Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 2)
Thủ đoạn tinh vi và có tổ chức
Để tìm câu trả lời, phóng viên trong vai khách hàng đã liên hệ (chat) với bộ phận chăm sóc khách hàng (CSKH) của trang web này. Tuy nhiên, khi được hỏi chi tiết về các dự án, nhân viên trực CSKH lại yêu cầu khách hàng phải liên hệ trực tiếp với người đã giới thiệu về “quỹ”; Hệ thống CSKH không cung cấp bất kỳ thông tin nào khác về các dự án. Khi phóng viên đề nghị được mở tài khoản đầu tư, nhân viên CSKH này cũng yêu cầu khách hàng liên hệ người giới thiệu để có được mã (ID) khách hàng.
Không thể khai thác thêm thông tin từ hệ thống CSKH, phóng viên đã tìm cách tự tạo một tài khoản đầu tư. Lúc này, trong phần đăng ký cũng yêu cầu chi tiết “ID công ty”, nếu không có ID này cũng không thể tạo tài khoản trong hệ thống.
Như vậy, các đầu mối đều phải quy về nhân vật “người giới thiệu”; và sự “bảo mật”, khó tiếp cận của cái gọi là “quỹ đầu tư” này cũng chính là một trong những “chìa khóa” then chốt, vừa củng cố thêm niềm tin của những người quan tâm, vừa là “lớp phòng ngự” né tránh sự tiếp xúc, tìm hiểu của những nhà đầu tư thực sự hiểu biết về ngành dầu khí.
Giao diện website giả mạo thương hiệu Petrovietnam |
Qua các bằng chứng mà nhiều nạn nhân cung cấp, cùng những thông tin mà phóng viên PetroTimes tìm hiểu được, có thể hình dung thủ đoạn của đường dây lừa đảo này có tổ chức một cách bài bản, tinh vi, đánh vào tâm lý nạn nhân và sử dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua công cụ chủ lực là website petrovietnam.co.
Đầu tiên, các đối tượng sử dụng mạng xã hội tiếp cận, làm quen với nạn nhân, đa phần là các chị em phụ nữ độc thân hoặc là mẹ đơn thân, có việc làm ổn định, có nhu cầu chia sẻ tình cảm, đặc biệt sống tại các tỉnh thành cách xa Hà Nội (nơi Petrovietnam đặt trụ sở chính), tránh việc các nạn nhân đến tận nơi tìm hiểu.
Các đối tượng rất kiên nhẫn, dành nhiều thời gian để chiếm tình cảm của các nạn nhân, có thể lên đến vài tháng hoặc nửa năm để chiêu dụ “con mồi”; củng cố lòng tin bằng cách đưa ra các loại thẻ căn cước công dân, thẻ cán bộ, giấy công tác, các văn bản, thông báo của thủ trưởng các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí, hình ảnh nhận khen thưởng tại Tập đoàn… nhằm khẳng định bản thân thực sự đang công tác tại Petrovietnam. Các đối tượng còn đồng thời dùng nhiều tài khoản khác nhau để tiếp cận, mục đích khiến các nạn nhân tin rằng cái gọi là “quỹ đầu tư dự án Petrovietnam” có thật.
Đoạn chat phóng viên tìm hiểu qua hệ thống CSKH |
Về trang web petrovietnam.co, đây là công cụ chính để các đối tượng “bắt gọn con mồi”. Những ai muốn lập tài khoản đầu tư đều phải được các đối tượng này cấp mã. Nói cách khác, các đối tượng lựa chọn “con mồi” rất có chọn lọc, luôn biết chính xác những ai đang truy cập vào trang web này và thực hiện những thao tác gì, muốn nạp tiền hay rút tiền. Nếu một người lạ muốn truy cập vào để thu thập thông tin hoặc hỏi những câu mang tính điều tra, sẽ nhanh chóng bị hệ thống này chặn truy cập. Phóng viên PetroTimes đã dùng cách này đầu tiên và nhanh chóng bị chặn.
Khi nạn nhân được “người giới thiệu” lập cho tài khoản đầu tư, người này sẽ hướng dẫn nạn nhân cách nạp tiền vào tài khoản. Cách nạp đơn giản chỉ là gõ lệnh chuyển tiền vào hệ thống CSKH, hệ thống này sẽ đưa một số tài khoản ngân hàng để nạn nhân chuyển tiền vào đó. Nạn nhân chụp hình ảnh chuyển tiền và lại gửi lại vào hệ thống CSKH. Từ đó, số tiền trong tài khoản đầu tư này sẽ nhảy lên con số tương ứng và được lập trình tăng dần đều hàng ngày theo % lãi suất, khiến nạn nhân yên tâm tiền trong tài khoản của mình đang tăng dần, không hề biết rằng tài khoản này chỉ là tài khoản ảo, không có giá trị. Đây cũng chính là mấu chốt để các đối tượng áp dụng chiêu bài “hỗ trợ góp vốn”, khiến các nạn nhân yên tâm bỏ ra vài triệu đồng, tin rằng vài chục, vài trăm triệu còn lại đã có người đóng giúp để lên gói đầu tư cao hơn.
Hệ thống này giao dịch bằng cách chuyển khoản vào các số tài khoản ngân hàng cá nhân khác nhau - Ảnh do các nạn nhân cung cấp |
Chia sẻ với PetroTimes, chị A.P bức xúc: “Bài của họ là tìm những phụ nữ độc thân hoặc mẹ đơn thân, sau đó nói chuyện, bày tỏ tình cảm, hứa hẹn. Một thời gian lấy được lòng tin, đối tượng sẽ cho mình biết về việc đầu tư. Nếu lúc đầu mình không tin, đối tượng cũng không nhắc đến nữa. Nhưng sau đó, đối tượng sẽ nhờ mình vào đầu tư hộ vì đối tượng bận gì đấy. Mình vào rồi tò mò, thấy tiền lãi cao, dần dần buông lỏng cảnh giác. Rồi đối tượng sẽ bảo là xin cho mình một tài khoản để kiếm thêm tiền; rồi lại hứa hẹn yêu thương, vẽ ra tương lai với nhau. Ai nhẹ dạ là dính bẫy”.
Chị L.N ngậm ngùi: “Mình bị lừa mà không dám nói cho người thân biết, sợ gia đình lo; chỉ muốn kể ra để cảnh báo cho mọi người biết thủ đoạn của bọn này, để đừng ai bị lừa giống mình nữa. Cũng may là không có tiền nên bị mất có 9 triệu thôi. Nhưng mình nghĩ với thủ đoạn trên, ai mà có nhiều tiền thì dễ bị mất nhiều hơn lắm”.
Một trong các văn bản giả mạo được các đối tượng photoshop gửi cho nạn nhân - Ảnh do nạn nhân cung cấp |
Hình ảnh tổng kết khen thưởng của Công đoàn Dầu khí Việt Nam (ảnh gốc phía trên) bị đối tượng lừa đảo photoshop và gửi cho nạn nhân |
Đặc biệt, tất cả các nạn nhân đều cho biết, các đối tượng này không bao giờ để lộ mặt trực tiếp, chỉ trao đổi qua chat, tin nhắn, gọi điện thoại, hình ảnh. Khi các nạn nhân yêu cầu gọi video call, các đối tượng thoái thác bằng cách nói rằng đang làm dự án cho tập đoàn, ở trong công trường 24/24 và trưng ra văn bản của cơ quan, đơn vị cấm nhân viên được quay phim, gọi điện video khi làm việc. Vì vậy, các trang facebook cá nhân với những hình ảnh “sống ảo” đẹp lung linh mà các đối tượng sử dụng để liên lạc với các nạn nhân khả năng cao cũng là tài khoản giả.
Phản hồi từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), trả lời Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes, ông Phan Sỹ Linh – Trưởng phòng Tư tưởng và văn hóa doanh nghiệp, Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn khẳng định: Petrovietnam chỉ có duy nhất một website chính thức là pvn.vn, không có tên miền nào khác.
Trang web chính thức của Petrovietnam |
Nhận định về trang website giả mạo petrovietnam.co hiện đang hoạt động dưới hình thức kêu gọi đầu tư vào các dự án của Tập đoàn, ông Phan Sỹ Linh khẳng định đây là hành vi giả mạo, lợi dụng thương hiệu, uy tín của Petrovietnam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Về những hình ảnh giấy tờ có chữ ký, dấu mộc của các công ty, đơn vị liên quan đến Tập đoàn, các loại thẻ cán bộ, căn cước mà các đối tượng gửi cho nạn nhân nhằm chứng minh là cán bộ nhân viên thuộc Tập đoàn, ông Phan Sỹ Linh cũng khẳng định đây đều là những hình ảnh cắt ghép, photoshop; Tập đoàn và các đơn vị thành viên của Tập đoàn không phát hành các loại thẻ và văn bản này.
Như vậy, có thể khẳng định, đang có sự tồn tại của một tổ chức, đường dây lừa đảo chuyên nghiệp, giả mạo cán bộ nhân viên Tập đoàn Dầu khí, lợi dụng uy tín, thương hiệu Petrovietnam để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua website đầu tư mang tên miền petrovietnam.co.
Những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, được sự tín nhiệm ngày càng cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân. Đây cũng chính là điểm để nhiều đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện các hành vi giả mạo thương hiệu, lợi dụng uy tín của Petrovietnam để thực hiện các hành vi lừa đảo trái pháp luật.
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẳng định, Tập đoàn sẽ nhanh chóng làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ thông tin tố cáo của các nạn nhân, đồng thời tiến hành các thủ tục pháp lý, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của những đối tượng đứng sau website giả mạo nói trên.
Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 1) |
Trúc Lâm
-
Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp