Chủ tịch Quốc hội nói về việc xây nhà cao tầng trong nội đô
Tại sao Chính phủ lại đề nghị Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8? |
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/5 |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Chủ tịch Quốc hội nhận định, một vấn đề mới nhưng cũng bất cập là tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng để tính toán cân bằng giữa phát triển đô thị theo chiều rộng, vấn đề phát triển đô thị theo chiều nén của mô hình TOD.
"Liên quan chiều cao công trình tranh luận với nhau rất nhiều lần. Khi chúng tôi làm việc với Bộ Xây dựng nhiệm kỳ trước mới ngộ ra chiều cao của công trình do vấn đề an ninh, an toàn bay chứ không ai cấm xây dựng nhà cao tầng trong nội đô. Vấn đề quan trọng là xử lý các mối quan hệ giữa kết cấu hạ tầng, với chiều cao công trình này như thế nào. Và trong thực tế, Bộ Xây dựng không quy định vấn đề chiều cao nhưng đôi khi cũng rất khó khi cải tạo các khu chung cư cũ", ông Vương Đình Huệ nói.
Về phạm vi quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có phạm vi quy hoạch khoảng 5km2 nếu xét theo tiêu chí, tiêu chuẩn về dân số phải rút ra rất nhiều dân.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội đã đề xuất lấy cả 4 quận nội thành cũ gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, thành một tổng thể quy hoạch để cân đối, khi đó, mới giải quyết được bài toán vấn đề dân số, hạ tầng.
"Như vậy phải chăng những tiêu chuẩn, tiêu chí về mật độ dân số, chiều cao công trình... nên để cho tư vấn quy hoạch đề xuất trên cơ sở quy hoạch tổng thể, không nên quy định cứng nhắc về chuyện này. Ví dụ Hong Kong, Singapore đều là cao ốc chọc trời", Chủ tịch Quốc hội nói và cho hay khi ông làm ở cơ sở, mô hình đô thị nén TOD rất vướng, nhưng sau đó Bộ Xây dựng tháo gỡ hết.
Một vấn đề nữa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá hết sức quan trọng là quy hoạch phải thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.
"Rà lại xem chúng ta xử lý vấn đề này như thế nào. Phải rất chú trọng đến quy hoạch vùng vượt lũ, phân lũ; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tiêu biểu như đường cao tốc...", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.
Trước đó, trình bày tờ trình về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án luật xác định rõ về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ giữa hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch trong hệ thống pháp luật chung về quy hoạch.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đề xuất: "Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh; tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và nội dung, trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn. Tổ chức thực hiện, quản lý phát triển đô thị và nông thôn không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này".
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, dự án luật điều chỉnh trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới (hiện nay quy định Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III) theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị.
Theo quy định hiện nay, đối với quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới… trước khi phê duyệt, UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng; nay đề xuất điều chỉnh phân cấp việc thống nhất bằng văn bản đối với quy hoạch chung đô thị loại IV cho cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn trực thuộc UBND cấp tỉnh.
Điểm mới nữa là dự thảo luật đề xuất rút gọn trình tự lập quy hoạch: Không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã).
Bên cạnh đó, không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ (tích hợp nội dung quy hoạch phân khu vào quy hoạch chung các đô thị loại III, IV, V để giảm việc lập cấp độ quy hoạch phân khu đối với các loại đô thị này, góp phần giảm thời gian, chi phí cho công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng).
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về định hướng nội dung xây dựng luật, cần kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế.
Về loại đô thị và cấp hành chính đô thị, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát, nghiên cứu quy định theo hướng chung, giữ lại quy định về "Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể việc phân loại đô thị phù hợp từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội" là cơ sở để ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị báo cáo, làm rõ cơ sở của việc chỉnh sửa như dự thảo luật về "quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch chung đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; các loại, các cấp độ quy hoạch còn lại là quy hoạch có tính kỹ thuật, chuyên ngành".
Huy Tùng (t/h)
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Giá dầu hôm nay (18/10): Dầu thô tăng trở lại