Cấp thiết bảo vệ tài nguyên nước
Người Việt đang lãng phí nước, chưa coi nước là nguồn tài nguyên đặc biệt. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho rằng, dù ở bất cứ đâu trên trái đất này, nước cũng có tầm quan trọng đối với đời sống con người và phát triển kinh tế, nhưng mức độ, cách thức ứng xử với nước khác nhau.
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước |
“Ở Việt Nam, người dân đang lãng phí nước, chưa coi nước là nguồn tài nguyên đặc biệt, trong khi đến năm 2030, nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng cao. Trước thực trạng này, Việt Nam phải đối mặt với thách thức an ninh tài nguyên nước. Nước ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của xã hội. Việt Nam hiện là một quốc gia “nghèo” về nước nhưng lại sử dụng lãng phí, không hiệu quả”, Bộ trưởng Hồng Hà nhận định.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị được đấu nối với các hệ thống thoát nước, nhưng chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt được xử lý, chưa kể lượng nước thải không qua xử lý từ các nhà máy nằm ngoài các khu công nghiệp. Điều này gây tổn hại lớn tới chất lượng nước và hệ sinh thái liên quan. Thách thức nghiêm trọng là hiệu quả sử dụng nước còn thấp, đặc biệt trong ngành nông nghiệp và thủy sản, vốn chiếm tới 92% tổng lượng nước tiêu thụ toàn quốc. Mức độ gia tăng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng nước sẽ gây ra căng thẳng về nguồn tài nguyên nước vào mùa khô tại 11/16 lưu vực sông ở Việt Nam.
Thêm vào đó, yêu cầu sử dụng nước ở nhiều ngành khác nhau ngày càng tăng, trong bối cảnh chất lượng nước ngày một kém đi. Tác động của biến đổi khí hậu làm cho các thách thức về nước càng lớn hơn, đặt ra yêu cầu quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn.
Trước tình trạng đó, phải bảo vệ tài nguyên nước như thế nào? Bộ TN&MT cho rằng, an ninh tài nguyên nước của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào một loạt những vấn đề quan trọng liên quan như chất lượng nước, những rủi ro thiên tai liên quan đến nước có được giải quyết hay không? Do đó, nhất thiết phải thực hiện ngay lập tức những giải pháp liên quan đến nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
Bà Jennifer Sara, Giám đốc cấp cao Ban Nước toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), thẳng thắn: “Việt Nam muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, phải có hành động mạnh mẽ để bảo vệ tài nguyên nước, nếu không sẽ không thể đạt được mục đích”.
Hiện nay, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi sang những cây trồng và vật nuôi thích ứng với sự biến đổi của khí hậu, tình trạng hạn hán; giảm lượng nước sử dụng qua việc ứng dụng công nghệ mới; có biểu giá nước hợp lý để giúp người dân cũng như các cơ sở sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
Tuy nhiên, song song với những giải pháp đó, các chuyên gia của WB khuyến cáo, Việt Nam phải tăng cường năng lực cho các cơ quan chịu trách nhiệm hoạch định và thực thi các quy định về quản lý nước, cách tiếp cận tổng hợp ở quy mô lưu vực sông, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích việc giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng nước hiệu quả hơn, cải thiện quản lý và cơ chế tài chính với tài nguyên nước.
Việt Nam cũng cần cải thiện công tác ứng phó với thiên tai và bảo đảm khả năng chống chịu trước các hiện tượng lũ lụt gia tăng, xói lở bờ sông, bờ biển với tốc độ nhanh hơn, tình trạng nước biển dâng và sụt lún đất. Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng chi tiêu công và khuyến khích huy động nguồn vốn tư nhân là việc cần thiết để mở rộng nguồn tài chính cho cải thiện công tác quản lý tài nguyên nước.
Tài nguyên nước của Việt Nam đang có nguy cơ cạn kiệt, môi trường, đời sống của người dân sẽ chịu nhiều hệ lụy nếu tình trạng này thực sự xảy ra. “Nếu không có những hành động quyết liệt thì tài nguyên nước, một trong những động lực đã và đang thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam, sẽ trở thành một cản trở của sự phát triển. Nếu hành động sớm thì Việt Nam sẽ bảo đảm được tài nguyên nước vẫn sẽ tiếp tục là một yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị được đấu nối với các hệ thống thoát nước, nhưng chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt được xử lý, chưa kể lượng nước thải không qua xử lý từ các nhà máy nằm ngoài các khu công nghiệp |
Nguyễn Bách
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo