Cao Miên - Mang Khảm - Campuchia
Học giả An Chi: “Cao Miên” là âm Hán Việt mà ta đã dùng để đọc hai chữ Hán [高棉], mà Tàu dùng để phiên âm tộc danh “Khmer”. Tiếng Hán, từ Bắc Kinh cho đến Phúc Kiến, Quảng Đông, không có tổ hợp phụ âm đầu khm- nên dân Tàu phải âm tiết hóa nó bằng tiếng/chữ “cao” [高] còn âm tiết “-mer” thì được họ phiên thành “miên” [棉]. Ta đã dùng địa danh “Cao Miên” trong một thời gian khá dài và trong thời gian đó, nó đã được phát âm thành “Cao Mên” trong khẩu ngữ.
Ngoài ra, từ thời xưa, Tàu còn phiên âm tộc danh “Khmer” thành “Cát Miệt” [吉蔑] nữa, như có thể thấy trong Đường thư, “Chân Lạp quốc truyện”: “Chân Lạp quốc, nhất viết Cát Miệt, bổn Phù Nam thuộc quốc (…)”. (Nước Chân Lạp, còn gọi là Khmer [Cát Miệt], vốn là thuộc quốc của Phù Nam (…)).
Về địa danh “Mang Khảm”, mạng datnghe.com đã theo ý kiến cho rằng:
“Khảm, người Khmer nói là Krom, tiếng Mã Lai gọi là Kram, tiếng Nôm gọi là Hỏm hay Tràm có nghĩa thấp, ngập. Cho nên Mang Khảm (tức trấn Hà Tiên) có nghĩa là “xóm dân vùng nước ngập”. Theo Nghiên cứu Hà Tiên, “bởi khởi đầu bằng chữ Mang, đơn vị dân cư theo ngôn ngữ Mường - Thái, nên có thêm một lý do nữa để xác định rằng đây không phải là đất Chân Lạp. Người Chân Lạp (Khmer) chỉ dùng chữ Srock (hay Súc) hoặc Phum”.
Thực ra, “Mang Khảm” là hình thức phiên âm Hán Việt của tiếng Xiêm và tiếng Lào “Mường Khỏm” trong đó “Khỏm” là hình thức phiên âm bằng tiếng Xiêm và tiếng Lào của tộc danh “Khmer” để chỉ chính người Khmer và nước Campuchia. Sau đây là mục từ “khỏm” của tiếng Xiêm trong quyển Thai - English Students Dictionary của Mary M.Haas (California, Reprinted 1967, p.54):
“Khm [N lit.] Cambodia; Cambodian. This term is used in historical chronicles”.
(Khỏm [danh từ có tính chất văn chương] (có nghĩa là) nước Campuchia, người Campuchia. Từ này được dùng trong các biên niên sử).
Còn sau đây là mục từ “khỏm” của tiếng Lào trong quyển Dictionnaire laotien - franais của Marc Reinhorn, t.I (Paris, 1970, p.270):
“K’ỏm [n.eth.] Khm, lancien Khmer”.
(Khỏm [tộc danh] (tức) Khm (tiếng Pháp không có dấu thanh - AC), nước Khmer cổ xưa).
“Khỏm” là hình thức phiên âm bằng cách âm tiết hóa tổ hợp phụ âm đầu khm- (Reinhorn ghi km-) của từ “Khmer” còn “Khảm” là hình thức phiên âm Hán Việt của “Khỏm”. Vậy “Khảm” ở đây không phải gì khác hơn là “Khmer” và hoàn toàn không dính dáng gì đến “krom” (tiếng Khmer), “kram” (bị cho là tiếng Mã Lai), “hỏm” và “tràm” (tiếng Việt) và dĩ nhiên cũng chẳng dính dáng gì đến cái nghĩa “thấp, ngập” như có người đã chủ trương. Mang Khảm chỉ đơn giản là Mường Khỏm phiên bằng âm Hán Việt để chỉ nước Khmer cổ xưa, tiền thân của nước Campuchia ngày nay. Khi ta đã chứng minh rằng, Mang Khảm chính là nước Khmer thì thuyết cho rằng đây không phải là đất Chân Lạp không thể đứng vững được.
Về cái tên Campuchia thì một số tác giả cho rằng, nó bắt nguồn từ tiếng Sanskrit “Kambuja”, gồm có “Kambu” là tên của một vị thần, còn “ja” là “con cháu”, “hậu duệ”, chẳng hạn Robert Casey trong Four Faces of Siva (Indianapolis: Bobbs-Merrill Company, 1934). Vậy “Kambuja” là con cháu của Kambu. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, xuất xứ của địa danh “Campuchia” là tiếng Sanskrit “Kamboja”, vốn là tên một xứ ở Ấn Độ, mà vì một cớ nào đó, người Khmer đã tiếp nhận để đặt tên cho nước mình. Về ngữ âm thì, với cả “Kambuja” lẫn “Kamboja”, sự tương ứng với “Campuchia” là hoàn hảo và hoàn toàn có thể chứng minh được. Nhưng thực tế như thế nào thì vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Campuchia, tiếng Anh là Cambodia, tiếng Pháp Cambodge, tiếng Hán là Giản Phố Trại [柬埔寨], có lẽ phiên từ tiếng Bồ Đào Nha Camboja.
A.C
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng