Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cảnh giác và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

07:00 | 29/09/2023

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cha ông ta đúc kết: “nhất thủy, nhì hỏa”. Tai họa do “giặc thủy” gây ra nhanh chóng, bất ngờ và vô cùng thảm khốc. Vì vậy, cần nêu cao cảnh giác, nhắc nhau chuẩn bị kỹ bao nhiêu cũng không thừa.

Người xưa trông trời, trông đất mà đoán định thiên tai: Tháng Bảy mưa bãi/Tháng Tám mưa giông/Tháng Chín mưa ròng/Tháng Mười lụt lớn”. Vùng Đồng bằng sông Hồng có câu: “Tháng Bảy mưa gãy cành dâu”. Còn kinh nghiệm từ thực tế nhiều năm qua, thông thường, cứ vào cữ tháng 8 đến tháng 9 âm lịch thường xảy ra lũ lụt, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Cảnh giác và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Hiện trường một khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ quét tại Lào Cai đêm 12/9/2023

Năm nay, vào đầu mùa mưa lũ đã xuất hiện những trận mưa lớn kéo dài, gây lũ, ngập lụt và sạt lở đất, khiến cho chúng ta không thể không nhớ đến vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Nam Trà My (Quảng Nam), gây hậu quả vô cùng nặng nề vào tháng 10-2020.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 25-9 đến nay, tại nhiều địa phương trong khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có mưa to đến rất to. Ở một số nơi lượng mưa lên tới hơn 500mm, kéo theo lũ lụt.Một số tuyến đường huyết mạch đã bị sạt lở nghiêm trọng. Giao thông ở những nơi này bị ách tắc kéo dài. Tình hình sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... gặp rất nhiều khó khăn. Ngay tại Thủ đô Hà Nội trận mưa lớn kéo dài từ đêm 27 đến sáng 28-9, đã khiến nhiều tuyến đường trở thành “sông”, giao thông gần như tê liệt.

Tại tỉnh biên giới phía Bắc Lào Cai có mưa rào rải đều khắp nơi, trong đó một số địa phương có mưa to cục bộ, như xã Khánh Yên Hạ, Nậm Tha (Văn Bàn); xã Gia Phú, Phú Nhuận (Bảo Thắng) và phường Phan Si Păng, Hàm Rồng (Sa Pa) gây lũ lớn và sạt lở đất. Tại thị xã Sa Pa, mưa lũ đã khiến Quốc lộ 4D, Tỉnh lộ 152 và 162 sạt lở nhiều điểm. Hơn 5000 m3 đất, đá đã đổ ập tràn xuống phủ lấp đường và nhà dân.

Ở các tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa kéo dài với lượng mưa từ 40 đến 70mm, có nơi lên mức hơn 100mm, đe dọa xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều nơi.

Tại Nghệ An, huyện Quỳ Châu là địa phương thiệt hại nặng nề nhất, với hơn 1.000 hộ dân bị ngập. Sau khi nước rút, nhiều công trình, hoa màu trên địa bàn bị hư hỏng nặng, tài sản của người dân chìm trong bùn đất.

Tại Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa rất to. Lượng mưa đo được tại các trạm trong hai ngày phổ biến từ 92 đến 139 mm. Một số nơi có lượng mưa rất lớn như: thủy văn Ngọc Trà (Quảng Xương) 168 mm, thủy văn Lèn (Hà Trung) 166 mm. Đó là chỉ số rất đáng báo động!

Thiên tai vẫn đang rình rập. Trong những ngày tới, dự báo còn xảy ra mưa lớn, có thể xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi. Vì thế, khắp nơi trên cả nước đã và đang tiếp tục nêu cao cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Trước tình hình khẩn cấp, ngày 28-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 898/CĐ-TTg, yêu cầu tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Qua kinh nghiệm từ các năm trước, nhất là kinh nghiệm xương máu từ các vụ sạt lở đất kinh hoàng khiến cho hàng chục người thiệt mạng, trong đó có cả những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong các đơn vị cứu hộ, cứu nạn, chúng tôi thấy cần lưu ý những vấn đề quan thiết sau đây:

Trước hết, nhanh chóng kiểm tra thực địa, sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm. Cần chú ý những nơi trũng thấp dễ bị chia cắt, cô lập; các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét. Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ lụt, không để cảnh “màn trời chiếu nước”, thiếu đói.

Hai là, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Nghiêm cấm người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt. Nếu xét thấy không an toàn thì cho các em tạm thời nghỉ học. Triển khai các biện pháp bảo đảm bảo an toàn các cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu.

Ba là, kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ngay sau khi nước rút. Sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Chỗ nào nghi ngờ nguy hiểm đều phải dừng lại, kiểm tra thật kỹ mới di chuyển để bảo đảm an toàn cho lực lượng.

Bốn là, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ. Đồng thời, tổ chức tốt việc hướng dẫn, bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời huy động nhân lực, máy móc để khắc phục sự cố. Khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân ngay sau mưa lũ, không để xảy ra dịch bệnh.

Cha ông ta nói rằng: “nhất thủy, nhì hỏa”. Tai họa do “giặc thủy” gây ra nhanh chóng, bất ngờ và vô cùng thảm khốc. Chuẩn bị kỹ bao nhiêu cũng không thừa. Thiên tai khắc nghiệt năm nào cũng lặp lại và diễn biến khó lường, cho nên không ai được chủ quan, xao nhãng, nhất là ở những khu vực thường bị lũ quét, sạt lở đất đá đe dọa.

Hải Đường