Cấp bách và ì ạch!
Nhưng không.
Căn bệnh “có phát mà không động”; “đánh trống bỏ dùi”; “Ăn rồng cuốn, nói rồng leo, làm mèo mửa” xem ra ngày càng phát triển và thành bệnh nan y ở rất nhiều quan chức, rất nhiều chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước.
1. Mấy hôm nay rộ lên chuyện đám “chân dài óc ngắn” mang danh hoa hậu, người đẹp đi bán dâm… Và người ta lên án không tiếc lời. Ừ, lên án mấy nhân vật “người của công chúng” này là không oan. Thế nhưng sao không lên án đám đại gia lắm tiền rửng mỡ đi mua dâm kia? Sao không dám nêu đích danh tên tuổi đám này ra? Tại sao trị người bán mà không dám nhắc đến người mua? Một khi đã cố tình bao che cho đám mua dâm này thì rõ là bất công! Trong chống buôn bán ma túy, kẻ mua và bán đều phải chịu tội kia mà?
Mà ai cũng biết nghiện ma túy, nghiện gái và nghiện quyền lực là ba thứ nghiện khó cai nhất!
Đã có ai đặt câu hỏi rằng, chúng ta có quá duy ý chí khi bàn đến dẹp nạn mại dâm không? Ai cũng hô hào phải dẹp, cũng lên án mạnh mẽ. Nhưng lên án thì phỏng có ích gì?
Chả lẽ mọi người không thấy dẹp sao được chứ? Một “nghề” mà đã tồn tại hàng ngàn năm nay và bây giờ trở thành một ngành kinh doanh hái ra tiền ở nhiều quốc gia, mà chắc chắn là họ văn minh, phát triển hơn Việt Nam nhiều… thì rõ ràng nó phải có “lý” của nó.
Nghiêm khắc và tuân thủ các giá trị văn hóa truyền thống theo Khổng Giáo như Singapore cũng có phố đèn đỏ. Đến như nước Lào kia, một quốc gia coi Phật giáo là quốc đạo, người Lào nổi tiếng hiền lành, không mắc các tệ nạn xã hội… Vậy mà giờ cũng phải có phố đèn đỏ ở Viêng Chăn…
Trong khi đó, chúng ta ra sức lên án nạn mại dâm, ra sức bắt, ra sức đưa đi tập trung cải tạo… Nhưng xem ra, cũng chỉ là “hòn đá ném xuống ao bèo” và tệ nạn này ngày càng phát triển, với tốc độ nhanh hơn, thủ đoạn tinh vi hơn. Vậy tại sao các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách không dám thừa nhận rằng, dẹp tệ nạn này là “không thể” và cần phải có những biện pháp khác?
Biện pháp khác là gì?
Hoặc là học các nước khác, coi đây là một “nghề”; quản lý đội quân “bán hoa” này, đánh thuế nặng, lấy tiền này để khám chữa bệnh cho người bị bệnh xã hội… Như chống nghiện hút ấy. Chống mãi không được, đành phát thuốc cai dần cho người nghiện… Biện pháp ấy xem ra lại có hiệu quả.
Hoặc nếu không dám coi đây là “nghề” thì áp dụng biện pháp “cấp bách”, ấy là theo kiểu ngày xưa: Cảnh sát đạp cửa khách sạn, bắt tất tần tật những đàn ông, đàn bà nào ngủ với nhau, bất kể tuổi tác, phải trình giấy đăng ký kết hôn. Nếu vồ được ổ mại dâm nào, cho công khai danh tính người mua dâm để các bà xã của họ được biết… Hoặc bắt được đám nào ngủ với nhau, nếu không có giấy đăng ký kết hôn thì coi là “bất chính”. Đàn ông thì gọi vợ con, cơ quan đến nhận về, đàn bà thì lăn tay chụp ảnh… Nếu áp dụng được biện pháp này, cam đoan “ba bảy hai mốt ngày”, nạn mại dâm chấm dứt.
Còn nếu không dám dùng những biện pháp “cấp bách” nêu trên, thì nói chỉ mất thời gian mà thôi.
Kinh doanh cờ bạc cũng vậy. Hễ nói mở casino là ầm ầm phản đối và coi là “tiếp tay cho tệ nạn”… Nhưng ai biết rằng, hàng ngày có bao nhiêu người Việt sang Campuchia đánh bạc? Hàng ngày có bao người cá độ bóng đá trên mạng? Và ngoại tệ Việt Nam chảy ra nước ngoài bao nhiêu bằng con đường này? Vậy tại sao không cho kinh doanh, quản lý chặt, đánh thuế thật nặng? Cho nên, kiểu “không quản được thì cấm” xem ra chỉ gây rối thêm xã hội mà thôi.
2. Ai cũng biết nạn tham nhũng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đang là nỗi lo lắng của toàn Đảng, toàn dân. Và theo như Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi thì cần phải có những “biện pháp cấp bách xây dựng và chỉnh đốn Đảng”. Nhưng thế nào là “cấp bách”? Biện pháp “cấp bách” là biện pháp gì? Nếu cứ học tập, kiểm điểm, rút kinh nghiệm và “kính thưa các đồng chí… chưa bị lộ” thì còn lâu mới chống được tham nhũng. Lẽ ra cần phải có những cơ quan đặc biệt, có “thượng phương bảo kiếm”, có quyền gọi bất cứ cán bộ đảng viên nào lên và người đó phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc số tiền mà mình có… Nếu không dám làm biện pháp kiểu thế này hoặc tương tự thế này, thì kê khai tài sản cũng chỉ là cho vui và nói chống tham nhũng cũng là nói cho… có!
Ai cũng biết muốn chống tham nhũng thì cần phải có “ba không” – nghĩa là: Không muốn, Không dám và Không thể.
Không muốn – nghĩa là cán bộ đảng viên nhận đồng tiền tham nhũng là thấy xấu hổ. Và họ luôn nghĩ rằng, chẳng cần nhận đồng tiền biếu xén ấy thì họ cũng đủ sống, tuy chưa giàu có nhưng không phải lo “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”.
- Không dám – nghĩa là khung hình phạt cho loại tội này phải cực nặng. Tham nhũng một đồng, thì phạt một trăm đồng. Bất cứ kẻ nào khi nảy ra ý định bất chính, thì phải nghĩ ngay đến hậu quả sẽ là như thế nào, nếu như bị phát hiện. Và không thể để cho chuyện tham nhũng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” có đất tồn tại. Bài học kinh nghiệm và cách chống tham nhũng của Singapore là rất hay, liệu chúng ta có dám làm như họ không?
- Và thứ ba là Không thể – nghĩa là luật pháp phải chặt chẽ, không có chỗ dành cho cái gọi là “lách luật”… Muốn ăn hối lộ, muốn làm sai, muốn tham nhũng cũng khó mà làm, vì mọi thứ đều rất minh bạch, công khai, cụ thể. Không thể có cái thứ luật “được hiểu theo ý của từng người”.
Có bộ máy Nhà nước là có tham nhũng. Trên thế giới, chẳng có quốc gia nào lại không có tham nhũng, chỉ có điều là nhiều hay ít, to hay nhỏ mà thôi.
Nhưng ở các nước phát triển, muốn tham nhũng thì phải là quan chức cao cấp, có chức tước nắm quyền mới tham nhũng được. Còn ở ta, tham nhũng xảy ra từ cấp rất thấp, thậm chí từ người được giao nhiệm vụ chẳng dính dáng gì đến tiền… Người dưới tham nhũng biếu xén người trên. Người trên tham nhũng biếu xén người trên nữa… Và cứ tầng tầng, lớp lớp như thế, nên đã tạo ra một hình chóp nón rất bền vững, khó đạp đổ.
Cho nên, nói tình hình “cấp bách” mà lại không có những “biện pháp cấp bách”, “đặc biệt”… thì chỉ thêm tức anh ách mà thôi.
Như Thổ
{lang: 'vi'}
petrotimes