Chưa thấy được hiệu quả từ việc nới room cho nhà đầu tư ngoại
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thời gian qua cán cân giao dịch, mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ ở trạng thái khá cân bằng, khối lượng mua và bán vẫn giữ ở mức trên 10% so với khối lượng giao dịch toàn thị trường. Cán cân mua bán, giao dịch cũng khá cân bằng nhưng nhìn chung sức mua nhỏ hơn so với sức bán.
Trong quý 3/2015, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 619 triệu chứng khoán với tổng trị giá 17.893 tỷ đồng và bán ra là 631 triệu chứng khoán với tổng giá trị 18.558 tỷ đồng.
Giao dịch mua bán của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán vẫn ổn định |
Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/9, thị trường kỳ vọng sẽ thu hút mạnh hơn giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hơn 1 tháng triển khai đến nay chưa thấy tác động rõ rệt của quy định này.
Theo bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc HOSE, tác động của việc nới room đến thị trường hiện nay chưa thể đánh giá được vì mới chỉ có các công ty chứng khoán hiện thực hoá điều này. Cụ thể là Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), dù đã công bố nới room lên 100%, nhưng hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại đây vẫn chỉ là 48,8%.
Đặc biệt, quy định nới room có hiệu lực trong thời điểm nhiều yếu tố của thị trường không “cùng chiều” để thúc đẩy nó phát huy hiệu quả. Thời điểm nới room rơi vào lúc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, sau đó Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá đã tác động khiến thị trường sụt giảm trong tháng 8 và tháng 9/2015.
Hiện nay, quyền nới room được trao về cho doanh nghiệp, trừ những ngành bị hạn chế đầu tư nước ngoài. Đây là biện pháp mà Nhà nước muốn trao cho doanh nghiệp quyền quyết định có sẵn sàng để bị thâu tóm hay không. Vì vừa qua, khi có quy định về nới room nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về vấn đề bị thâu tóm bởi doanh nghiệp nước ngoài.
Đối với việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các chuyên gia đánh giá sẽ có tác động tích cực đến thị trường, nhưng là về lâu dài. Bởi TPP kỳ vọng sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được hưởng lợi thì đương nhiên thị trường chứng khoán cũng sẽ khởi sắc.
Hiện nay, lượng nhà đầu tư nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng rất khả quan. Trong quý 3/2015, HOSE đón 10 đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cơ hội đầu tư, tăng nhẹ so với các quý trước, đa số các nhà đầu tư đến từ các quốc gia đang có xu hướng đầu tư mạnh ở nước ta như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Chỉ số VN - Index và VN 30 thì quý 3/2015 đều ở trạng thái giảm điểm. Đây rõ ràng không phải là tin vui của thị trường chứng khoán. Mức giảm điểm thấp nhất trong quý 3 vừa rồi là ở tuần thứ 2, tuần thứ 3 của tháng 8 sau khi thị trường Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, sau đó thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phục hồi nhẹ.
Ở quý 1/2015 chỉ số VN-Index chốt ở mức 551,13 điểm, sang quý 2 chỉ số này chốt ở mức 593,05 điểm và quý 3 là 562,64 điểm, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 6%.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là giá trị vốn hoá của thị trường vẫn duy trì hơn 1,1 triệu tỷ đồng trong suốt 3 quý vừa qua. Trong khi giá trị vốn hoá thị trường của quý 4/2014 chỉ đạt 985 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, mặc dù chỉ số VN-Index của quý 3/2015 thấp hơn so với quý 2 nhưng khối lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch của quý 3 cao hơn quý 2, cho thấy tính thanh khoản của thị trường vẫn ở mức tốt. Từ đó, nhiều kỳ vọng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch sẽ còn tăng trưởng mạnh trong quý cuối cùng của năm 2015.
Mai Phương
Năng lượng Mới