Chọn phe Tổng thống Assad, người Kurd quyết “đường ai nấy đi” với Mỹ?
Lực lượng người Kurd ở Syria khẳng định rằng chính phủ Tổng thống Assad đã nhất trí hôm 14/10 sẽ giúp lực lượng này đối phó với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này được coi như một sự thay đổi quan trọng sau khi Tổng thống Trump yêu cầu tất cả quân Mỹ rút khỏi khu vực biên giới phía bắc Syria trong bối cảnh căng thẳng leo thang nhanh chóng. Tổng thống Trump cho rằng quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria là nhằm tránh để Mỹ vướng vào "những cuộc chiến bất tận" ở Trung Đông hay bất kỳ nơi nào khác.
Giao tranh ở thị trấn biên giới Syria Ras al-Ain ngày 13/10/2019. Ảnh: AFP |
Sự thay đổi này có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xảy ra xung đột cũng như làm dấy lên nhiều lo ngại về sự trỗi dậy của IS. Tình hình hỗn loạn ngày 13/10 đã khiến hàng trăm thành viên gia đình của các tay súng IS trốn thoát khỏi một khu trại giam giữ ở Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd giao tranh với nhau.
Diễn biến ở phía bắc Syria ngày càng rối ren kể từ tuần trước khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ không can thiệp vào chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria - một động thái được coi là "bật đèn xanh" cho Ankara tấn công người Kurd - lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ cho là khủng bố. Từ năm 2014, người Kurd đã chiến đấu cùng Mỹ và đánh bại IS ở Syria, do đó, quyết định của ông Trump ở Syria đã bị chỉ trích dữ dội ở cả Mỹ và quốc tế như một sự phản bội đồng minh.
Bị Mỹ “bỏ rơi”, người Kurd chọn về phe Tổng thống Assad
Trong suốt 5 ngày qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đồng minh của nước này đã tiến vào các thị trấn và các ngôi làng ở phía bắc Syria, giao tranh trực tiếp với các tay súng người Kurd được triển khai khắp khu vực kéo dài 200 km. Cuộc giao tranh này đã khiến ít nhất 130.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Cũng trong ngày 13/10, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết tất cả quân Mỹ sẽ rút khỏi phía bắc Syria bởi nguy hiểm gia tăng khi cuộc giao tranh giữa 2 bên ngày càng dữ dội.
Ngay sau đó, các quan chức người Kurd đã thông báo rằng họ sẽ hợp tác với chính phủ Syria để chống chọi trước cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền hình Syria cho biết quân chính phủ của Tổng thống Assad đang tới phía bắc để đối phó với "cuộc xâm lược" của Thổ Nhĩ Kỳ song không cung cấp thông tin gì thêm.
"Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với chính phủ Syria - những người chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới và chủ quyền của đất nước, nhằm để cho quân đội Syria tiến vào và triển khai binh lính dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhằm giúp SDF chặn đứng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ", lực lượng SDF khẳng định trong một tuyên bố.
Hiện vẫn chưa rõ quân đội Syria sẽ dàn quân ở đâu và khi nào, hoặc liệu Mỹ đã rút khỏi các khu vực mà họ đang đồn trú hay chưa. Các quan chức Mỹ từ chối xác nhận thông tin từ các bài báo địa phương về việc rút khỏi các thị trấn Manbij và Kobane - những nơi mà các quan chức địa phương khẳng định rằng họ đã nhất trí để quân đội Syria vào đây.
Thỏa thuận giữa lực lượng SDF và chính phủ Syria được đưa ra sau các cuộc đàm phán kéo dài trong 3 ngày giữa 2 bên với Nga đóng vai trò trung gian. Theo một quan chức tình báo người Kurd, thỏa thuận này đã kết luận rằng SDF sẽ không còn phụ thuộc vào Mỹ nữa - một đồng minh quan trọng của lực lượng này trong cuộc chiến chống IS 5 năm qua.
“Canh bạc” của người Kurd
Mọi quyết định của người Kurd hiện nay đều chẳng khác nào một canh bạc khi mà không có bất kỳ điều gì đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tự trị như 7 năm qua. Badran Jia Kurd, một quan chức cấp cao người Kurd cho biết lực lượng này cảm thấy rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài quay sang Damascus bởi "sự phản bội" của Mỹ.
"Điều đó buộc chúng tôi phải tìm kiếm các giải pháp thay thế", quan chức này khẳng định.
Theo nguồn tin độc quyền trên CNN, chỉ huy Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - Tướng Mazloum Kobani Abdi đã tuyên bố với 1 nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ rằng: "Các ông đã bỏ rơi chúng tôi. Các ông đã để chúng tôi bị giết hại. Các ông không sẵn sàng bảo vệ chúng tôi nhưng lại không muốn một lực lượng khác đến và bảo vệ chúng tôi. Các ông đã bán đứng chúng tôi. Điều này thật phi đạo đức". Ông Mazloum cũng khẳng định, hoặc Mỹ phải giúp lực lượng này chấm dứt cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc phải để họ tiến hành một thỏa thuận với chính phủ Tổng thống Assad.
"Tôi cần biết liệu Mỹ có khả năng bảo vệ người dân của chúng tôi hay không, đủ sức ngăn những vụ ném bom vào chúng tôi hay không. Còn nếu Mỹ không thể làm gì, chúng tôi sẽ thực hiện một thỏa thuận với Nga và chính phủ Syria cũng như để họ đưa chiến đấu cơ vào để bảo vệ khu vực này", ông Mazloum cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định ngày 11/10 rằng Washington không bỏ rơi các đồng minh người Kurd mặc dù quan chức này cho biết quân đội Mỹ sẽ không can thiệp vào các cuộc giao tranh.
"Chúng tôi không bỏ rơi lực lượng người Kurd và quân đội Mỹ vẫn sát cánh với họ ở những khu vực khác của Syria. Chúng tôi vẫn duy trì sự hợp tác chặt chẽ với SDF - lực lượng đã hỗ trợ chúng tôi tiêu diệt IS nhưng tôi sẽ không đưa binh lính Mỹ vào giữa cuộc xung đột kéo dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, đó không phải là lý do để chúng tôi ở Syria", ông Esper nhấn mạnh
Trong 5 năm qua, chính sách của Mỹ ở Syria dựa trên việc hợp tác với lực lượng người Kurd để vừa chống lại IS, vừa hạn chế ảnh hưởng của Nga và Iran - các lực lượng ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad. Tuy nhiên, các tay súng người Kurd hầu như có rất ít lựa chọn sau khi bị Mỹ "bỏ rơi" và việc họ quay sang tìm kiếm sự ủng hộ của Tổng thống Assad là viễn cảnh có thể nhìn thấy trước.
Một cuộc trao đổi khi các lực lượng của Tổng thống Assad tới phía bắc Syria - nơi người Kurd đang kiểm soát nhằm đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một bước ngoặt quan trọng cho cuộc nội chiến trường kỳ ở Syria, cũng như củng cố quyền kiểm soát toàn bộ đất nước của ông Assad.
Điều đó cũng tức là quân đội Mỹ sẽ không còn hiện diện tại khu vực mà hiện nay Nga và các lực lượng dân quân do Iran ủng hộ mới là các bên có ảnh hưởng chính.
Cho tới nay vẫn chưa rõ vai trò của Nga trong việc thúc đẩy thỏa thuận giữa Tổng thống Assad và người Kurd song các quan chức ở Moscow đang điều phối các cuộc trao đổi giữa hai bên. Syria là một đồng minh của Nga, song Thổ Nhĩ Kỳ, dù là một thành viên NATO cũng đang xích lại gần Moscow trong những năm gần đây dưới thời Tổng thống Tayyip Erdogan.
Hệ lụy từ cuộc chiến ở đông bắc Syria
Việc Mỹ rút quân cũng mở ra câu hỏi về những điều xảy ra với các nhà tù và các trung tâm giam giữ hàng nghìn tù nhân IS mà người Kurd đang kiểm soát, trong đó có 2.000 tay súng nước ngoài.
Ngày 13/10, giao tranh dữ dội đã xảy ra ở một khu vực người Kurd kiểm soát tại Ein Eissa, cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 35 km về phía nam. Đây là nơi sinh sống của 12.000 người đã rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh, trong đó có 1.000 người là vợ con các tay súng IS.
Lực lượng người Kurd cho biết trong một tuyên bố rằng đã có 785 kẻ ủng hộ IS trốn thoát sau khi tấn công những người canh gác.
"Tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Đó là tất cả những gì đang diễn ra", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper nhận định, trong khi các quan chức Mỹ đều hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng cuộc tấn công Syria lại.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã loại bỏ bất kỳ biện pháp hòa giải nào trong căng thẳng hiện nay với người Kurd, đồng thời tuyên bố Ankara không đàm phán với "khủng bố".
Hãng thông tấn chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ là Anadolu khẳng định các lực lượng đối lập Syria do nước này ủng hộ đã tiến vào trung tâm thị trấn biên giới Syria Tal Abyad vào ngày thứ 5 trong chiến dịch tấn công của Ankara. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tweet rằng các lực lượng của nước này đã kiểm soát tuyến đường cao tốc quan trọng, chạy qua Hassakeh - một thị trấn lớn và là trung tâm hậu cần quan trọng, cùng với Ein Eissa - trung tâm quản lý điều hành của người Kurd.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, có ít nhất 14 người, trong đó có 5 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn biên giới Ras al-Ain của Syria.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 440 tay súng người Kurd đã bị quân đội nước này tiêu diệt kể từ khi chiến dịch nổ ra hôm 9/10 trong khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thông tin rằng 56 tay súng của lực lượng này đã thiệt mạng.
Theo Kiều Anh
VOV.VN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp