kỳ Đổi mới, quan niệm theo tư duy đổi mới thì việc đó là bình thường. "Anh Kiệt và anh đều là những người xuất sắc. Nên phiếu của người này, người kia hơn nhau ít nhiều là chuyện bình thường”.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đưa vấn đề ra thảo luận tại cuộc họp Bộ Chính trị và quyết định để hai ứng viên. Ngày 22/6/1988, Quốc hội bỏ phiếu bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với hai ứng viên do Ban chấp hành Trung ương giới thiệu và đại biểu Quốc hội đề cử là ông Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt.
Kết quả, ông Đỗ Mười trúng cử với 296 phiếu (63%), ông Võ Văn Kiệt được 168 phiếu (37%).
"Ý Đảng, lòng dân gặp nhau"
Ông Vũ Mão nhận định, sự kiện trên là trường hợp chưa từng có trong sinh hoạt nghị trường, và được "nhân dân trong nước đồng tình, quốc tế ca ngợi vì Việt Nam có đổi mới chính trị theo hướng tích cực".
Sau khi ông Đỗ Mười trúng cử, ông Vũ Mão đến chia sẻ: “Đó là việc rất tốt, chứng tỏ uy tín của anh nhưng đồng thời cũng để anh thấy được còn có khiếm khuyết cần sửa chữa”. Ông Đỗ Mười rất vui về cuộc nói chuyện ấy.
"Theo tôi, lẽ ra chúng ta nên tổng kết, đánh giá, chỉ ra những mặt tích cực và hạn chế qua sự kiện đó để tiếp tục. Vì lúc đó coi là trường hợp đột xuất, giải pháp tình thế nên chưa được nghiên cứu sâu và đến nay chưa có thêm lần nào", ông Vũ Mão bày tỏ.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cũng nhìn nhận việc Quốc hội bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với hai ứng viên Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt là "ý Đảng, lòng dân gặp nhau".
Ông phân tích, việc ông Đỗ Mười trúng cử cho thấy Đảng giới thiệu đúng người. Nhưng Đảng lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt thể hiện tinh thần dân chủ.
Tướng Thước cho rằng, nên coi sự kiện ở nghị trường năm 1988 là điểm khởi đầu của sinh hoạt dân chủ trong bầu chọn cán bộ ở Việt Nam.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ trần hồi 23h12 ngày 1/10, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 101 tuổi. Ông tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nguyên Tổng bí thư được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến cứu nước và các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Tháng 9/1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, ông Đỗ Mười được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 12/1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ chính trị và Thường trực Ban bí thư. Hai năm sau, Quốc hội bầu ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội Đảng lần thứ VII và VIII, ông Đỗ Mười được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ chính trị, giữ chức Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng (6/1991 - 12/1997). Ông là đại biểu Quốc hội các khoá II, IV, V, VI, VII, VIII, IX và được trao tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. |
Theo VnExpress.net
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị