Cảnh sát giao thông phục kích “ma men” trước quán nhậu
Thời gian xử lý hàng ngày được chia làm 2 ca, từ 12 đến 16 giờ và từ 18 đến 22 giờ.
Thực hiện kế hoạch, mỗi đội thuộc PC67 sẽ thành lập một tổ tuần tra chuyên đề gồm từ 4 đến 6 cán bộ, chiến sỹ. Các tổ công tác sẽ được trang bị đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, máy đo nồng độ cồn, máy ghi âm, ghi hình, áo phản quang, bộ đàm, tổ chức tuần tra kiểm soát lưu động kết hợp với cắm chốt xử lý tại các nút giao thông.
Cảnh sát giao thông sẽ tuần tra công khai kết hợp với hóa trang.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Thực hiện kế hoạch, các Đội thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đã ra quân, phục kích những vị khách đi ra từ các quán nhậu có điều khiển phương tiện.
Trong chưa đầy một giờ đồng hồ, Đội Cảnh sát giao thông số 4 chốt trực tại ngã tư cầu Mai Động (quận Hoàng Mai) đã kiểm tra nồng độ cồn của gần 10 trường hợp điều khiển phương tiện. Hầu hết các lái xe đều tỏ ra hợp tác sau khi nghe lực lượng chức năng giải thích về việc kiểm tra nồng độ cồn.
Mặc dù được hướng dẫn về cách thở vào máy, song nhiều người vẫn lúng túng, phải thở đi thở lại 2-3 lần mới đo được.
Mặt đỏ phừng phừng, giọng nói líu nhíu, hơi thở nồng nặc mùi rượu, một người đi xe máy tên là Nguyễn Ninh Dương (ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) trình bày lý do: Hôm nay nhà có giỗ nên có uống vài chén cùng họ hàng trong gia đình. Tiến hành kiểm tra, anh Dương không xuất trình được giấy phép cũng như đăng ký xe.
Ngay sau đó, lực lượng yêu cầu anh đo nồng độ cồn bằng máy. Chỉ một lát, dụng cụ đo đã in và phân tích nồng độ cồn đo được trong hơi thở anh Dương là 0,51 mg/lít khí thở, vượt gấp 2 lần mức cho phép là 0,25mg/lít khí thở. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Máy in kết quả đo nồng độ cồn.
Tương tự, vừa đi xe máy ra khỏi quán nhậu 200 mét, ông Nguyễn Văn Hoạt (phường Vĩnh Hồ, quận Đống Đa) bị cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe vì phát hiện có nghi vấn sử dụng rượu, bia điều khiển xe. Qua kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn trong máu là 0,04 mg/lít khí thở và chưa vượt mức so với quy định nên không bị xử phạt.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hữu Huấn - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 4, năm nay số người vi phạm không nhiều so với năm ngoái, điều này cũng cho thấy ý thức của người dân đã nâng lên rõ rệt.
Trước khi ra quân đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố đã tập huấn cho tất cả các chiến sỹ cảnh sát giao thông cách sử dụng máy đo này. Ngoài ra, lực lượng làm nhiệm vụ đã phải chia làm nhiều tổ, trong đó có tổ trinh sát và tổ kiểm soát. Khi phát hiện trường hợp điều khiển phương tiện trong tình trạng có sử dụng rượu bia, tổ trinh sát có nhiệm vụ thông báo với tổ kiểm soát để tiến hành kiểm tra, ngăn chặn.
Cũng trong chiều nay, Đội Cảnh sát giao thông số 2 cũng ra quân, lập biên bản với 2 trường hợp có nồng độ cồn vượt mức cho phép là 0,434mg/l là ông Nguyễn Quốc Hoàn và ông Phạm Minh Thành.
Tính đến chiều ngày 16/12, theo thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, các đội trực thuộc đã xử lý 30 trường hợp uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2014, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong máu có nồng độ cồn. I: Đối với người điều khiển ô tô: a. Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. b. Phạt tiền từ 7.000.000- 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 mg/1 lít khí thở; ngoài ra còn áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấp phép lái xe 2 tháng. c. Phạt tiền từ 10.000.000- 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; ngoài ra còn áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. II: Đối với người điều khiển mô tô: a. Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 mg/1 lít khí thở. b. Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; ngoài ra còn áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. III. Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: a. Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 mg/1 lít khí thở; tước quyền xử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ 1 tháng. b. Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; tước quyền xử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ 1 tháng. |
Thiên Minh
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng