Chống hàng giả, hàng nhái: Khó vì “bị hại” ngại lên tiếng
Diễn biến phức tạp
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo quyết liệt Quản lý thị trường cả nước triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là tập trung vào các chuyên đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như thực phẩm, hàng tiêu dùng… Và nhờ sự vào cuộc chủ động, quyết liệt này, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã có những chuyển biến tích cực, một số ngành hàng như mỳ chính, mũ bảo hiểm đã có dấu hiệu giảm rõ rệt.
Một lô hàng giả, hàng nhái bị lực lượng chức năng tiêu hủy |
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như yêu cầu đặt ra đối với công tác chống hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, kết quả này chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. Công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn.
Nguyên nhân dẫn tới thực tế này là phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, thường trà trộn với các khu dân cư, các làng nghề, vùng nông thôn, các khu công nghiệp nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ gây khó khăn cho lực lượng thực thi. Nhiều cơ quan thực thi có thẩm quyền xử lý hàng giả, xâm phạm quyền xử lý hàng giả… nhưng sự phân công chưa hợp lý dẫn đến chức năng nhiệm vụ chồng chéo. Nguồn lực kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực của QLTT phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát chống hàng giả, hàng nhái… còn hạn chế.
Thực tế này cũng được ông Đào Trọng Thà - Trưởng ban Chống gian lận thương mại (Hiệp hội Gas Việt Nam) thông tin: Đối với mặt hàng gas, vấn đề nổi cộm đó là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường… Công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh gas thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, góp phần ổn định thị trường. Tuy nhiên, việc xử lý các vỏ bình gas bị các lực lượng chức năng tịch thu, xử lý là khác nhau, có vụ việc xử lý hình sự, có vụ việc sau khi xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, vỏ bình tiếp tục được đem ra xử lý bằng cách trả lại cho đối tượng vi phạm, bán đấu giá, trả lại cho chủ sở hữu hoặc đem đi tiêu hủy. Việc xử lý đó đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.
Thậm chí, một cách gay gắt hơn, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đặt vấn đề: Thật khó chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả tại Việt Nam hiện nay! Trong khi đó, để chỉ ra những mặt hàng nào bị làm giả thì có thể kể ra được 30 ngành hàng. Ở Hà Nội và các thành phố lớn, ta thấy ít hàng giả thôi, chứ còn ở các tỉnh biên giới thì đầy rẫy. Nếu các vị đi xe và đi từ Móng Cái, sang Lạng Sơn, Lào Cai nếu bỏ hết hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đi thì chẳng còn bao nhiêu hàng thật. Không ở nước nào mà hàng giả cạnh tranh trực tiếp với hàng thật, ngoài chợ bán hàng điện tử, dệt may, ngay ở Hà Nội chứ chưa nói vùng sâu, vùng xa, người ta vẫn nghiễm nhiên bán quần áo giả nhãn mác, thiết bị nhập lậu mà không thấy ai xử lý, bị xử lý.
Doanh nghiệp phải tham gia
Hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư. Nhưng như đã nói ở trên, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái lại đang tồn tại không bất cập, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan quản lý mà của toàn xã hội. Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác, theo ông Bảo, để công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái đạt kết quả thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ đạo vào cuộc, chủ động đấu tranh, phòng ngừa với khả năng làm giả, làm nhái sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Ông Bảo đặt vấn đề: Lẽ ra sản phẩm của mình bị làm giả, khi công an bắt được đối tượng làm giả, doanh nghiệp phải vui. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại lo “sốt vó”, chạy đến Hiệp hội bảo “thế này thì chết tôi thôi”. Sự thụ động, thậm chí là sự thờ ơ của doanh nghiệp - đối tượng bị hại trong các vụ hàng giả, hàng nhái - vì thế là cần phải được xóa bỏ.
Và để làm được điều này, ông Bảo đề nghị các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các đơn vị thực thi chống lại vấn nạn hàng giả hàng nhái, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nên ủng hộ các lực lượng thực thi trong vấn đề này.
Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại hội thảo trên đã nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái… và đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn nạn này. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái có kết quả, vai trò của doanh nghiệp cũng như các hiệp hội là rất lớn.
“Doanh nghiệp phải bảo vệ quyền lợi của chính mình, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, của nhân dân cũng như sự nghiêm minh của pháp luật. Việc các cơ quan, bộ, ngành, các doanh nghiệp và nhân dân cùng vào cuộc để đấu tranh là hết sức quan trọng. Doanh nghiệp phải xác định sự quyết tâm và đầu tư cả về kinh phí và nguồn lực thì mới mang lại kết quả” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Hải cũng lưu ý vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác đấu tranh chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái bởi “nếu thiếu các cơ quan này không thể tạo ra hiệu quả công tác”.
rong năm 2015, lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra 38.059 vụ; phát hiện 25.123 vụ vi phạm; xử phạt hành chính trên 68 tỉ đồng; trị giá hàng vi phạm trên 536 tỉ đồng. |
Hà Lê
Năng lượng Mới 527
-
VASEP: Cá ngừ Việt Nam đứng trước cơ hội “vàng”
-
Giá dầu hôm nay (5/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Thị trường vàng sẽ ra sao sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?
-
Diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU 2024: “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững”
-
Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và châu Mỹ