Chuyện "bới cát" tìm dầu ở "sa mạc lửa" (kỳ 4)
Phóng sự "Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa”" của nhà báo Nguyễn Như Phong (Chi hội nhà báo Báo Năng lượng Mới) giành B giải Báo chí Quốc gia năm 2013. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về ngành dầu khí đạt thứ hạng cao trong hệ thống giải báo chí quốc gia. Phóng sự ghi lại công cuộc khai thác dầu mỏ làm giàu cho đất nước ở sa mạc Sahara của các kỹ sư Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling).
>> Chuyện 'bới cát' tìm dầu ở 'sa mạc lửa' (Kỳ 1)
>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 2)
>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 3)
Giàn khoan PVD-11 trên sa mạc Sahara
Bây giờ cuộc sống và điều kiện sinh hoạt của anh em ngoài giàn khoan đã tốt hơn xưa rất nhiều. Còn như thời năm 2003-2010 thì thật là vô cùng cơ cực. Đến bây giờ, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu vẫn không thể nào quên những ngày anh công tác ở Algeria. Cả một nhóm cán bộ dầu khí ở và làm việc trong một căn phòng ở khách sạn. Anh em mang đi từ Việt Nam một nồi cơm điện và chiếc nồi cơm ấy thực hiện đủ mọi công năng: vừa kho thịt, kho cá, vừa luộc rau, nấu canh, vừa nấu cơm và rồi cả đun nước sôi để pha trà.
Điều kiện sinh hoạt ở ngoài giàn khoan khá tốt. Anh em ăn với tiêu chuẩn 45USD/ngày. Về dinh dưỡng thì không có gì phải bàn, về độ an toàn thực phẩm thì càng chẳng phải lăn tăn. Bởi lẽ, rau, quả, thịt, cá ở đây đều được nhập khẩu và được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cực kỳ ngặt nghèo. Đối với anh em ta, chỉ khổ một nỗi là không được ăn thịt lợn. Người Hồi giáo không ăn thịt lợn, cho nên ở Algeria chỉ có thịt bò, thịt gà và thịt cừu. Giá thực phẩm ở Algeria rẻ lắm. Thịt cừu loại thượng hạng cũng chỉ khoảng 200.000 đồng/kg. Mặc dù anh em ta làm ở đây đã lâu, nhưng vẫn không thích ăn đồ Tây, mà thích ăn theo kiểu Việt. Và thế là, họ phải “huấn luyện” cho đầu bếp người Algeria nấu vài món Việt. Nào là thịt gà rang gừng, nào là canh cá nấu chua, rau luộc. Thịt lợn ở bên này thì không thể có nên anh em mỗi lần từ Việt Nam sang phải xách theo vài kilôgam, thậm chí mang cả nước mắm, đồ gia vị. Và một thứ không bao giờ thiếu chính là... mì ăn liền. Anh em bảo rằng vào lúc đêm, khi đói bụng, ăn bát mì dội nước sôi thích hơn nhiều là ăn bánh mì với thịt nguội.
Nhưng ở Algeria, nỗi khổ lại chưa phải từ chuyện ăn uống, mà là từ nhiều chuyện khác. Trong đó, nếu nói ra, nhiều người hẳn nghĩ đó là chuyện mấy gã … “nhà báo nói phét cho vui”.
Chuyện lạ này bắt đầu từ… sân bay?
Sân bay Houari Boumedienne là sân bay lớn thứ ba ở châu Phi, sau sân bay của Nam Phi và Ai Cập. Sân bay này phục vụ mỗi năm khoảng 18 triệu lượt hành khách. Houari Boumedienne (tên vị tổng thống huyền thoại của Algeria) là sân bay lớn. Vị tổng thống này dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt và ông cũng đã sang Việt Nam vào thập niên 70. Nhưng khi trở về, đoàn tùy tùng của ông đi một máy bay khác đã bị tai nạn ở Việt Nam và chết hết khoảng 40 người. Mật độ máy bay lên xuống ở sân bay này gấp nhiều lần so với sân bay Nội Bài của ta. Ở sân bay này có hai khu. Khu đi quốc tế thì khá sang trọng, quy củ nhưng còn khu quốc nội thì thật chẳng giống ai.
Không được chụp ảnh
Thứ nhất là chuyện chậm chuyến.
Chậm từ nửa giờ cho đến… nửa ngày là chuyện… thường ngày ở sân bay này. Nhưng điều lạ lùng nhất là chậm bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút cũng tuyệt nhiên không có thông báo. Ai muốn biết thông tin, cứ ra màn hình mà coi. Đến giờ lên máy bay, nếu thấy cửa ra vẫn đóng im ỉm thì biết là trễ giờ. Còn trễ bao lâu? Khi nào bay? Không biết. Chính vì vậy mà anh em ta mỗi khi đến sân bay này là cứ nơm nớp lo chậm giờ.
Thứ hai là chuyện gửi hành lý.
Hành lý ký gửi ở đây được mang ra, xếp cạnh máy bay. Đến lúc hành khách lên máy bay, ai đi qua thì nhận lại hành lý của mình và… đặt lên xe đẩy, để đưa lên khoang. Họ làm như thế này là nhằm bảo vệ an ninh một cách tối đa. Máy móc kiểm tra, soi rọi đã đành, nhưng không gì bằng người… thật! Mà để lên được máy bay, phải qua ít nhất… 3 lần khám xét. Lần khám cuối cùng là ngay tại chân cầu thang máy bay. Cũng phải nói thêm là nhân viên an ninh hàng không, cũng như cảnh sát Algeria rất dị ứng với cánh nhà báo. Phàm những gì thuộc về đồ tác nghiệp của phóng viên như máy ảnh là bị khám xét rất kỹ, thậm chí họ bắt tháo ống kính, bắt chụp thử xem có đúng là… máy ảnh hay không. Còn phóng viên nào mà giơ máy ảnh lên chụp, nếu bị phát hiện, bị họ bắt xóa ảnh là… may mắn, còn nặng ra là… ăn đòn. Cảnh sát của Algeria rất nguyên tắc và cứng nhắc. Nhưng cảnh sát giao thông thì lại… cực kỳ tuyệt vời. Họ sẵn sàng dùng xe môtô dẫn đường, chỉ lối cho người chưa thạo đường; luôn luôn niềm nở, vui vẻ với mọi người, kể cả với người phạm Luật Giao thông, đó là nét đẹp văn hóa của cảnh sát giao thông Algeria. Có lẽ vì Algeria gặp quá nhiều chuyện rắc rối do đám nhà báo viết thì kém, nhưng giỏi nghề “thọc gậy bánh xe”, cho nên việc cấp thị thực nhập cảnh cho nhà báo vào Algeria cực kỳ phức tạp và phải qua rất nhiều cấp xét duyệt. Còn về thời gian, nhanh ra là… 1 tháng.
Hành lý ký gửi sẽ bị phơi hàng giờ đồng hồ dưới ánh nắng chói chang và nóng như quạt lửa. Và không hiểu nếu trời sập mưa xuống thì sẽ như thế nào?!
Thứ ba là chuyện ghế ngồi.
Trên vé máy bay có số ghế hẳn hoi. Nhưng hành khách khi lên máy bay, thích ngồi đâu thì ngồi. Có số ghế cũng như không. Nhưng có lẽ vì thế mà người Algeria khá dễ tính khi có ai muốn đổi chỗ. Nhất là khi biết đấy là người Việt Nam. Phải công nhận là người Algeria quý Việt Nam ra mặt. Đi đâu cũng vậy, dù là ra chợ mua rau quả, hễ nói Việt Nam là thế nào cũng nhận được nụ cười tươi rói của những người bán hàng (bán hàng ở Algeria chủ yếu là đàn ông) và họ sẵn sàng chụp ảnh chung, hoặc ôm hôn thắm thiết.
Nhưng bù lại, phục vụ trên máy bay rất tốt và ăn uống thì khỏi chê. Một suất ăn cho khách đi vé hạng thường, ở chặng bay hơn 1.000km còn sang hơn nhiều so với hạng thương gia trên tuyến Nội Bài - Tân Sơn Nhất của Vietnam Airline. Tất nhiên, sự so sánh này cũng là vô lý, bởi lẽ giá xăng cho máy bay ở Algeria rẻ bằng một phần… năm so với Việt Nam.
Cảnh sát giao thông Algeria
Ở Algeria, do kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nên việc trợ giá cho những mặt hàng thiết yếu được chính phủ đặc biệt quan tâm. Nguồn kinh phí quốc gia khá dồi dào bởi có nguồn khí đốt và dầu mỏ rất lớn, cho nên chính phủ sẵn sàng chi đậm cho an sinh xã hội. Nếu bạn có nghe chuyện ai đó từ Việt Nam mới sang, không muốn tắm bằng cái thứ nước nhàn nhạt ở Hassi Messaoud mà mua nước tinh khiết đóng chai về… tắm gội, thì cũng chớ lấy đó làm ngạc nhiên, bởi vì nước đóng chai rất rẻ. Nếu biết cách tắm thì chỉ 10 chai nước loại 1,5 lít là đủ tắm. Mà mỗi chai chỉ khoảng… 4.000 đồng Việt Nam. Nhân viên hải quan Algeria luôn tỏ vẻ khó chịu khi thấy ai ra khỏi đất nước họ mà mang theo nhiều… sữa. Họ thường bảo ngay: “Sữa này là nhà nước chúng tao trợ giá cho trẻ em nước tao. Không phải cho chúng mày”. Nói thì thế, nhưng họ vẫn cho mang đi.
Nhưng những câu chuyện “kỳ lạ” ấy xem ra chưa thấm vào đâu so với những chuyện ở ngoài giàn khoan, nhất là vào dịp lễ Ramada của người Hồi giáo.
Hành lý ký gửi được xếp ngoài sân đỗ máy bay
Trong tháng 7 này, những người công nhân Algeria làm việc trên giàn khoan theo đạo Hồi cũng phải nhịn ăn uống từ lúc mặt trời mọc là khoảng hơn 5 giờ sáng cho đến lúc mặt trời lặn là lúc gần 8 giờ tối. Trong suốt thời gian này, người công nhân không ăn, không uống và họ vẫn… làm, ngoại trừ việc cứ ba tiếng đồng hồ họ lại quỳ xuống, dù đó là trên giàn khoan hay ngoài bãi cát, quay mặt về phía Thánh địa Mecca và đọc kinh Coran để sám hối về những lỗi lầm của mình. Mỗi lần sám hối này khoảng 15 phút. Người theo đạo Hồi tuân theo những giáo lý trong kinh Coran rất nghiêm và rất tự giác. Sự tự giác được thấm vào từng tế bào trong mỗi người kể từ khi còn… nằm trong bụng mẹ. Tôi đã từng chứng kiến cảnh tiếp viên hàng không và phi công trên một chuyến bay của hàng không Pakistan quỳ xuống sàn máy bay cầu nguyện khi máy bay đã lăn ra đường cất cánh. Ở các sân bay vùng Trung Á, Trung Đông luôn có góc dành cho các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện. Kinh Coran (Qu R’an) có nghĩa là ngâm, tụng, là thiên kinh chứa đựng toàn bộ giáo lý của đạo Hồi. Kinh gồm 30 phần, 114 chương và 6211 câu. Kinh Coran là lời giác huấn của thượng đế cho loài người mà thánh Mohamet nhận được qua thiên thần Giê-bai-an suốt từ năm 610 đến 632. Kinh Coran không chỉ là giáo lý mà còn là như một bộ luật hình sự, dân sự, cả tố tụng dân sự và hình sự nữa.
Người theo đạo Hồi coi trọng Kinh Coran còn hơn cả mạng sống của mình. Cho nên việc học và tuân theo những điều trong Kinh Coran là nghĩa vụ bắt buộc của mỗi tín đồ Islam.
Nhưng ở giàn khoan thì không có chuyện ngừng máy dù chỉ 1 phút. Lúc nào cũng phải có mặt công nhân trên giàn khoan. Các vị trí chủ chốt của giàn khoan do cán bộ, kỹ sư PV Drilling đảm nhiệm, việc điều hành thì do các cán bộ của PVEP. Người Algeria đông gấp 10 lần anh em ta, nhưng chủ yếu là lao động chân tay. Vào tháng lễ này, họ cũng phải tuân thủ theo các quy định trong kinh Coran. Và không thể hiểu nổi họ lấy đâu ra sức lực để mà làm việc. Nắng như ở sa mạc, gió như ở sa mạc… vậy mà suốt 12 giờ đồng hồ của ca ban ngày họ không ăn, không uống. Môi họ khô cong, nứt toác, da sạm lại, nhăn nhúm… Vậy mà họ vẫn làm. Nhưng sự mệt mỏi, uể oải, mất tập trung thì nhận ra ngay. Thậm chí, có người ngã gục trên sàn giàn khoan, có người đi lảo đảo như kẻ say rượu… Chính vì vậy, vào những ngày này anh em Việt Nam thường phải đỡ thêm phần việc của họ và những lúc cần xử lý việc quan trọng thì anh em ta tự làm. Cũng đã có lần anh em ta thương công nhân Algeria quá nên lén để những chai nước ở chỗ khuất và hy vọng họ sẽ uống một chút. Nhưng tuyệt nhiên không có ai nhấp môi.
Người Algeria làm ở giàn khoan đa phần là lao động phổ thông, cho nên tính tự do, tùy hứng của họ rất cao. Nhiều việc đơn giản, anh em ta cũng phải dạy từng li từng tí, từ phun nước rửa sàn, hay cách vặn một con bulông. Đã có chuyện một anh lái xe nâng người Algeria, nửa đêm lái chiếc xe nâng… chuồn về quê, cách đó hơn… trăm cây số. Anh em ta phải nhờ bộ đội bảo vệ phóng ôtô đi tìm. Mãi mới phát hiện được và lôi anh ta về. Hỏi vì sao bỏ trốn, anh ta nói bình thản: “Nhớ vợ quá”. Lại hỏi, đi chiếc xe nâng, chậm còn hơn lạc đà thì bao giờ mới tới, anh ta cũng lại bình thản: “Cứ đi mãi cũng về…”. Công nhân Algeria làm việc được nghỉ phép 42 ngày một năm. Và nếu mất một ngày nghỉ phép của họ thì phải đền tiền bằng 10 ngày lương. Chính vì thế mà việc nhớ bắt họ phải nghỉ phép cho hết sạch là chuyện được thực hiện rất nghiêm.
Lễ cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo
Muốn làm ăn được ở Algeria thì điều đầu tiên là phải học được sự kiên nhẫn, đặc biệt là phải làm quen với những thủ tục hành chính rất chặt chẽ, khắt khe vô cùng.
Muốn chở dăm bình ôxy ra giàn khoan để phục vụ cho việc hàn ư? Anh em tại văn phòng PV Drilling ở Hassi Messaoud phải đi đến một nơi cách đó 80km và làm đơn xin phép vận chuyển. Từng bình ôxy sẽ được họ dán tem niêm phong và có đánh số hẳn hoi. Khi dùng hết, muốn mang về đổi bình mới, lại phải đi xin phép và cảnh sát, quân đội đi tuần, hoàn toàn ai cũng có quyền giữ xe lại để hỏi. Nhưng việc đi xin phép cũng rất lằng nhằng. Phải làm đơn gửi lên nơi cấp phép. Phải chờ đợi họ xét duyệt và thời gian không phải là hôm trước, hôm sau, mà tính bằng tuần.
Nhưng “nhiêu khê” nhất là xin giấy phép lao động. Mỗi lần xin phép là mất cả tháng. Họ xét duyệt cực kỳ kỹ lưỡng và trong các liên doanh, đừng nói chuyện đưa lao động thường vào làm việc. Những công việc nào mà người bản xứ làm được thì họ không bao giờ cho người nước ngoài làm.
Có lẽ do không biết kiên nhẫn nên ít doanh nhân Việt Nam tính chuyện làm ăn tại đất này. Nói về doanh nhân Việt Nam, có một chuyện mà đến bây giờ khi nhắc lại, một cán bộ sứ quán Việt Nam tại Algeria còn thấy xấu hổ. Ấy là vào năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Algeria. Đi theo Thủ tướng là ngót một trăm “đại gia”. Sang tới nơi, các “đại gia” chủ yếu đi chơi, buổi gặp mặt doanh nghiệp hai nước do Thủ tướng chủ trì, các đại gia Việt chuồn sạch khi mới bắt đầu được một nửa thời gian. Các loại tài liệu giới thiệu về doanh nghiệp Algeria vứt đầy trên ghế. Chuyện các “đại gia” Việt nộp tiền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để được đi theo các nguyên thủ ra nước ngoài là có từ lâu. Họ cho rằng, coi như được chuyến đi du lịch mà không mất tiền vé máy bay và lại giải quyết được khâu “oai” rằng, “tớ đang phải đi tháp tùng sếp… Bận lắm! Đừng gọi nhé”. Chả thế mà có lần, tại Brunei vào năm 2008, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã phải buồn bã mà thốt lên rằng: “Không biết bao giờ các doanh nhân Việt Nam mới từ bỏ được kiểu làm ăn “ta tắm ao ta”. Tôi cũng đã đi nhiều chuyến ra nước ngoài để đưa tin về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cũng được chứng kiến không ít “đại gia” Việt bám theo chuyên cơ để đi chơi, đi mua sắm, thậm chí đi chơi golf… Rất hiếm những doanh nhân tận dụng chuyến đi để tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Càng ngẫm càng thấy kính nể và khâm phục những người lính dầu khí Việt Nam sang sa mạc Sahara “bới cát” tìm dầu.
Những người đi tiên phong trong công cuộc tìm dầu ở Algeria từ những năm 2000 chịu muôn vàn khổ cực, nguy hiểm đã đành. Thế hệ ngày hôm nay cũng đang tiếp bước cha anh một cách tự tin, dũng cảm và đầy khát vọng.
Do không có đủ gan dạ, không biết kiên nhẫn cho nên rất hiếm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam dám sang làm ăn ở Algeria. Vì vậy, hàng hóa Việt Nam xuất sang Algeria rất ít (năm 2013 may ra được 150 triệu USD), trong khi nhu cầu về hàng nông sản của Algeria cực kỳ lớn và là thị trường dễ tính.
Anh em PV Drilling thuê văn phòng ở ngoài phố thì còn có đôi chút tự do về ban ngày, chứ anh em PVEP ở trong một khu văn phòng dành cho người nước ngoài thì đúng là ở… tù mà không bị cùm chân. Nhưng dù là ở phố thì buổi tối anh em cũng không dám ra đường, vì vô phúc là bị ăn đòn hoặc “đá rơi vào đầu”, bởi người Algeria rất khó chịu với người Tàu. Họ cho là người Trung Quốc đang “xâm chiếm” Algeria. Mà người Việt Nam với người Trung Quốc đều na ná da vàng, mũi tẹt như nhau.
Người Trung Quốc đang xâm chiếm châu Phi, Nam Mỹ… điều này thế giới biết từ lâu. Nhưng có sang Algeria mới thấy người Trung Quốc đang tung hoành trên đất này thế nào. Nơi nơi, chốn chốn, hễ chỗ nào có xây dựng, là có các công ty Trung Quốc. Hàng hóa tiêu dùng cũng tràn ngập hàng Tàu, từ đồ chơi trẻ em đến quần áo, dày dép, vải vóc, hàng điện tử gia dụng… Nghe nói Trung Quốc còn đưa tù nhân sang làm đường. Nhưng nói gì thì nói, trong chuyện làm ăn, người Trung Quốc thể hiện tính cộng đồng rất cao và họ chịu khổ rất giỏi, lao động có kỷ luật và rất biết tiết kiệm. Điều này, rõ ràng người Việt còn thua xa.
Người Trung Quốc không chỉ có mặt ở các quốc gia giàu có, mà còn hiện diện tại 39 quốc gia nghèo khổ nhất thế giới, riêng châu Phi có 33 nước như Angola; Bénin; Burkina Faso; Congo, Trung Phi, Guinea Xích Đạo; Rwanda; Ethiopia; Madagascar; Gambia… Khi tôi sang Venezuela, Ecuador, Peru, trên các chuyến bay cũng đầy ắp người Trung Quốc, họ đi có bầu đoàn, thậm chí có cả các ông già, bà cả và trẻ ẵm ngửa.
>> Chuyện 'bới cát' tìm dầu ở 'sa mạc lửa' (Kỳ 1)
>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 2)
>> Chuyện “bới cát” tìm dầu ở “sa mạc lửa” (Kỳ 3)
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong (NLM số 241)