Cẩn trọng với việc huy động vàng trong dân
Gửi dễ rút khó
Đầu tháng 2/2012 một số tờ báo đã có thông tin về phàn nàn của người dân khi đi rút vàng để bán khi vàng lên giá. Một khách hàng ở phố Trung Kính, Hà Nội có vàng muốn gửi ngân hàng. Nghe bạn bè giới thiệu, chị mang vàng ra Techcombank gửi vì được rút trước hạn dù biết rằng, nếu rút vàng trước hạn thì khách hàng chỉ được hưởng lãi suất bằng 0. Sau tết, có thời điểm giá vàng lên 46 triệu đồng một lượng. Chị ra ngân hàng rút vàng để bán. Nhưng khi tới một phòng giao dịch trên đường Lê Văn Lương, chị nhận được câu trả lời là chi nhánh chưa tiếp vàng, khách gửi vàng muốn rút phải thông báo trước 1 ngày.
Đến các phòng giao dịch của ngân hàng này trên phố Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái cũng chỉ nhận được câu trả lời tương tự. Chị phát bực mình vì khi gửi vào nhân viên ngân hàng không thông báo gì việc muốn rút vàng phải báo trước 1 ngày để khỏi mất công. Hôm sau khi vị khách này rút được vàng ra thì giá đã giảm xuống dưới 45 triệu đồng, như vậy là đã không bán được vàng ở mức giá cao.
Cũng theo chị này thì lúc đi rút vàng đã không được thông báo rằng có thể bán lại cho ngân hàng và nhận tiền mặt dù giá có thấp hơn chút đỉnh. Hóa ra nhiều người gửi vàng ở các ngân hàng khác như ACB, Việt Á khi đi rút vàng cũng không lấy được ngay. Ngân hàng nào cũng yêu cầu khách phải báo trước thì ngân hàng mới tiếp vàng ra. Có ngân hàng quy định gửi vàng ở phòng giao dịch nào, phải về phòng giao dịch đó mới rút được. Vây là các quy định này chắc sẽ là cản ngại khi thực hiện chủ trương huy động vàng gửi vào ngân hàng.
Sự cân nhắc cần thiết
Trước tháng 5/2011, khi mà các TCTD tín dụng phải chấm dứt cho vay và huy động vốn bằng vàng, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, sẽ là lãng phí một nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển KT-XH của đất nước nếu không sớm có biện pháp huy động tiềm lực nguồn vàng đang nằm trong dân. Vào thời điểm này, các chuyên gia cho rằng, với lượng vàng trong dân còn khoảng 300-500 tấn, cấm các TCTD huy động vàng nhưng không có giải pháp hay kênh huy động mới sẽ là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực trong dân. Chính trong bối cảnh này, việc Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Bình, mới đây cho biết, cơ quan sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân được dư luận đặc biệt quan tâm.
So với thời điểm trước tháng 5/2011, đề án huy động trên đây có thêm nhiều cơ sở pháp lý mới khi được xây dựng dựa trên cơ sở của nghị định thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng vừa được NHNN trình lên Chính phủ và Nghị định số 95/2011 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng. Theo người đứng đầu NHNN, nội dung hay phương án cơ bản của đề án huy động trên là trong thời gian tới NHNN sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD như các đại lý trong việc huy động vàng. Nhà nước theo đó sẽ không can thiệp trực tiếp vào thị trường, song với nhiều công cụ khác nhau như kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, đảm bảo giá trị tài sản của người dân.
Tuy nhiên, có vẻ như NHNN chưa nhìn ra hậu quả của việc khuyến khích huy động vàng ở Việt Nam. Việc huy động vàng trong dân rồi tái phân bổ lại thông qua hệ thống ngân hàng có thể làm cho cung và cầu về vàng gặp nhau dễ dàng hơn thông qua trung gian là các ngân hàng. Hẳn đây là lý do đáng kể nhất để bảo vệ cho chủ trương này của NHNN. Thế nhưng điều này sẽ khuyến khích việc chuyển đổi tài sản VND sang vàng tức là vàng hóa. Người có vàng gửi vào ngân hàng vừa phòng ngừa rủi ro, bảo toàn giá trị lại có lãi – dù chưa chắc đã thực dương. Lợi ích của việc huy động này là NHNN sẽ có thêm được một nguồn ngoại tệ thông qua việc hoán đổi vàng với ngân hàng nước ngoài để tăng thêm dự trữ ngoại hối. Hoặc NHNN có thể sử dụng nguồn vàng huy động này để can thiệp trên thị trường vàng nội địa khi giá cả biếân động.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù khuyến khích được người dân gửi vàng vào ngân hàng và cuối cùng là nằm trong két sắt của NHNN thì vẫn phải xuất kho để trả nợ. Vậy không thể coi nguồn vàng huy động được này là dự trữ vàng của NHNN theo đúng nghĩa. Do đó, ý nghĩa của việc huy động nhằm tăng dự trữ để can thiệp vào thị trường sẽ không còn nữa.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, thu hút vàng vào hệ thống ngân hàng vàng, đồng thời sẽ trở thành phương tiện thanh toán thay thế VND, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của NHNN. Việc này vô hình chung sẽ khuyến khích dân chúng quy đổi tài sản VND ra vàng, nhất là trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay.
Các chuyên gia tiên lượng hai kịch bản xung quanh việc huy động vàng. Kịch bản 1, NHNN cho phép nhập khẩu vàng để thỏa mãn nhu cầu về vàng tăng lên của dân chúng. Kịch bản 2, lo ngại về việc tăng nhập khẩu vàng sẽ làm tăng nhu cầu USD, gây căng thẳng dự trữ ngoại tệ và do đó, tỉ giá, NHNN cấm phép nhập khẩu vàng.
Hậu quả của kịch bản 1 là nạn vàng hóa càng trầm trọng và theo đó khả năng kiểm soát lãi suất và tỉ giá – những hậu quả tất nhiên là không như mong muốn. Không thể huy động được vàng như lại mất đi ngoại tệ.
Kịch bản 2 sẽ dẫn đến giá vàng trong nước tăng cao bất chấp biến động của giá vàng thế giới. Cung vàng theo kênh nhập khẩu hợp pháp) bị chặn sẽ khuyến khích nhập khẩu vàng lậu và rốt cuộc cũng sẽ vẫn dẫn đến hậu quả như ở kịch bản 1 dẫn đến nạn đầu cơ vàng ngày càng trầm trọng. Khả năng thành công của biện pháp này cũng mong manh như việc ngăn chặn nhập khẩu vàng lậu.
Huy động vàng, theo dự kiến của NHNN, sẽ phải đi kèm với bảo hiểm giá vàng trên thị trường quốc tế. Đây là chi phí rất đáng kể. Các chuyên gia nêu câu hỏi cần trả lời là chi phí này hạch toán vào đâu nếu tính vào tổng chi phí huy động vàng, sẽ làm giảm lợi ích của việc huy động vàng. Ngoài ra việc bảo hiểm giá vàng gửi là không khả thi với nhưng món gửi nhỏ lẻ. Xem ra chủ trương huy động vàng trong dân chúng chắc chắn sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ với tư cách một giải pháp thực hiện Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ. Để thực thi chủ trương này rất cần được NHNN nghiên cứu, phản biện đầy đủ trước khi ban hành. Hãy làm như ta đã từng làm ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào: Không chắc thắng không đánh!
Minh Nghĩa