Chuyện chưa kể về nhà máy xơ sợi Đình Vũ
NMXS Đình Vũ có số phận khá lận đận. Vốn được thai nghén từ mối “lương duyên” giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhưng “đứa con” NMXS Đình Vũ vẫn gặp nhiều trắc trở.
Kỳ 1: " Chuyện tình" mang tên Đình Vũ
Cuối năm 2017, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Petrovietnam và Vinatex nhằm tìm cách vận hành trở lại NMXS Đình Vũ, câu chuyện thời tiền dự án được lãnh đạo tập đoàn thẳng thắn đưa ra “mổ xẻ”, trong đó, đáng chú ý là xuất phát điểm xây dựng NMXS Đình Vũ.
VNPoly ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Vinatex |
Tại buổi họp đó, Chủ tịch HĐQT Vinatex Trần Quang Nghị đã thẳng thắn nói về ý tưởng xây dựng các NMXS xơ sợi tổng hợp. Đây là ý tưởng được nung nấu, được “thai nghén” từ rất lâu của các doanh nhân trong ngành dệt may Việt Nam. Bởi hơn ai hết, các doanh nhân ngành dệt may Việt Nam là những người đã, đang phải trực tiếp đối mặt và hiểu thấu tình trạng các doanh nghiệp sản xuất sợi, dệt vải Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nguyên phụ liệu ổn định, chịu cảnh o ép của nhà sản xuất nước ngoài. Bởi vậy, việc xây dựng những NMXS tổng hợp trong nước là cực kỳ cần thiết và cấp bách.
Ông Trần Quang Nghị cho biết, lúc đó, ông đích thân gặp Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, bàn bạc, đưa ra ý tưởng của mình với lý lẽ là Petrovietnam có nguồn lực tài chính, kỹ thuật cao, đặc biệt xơ sợi tổng hợp là sản phẩm của công nghệ hóa dầu, nên việc đầu tư một nhà máy dưới sự hợp tác của hai tập đoàn kinh tế lớn là việc hoàn toàn trong tầm tay.
Theo Chủ tịch HĐQT Vinatex, ban đầu, Vinatex chỉ đề nghị xây dựng nhà máy có công suất nhỏ vì Vinatex vốn nhỏ, mà vốn của doanh nghiệp dệt may phải linh hoạt, quay vòng nhanh. Hơn thế, nước ta chưa làm xơ sợi tổng hợp bao giờ nên phải thử nghiệm, học hỏi, làm từ từ. Nhưng Petrovietnam muốn làm nhà máy lớn, công suất vượt cả NMXS xơ sợi tổng hợp Formusa do Đài Loan - Trung Quốc đầu tư tại Đồng Nai.
Ông Trần Quang Nghị đưa ra nhận xét: “Tầm nhìn rất hợp lý bởi chúng ta đi sau thì phải có công nghệ tiên tiến, sản xuất đủ lớn, mới có lợi nhuận. Nhưng Vinatex không thể đủ vốn để theo đuổi dự án lớn. Lúc đó, tôi bất đồng ý kiến về quy mô NMXS nhưng cuối cùng vẫn phải thỏa hiệp”.
Công nhân kỹ thuật VNPoly đứng máy sản xuất sợi DTY |
Thời gian đầu đi vào hoạt động, NMXS Đình Vũ gặp rất nhiều khó khăn và có nhiều đồn đoán: Vinatex như một “ông bố vô trách nhiệm”, bỏ rơi đứa con chung còn chưa kịp chào đời?
Quả thật, khi thời điểm dự án xây dựng NMXS Đình Vũ bắt đầu triển khai, lãnh đạo Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (nay là Công ty CP Xơ sợi Việt Nam - VNPoly) có đến một nửa là người được Vinatex biệt phái sang, trong đó có cả ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex - từng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc PVTex. Nhưng đến khi dự án triển khai giữa chừng thì lần lượt người của Vinatex được rút về, đến cả vốn đầu tư cũng rút ra khỏi dự án, để lại một “dấu hỏi” rất lớn đối với nhiều người.
Tuy nhiên, “ly hôn” chứ không “ly biệt”, nói một cách công bằng, trong hơn 4 năm, NMXS Đình Vũ đi vào sản xuất, tạm ngưng rồi lại chuẩn bị vận hành trở lại, Vinatex vẫn là người đồng hành với từng bước đi của NMXS Đình Vũ.
Số là, đặc trưng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hầu hết đều “lấy công làm lãi”. Trong chuỗi giá trị của ngành dệt may, thời trang thế giới, gồm nguyên phụ liệu - sợi - vải - nhuộm - gia công sản phẩm - bán hàng và hậu mãi, các doanh nghiệp Việt Nam đều nằm trong phân khúc gia công sản phẩm, giá trị thặng dư thấp nhất. Bởi vậy, để tồn tại, có lợi nhuận, bắt buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tính toán từng xu, từng ngày giao hàng. Bất cứ doanh nghiệp nào chỉ cần lỡ hẹn giao hàng 1 ngày sẽ bị phạt hợp đồng, mất uy tín.
Dù nghèo, dù khó khăn luôn thường trực, nhưng Vinatex vẫn sẵn sàng cử 3 doanh nghiệp dùng thử xơ tổng hợp của NMXS Đình Vũ. Thời gian đầu NMXS Đình Vũ mới chạy thử, sản phẩm xơ sợi có chất lượng chưa ổn định, khiến các doanh nghiệp của Vinatex “kêu trời”. Bởi đơn giản là dùng một sản phẩm xơ sợi mới sẽ khó vận hành máy móc thiết bị hơn, sản lượng thấp hơn, chất lượng không đạt độ ổn định như các sản phẩm xơ sợi đã quen sử dụng.
Đến giữa năm 2015, khi chất lượng xơ sợi tổng hợp của NMXS Đình Vũ được nâng cao, các dây chuyền sản xuất bắt đầu ổn định từ sản lượng đến chất lượng sản phẩm, Vinatex đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với VNPoly. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may của Vinatex sẵn sàng mua sản phẩm xơ sợi của NMXS Đình Vũ với giá cao hơn xơ sợi nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Chuyện tình” mang tên Đình Vũ giữa Petrovietnam và Vinatex khá thú vị. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung, Vinatex nói riêng không chỉ ủng hộ NMXS Đình Vũ vì có chung lợi ích, hơn thế nữa, còn sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn vì tương lai của ngành dệt may Việt Nam. Đây chính là nền tảng tạo nên niềm tin, hy vọng về sự hồi sinh nhà máy xơ sợi tổng hợp đầu tiên của Việt Nam.
Năm 2015, VNPoly đã khôi phục được uy tín trên thị trường, tiêu thụ sản phẩm tốt, tồn kho ở mức hợp lý. Các khách hàng từ Vinatex khẳng định chất lượng và cam kết mua tối thiểu 50% tổng sản lượng từ NMXS Đình Vũ. Độ bao phủ thị trường trong nước của xơ sợi VNPoly rất khả quan, tại miền Bắc 58% số khách hàng sử dụng, miền Trung 28%, miền Nam 19%. |
(Xem tiếp kỳ sau)
Thành Công