Chuyện chưa kể về Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ - Kỳ 2
Kỳ 2: Bất ngờ trước "Cửa thiên đường"
Còn nhớ, vào thời điểm tháng 9-2014, sau khi Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPoly) tiến hành một loạt các bước vận hành, đưa công suất NMXS Đình Vũ lên hơn 50%, các sản phẩm xơ sợi của nhà máy được Viện Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sử dụng thử, đánh giá chi tiết về chất lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng VNPoly đã tổ chức giới thiệu sản phẩm đến cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước.
Lãnh đạo Petrovietnam luôn theo sát từng bước quá trình vận hành NMXS Đình Vũ |
Tại buổi giới thiệu sản phẩm, Phó tổng giám đốc Vinatex Hoàng Vệ Dũng hồ hởi thông tin: NMXS Đình Vũ là nguồn sản xuất xơ sợi polyester quan trọng đối với sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam. VNPoly đã hoàn thiện sản phẩm, sẽ tạo thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam về thời gian giao hàng, giá sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật...
Trong hơn 8 tháng chính thức vận hành nhà máy, VNPoly đã nỗ lực nâng cao công suất nhà máy, xây dựng hệ thống kinh doanh sản phẩm xơ sợi Việt Nam. Nhưng, “so chị, sánh em”, chất lượng xơ sợi Đình Vũ vẫn “thua sắc, kém tài”.
Thực tế, vấn đề chất lượng xơ sợi tổng hợp cực kỳ phức tạp, hóc búa khiến nhiều kỹ sư, chuyên gia phải “đau đầu”. Đặc biệt, dù theo dõi trên hệ thống máy móc, dù có thiết lập quy trình hoàn toàn đúng theo quy định của nhà sản xuất, cũng khó có thể chắc chắn cho ra sản phẩm tốt nhất.
Sau nhiều nỗ lực tìm hiểu, lãnh đạo VNPoly mới vỡ lẽ ra một điều, trên thế giới có hẳn các nhóm chuyên gia độc lập vận hành nhà máy sản xuất xơ sợi. Họ đi khắp thế giới để bán những “bí quyết độc quyền” ổn định và nâng cao chất lượng xơ sợi. Thế là, VNPoly cũng phải “cắn răng” thuê một nhóm chuyên gia vận hành đến từ Đài Loan - Trung Quốc. Khi nhóm chuyên gia này bắt tay vào kiểm soát chất lượng tại nhà máy, các khâu vận hành và chất lượng sản phẩm đều tiến bộ trông thấy.
Đội ngũ kỹ sư của VNPoly trưởng thành trong thực tế |
Khoảng tháng 7-2015, sản phẩm xơ sợi VNPoly được các khách hàng đánh giá và phản hồi rất tốt về chất lượng cũng như các dịch vụ hậu mãi. Nhóm hỗ trợ kỹ thuật của VNPoly đi khảo sát tại Nhà máy Sợi Phú Bài (Hà Nội). Tại đây, Giám đốc nhà máy Lê Hồng Quân đã khẳng định chất lượng xơ sợi tổng hợp của VNPoly không thua gì dòng sản phẩm hàng đầu khu vực.
Còn tại Công ty Sợi dệt Vĩnh Phúc, Giám đốc Nguyễn Văn Tiến cũng thẳng thắn: “Nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi Việt Nam đều đang “khát” nguyên liệu. Trước đây, công ty muốn sản xuất một lô hàng, phải tính toán đặt trước cả tháng trời mới đủ nguyên phụ liệu. Nhiêu khê hơn, mỗi lần chuyển đổi nguyên liệu lại phải căn chỉnh lại toàn bộ dây chuyền xe sợi của nhà máy. Lo ngại nhất là vấn đề chất lượng của nguyên liệu, nếu đang sản xuất dở dang mà thiếu nguyên liệu, phải tiếp tục nhập lô nguyên liệu khác, sẽ không bảo đảm đồng bộ về chất lượng, có thể bị khách hàng phạt hợp đồng. Vì vậy, từ khi có sản phẩm của VNPoly, dù giá đắt hơn một chút, chúng tôi vẫn vui vẻ dùng vì nhiều lẽ, như tiết kiệm thời gian giao hàng, không mất chi phí hải quan, lưu kho, lưu bãi...”.
Thực tế, NMXS Đình Vũ đang đứng trước “cửa thiên đường”. Những tưởng cùng với sự liên tục nâng cao tay nghề của đội ngũ nhân lực VNPoly, sự đồng hành của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ dần khẳng định vị thế và chỗ đứng của sản phẩm xơ sợi tổng hợp nội địa, song điều bất ngờ đã xảy đến, tất cả đột ngột chấm dứt “không kèn, không trống” trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Trước tiên, từ ngày đầu NMXS Đình Vũ vận hành, mỗi tấn sản phẩm xuất bán đều bị lỗ. Dần dần với việc nâng cao chất lượng, xây dựng hệ thống bán hàng và hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng chuyên nghiệp, quan trọng nhất là sự “đồng cam cộng khổ” của các bạn hàng tại Việt Nam, giá sản phẩm xơ sợi của VNPoly dần được nâng lên, xây dựng được uy tín trên thị trường Việt Nam. Có thời điểm tháng 5-2015, giá xơ thành phẩm của VNPoly cao hơn giá xơ nhập từ Trung Quốc, tiếp cận với giá xơ của Thaipoly và Indorama. Thời điểm đó, xơ sợi của NMXS Đình Vũ đã chỉ còn “nửa bước chân” nữa là tiếp cận điểm hòa vốn.
Sự nỗ lực tự thân của VNPoly còn rất đáng biểu dương khi phải trực tiếp đối đầu với sự cạnh tranh theo kiểu “triệt hạ” từ các đối thủ trong và ngoài nước. Xơ sợi tổng hợp Trung Quốc liên tục bán phá giá vào Việt Nam. Có những thời điểm chính doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng phải “kêu trời” vì giá bán sản phẩm quá thấp. Thời điểm này, VNPoly đã phải “cầu cứu” Bộ Công Thương. Rất may, chỉ trong vòng 2 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã áp cơ chế phòng vệ thương mại, tạm thời áp thuế 2% với mặt hàng xơ sợi tổng hợp nhập khẩu vào Việt Nam.
Phó tổng giám đốc Vinatex Hoàng Vệ Dũng đã phát biểu tại buổi gặp mặt với lãnh đạo Petrovietnam khi chuẩn bị các phương án vận hành trở lại NMXS Đình Vũ: “Để chuẩn bị sản xuất, các doanh nghiệp dệt may không chỉ lên kế hoạch chi tiết từng ngày, từng tuần mà còn phải có một nguồn nguyên liệu đồng bộ từ khâu chỉ định nguyên liệu đến ký hợp đồng tiêu thụ. Để thuyết phục doanh nghiệp đồng ý đưa xơ sợi tổng hợp Việt Nam vào kéo sợi, dệt vải là cả một quá trình làm việc hết sức nghiêm túc, mất ít nhất từ một đến vài tháng trời. Hơn thế, chính doanh nghiệp dệt may cũng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Bởi vậy, việc ngừng sản xuất của NMXS Đình Vũ ngay khi hàng loạt các đơn hàng của doanh nghiệp dệt may đang vào guồng sản xuất không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh doanh mà còn ảnh hưởng cả uy tín của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam”.
Thực tế lúc đó, ngay khi nghe tin có thể nhà máy phải tạm ngừng sản xuất, ông Dũng đã lập tức đến thuyết phục lãnh đạo Petrovietnam cùng xem xét, kiến nghị việc tạm ngừng sản xuất của NMXS Đình Vũ. Cần phải nói thêm rằng, trước khi vận hành nhà máy, lãnh đạo VNPoly đã có các kịch bản xấu nhất là nhà máy phải chịu lỗ trong vòng 3 năm (tương tự nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp khác trên thế giới), bởi có thể xảy ra hàng loạt lý do bất khả kháng từ nhu cầu thị trường, nguồn nguyên liệu, sự cạnh tranh...
Nhưng tất cả cố gắng, nỗ lực cũng như mọi kịch bản đều trở nên vô nghĩa bởi một quyết định hành chính.
Điều đó không khó lý giải, bởi trong sự vận hành nền kinh tế Việt Nam, nhiều người khó chấp nhận cụm từ “lỗ kế hoạch”. Với các dự án đầu tư lớn lên tới hàng nghìn tỉ đồng, chỉ tính tiền lãi vay ngân hàng mỗi ngày đã tới vài tỉ đồng. Muốn dự án thu được lợi nhuận, bắt buộc phải có thời gian, không chỉ tính bằng vài năm mà phải tính bằng 10-20 năm. Chính vì vậy, dự án đầu tư công nghiệp phải tính toán thời gian xóa lỗ khá dài. Chẳng hạn như đầu tư một nhà máy như NMXS Đình Vũ có thể phải mất hàng chục năm nhà đầu tư mới trả hết nợ, thu hồi vốn, hết lỗ, bắt đầu có lợi nhuận.
Giá bán sản phẩm của VNPoly đã từng bước nâng lên so với mặt bằng chung của thị trường. Năm 2014, giá xơ VNPoly thấp hơn Thaipoly 60 USD/tấn, đến tháng 8-2015 chỉ thấp hơn 25 USD/tấn. Năm 2014, xơ VNPoly bán thấp hơn xơ Trung Quốc 30 USD/tấn, năm 2015 bán cao hơn 20 USD/tấn. |
(Xem tiếp kỳ sau)
Chuyện chưa kể về nhà máy xơ sợi Đình Vũ |