Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cảnh báo rối loạn tâm thần ở du học sinh

09:14 | 13/07/2011

825 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mọi người vẫn thường nghĩ đến tương lai tươi sáng khi đi du học mà ít ai biết rằng, đi du học cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nơi xứ lạ. Nếu không được chuẩn bị về tâm lý và trang bị các kỹ năng sống, du học sinh rất khó thích nghi với cuộc sống mới; dễ rơi vào trạng thái cô đơn, hoảng sợ, lo âu.

Trạng thái đó kéo dài cộng thêm áp lực của việc học, thiếu sự sẻ chia, động viên kịp thời của gia đình, bạn bè có thể gây các rối loạn tâm thần, nhẹ thì trầm cảm, rối loạn lo âu, nặng có thể dẫn đến chứng tâm thần phân liệt.

Rối loạn tâm thần ở du học sinh

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP HCM cho biết: Rối loạn tâm thần ở những người đi du học đang lên đến mức báo động. Hai năm qua, riêng trung tâm đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp du học sinh bị rối loạn tâm thần do không thích nghi được với cuộc sống mới phải bỏ dở việc học trở về nước điều trị.

Gần đây nhất, ngày 15-3-2011, Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần có tiếp nhận giám định trường hợp anh Nguyễn Văn T, 26 tuổi, du học sinh ở Australia về bị rối loạn tâm thần nặng trong thời gian đi du học và phải trở về nước để điều trị, trong một phút lên cơn loạn thần đã dùng dao đâm chết cha mình. Trong thời gian du học ở Australia, do không thích nghi được với cuộc sống T luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn rầu, học không tập trung và rơi vào trạng thái trầm cảm, lầm lì, ít tiếp xúc, đôi lúc muốn chết. Để gia đình yên tâm T vẫn báo về nhà là cuộc sống của anh rất tốt. Tuy nhiên, việc học phải dừng lại ở năm thứ 2 khi những biểu hiện rối loạn tâm thần ở T ngày càng trở nên trầm trọng. T thường xuyên nói lảm nhảm một mình, đêm không ngủ, sự buồn rầu và thất vọng thể hiện rõ nét trên khuôn mặt.

 

Học sinh tham gia tư vấn trước khi đi du học

Gia đình nghe tin và đưa T về nước để điều trị. Khi về nước T phấn chấn, vui vẻ hơn nhưng dấu hiệu bệnh vẫn không thuyên giảm. Trong một lần tranh cãi với người cha chỉ vì đòi hỏi cha bán nhà để có tiền đi du học tiếp song không được đáp ứng đã dẫn đến sự việc đau lòng trên.

Còn rất nhiều trường hợp du học sinh cũng không vượt qua được những thay đổi cuộc sống dẫn đến khủng hoảng, rối loạn tâm thần như chị Nguyễn Thị Ngọc L, 21 tuổi, du học sinh ở Mỹ. L là niềm tự hào của gia đình vì học rất giỏi và giành được học bổng du học. Tâm trạng háo hức lên đường nhanh chóng thay bằng tâm trạng sợ hãi, hụt hẫng khi đối mặt với quá nhiều thay đổi trong cuộc sống, L luôn buồn rầu, thất vọng, nằm suốt ngày không giao tiếp với ai và cũng chẳng buồn ăn uống gì, luôn trầm ngâm suy nghĩ, có ý muốn chết và luôn miệng kêu khủng khiếp, địa ngục. Khi khai thác nguyên nhân bệnh thì bác sĩ phát hiện những rối loạn tâm lý của L do ức chế kéo dài trong thời gian du học ở nước ngoài không được bày tỏ, chia sẻ.

Anh Nam, 27 tuổi, một du học sinh ở Mỹ cũng bị rối loạn tâm thần vì không thích nghi với cuộc sống mới, từ một người hiền lành, ham học Nam thay đổi tính tình hoàn toàn, không tiếp xúc với ai, không chịu tắm giặt, học hành chểnh mảng, có hành vi kỳ dị như nói nhảm, luôn nghĩ có người theo dõi làm hại, khi ở lớp học thì tỏ ra bất cần. Nam được đưa về Việt Nam, nhập viện tâm thần 1 tuần để điều trị, hiện đã khỏi bệnh và hòa nhập lại với cuộc sống.

Cần trang bị kỹ năng sống

Theo Thạc sĩ – bác sĩ Quang, để thích nghi với phong tục, tập quán, cách sống, trình độ nhận thức ở một nước khác là một thách thức lớn đối với những du học sinh nước ta. Khác với các nước phương Tây, ngay từ nhỏ trẻ em đã được rèn luyện tính tự lập nên họ dễ dàng thích nghi với môi trường sống mới. Ở nước ta, đặc biệt là những du học sinh thường sinh ra trong những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, được cha mẹ che chở, bao bọc quá mức, hầu như chẳng phải làm gì ngoài việc học nên kinh nghiệm, kỹ năng sống còn kém, khó thích ứng với những thay đổi đột ngột trong cuộc sống. Điều đó làm cho họ dễ bị sốc, cảm thấy hụt hẫng, rối loạn, sợ hãi khi môi trường sống thay đổi hoàn toàn.

Do đó, trước khi cho con đi du học, các bậc phụ huynh cần trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết và thường xuyên chia sẻ, động viên để giúp con em mình có thêm động lực thích ứng với đời sống mới. Đối với những người đi du học, nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với khó khăn có thể gặp phải; tìm hiểu kỹ về văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước dự định đến du học, tránh bị rơi vào trạng thái bỡ ngỡ, hụt hẫng. Khi ở nước ngoài, nên tạo mối quan hệ bạn bè tốt với người cùng đi du học để chia sẻ, giải tỏa stress trong học tập và cuộc sống xa nhà. Cần có sự chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, kỹ năng sống tự lập, kỹ năng giao tiếp và sự thích ứng với môi trường mới ngoài việc học tốt ngoại ngữ để tiếp thu nhanh cũng như giải quyết được những vấn đề nảy sinh khi gặp phải. Điều cần thiết là quan hệ tốt với cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như người bản xứ giúp cho việc hòa nhập trong thời gian sống và học tập.

Theo sự phát triển của xã hội, đời sống người dân ngày càng nâng cao, những gia đình có điều kiện cho con đi du học, mong con có được tương lai tươi sáng, được tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh rơi vào những trường hợp đau lòng không đạt được kết quả như mong đợi mà còn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của con em mình.

Theo Năng lượng Mới