Chàng trai trẻ "biến" đất khô cằn thành nông trại dược liệu
Anh Huỳnh Thanh Dư ngụ xã Mỹ Ngãi, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) quyết tâm biến mảnh đây khô cằn thành vườn dược liệu thuận thiên. |
Sinh ra trong gia đình thuần nông nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chàng sinh viên trẻ Huỳnh Thanh Dư (sinh năm 1995) của khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Bách khoa TP HCM đã có mơ ước được đặt chân đến Isarel để học hỏi kỹ thuật làm nông nghiệp của quốc gia này.
Vào tháng 7/2018, chàng trai trẻ Huỳnh Thanh Dư đã trúng tuyển chương trình tu nghiệp sinh ngành nông nghiệp tại Israel của Trường ĐH Nông lâm TP HCM. Sau đó, Dư đăng ký thực tập tại một nông trại chuối xuất khẩu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel.
Mảnh đất lúa khô cằn ngày nào đã được phủ xanh bởi rất nhiều cây dược liệu. |
Việc học tập những phương pháp làm nông nghiệp từ nước ngoài giúp anh hiểu cách vận hành một nông trại canh tác như thế nào. Từ đó, Dư mang những gì học được về nước áp dụng. Và trang trại dược liệu chính là thành quả mà chàng trai sinh năm 26 tuổi làm nên sau chuyến thực tập.
"Khi trở về nước, mình làm việc ở một nông trại tại Đà Lạt sau đó mới trở về quê nhà là Đồng Tháp. Việt Nam có ưu thế có điều kiện khá tương đồng với Isarel nên rất có tiềm năng phát triển nông nghiệp sạch.
Tuy nhiên, để bà con nông dân hiểu qua đi theo giá trị mà mình hướng đến cần có quá trình rất dài. Việc đầu tiên là mình phải làm và chứng minh cho bà con thấy phương hướng sản xuất không hóa chất, không thuốc trừ sâu gắn với hệ sinh thái là cách làm phù hợp trong thời đại nông nghiệp 4.0", anh Dư chia sẻ.
Phương châm của Dư: "Khỏe cho đất, khỏe cho người nông dân, khỏe cho người tiêu dùng". |
Lên ý tưởng khá lâu nhưng đến tháng 4/2020 trang trại của anh Dư mới đi vào hoạt động. Lúc ban đầu anh khá khó khăn trong khâu xử lý đất vì nguồn đất trước đây trồng lúa và khá cằn cỗi thế nên anh phải dùng rất nhiều phân hữu cơ cải tạo lại đất.
Anh Dư cho biết, bí quyết giúp đất có thể "hồi sinh" bằng cách anh để cỏ mọc tự nhiên, đồng thời trồng cây tới đâu bón phân tới đó. Đây là biện pháp đơn giản và tiết kiệm nhất. Trang trại không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Phân bón cũng chỉ có phân bò ủ với rơm, dung dịch vi sinh.
Với quan điểm "thuốc làm thực phẩm, thực phẩm làm thuốc" thế nên các loại dược liệu anh trồng khá đơn giản, sử dụng hoa lợi để chế biến thành thức ăn, thức uống cung cấp ra thị trường.
Hiện tại với diện tích 6.000 m2, anh Dư trồng khoảng hơn 20 loại dược liệu trong đó có hoa đậu biếc, artiso đỏ, sả, hoa lài, bạc hà… và cả dâu tằm.
Mỗi ngày, nông trại cho thu hoạch khoảng 6 - 7kg hoa đậu biếc,hiện anh Dư đã liên kết được 2 vùng trồng để tăng sản lượng. |
Quy trình chăm sóc xử lý sâu bệnh cũng được thực hiện bằng thủ công như nhổ cỏ, bón phân hữu cơ và dùng chế phẩm sinh học đảm bảo theo hướng canh tác không hóa chất, kết hợp thêm hệ thống tưới tiết kiệm giúp tăng hiệu suất sản xuất.
"Mình phòng ngừa sâu bệnh bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học như rượu tỏi, ớt… có tác dụng xua đuổi côn trùng gây hại. Quan trọng nhất là phải chăm sóc thủ công là chính, trước khi xuống giống cần chú ý đến khâu bón lót đất và cải tạo sau thu hoạch. Vì mình đặt ra tiêu chí 3 khỏe tức khỏe cho đất, khỏe cho người nông dân và khỏe cho người tiêu dùng nên toàn bộ quy trình không sử dụng phân thuốc hóa học, có thế mới gọi là thuận tự nhiên", chàng trai 26 tuổi cho hay.
Anh Dư cho biết, đồng hành cùng anh còn có các tình nguyện viên có niềm đam mê nông nghiệp hoặc muốn trải nghiệm làm nông thuận tự nhiên đa phần là các bạn trẻ tuổi từ 18 đến 35 ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Anh Trương Minh Vương là tình nguyện viên đến từ TP HCM cho biết, hiểu được ý nghĩa mà Dư truyền cảm hứng nên anh quyết định đến đồng hành cùng Dư phát triển nông trại.
Bà Mai Thị Chi đang thu hoạch hoa đậu biếc. Các công việc tại nông trại giúp bà có thêm thu nhập 150.000 đồng/ngày. |
Bên cạnh có được sự ủng hộ của nhiều người trẻ chung đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Dư còn tạo thêm việc làm cho bà con địa phương. Bà Mai Thị Chi, ngụ xã Mỹ Ngãi cho biết công việc mỗi ngày của bà là dọn cỏ, lên luống trồng dược liệu và thu hoạch… giúp bà có thêm thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày.
Số dược liệu thu hoạch từ trang trại sẽ được chế biến thành các loại siro hoặc trà. Hiện tại, 2 dòng sản phẩm chính của anh Dư gồm trà hoa đậu biếc và trà Artiso đỏ bình quân mỗi tháng anh sản xuất khoảng 300 kg trà thành phẩm, giúp anh có thu nhập ổn định.
Với tư duy khác biệt với số đông, 9x này từng gặp rất nhiều khó khăn và không được ủng hộ. Sau gần 1 năm cố gắng không ngừng nông trại của anh đã tạo được tin cậy và thu hút nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm, học tập.
Theo Dân trí
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Bão Yinxing sẽ suy yếu khi đi vào vùng biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi
-
Bão Yinxing sắp đổ bộ miền Trung, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
-
Cuộc thi Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Ngành Đường sắt đã bán khoảng 100.000 vé tàu Tết Ất Tỵ