Cần tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín
Dự án nằm trên địa bàn Thành phố Hà Nội, có chiều dài tuyến gần 40km với 96 vị trí cột, đi qua 4 huyện là Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín. Theo kế hoạch, dự án phải đóng điện trước tháng 4/2020, tuy nhiên đến nay vẫn đang vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng tại 5 khoảng néo.
Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) - đơn vị đại diện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) quản lý điều hành dự án đang tập trung nhân lực, vật lực, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành công trình vào quý IV/2020.
Vướng mắc chủ yếu do chậm trong công tác xét duyệt nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường của địa phương và Hội đồng bồi thường cho các hộ dân, vì nhiều hộ dân chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng đất do UBND cấp xã bán trái thẩm quyền. Cùng với đó, thủ tục khảo sát, thẩm định phê duyệt giá đất cụ thể kéo dài, qua nhiều khâu, dẫn đến mất rất nhiều thời gian chờ đợi để lập phương án bồi thường, hỗ trợ.
Một số hộ dân có đất nông nghiệp, xây dựng trang trại nằm trong hành lang an toàn, nhưng không có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, do đó, không được bồi thường, hỗ trợ. Khi thi công, các hộ dân không đồng ý và có các hành vi cản trở, không hợp tác. Những trở ngại này đang đặt ra thách thức lớn đối với việc hoàn thành đóng điện dự án.
Khoảng cột đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín |
Việc chậm giải quyết các vướng mắc không chỉ ảnh hưởng tiến độ dự án mà còn gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, cung cấp vật tư thiết bị...
Không chỉ thường xuyên làm việc, báo cáo lãnh đạo UBND Thành phố và UBND các huyện, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc cũng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm phát triển quỹ đất các huyện, UBND các xã có đường dây đi qua, thực hiện tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Công tác xác định nguồn gốc đất, xác định thẩm quyền thuộc UBND các xã. Tuy nhiên, NPMB chủ động phối hợp, hỗ trợ thu thập các giấy tờ pháp lý của các hộ dân, đôn đốc cán bộ địa chính rà soát sổ sách, lập bảng biểu phục vụ cho công tác xác nhận. Đến nay, toàn bộ việc xác nhận nguồn gốc đất đã cơ bản hoàn thành. Các thủ tục xác định giá đất cụ thể được coi là điều kiện quan trọng để lập được phương án bồi thường, hỗ trợ, đồng thời là nút thắt chính đối với quyền lợi, tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân. Ngay sau khi UBND huyện trình đề nghị phê duyệt giá, NPMB đã chủ động làm việc với đơn vị tư vấn giá đất của Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố để đặt lịch, tham gia khảo sát thực địa và đôn đốc ra sớm chứng thư. NPMB đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng trong tháng 9/2020.
Về phương án thi công, NPMB đã chỉ đạo thi công ngay khi có mặt bằng để đảm bảo tiến độ. Tính đến cuối tháng 7/2020, có 90/96 vị trí móng đã được đúc xong. Công tác lắp dựng cột đã xong 89/96 vị trí cột. Đã kéo dây xong được 24/41 khoảng néo.
Mặc dù NPMB rất nỗ lực và linh hoạt, nhưng thời gian từ nay đến khi diễn ra Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội còn rất ngắn. Nếu những khó khăn trên không được tháo gỡ kịp thời thì việc đóng điện vận hành dự án đúng tiến độ là rất khó đảm bảo.
Huyền Thương
-
Thúc tiến độ giải phóng mặt bằng các Dự án truyền tải điện giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4
-
Quyết liệt đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT
-
Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bí thư, Chủ tịch phải vào cuộc giải phóng mặt bằng
-
TP HCM: Vì sao nhiều dự án chậm giải ngân tiền bồi thường, tái định cư?
-
Các nỗ lực tích hợp năng lượng ở Đông Nam Á bị đe doạ
-
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn