Cấp dưới “tố” Dương Chí Dũng phạm tội cố ý làm trái...
>> Dương Chí Dũng và đồng bọn đã chia tiền thế nào?
>> Dương Chí Dũng giữ vai trò chủ mưu trong vụ "Ụ nổi 83M"
Theo Viện Kiểm soát nhân dân Tối cao, trong quá trình chào hàng cạnh tranh, lựa chọn nhà thầu cung cấp ụ nổi, Vinalines không có thư thông báo mời thầu nhưng vẫn có 2 công ty gửi thư chào bán ụ nổi. Công ty AP Singapore cháo bán ụ nổi 220 sản xuất năm 1969 tại Thụy Điển và ụ nổi Dock No 83M; Công ty Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M sản xuất năm 1988 tại Nam Tư. Thế nhưng, khi khảo sát ụ nổi, Vinalines bỏ qua ụ nổi 194M mà chỉ khảo sát hai ụ nổi của Công ty AP chào hàng.
Theo quy định của Chính phủ thì việc mua bán tàu biển nhập khẩu phải được Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và xác nhận trạng thái kỹ thuật nên Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines) đã ký quyết định thành lập đoàn khảo sát, gồm: Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines); Mai Văn Khang (nguyên Phó trưởng ban đóng mới tàu biển Vinalines); Trần Hải Sơn (nguyên nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines); Lê Văn Dương (nguyên Đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam); Trịnh Lương Quang (phiên dịch viên).
Sau phi vụ mua ụ nổi 83M, bị can Dương Chí Dũng đút túi 10 tỉ đồng.
Sau quá trình khảo sát, đoàn công tác nhận thấy, ụ nổi 83M được sản xuất từ năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka (Nga) là chủ sở hữu đưa ra giá để đàm phán là dưới 5 triệu USD. Tuy nhiên, khi về nước, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn trực tiếp báo cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc về thực trạng ụ nổi. Thế nhưng, Dương Chí Dũng vẫn chỉ đạo cấp dưới phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua Ụ nổi 83M qua Công ty AP (là công ty môi giới), không mua trực tiếp từ Nakhodka.
Về việc mua ụ nổi này, các bậu sậu của Dương Chí Dũng đã khai những gì tại cơ quan điều tra. Bị can Trần Hữu Chiều khai nhận, sau khi sang Liên bang Nga khảo sát ụ nổi 83M, bị can này được Trần Hải Sơn cho biết “anh Dương Chí Dũng và anh Mai Văn Phúc chỉ đạo phải khảo sát, lập hồ sơ để mua được ụ nổi 83M và không được mua trực tiếp từ công ty Nakhodka mà mua qua công ty môi giới AP”.
Thực tế, Trần Hữu Chiều không gặp chủ sở hữu ụ nổi mà chỉ được ông Goh Hoon Seow – Giám đốc Công ty AP đưa đến nơi neo đậu ụ nổi 83M tại cảng Nakhodka. Qua khảo sát, chiều biết rõ ụ nổi này không hoạt động. Sau khi về Việt Nam, Chiều và Sơn đã báo cáo đầy đủ cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Nhưng hai vị cấp trên này vẫn chỉ đạo rằng: “Các anh hoàn thiện báo cáo là mua được ụ nổi 83M và phải mua qua Công ty AP”. Sau đó, Chiều yêu cầu Trần Hải Sơn và Mai Văn Kháng lập báo cáo kết quả khảo sát đề ngày 8/8/2007 thể hiện ụ nổi 83M vẫn hoạt động bình thường, Công ty Ap là người bán.
Bị can Trần Hải Sơn khai rằng, sau khi khảo sát về nước, bị can cùng Trần Hữu Chiều, Mai Văn Kháng đã báo cáo tình trạng ụ nổi cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Sau đó, Mai Văn Phúc yêu cầu Sơn về hoàn thiện báo cáo bằng văn bản là phải mua được ụ nổi 83M qua công ty AP. Trong quá trình làm báo cáo, Sơn đã bỏ qua các tình tiết về trạng thái ụ nổi hỏng hóc, không hoạt động nhằm mục đích mua được.
Còn cán bộ Đăng kiểm Việt Nam đi cùng đoàn khảo sát là Lê Văn Dương khai rằng, quá trình khảo sát bị can biết rõ về tình trạng ụ nổi 83M. Nhưng Dương được Sơn và Hải nói “Tổng Công ty Hàng hải, anh Dũng, anh Phúc chỉ đạo phải mua bằng được ụ nổi này về Việt Nam”. Sau đó, Sơn nhờ Dương làm biên bản kiểm tra giám định giúp Vinalines mua được ụ nổi.
Sau khi chỉ đạo cấp dưới lập báo cáo “đẹp”, ngày 8/10/2008, Dương Chí Dũng ký quyết định đầu tư mua ụ nội 83M với giá 14.136.000 USD, sau đó lại lý quyết định thay đổi phương thức đầu tư nâng giá ụ nổi lên 19,5 triệu USD.
Với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Dương Chí Dũng được xác định là người có vai trò chủ mưu vì đã ký quyết định đầu tư xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và mua ụ nổi 83M. Với hành vi này đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 367 tỉ đồng. Trong đó, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn đã tham ô gần 28,2 tỉ đồng. Mặc dù phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nhưng trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng không ăn năn, hối cải, khai báo quanh co nhằm chối tội. Và Mai Văn Phúc cũng có cùng kịch bản chối tội và khai báo quanh co như thế.
T.Minh - M.Tiến
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)