Chặn đà lạm phát: Mong sao cho đến tháng 7?
Cũng theo ông, căn cứ trên mặt bằng giá mới này, lạm phát mới có “cớ” để thoái lui vào những tháng còn lại.
Khi nhắc đến tháng 7, vị ủy viên nói trên có kết nối việc lạm phát giảm với thời điểm mà Chính phủ đã hoàn thiện xong bộ máy mới. Nhưng, có vẻ như khó mà tìm được mối liên hệ cụ thể nào giữa việc giảm lạm phát và việc hoàn thiện xong bộ máy mới của Chính phủ, khi mà mọi phân tích về các nguyên nhân dẫn đến lạm phát, ngay cả giới chuyên gia, cũng có vẻ “ngại” khi nhắc đến nguyên nhân là từ phía điều hành.
Một trong những chuyên gia rất hăng hái phân tích về lạm phát là TS. Cao Sỹ Kiêm, khi trò chuyện với người viết, có nói rằng: “Tất nhiên, lỗi về điều hành khiến lạm phát tăng cao là có, nhưng tôi không thể lượng hoá được bao nhiêu phần trăm”.
Dù vậy, ông Kiêm khen ngợi Chính phủ trong việc dũng cảm quyết định tăng giá một loạt mặt hàng thiết yếu, gần như trong cùng một thời điểm. Theo ông, có quyết liệt như vậy, cấp tập như vậy, thì mới sớm hình thành được mặt bằng giá mới, sau đó mới yên tâm để kéo từ từ xuống!
Thời điểm có mặt bằng giá mới này, theo ông Kiêm, cũng là vào khoảng tháng 7.
Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tuần cuối tháng 4 rồi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba sau khi phản ánh về thực tế mà đi công tác tại các địa phương, nơi nào cũng than phiền về tình hình giá cả tăng cao, đã nhận xét: “Để xảy ra lạm phát cao đúng là có nguyên nhân từ khách quan, nhưng có vấn đề về điều hành của Chính phủ, khi đồng loạt cho tăng giá nhiều thứ quá”.
Còn Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì gay gắt nói: “Các năm trước tháng 4 lạm phát thấp nhất, năm nay lại cao nhất. Trong báo cáo mình cứ nói là bạn bè quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành, nhưng về tiếp xúc cử tri, ai người ta cũng nói là điều hành thế nào mà giá cả tăng cao quá”.
Thực tế thì trong quá khứ, không phải Chính phủ chưa từng đề cập đến việc lạm phát lên cao do nguyên nhân từ phía điều hành. Như đánh giá về tình hình lạm phát của năm 2007, trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII diễn ra vào tháng 6/2008, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận định: “Chúng ta buông lỏng và sơ hở trong việc theo dõi diễn biến của lạm phát, điều hành không ra sao, phối hợp không nhịp nhàng”.
Phân tích về sự sơ hở, buông lỏng này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khi đó nói: “CPI của 7 tháng đầu năm 2007 ở mức 6,19%. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, phối hợp với nhau để làm ráo riết vấn đề chống lạm phát ngay từ tháng 8 năm 2007. Nhờ vậy tháng 8, tháng 9 CPI đã giảm còn 1,1% trong hai tháng, bình quân một tháng chỉ còn 0,5%, một sự điều hành rất ấn tượng. Nhưng sau đó, chúng ta sơ xuất khi không tiếp tục phối hợp giữa các bộ, các ngành nữa nên CPI lại bị vọt lên”.
Không biết có phải từ câu chuyện lạm phát tăng cao do sự phối hợp không tốt giữa các bộ ngành này, mà vị ủy viên Ủy ban Kinh tế nói trên có sự kết nối từ việc giảm lạm phát đến việc hoàn thiện bộ máy Chính phủ vào tháng 7 hay không? Hoặc, đó có thể chỉ là sự tình cờ thôi khi ông cho rằng kiên nhẫn chờ đợi lạm phát sẽ giảm từ tháng 7.
Háo hức với bộ máy mới của Chính phủ có lẽ cũng là tâm trạng chung của nhiều người, chứ không phải chỉ của riêng ông, nhất là khi bộ máy mới này theo dự kiến là “rất mới”, khi có tới khoảng 12/27 thành viên Chính phủ đã đến tuổi nghỉ hưu và chuẩn bị chuyển công tác khác.
Theo Vneconomy