Cần có cuộc “đại phẫu” với sở hữu chéo
Nắn lại dòng tín dụng
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra những giải pháp để tín dụng không nên chảy vào một số đại gia mà phải chảy vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tức là chảy vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
NHNN cũng khẳng định quyết tâm “dọn dẹp” sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn thao túng tổ chức tín dụng.
Theo các chuyên gia, vấn đề xóa bỏ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng còn nhiều vướng mắc và khó khăn, dù quyết tâm đã có và đã được thể hiện qua cơ chế pháp lý, cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chỉ ra những nguyên nhân khiến sở hữu chéo đến nay vẫn tồn tại dai dẳng.
Thứ nhất, việc thoái vốn không dễ dàng. Nếu thoái vốn thì nhà đầu tư phải tìm được người mua lại cổ phần của mình chứ không thể trả lại vốn đó cho ngân hàng mà mình đã đầu tư. Giá bán cổ phần ít nhất phải bằng giá mà nhà đầu tư mua trước đây. Nếu giá thị trường xuống dưới mức giá mà nhà đầu tư mua trước đây thì thoái vốn sẽ bị lỗ.
Cách đây 4 năm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thành viên hội đồng quản trị, cổ đông của các ngân hàng phải khai báo những người có liên quan đến mình và số cổ phiếu những người đó nắm giữ, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện tốt. |
Thị trường tài chính hiện nay không còn thuận lợi như cách đây 10 năm, gây trở ngại lớn cho việc thoái vốn của các nhà đầu tư.
Thứ hai, mục tiêu của sở hữu chéo là nhà đầu tư muốn có quyền lực thông qua việc sở hữu tại nhiều tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng cũng như một ngân hàng muốn đầu tư vào các ngân hàng khác với mong muốn mở rộng thị trường và quyền lực của mình.
Thoái vốn có nghĩa là các nhà đầu tư phải chấp nhận thu gọn lại quyền lực về mặt kinh tế, thị trường, xã hội của mình. Trước đây, nhà đầu tư đã có chân rết ở chỗ này, chỗ kia và những vị trí mang tính quyền lực, có thể kiểm soát được nhiều tổ chức tín dụng. Giờ thu gọn lại, không những họ mất đi quyền lực mà còn mất đi cơ hội để làm ăn. Vì thế, đây là điều rất khó thực hiện.
Thứ ba, thông tin minh bạch là vấn đề rất lớn. Cách đây 4 năm, NHNN chỉ đạo thành viên hội đồng quản trị, cổ đông của các ngân hàng phải khai báo những người có liên quan đến mình và số cổ phiếu những người đó nắm giữ, nhưng đến nay đây vẫn là vấn đề khúc mắc lớn. Nếu không có quy định chặt chẽ, xử lý nghiêm theo pháp luật thì việc minh bạch các thông tin đó sẽ không được thực hiện một cách rốt ráo.
Việc xử lý sở hữu chéo càng trở nên khó khăn hơn khi xuất hiện những biến tướng của nó, đó là sở hữu vòng, sở hữu sân sau - những sở hữu không hiện diện, không phát hiện được và phức tạp hơn rất nhiều, TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM lưu ý thêm.
“Ngoài cơ chế pháp lý chưa hoàn thiện còn vấn đề quan trọng khác, đó là ngân hàng nọ sở hữu ngân hàng kia, ngoài những cam kết đã ghi rõ trên hợp đồng, còn những thỏa thuận phía sau. Bây giờ muốn rút thì rút thế nào? Riêng những cam kết trên hợp đồng đã rất khó xử lý. Theo quy định của NHNN, một ngân hàng thương mại chỉ được sở hữu tối đa hai tổ chức tín dụng và tỷ lệ sở hữu vốn không quá 5%.
Nếu bây giờ ngân hàng A thỏa thuận bán 10%, 15% cổ phần cho ngân hàng B, trong thỏa thuận không những liên quan đến cổ phần ngân hàng A đã bán cho ngân hàng B mà còn dính tới những cam kết trong hợp đồng về quyền và nghĩa vụ của các bên, thỏa thuận để ăn chia lợi nhuận, cách thức xử lý tranh chấp... Do đó, không phải muốn rút thì rút.
Thoái vốn có nghĩa là các nhà đầu tư phải chấp nhận thu gọn quyền lực về kinh tế, thị trường, xã hội của mình. Trước đây, nhà đầu tư đã có chân rết ở chỗ này, chỗ kia và những vị trí mang tính quyền lực, có thể kiểm soát được nhiều tổ chức tín dụng. Giờ thu gọn lại, không những họ mất đi quyền lực mà còn mất đi cơ hội làm ăn. Vì thế, đây là điều rất khó thực hiện. |
Chưa hết, có những thỏa thuận các bên không thể hiện trên giấy trắng mực đen, làm sao các bên giải quyết nhanh chóng được?” - TS Bùi Quang Tín đặt vấn đề.
Bởi vậy, TS Bùi Quang Tín cho rằng, cần cho ngân hàng và chủ đầu tư lộ trình, thậm chí cơ quan Nhà nước cũng phải tham gia để làm trung gian giữa các bên. Khi các bên không thỏa thuận được về việc chấm dứt sở hữu lẫn nhau thì Nhà nước phải xử lý, không chỉ đơn giản là dùng cơ chế pháp lý mà cần sử dụng các biện pháp áp đặt cố định nào đó.
Chấp nhận liều thuốc đắng?
Điều nguy hiểm của sở hữu chéo là nó tạo quyền lực cho một số thành viên trong hội đồng quản trị và họ có thể lách quy định về vay vốn một cách dễ dàng. Họ lập ra các công ty con và các công ty đó vay ngân hàng, mà sự thật là những công ty con đó nằm trong tay 1 người.
“Rõ ràng vì có sở hữu chéo, nhà đầu tư nắm trong tay các công cụ tài chính nên việc vay vượt quy định là rất dễ dàng, từ đó dẫn đến nợ xấu. Xử lý nợ xấu, sở hữu chéo sẽ gây ra thiệt hại cho ngành ngân hàng, những sai phạm sẽ làm tổn thương đến hệ thống chính trị, kinh tế, tài chính và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, đó là “liều thuốc đắng” Việt Nam phải chấp nhận uống để hệ thống ngân hàng đi vào một quỹ đạo lành mạnh” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Vị chuyên gia tài chính - ngân hàng chỉ ra rằng, Nhà nước cũng được xem là một trong những thành phần sở hữu chéo khi đầu tư vào hết ngân hàng này đến ngân hàng khác.
Cách đây 20-30 năm, khi các thành phần kinh tế ở Việt Nam chưa được xác định rõ ràng, Nhà nước là cơ quan có nhiều tiền nhất và chính là chỗ có thể thành lập ra các ngân hàng và định chế tài chính.
Nhưng sau hơn 20 năm, ngành tài chính Việt Nam đã đi vào kinh tế thị trường, do đó Nhà nước nên giao lại cái gì mà doanh nghiệp tư nhân có thể làm được, ngay cả ngành ngân hàng.
“Vì vậy, tôi cho rằng, cần có một chương trình thoái vốn Nhà nước khỏi hệ thống ngân hàng. Lúc bấy giờ vấn đề sở hữu chéo sẽ được giải quyết phần nào” - TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm.
Ông Hiếu lưu ý, cần có cuộc “đại phẫu”, từ vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm đến vốn của Nhà nước tại hệ thống ngân hàng, các ngân hàng sai phạm, vấn đề nợ xấu... Từ đây mới có thể đưa hệ thống ngân hàng vào quỹ đạo lành mạnh hơn, theo đúng chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
TS Bùi Quang Tín - Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM: Việc xử lý sở hữu chéo càng trở nên khó khăn hơn khi xuất hiện những biến tướng của nó, đó là sở hữu vòng, sở hữu sân sau - những sở hữu không hiện diện, không phát hiện được và phức tạp hơn rất nhiều. |
TS Nguyễn Trí Hiếu: “Nếu ngân hàng Việt Nam còn chấp nhận sở hữu chéo thì vẫn còn tồn tại những cá nhân, tổ chức có khả năng lũng đoạn thị trường và gây ra thiệt hại. Có ông chủ ngân hàng có thể vay cả chục nghìn tỉ đồng là điều không thể tưởng tượng được. Họ làm được như vậy là vì có những chân rết ở ngân hàng và có quyền lực làm chuyện đó. Đây là tệ nạn trong hệ thống ngân hàng phải giải quyết. Nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam muốn tiến xa trong hệ thống tài chính thế giới thì sở hữu chéo, đầu tư chéo, nhóm lợi ích lợi dụng vị trí của họ để lũng đoạn ngân hàng phải bị triệt tiêu. Từ đó, ngành ngân hàng mới được quản trị và quản lý một cách lành mạnh hơn, tạo nên một hệ thống ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế, theo Basel 2”. |
Thành Luân