Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Châu Âu tái áp dụng “đạo luật của Đức quốc xã”

14:53 | 27/01/2016

Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm ngăn chặn người di cư, chính quyền Đan Mạch vừa thông qua đạo luật tịch thu hết tài sản giá trị của người tị nạn. Điều này đang gây tranh cãi vì nó làm người ta nhớ đến việc Đức quốc xã tịch thu những vật có giá trị của người Do Thái trong cuộc diệt chủng Holocaust. Và không chỉ có Đan Mạch đang làm việc này.
chau au tai ap dung dao luat cua duc quoc xa
Một di dân nằm trên boong tàu hải quân Bỉ sau khi được cứu ở Địa Trung Hải, ngoài khơi Italia

“Dự luật trang sức”

Ngày 26/1, quốc hội Đan Mạch đã thông qua với đa số áp đảo cái được gọi là "dự luật trang sức" cho phép tịch thu những tài sản có giá trị hơn 1.450 USD của những người xin được bảo hộ tị nạn. Những vật có giá trị tình cảm đặc biệt như nhẫn cưới sẽ được miễn trừ.

Một điều khoản khác kêu gọi để người tị nạn chờ đợi ba năm, thay vì một năm, trước khi họ có thể nộp đơn xin được đoàn tụ với gia đình của mình.

Dự luật này là nỗ lực mới nhất của chính phủ trung hữu thiểu số cầm quyền được bảy tháng của Đan Mạch nhằm ngăn cản dòng người lánh chiến tranh và nghèo túng ở Trung Đông, châu Phi và châu Á đổ vào châu Âu. Đất nước vùng Scandinavia này đã tiếp nhận số lượng kỉ lục 20.000 người xin bảo hộ tị nạn vào năm ngoái.

Việc làm trên của Đan Mạch đã khơi lên sự đả kích rộng khắp. Một số người chỉ trích đã so sánh với quyết định của Đức quốc xã tịch thu những vật có giá trị từ người Do Thái trong cuộc diệt chủng Holocaust.

Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric ra một thông cáo nói rằng, "phản ứng của chúng tôi là những người đã phải chịu khổ sở quá nhiều - những người thoát khỏi chiến tranh và xung đột, những người thực sự đi bộ hàng trăm cây số, nếu không phải hơn, những người liều mạng vượt Địa Trung Hải - nên được đối xử bằng lòng trắc ẩn và sự tôn trọng nằm trong phạm vi những quyền đầy đủ của họ là người tị nạn như đã được ấn định trong Công ước năm 1951".

Người đứng đầu Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) cũng mô tả dự luật này là không nhất quán với những chính sách của Liên minh châu Âu.

Trả lời báo giới tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ, phát ngôn viên UNHCR Adrian Edwards nói rằng dự luật được đưa ra vào thời điểm mà "sự đoàn kết và tinh thần chia sẻ trách nhiệm ở cấp EU thực sự cần là ưu tiên hàng đầu. Quyết định cho cảnh sát Đan Mạch quyền lục soát và tịch thu những vật có giá trị của người tị nạn sẽ phát đi một thông điệp gây tổn hại theo quan điểm của chúng tôi, nó có nguy cơ khơi lên tâm lý sợ hãi và kì thị thay vì thúc đẩy sự đoàn kết với những người cần được bảo vệ. Về vấn đề hạn chế những cuộc đoàn tụ gia đình, chúng tôi chỉ nhắc nhở một điểm rằng đoàn tụ gia đình là một nguyên tắc căn bản trong luật pháp quốc tế".

Tuần trước, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế đã kêu gọi quốc hội Đan Mạch bác bỏ điều mà tổ chức này gọi là "những thay đổi tàn nhẫn và thụt lùi đối với luật về người tị nạn". Phó Giám đốc Tổ chức Ân xá ở châu Âu và Trung Á, Gauri van Gulik, nói: "Thật tàn nhẫn khi buộc những người chạy khỏi những cuộc xung đột phải đưa ra sự lựa chọn bất khả: hoặc là đưa trẻ em và những người thân khác vào những hành trình nguy hiểm, thậm chí chết người, hoặc là để họ lại phía sau và đối mặt với sự chia ly kéo dài trong khi người nhà tiếp tục chịu đựng những kinh hoàng của chiến tranh".

Điều đáng nói là không chỉ có Đan Mạch, Thụy Sĩ đã bắt đầu tịch thu của người tị nạn những đồ vật có trị giá trên 985 USD, hay bang Baden-Württemberg của Đức tịch thu những vật có giá trị trên 380 USD, trong khi nhiều nước nam Âu khác cũng đang theo bước.

Châu Âu lâm nguy

Ngày 24/1, Tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde, nói con số người tị nạn ngày càng tăng tại châu Âu đã đẩy thỏa thuận Schengen vào ngưỡng cửa “hoặc thành công hay thất bại”.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, khi được hỏi là liệu cuộc khủng hoảng có thể đặt khu vực Schengen trong tình trạng nguy hiểm hay không, bà Lagarde nói:"Vâng, tôi nghĩ như vậy”.

Khu vực Schengen gồm 26 nước châu Âu đã đồng thuận bãi bỏ hộ chiếu và kiểm soát di trú tại biên giới chung, giúp cho công dân khu vực Schengen có thể đi du lịch trên toàn thế giới không bị giới hạn.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế Chiến thứ hai. Gần một triệu người tị nạn đã đến nước Đức. Nhiều di dân, mưu tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, đã trốn thoát cảnh chiến tranh và nghèo đói tại Trung Đông và các nước châu Phi.

H.Phan

Theo AFP. AP, Reuters, CNN