Cần sớm minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh
Tóm tắt vụ án
Ông Dương Ngọc Chánh, sinh năm 1929, quê xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ (Bình Định), tham gia cách mạng từ 1955 đến 1968. Trước khi bị vu oan, rồi bị bắn chết vào đêm 9-8-1968, ông là giáo viên và thầy thuốc, là cơ sở cách mạng ở xã Mỹ Đức.
Trong Báo cáo xác minh số 25/BC-CA, ngày 21-11-1980 của Công an huyện Phù Mỹ, tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định) xác định ông Dương Ngọc Chánh là cơ sở cách mạng. Thời kỳ ông làm thư ký cho chính quyền xã Mỹ Đức chế độ cũ, đồng thời cũng là cơ sở cách mạng của ta. Ông được chính Phó bí thư Huyện ủy Phù Mỹ Võ Tấn và Đảng viên Trương Thị Đồng giao nhiệm vụ.
Bà Nguyễn Thị Cầu và con trai cả Dương Minh Trị bên phần thưởng thành tích kháng chiến |
Ngày 3-8-1968, ông bị an ninh xã Mỹ Đức bắt và sau đó bị bắn chết, với lý do “làm gián điệp”. Trước khi xảy ra vụ việc này, vào tháng 7-1968 có một cuộc họp chi bộ, dự cuộc họp này có ông Nguyễn Ngưu là Phó ban An ninh xã. Tại cuộc họp ông Ngưu đưa ra ý kiến bắt ông Chánh với lý do “làm gián điệp”. Nhưng chi bộ không đồng ý, vì không có cơ sở, hơn nữa lúc đó ông Chánh đang là cơ sở cách mạng. Thế nhưng sau đó, không rõ chủ trương của ai mà ông Nguyễn Ngưu cho bắt rồi bắn chết ông Chánh.
Người ra lệnh bắn ông Chánh là ai?
Sau cái chết của ông Chánh, nhiều đảng viên trung kiên đều xác nhận ông Chánh bị giết oan. Bản thân ông không hề phản bội cách mạng. Người ra lệnh bắt và bắn ông Chánh là ông Nguyễn Ngưu có một lý lịch khá bất hảo.
Báo cáo số 25/BC-CA, ngày 21-11-1980 của Công an huyện Phù Mỹ, khẳng định: “Ông Nguyễn Ngưu thời trẻ vốn hay rượu chè, trai gái và có tật ăn cắp vặt. Trong kháng chiến chống Mỹ được ta móc nối làm cơ sở cách mạng. Ông này có thời kỳ (1962) được đưa lên căn cứ ở huyện Phù Cát khoảng được 10 ngày, nhưng do gây gổ, mất đoàn kết, đã về đầu hàng địch ở huyện Phù Cát. Sau đó về lại quê ở thôn An Giang, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ”.
Có thể sau khi về lại quê, cán bộ ở địa phương không nắm rõ được quá khứ, nên năm 1965 đã sử dụng ông Nguyễn Ngưu làm an ninh thôn, sau đó làm Phó ban An ninh xã.
Với bản chất như vậy, trong quá trình làm Phó ban An ninh xã, ông Nguyễn Ngưu đã bắt bớ, giam cầm, tra tấn, giết hại nhiều người dân vô tội. Có trường hợp tống tiền không được đã bị ông Ngưu ghép vào tội làm “gián điệp” và bị bắt.
Xin được trích đăng nguyên văn một đoạn trong Báo cáo số 25/BC-CA, ngày 21-11-1980 của Công an huyện Phù Mỹ: “…Tóm lại, cái gọi là tổ chức phản động gián điệp do Nguyễn Ngưu dựng lên và tiến hành giết hàng loạt người là sự bịa đặt theo định kiến thù hằn, phán đoán theo cảm tính; cũng có thể do bản chất là phần tử không tốt hoặc Ngưu làm theo sự chỉ đạo của địch, cần phải nghiên cứu. Trong số người bị giết, có nhiều người vô tội bị giết oan, trong đó có Dương Ngọc Chánh”. Càng ngày ông Nguyễn Ngưu càng bộc lộ rõ bản chất, tháng 4-1969 ông này đã bị bắt vì tội hiếp dâm và cướp của. Sau đó bị chi bộ khai trừ ra khỏi Đảng.
Kết luận của cơ quan chức năng
Trước cái chết oan khuất của cha mình, ông Dương Minh Trị, là con trai đầu của nạn nhân Dương Ngọc Chánh, người mà năm 1972 “nhảy núi” đi theo cách mạng đã liên tục có đơn gửi các cấp lãnh đạo kêu oan cho cha.
Tại Văn bản số 1973/A11(A35), ngày 14-12-2000 và Văn bản số 1028/A11(A35), ngày 6-8-2001, của Tổng cục An ninh (Bộ Công an), “về việc ông Dương Minh Trị đề nghị giải oan cho bố bị ta bắt, giết năm 1968”, gửi Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, có nội dung: “Tổng cục An ninh đã chỉ đạo, phối hợp với Công an Bình Định thu thập tài liệu và các kế hoạch, đầu mối tình báo, các mạng lưới mật báo viên lưu trữ tại Bộ Công an và công an các tỉnh Bình Định, Kon Tum, Khánh Hòa; hồ sơ về các đảng phái phản động, nhất là Quốc dân Đảng ở huyện Phù Mỹ và tỉnh Bình Định… Tìm hiểu qua nhiều người biết việc, ghi âm lấy xác nhận của nhiều cán bộ, đảng viên cùng hoạt động hoặc trực tiếp xây dựng, chỉ đạo ông Chánh làm cơ sở cách mạng. Khai thác một số đối tượng là an ninh, cảnh sát, tình báo ngụy và bọn cầm đầu các tổ chức đảng phái phản động trước đây có hiểu biết về ông Chánh… Cơ quan An ninh đã tập trung thu thập tài liệu từ nhiều nguồn, bằng nhiều phương pháp xác minh khách quan, khoa học có thể khẳng định, ông Dương Ngọc Chánh không phải là gián điệp phản động hay đã cộng tác với địch”.
Ngày 22-12-2003, Cục Bảo vệ chính trị 1, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) có Văn bản số 524/A35, về việc giải quyết khiếu nại của ông Dương Minh Trị, gửi Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, kết luận: “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng”.
Ngày 20-10-2009, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) ban hành Văn bản số 2240/TCAN, do đồng chí Tô Lâm, Phó tổng cục trưởng ký, “về việc giải quyết khiếu nại của ông Dương Minh Trị”, gửi Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định. Tại văn bản này, ngoài nội dung như Văn bản số 1028/A11(A35), còn khẳng định rõ: “…Tổng cục An ninh thấy không có cơ sở để kết luận ông Dương Ngọc Chánh là gián điệp, phản động hay cộng tác với địch để chống phá cách mạng. Đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo các ban, ngành liên quan tại địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại của ông Dương Minh Trị liên quan tới bố đẻ là ông Dương Ngọc Chánh; tổ chức điều tra, xác minh làm rõ việc Nguyễn Ngưu đã thực hiện những hành vi bắt, giết người không có căn cứ và có hướng xử lý đúng”.
Tại sao vẫn tắc?
Nguyện vọng thiết tha của người thân trong gia đình ông Dương Ngọc Chánh là được công khai minh oan về cái chết của ông. Và làm thủ tục khen thưởng thành tích kháng chiến cho ông theo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông Lê Phúc Thoại, nguyên Trưởng Ban thanh tra nhân dân huyện Phù Mỹ từ năm 1986 đến 1989 (người ngồi giữa), khẳng định ông Dương Ngọc Chánh phản cách mạng, nhưng chứng cứ ông đưa ra đã bị Tổng cục An ninh bác bỏ |
Đây là nguyện vọng chính đáng và là đạo lý của dân tộc. Tuy nhiên, đến nay vẫn “tắc”. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân cốt lõi nhất, đấy là chấp hành chưa nghiêm túc kết luận của các cơ quan Trung ương.
Một trong những “rào cản” lớn nhất chính là Công văn số 42/PV-TT, ngày 8-2-1980 của Thanh tra nhân dân huyện Phù Mỹ kết luận ông Dương Ngọc Chánh là gián điệp, phản động có nhiều nợ máu với nhân dân. Tuy nhiên, văn bản kết luận này chỉ dựa trên các bản xác nhận của 3 cá nhân viết trước khi kết luận chỉ 1, 2 ngày (?).
Cùng với công văn này, Công văn số 103/PV-TT, ngày 8-5-1980, Thanh tra nhân dân huyện Phù Mỹ đề nghị Thường vụ, UBND huyện Phù Mỹ có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, giải quyết vì những người xác nhận cái chết của Dương Ngọc Chánh là oan sai đều là cán bộ, đảng viên. Ngày 20-3-1988, Huyện ủy Phù Mỹ có Công văn số 57/CV-HU, gửi Đảng ủy xã Mỹ Đức, yêu cầu kiểm điểm các đảng viên xác nhận minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh. Ngày 18-8-1988, Thanh tra huyện Phù Mỹ tiếp tục có Công văn số 42/PV-TT, kiến nghị Thường vụ, UBND huyện Phù Mỹ, yêu cầu các cán bộ, đảng viên đã xác nhận để minh oan cho Dương Ngọc Chánh phải kiểm điểm nghiêm túc và rút lại xác nhận. Đồng thời đề nghị trục xuất các con ông Chánh ra khỏi các cơ quan Nhà nước.
Nhận định về vấn đề này, tại Văn bản số 1028/A11 (A 35), ngày 6-8-2001 của Tổng cục An ninh (Bộ Công an), gửi Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, có đoạn viết, xin được trích nguyên văn “…Vụ việc liên quan đến ông Dương Ngọc Chánh đã kéo dài nhiều năm, hiện gia đình vẫn tiếp tục khiếu nại đòi minh oan cho ông. Nếu ta không giải quyết sớm sẽ không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi sinh mạng chính trị của gia đình vợ con ông Chánh (ông Trị - con trai ông Chánh cán bộ từ R về là cán bộ Sở Y tế Bình Định, hiện có quá trình phấn đấu tốt nhưng không được kết nạp vào Đảng, các con ông Trị cũng vậy), mà còn ảnh hưởng xấu tới uy tín với chế độ, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nếu kẻ xấu lợi dụng kích động sẽ gây hậu quả khó lường…”.
Việc cần làm ngay
Ngày 27-9 mới đây, khi chúng tôi về lấy tài liệu để viết bài báo này, có dịp tiếp xúc với cụ Nguyễn Thị Cầu, năm nay 87 tuổi, là vợ của ông Dương Ngọc Chánh. Dù như “ngọn đèn trước gió”, nhưng trong ánh mắt già nua của người mẹ liệt sĩ này vẫn ánh lên niềm tin chồng cụ rồi sẽ được minh oan một cách công khai trước dân làng.
Đặt vấn đề với ông Trần Ngọc Minh - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức trong buổi làm việc mới đây, chúng tôi lấy làm lạ vì ông này không quan tâm đến nội dung các kết luận của Tổng cục An ninh (Bộ Công an), cũng như Công văn số 6861-CV/BTCTW, ngày 16-11-2009 của Ban Tổ chức Trung ương, về việc thông báo lịch sử chính trị ông Dương Ngọc Chánh, mà còn bảo lưu kết quả họp Ban Chấp hành mở rộng Đảng bộ xã Mỹ Đức, ngày 10-5-2011, với kết luận ông Dương Ngọc Chánh là phản cách mạng đã gây nhiều tội ác.
Ngay sau đó chúng tôi có buổi làm việc với các đồng chí Lê Đình Giám, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ; Trần Kim Hùng, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định. Các đồng chí cho biết, tới đây Ban Tổ chức Tỉnh ủy trực tiếp tổ chức hai cuộc họp với Ban Chấp hành Huyện ủy Phù Mỹ và Ban Chấp hành Đảng bộ xã Mỹ Đức mở rộng, để quán triệt nội dung các văn bản của Ban Tổ chức Trung ương và của Tổng cục An ninh (Bộ Công an). kết luận ông Dương Ngọc Chánh không phải là tình báo viên của địch chống phá cách mạng. Đồng thời, tại các hội nghị này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ nghiêm túc phê bình việc từ năm 2009 đến nay, Đảng ủy xã Mỹ Đức không chấp hành các văn bản kết luận của Trung ương, về lai lịch chính trị của ông Dương Ngọc Chánh.
Các văn bản kết luận của Tổng cục An ninh (Bộ Công an) về cái chết của ông Dương Ngọc Chánh là hết sức công phu, hết sức khách quan và khoa học. Những ý kiến trái chiều đều không có căn cứ. Vì vậy việc chính quyền các cấp tỉnh Bình Định sớm tổ chức minh oan và khen thưởng người có công với cách mạng cho ông Dương Ngọc Chánh là việc làm cần thiết.
Trích Công văn số 6861-CV/BTCTW ngày 16-11-2009 của Ban Tổ chức Trung ương, do Chánh văn phòng Nguyễn Tuấn Phong ký: “…Ban Tổ chức Trung ương đã nghiên cứu hồ sơ ông Dương Ngọc Chánh; được biết ngày 12-2-2004, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương có Công văn số 30-CV/BVTW gửi Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thông báo việc Tổng cục An ninh, Bộ Công an có các công văn số 1973/A11 ngày 14-12-2000, 1028/A11 ngày 6-8-2001 và 524/A35 ngày 22-12-2003 kết luận: “Ông Dương Ngọc Chánh không phải là cộng tác viên, tình báo viên cộng tác với địch chống phá cách mạng”… Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định thông báo kết luận trên đến Đảng ủy xã Mỹ Đức, Huyện ủy Phù Mỹ”. |
Trích Công văn số 3165-CVBTCTU của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định “V/v thực hiện Công văn số 6861 của Ban Tổ chức Trung ương” do Phó trưởng ban Châu Thị Hồng Nga ký: “Căn cứ tinh thần Công văn số 6861-CV/BTCTW ngày 16/11/2009 của Ban Tổ chức Trung ương. Ban Tổ chức Tỉnh ủy sao nguyên văn Công văn trên gửi đến Huyện ủy Phù Mỹ; Hội đồng nhân dân, UBND huyện Phù Mỹ; Đảng ủy, UBND xã Mỹ Đức. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo và thực hiện theo kết luận của các cơ quan chức năng về vấn đề lịch sử chính trị của ông Dương Ngọc Chánh mà Công văn số 6861 của Ban Tổ chức Trung ương đã có nêu tóm tắt”. |
Trích Công văn số 797/CV-BTĐKT ngày 24-5-2011 của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, do Phó trưởng Ban Vương Văn Đinh ký “V/v giải quyết khiếu nại khen thưởng thành tích kháng chiến”… Mặc dù đã có kết luận minh oan cho ông Dương Ngọc Chánh của các cơ quan chức năng từ năm 2000 và gia đình đã lập hồ sơ đề nghị khen thưởng cho ông Dương Ngọc Chánh, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến trả lời chính thức của chính quyền địa phương. Để giải quyết dứt điểm khiếu nại nhiều năm của thân nhân ông Dương Ngọc Chánh, đồng thời đảm bảo thực hiện chính sách đối với gia đình liệt sĩ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị UBND tỉnh Bình Định bố trí thời gian làm việc với đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các cơ quan có liên quan của tỉnh Bình Định để có kết luận chính thức về việc khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến của ông Dương Ngọc Chánh”. |
Trung Hội - Kiều Bình