Chuyện buồn ở xứ ngàn cau
Sơn Tây là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi, nằm nơi thượng nguồn dòng Đắk Đrink, phía bắc giáp huyện Nam Trà My của Quảng Nam, phía tây giáp huyện Kon Plông của Kon Tum. Những ngày đầu năm, trên rẻo đất vùng cao này không nắng cũng chẳng mưa; nền trời cứ xám xịt, mịt mù ẩn khuất sau những vệt núi đen. Con đường lên huyện nằm giữa những đồi keo xanh mướt lá và trập trùng bóng những hàng cau. Thỉnh thoảng, lại thấy những chiếc xe máy chở nặng trĩu những buồng cau xanh đi ngược chiều vun vút.
Những ngôi nhà của đồng bào Kadong nơi “xứ sở ngàn cau” Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi |
Trong trụ sở của Công an huyện Sơn Tây, Thượng tá Đinh Văn Dũng đang lần giở những tập hồ sơ, danh sách những người tự tử ở huyện vùng cao này những năm qua. Năm 2015, có 25 người tự tử, trong đó có 21 vụ vì cảm thấy “buồn, bế tắc”. Ba tháng đầu năm 2016, có 10 vụ tự tử xảy ra; trong đó treo cổ 6 vụ, chết 6 người; ăn lá ngón 3 vụ, chết 1 người, cứu được 2 người... Thượng tá Dũng kể, anh mới về công tác tại huyện này và những cái chết vì tự tử của người dân nơi đây làm anh trăn trở; mỗi lần nhận tin báo và làm các công việc theo quy định, là thêm một đêm anh không ngủ. “Do sự kém hiểu biết, không hiểu được giá trị cuộc sống và tâm lý yếm thế; nên cứ có chuyện, dù nhỏ dù to cũng nghĩ đến chuyện tự tử”, Thượng tá Dũng kết luận.
Uống rượu say không làm chủ được bản thân - tự tử. Vợ chồng xích mích, cãi nhau - tự tử. Kết quả học tập không như mong muốn, bị nhắc nhở vì vi phạm giao thông - tự tử. Buồn chuyện gia đình - tự tử... Người ta tự tử vì những lý do rất đỗi bình thường, những cái chết muôn phần “mông muội”. Có những người vừa mới chứng kiến trong làng mình, thôn mình, thậm chí trong họ tộc nhà mình có người tự tử. Và người đó chết đi, để lại sau đó là cha mẹ già không ai phụng dưỡng, là đàn con nhỏ nheo nhóc, đói ăn... Thế mà chỉ vài tháng sau, buồn vì cãi nhau với vợ, lên triền đồi sau nhà bứt lá ngón ăn rồi lên nương tìm vợ bảo rằng, tao ăn lá ngón, sắp chết rồi. Nói xong gục chết trên ruộng nương nhà mình.
“Sơn Tây, ngày 21-1-2016, tại thôn Tu Lang (xã Sơn Mùa) xảy ra một vụ treo cổ tự tử, nạn nhân là em Đinh Văn Thọ (sinh năm 1997, trú thôn Tu Lang). Nguyên nhân do uống rượu say không làm chủ được bản thân dẫn đến treo cổ tự tử chết. Gia đình không có yêu cầu khiếu nại gì và xin nhận tử thi về mai táng theo phong tục của địa phương”.
Cây lá ngón có hoa màu vàng, mọc nhiều ở vùng núi khắp cả nước |
“Sơn Tây, ngày 3-2-2016, tại thôn Đắk Trên (xã Sơn Dung) xảy ra một vụ tự tử bằng lá ngón. Nạn nhân là Đinh Trung Ngoan (sinh năm 1966, trú thôn Đắk Trên). Gia đình không có yêu cầu khiếu nại gì và xin nhận tử thi về mai táng theo phong tục của địa phương”.
“Sơn Tây ngày 14-2, tại thôn Đắk Long (xã Sơn Liên) xảy ra một vụ treo cổ tự tử, nạn nhân là Đinh Thị Xây (sinh năm 1975). Trước đó, vào khoảng 11 giờ cùng ngày, chị Xây cùng chồng là Đinh Văn Tiêu (sinh năm 1969) đi đám ma chú ruột của chị Xây tại xã Sơn Mùa. Đến khoảng 15 giờ, cả hai vợ chồng đến nhà cô ruột chị Xây tại xã Sơn Mùa uống rượu. Đến khoảng 16 giờ, hai vợ chồng về nhà. Anh Tiêu đi lên thôn nhận quà của đoàn tình nguyện Ngọn lửa hồng. Sau khi nhận quà xong anh Tiêu về nhà phát hiện vợ dùng dây ruột thắng xe máy treo cổ tự tử. Gia đình không có yêu cầu khiếu nại gì và xin nhận tử thi về mai táng theo phong tục của địa phương”.
Những cụm từ “tự tử”, “lá ngón”, “treo cổ”... trong tập hồ sơ mà Thượng tá Dũng đưa cho đọc cứ ám ảnh và quay cuồng trong đầu tôi cho đến tận bây giờ, khi đã về thành phố, nơi cách Sơn Tây vài trăm cây số.
Lá ngón còn có tên gọi khác là đoạn trường thảo (nghĩa là cây đứt ruột), mọc nhiều ở vùng núi nước ta... Lá ngón là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc. Lá mọc đối, hình trứng dài, hơi hình mác, đầu nhọn, mép lá nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12cm, rộng 2,5-5,5cm. Hoa có cánh màu vàng, mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Theo dân gian, chỉ cần ăn ba lá là một người lớn đủ chết. Còn theo khoa học hiện đại, lá ngón gây chết người do các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Alkaloid là các hợp chất hữu cơ có hoạt tính sinh lý rất cao với hệ thần kinh của con người, một lượng nhỏ chất này là đủ gây chết người.
Theo khoa học thì là vậy, nhưng bà con vùng cao không cần biết “alkaloid” là cái gì, độc tố ra sao. Họ chỉ biết, khi buồn, khi bế tắc không tìm thấy lối ra cho cuộc sống, là họ tìm đến cái chết. Và nếu như ở dưới đồng bằng, người ta tìm đến thuốc chuột, thuốc diệt cỏ hay thuốc ngủ... còn ở huyện vùng cao Sơn Tây này, không gì sẵn hơn nếu muốn tìm đến cái chết bằng lá ngón. Thượng tá Dũng bảo, ở Sơn Tây, lá ngón mọc nhiều nơi ở trong rừng, ven các triền đồi và vách núi. Đến mức huyện Sơn Tây từng phải huy động lực lượng nhổ, diệt cây lá ngón, nhưng số vụ tự tử ở đây chẳng hề giảm, cứ năm sau lại cao hơn năm trước. “Giữ được người muốn sống chứ, giữ sao được những người muốn chết, chủ yếu là nhận thức thôi”, Thượng tá Dũng buồn bã nói.
Bà con người Kadong ở Sơn Tây kể về những cái chết do tự tử ở thôn làng của mình |
Đường vào thôn Đắk Lang (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) không khó đi. Từng nếp nhà mới, khang trang ngói đỏ được dựng lên sau khi bà con nhận tiền đền bù. Nhà mới, nơi ở mới nhưng nếp suy nghĩ và cái “sự buồn” chưa thay đổi. Cuối tháng 10-2014, cũng tại khu tái định cư này, những cơn mưa rừng nặng hạt rơi xối xả, hòa cả vào nước mắt của người vợ góa bụa của Đinh Văn Sò.
Bà con người Kadong nơi đây kể lại rằng, khi ấy, gia đình Đinh Văn Sò mới xây xong nhà, tiền xây nhà nhận từ tiền đền bù; ở trong nhà mới chưa được bao lâu, Đinh Văn Sò đã ăn lá ngón tự tử, để lại vợ và bốn đứa con mồ côi cha. Một tuần trước khi ăn lá ngón tự tử, Đinh Văn Sò và vợ có xảy ra xích mích vì tính trăng hoa của Sò. Vợ chồng mà, ăn đời ở kiếp với nhau, tránh sao được những lúc không hài lòng. Ấy vậy mà, lúc vợ và con lên rẫy, Đinh Văn Sò ở nhà ăn lá ngón tự tử và uống vài ngụm rượu. Ăn lá ngón là đủ chết, uống thêm rượu thì càng chết nhanh hơn.
Nghiệt ngã thay, mới cách đó không lâu, em Đinh Văn Sờ, cháu của Đinh Văn Sò, bị người thân la mắng cũng ăn lá ngón tự tử. Đinh Văn Phà, là người cùng họ tộc với Sờ và Sò cũng ăn lá ngón tự tử cách đó không lâu. Đinh Văn Phà giận vợ và con sau khi nhận tiền đền bù không chịu lo làm ăn, chỉ tối ngày lo uống rượu và đi chơi; Phà ra bìa rừng sau nhà, bứt lá ngón ăn. Sau đám tang chồng và cha, vợ và con Phà để lại ngôi nhà đóng cửa im lìm, bỏ đi nơi khác. Ở thôn Đắk Lang người thì bảo do ân hận khi không nghe lời Phà làm Phà tự tử, người thì bảo vợ và con Phà sợ con “ma ngón” nên bỏ nhà đi.
Nhưng dù lý do nào đi chăng nữa thì người cũng đã chết, không thể sống lại và ngôi nhà của Đinh Văn Phà chắc cũng sẽ chẳng bao giờ có người ở. Đắk Lang một chiều tháng 3, tôi đứng lặng nhìn ngôi nhà ấy, nước sơn còn mới, mái ngói đỏ tươi nhưng nhìn đi, nhìn lại nó không gợi sức sống như những gì mới mẻ nó đang khoác lên. Mà tựa hồ như một tấm bia thê lương, ám ảnh nằm trong khu dân cư mới xây dựng.
Cũng ở thôn Đắk Lang này, Đinh Văn Nhịp do buồn chuyện học lực yếu, lại thêm chuyện bị nhắc nhở vì vi phạm giao thông. Nhịp ăn lá ngón tự tử, người thân phát hiện kịp, vội vã đưa Nhịp lên trung tâm y tế huyện cấp cứu. Nhịp thoát chết. Nhưng vừa đưa Nhịp về nhà, đến tối ngày hôm sau, Nhịp lại ăn lá ngón tự tử. Lần này thì không qua khỏi. Nhịp chết khi đang học lớp 8. Sau khi lo cho đám tang của con xong, mẹ Nhịp là chị Đinh Thị Thập cũng ăn lá ngón tự tử nốt. Người dân thôn Đắk Lang phát hiện chị Thập chết bên cạnh mộ con trai, miệng đầy máu. Chị Thập tự tử sau con trai đúng 5 ngày. Còn trước đó 1 tháng, chú ruột của Nhịp là Đinh Văn Lum, cũng ăn lá ngón tự tử. Vì “buồn chuyện gia đình”...
Cái tuần tang tóc ấy ở Đắk Lang chưa dừng lại, buổi sáng chị Thập ăn lá ngón tự tử, chết bên mộ con trai thì buổi chiều chị Đinh Thị Tim cũng ăn lá ngón tự tử do cãi nhau với chồng. Hai vợ chồng Đinh Thị Tim hay cãi vã, hôm ấy, cả hai vợ chồng cùng uống rượu, rồi cãi vã. Cãi nhau cũng không to. Đinh Thị Tim tát vào mặt chồng, rồi chồng tát lại vào mặt vợ. Tim la lối và khóc than. Mọi chuyện tưởng chừng chỉ có vậy, thế mà Tim ra sau nhà, bứt lá ngón ăn, rồi gục chết ngay trên thềm nhà. Thôn Đắk Lang có lớn lắm đâu, vậy mà đầu thôn, cuối thôn, chỉ từ buổi sáng đến buổi chiều có 2 đám ma khóc 2 người phụ nữ ăn lá ngón tự tử. Cả 2 chết khi còn rất trẻ, đều mới 33 tuổi...
Đó là một số vụ tự tử từ năm 2014 và năm 2015, còn như ở đầu bài đã viết, ba tháng đầu năm 2016, ở huyện Sơn Tây đã có 10 vụ tự tử xảy ra, chết 8 người, cứu được 2 người. Ngoài các trường hợp trích lục từ hồ sơ của Công an huyện Sơn Tây như ở đầu bài, còn có những trường hợp rất đau lòng, tự tử vì những lý do không thể tưởng tượng. Ngày 4-2-2016, ông Đinh Trung Ngoan, 50 tuổi, người thôn Đắk Trên, xã Sơn Dung ăn một nắm lá ngón rồi đập đầu vào đá tự vẫn. Người làng kể lại, có lẽ ông Ngoan tự tử do buồn chán. Ông Ngoan buồn chán bởi năm 2014, vợ ông Ngoan chết, từ đó ông luôn giữ trong mình ý định tự tử. Ông Ngoan đã tự tử 2 lần được người dân phát hiện và cứu sống. Nhưng đến lần thứ 3 thì chết thật, không ai kịp cứu.
Cũng ngày đó, ở xã Sơn Long, ông Đinh Văn Đâu tự tử vì “buồn chuyện gia đình”. Con trai ông Đâu từ sau khi mẹ mất năm 2013 thì trở nên hư hỏng, không lo cho cha mình, nhiều lần đòi tiền bạc từ người cha già. Ông Đâu buồn chán, treo cổ tự tử. Khi người dân phát hiện, các ngón chân vẫn còn quét đất. “Buồn chuyện gia đình”, trước khi lên Sơn Tây, chưa bao giờ tôi lại thấy cụm từ này tang tóc, chết chóc và ám ảnh như bây giờ. Khi ở huyện vùng cao này, con người ta có thể ăn lá ngón, có thể lấy dây thừng treo cổ lên xà nhà, đơn giản chỉ vì “buồn chuyện gia đình”.
Trong nhiều cái chết vì tự tử ở huyện Sơn Tây này, thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp được cứu sống, khi lằn ranh giữa cái chết và sự sống chỉ mỏng như sợi chỉ mành. Nhưng hậu quả sau những lần tự tử ấy là rất nghiêm trọng. Mà cũng xin nhắc lại một lần nữa, lý do tự tử cũng rất “mông muội”, không đáng chút nào. Đinh Văn Dã ở xã Sơn Liên có vợ là Đinh Thị Mép, là cán bộ Hội Phụ nữ thôn. Tháng 9-2014, Mép được cử đi học lớp bồi dưỡng ở thành phố Quảng Ngãi. Trong lúc uống rượu, Dã nghe bạn bè nói phụ nữ đi xa chồng, xa con dễ dẫn đến ngoại tình. Nghe vậy Dã gọi điện thoại cho chị Mép, nói chị về nhà ngay, không đi học nữa. Nhưng việc xã giao cho, đi học cũng là nhiệm vụ, chị Mép không chịu về. Dã gọi điện lần đầu tiên, lần thứ hai, lần thứ ba chị Mép cũng không chịu về. Vậy là ở nhà Dã tìm cách tự tử. Dã lấy dao cắt cổ, nhưng hàng xóm phát hiện kịp thời, đưa lên trung tâm y tế huyện cứu được. Dã không chết, nhưng từ đó, giọng nói của Dã không còn được như trước, cứ thều thào như người cõi âm, bởi ảnh hưởng của vụ tự tử.
Mới đây nhất, Đinh Thị B và Đinh Thị T (cùng ở xã Sơn Bua) đều được cứu sống sau khi ăn lá ngón tự tử. Hỏi chi tiết thì Thượng tá Dũng bảo, thôi, còn sống là đã may, nên giấu tên người ta đi nhé. Những người như B và như T không nhiều, bởi đã ăn lá ngón thì chết nhiều hơn sống. Tự tử ở Sơn Tây nhiều như vậy, có phải do người dân ngày ngày nhìn thấy thứ lá này, chỉ cần với tay là có; có phải do lá ngón mọc quá nhiều không? Tôi nghĩ thì không phải như vậy, mà do nhận thức và suy nghĩ của bà con. Thượng tá Đinh Văn Dũng kể, sau những vụ tự tử mà cứu được, chính quyền đều đến để hỏi thử xem có ai bắt ép hay vì sợ hãi điều gì mà phải tự tử không. Tất cả đều trả lời “không”, là do thấy bế tắc, chết cho giải thoát thôi.
Huyện Sơn Tây đã rất nhiều lần tổ chức tuyên truyền về việc tự tử, về việc làm ăn cho bà con, thế nhưng nói như Bí thư Huyện ủy Đinh Kà Để, thì vì nhận thức của bà con còn rất thấp, nên cứ thấy bế tắc trong cuộc sống là tìm đến cái chết thôi, chẳng cần biết khi nằm xuống thì người thân ra sao, chẳng cần biết giá trị cuộc sống như thế nào. Huyện Sơn Tây đã từng phải huy động cán bộ, lực lượng đi nhổ bỏ, chặt hết những cây lá ngón ở huyện này, nhưng chặt sao cho xuể khi đất rừng thì cây rừng mọc. Huống hồ lá ngón đôi khi mọc nhanh như phù phép, qua một trận mưa rừng kéo dài vài ngày đã cao thêm cả chục phân. Cái cơ bản là phải thay đổi được nhận thức của người dân, để cho họ thấy được giá trị của cuộc sống.
Thế nhưng, cái đích của sự tuyên truyền cũng còn xa ngái, khi mà có những vụ việc, gọi bà con lên để giải quyết mâu thuẫn giữa 2 gia đình trong thôn, họ không chịu đi và còn dọa tự tử. Tuyên truyền bất cứ việc gì cũng phải có bánh kẹo, nước ngọt bà con mới chịu đi. Thậm chí, có lần Công an huyện Sơn Tây phải mua một con heo to, làm cơm, thết rượu thì bà con mới vui vẻ đến. Đánh chén no say, còn chuyện tuyên truyền thì cứ nghe vậy đã, còn chẳng biết sẽ thấm được bao nhiêu.
Bà con người Kadong nơi đây còn vô cùng lạc hậu, nhận tiền đền bù, chỉ tối ngày ăn nhậu, thậm chí mua ôtô về để đi cho oai. Có những trường hợp ứng hết tiền từ các chủ nợ để liên hoan, ăn nhậu, xây nhà và đến khi nhận được tiền đền bù thì sang tay cho chủ nợ. Tay trắng, họ lại lên nương, trỉa bắp, gieo lúa rẫy rồi lập lán cúng thần, ăn ở ngày đêm trông lúa. Rồi đến mùa mưa, những cơn mưa rừng lạnh buốt, rơi trong nhiều ngày, khi ấy việc nương rẫy chẳng thể làm. Thế là uống rượu, uống rượu nhiều thì xảy ra cãi vã, mâu thuẫn, sinh ra buồn chán... Mà mâu thuẫn, buồn chán thì cũng là một lý do để tự tử...
Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ quay và chắc sẽ còn quay mãi, còn nhiều người tự cắt đi sự sống của mình khi nhận thức chưa được rộng mở. Và đâu đó trên những thôn xóm, làng mạc ở Sơn Tây này, thỉnh thoảng lại có tiếng khóc than, tiếng kèn réo rắt cho đám tang một ai đó tự tử, rời xa cuộc đời vì những lý do rất trời ơi. Có lẽ, chỉ khi nào cái đói nghèo không còn nữa và tri thức đến với từng gia đình nơi đây; những cái chết như vậy mới mới không còn ám ảnh và đeo đẳng những gia đình người Kadong ít nói và thật thà như đếm ở huyện vùng cao Sơn Tây này.
Thanh Hiếu
Năng lượng Mới 514