Cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Những dấu ấn từ EVN
Chỉ số tiếp cận điện năng đạt top ASEAN 4 sớm 2 năm
Các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ liên tục ban hành từ năm 2014 tới nay, đã thực sự đi vào cuộc sống, được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết, các đánh giá về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên 05 nhóm yếu tố, gồm: xếp hạng quốc tế; cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt. Cách tiếp cận cải cách tại Việt Nam được dựa trên chuẩn mực quốc tế. Bộ chỉ số được tham khảo nhiều nhất là Báo cáo môi trường kinh doanh do tổ chức Doing Business – Ngân hàng Thế giới thực hiện.
Qua thực tế đánh giá các năm, chỉ số tiếp cận điện năng được ghi nhận là chỉ số tiêu biểu trong việc thực hiện cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam – bà Nguyễn Minh Thảo nhận định. Chỉ số này đã tăng ngoạn mục từ vị trí 156/189 quốc gia/nền kinh tế (năm 2013) lên vị trí 27/190 quốc gia/nền kinh tế (năm 2019). Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 4 ASEAN và vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chính phủ đề ra. Riêng năm 2020, báo cáo Doing Business không được công bố do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, từ năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã liên tục cải cách về qui trình, thủ tục và các chỉ đạo theo hướng cắt giảm thủ tục hồ sơ, giảm thời gian phục vụ khách hàng và thực hiện ‘04 hóa’ là: Chuẩn hóa – Mẫu hóa – Đơn giản hóa – Điện tử hóa.
Tập đoàn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm số thủ tục trong tiếp cận điện năng. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2020, Tổng công ty Ðiện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã ứng dụng bản đồ GIS (hệ thống thông tin địa lý) vào khảo sát trực tuyến điểm đấu nối trên cơ sở dữ liệu lưới điện trung thế. Đối với lưới hạ áp, Công ty TNHH MTV Ðiện lực Ðà Nẵng đã ứng dụng Chương trình Thông tin hiện trường và các dữ liệu từ các phần mềm dùng chung liên quan, bỏ khâu khảo sát hiện trường từ tháng 4/2020.
“Những cải cách ấy đã giúp cho những người kỹ sư điện có thể ngồi tại cơ quan để khảo sát, cung cấp được điện cho các khách hàng mới mà không cần đến tận hiện trường, giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian thi công, sớm cấp điện cho khách hàng”, ông Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Bên cạnh đó, EVN được khách hàng ghi nhận với việc cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục. Với việc ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ hiện đại như: sửa chữa điện không cần cắt điện, phát triển các trung tâm điều khiển xa và trạm biến áp không người trực,…, độ tin cậy cung cấp điện không ngừng được nâng cao, thời gian mất điện giảm liên tục qua các năm.
CBNV EVN giới thiệu dịch vụ điện trực tuyến tới khách hàng |
Dịch vụ điện trực tuyến "được lòng" người dân
EVN đã cung cấp 100% các dịch vụ điện theo phương thức điện tử từ năm 2019, mang tới nhiều thuận tiện cho khách hàng. Qua đó, thể hiện rõ quyết tâm của EVN nhằm bắt kịp với xu thế của cuộc CMCN 4.0, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hiện đại hóa các dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế số, đem lại sự thuận tiện cho khách hàng và bảo đảm minh bạch.
Đặc biệt, Tập đoàn đã tích hợp, cung cấp 12/12 dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 – cấp độ cao nhất trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia. Các dịch vụ điện luôn nằm trong nhóm các dịch vụ nổi bật của Cổng được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỷ lệ hơn 60% số yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương được người dân và doanh nghiệp thực hiện trên Cổng (số liệu tính tới ngày 23/2/2021).
Bên cạnh đó, EVN cũng là đơn vị đầu tiên chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện đã được tích hợp trên Cổng sang Nền tảng thanh toán của Cổng theo đúng mô hình thiết kế, ngay sau khi Nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG được hoàn thành vào tháng 8/2020. Các kênh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt cũng được EVN phát triển, mở rộng trên toàn quốc. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 91,9%.
Trong suốt thời gian qua, EVN đã không ngừng đa dạng các kênh thông tin chăm sóc khách hàng, hướng tới sự công khai, minh bạch. Khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về dịch vụ điện qua các website, ứng dụng, kênh mạng xã hội, tổng đài phục vụ 24/24h của các trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN.
Hiện nay, EVN đang tập trung thực hiện chủ đề năm 2021 “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, tích cực triển khai nhiệm vụ, giải pháp theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ.
M.Hạnh
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
Giá vàng hôm nay (30/10): Tiếp đà tăng mạnh
-
Những ‘lo ngại’ thiếu định lượng sẽ làm hiểu sai tác động thuế GTGT phân bón 5% với nông dân
-
Các hiệp hội đứng về nông dân đồng loạt ‘mong’ áp thuế GTGT phân bón 5%
-
Giá vàng hôm nay (29/10): Tiếp tục tăng mạnh
-
Chậm thay đổi chính sách thuế GTGT phân bón có thể khiến nông sản Việt thua thiệt trên trường quốc tế