Các doanh nghiệp liên quan đến ông Nguyễn Đức Thụy làm ăn ra sao?
Ông Nguyễn Đức Thuỵ (SN 1976) được giới đầu tư biết đến là nhà sáng lập Thaiholdings, nổi lên trong lĩnh vực bóng đá và với vai trò là ông chủ Tập đoàn Xuân Thành. Giai đoạn 2007-2020 ông là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiGroup; giai đoạn 2011-2020 giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của CTCP Thaihodings và hiện tại là Chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietPostBank.
Ông Nguyễn Đức Thụy, người sáng lập và cựu Chủ tịch Thaiholdings. Đồng thời là Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank/Ảnh: THD///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Thaiholdings từng là công ty con của CTCP Tập đoàn Thaigroup, tuy nhiên vào cuối năm 2020, sau khi Thaiholdings sở hữu 204 triệu cổ phần, chiếm 81,6% vốn điều lệ của công ty, vai trò công ty mẹ - con của hai pháp nhân này lại được đảo ngược. Theo đó, CTCP Tập đoàn Thaigroup là công ty con của Thaiholdings.
Ngày 14/4/2021 em trai của ông Thụy là ông Nguyễn Văn Thuyết đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Thaiholdings.
Đặc biệt, tháng 5/2021, khi đang là cổ đông lớn tại Thaiholdings, ông Thụy gia nhập ngành ngân hàng với cương vị Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB) và trở thành cổ đông lớn tại ngân hàng này.
Trong giai đoạn giữ cương vị Phó Chủ tịch Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, tháng 6/2022, ông Thụy đã bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD (tương đương 24,97% vốn) thu về khoảng 3.356 tỷ đồng. Từ đây, ông Nguyễn Đức Thụy không còn nắm giữ chức vụ gì và không còn là cổ đông tại Thaiholdings.
Sau khi không còn là cổ đông lớn tại Thaiholdings, đến tháng 12/2022, ông Thụy chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank sau gần 2 năm giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng này.
Theo các quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. Sau khi quy định này có hiệu lực, một loạt ông chủ tập đoàn lớn cũng đã từ nhiệm để giữ vai trò tại ngân hàng.
Thaiholdings năm 2022 kinh doanh ra sao sau khi ông Nguyễn Đức Thụy rút hết vốn?
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, Thaiholdings đạt doanh thu thuần khoảng 688 tỷ đồng, gồm gần 625 tỷ đồng từ doanh thu bán hàng, 63 tỷ đồng từ doanh thu cung cấp dịch vụ, còn doanh thu hợp đồng xây dựng không ghi nhận khoản nào. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính tăng trưởng 34%, lên 227 tỷ đồng. Qua đó, công ty đạt lợi nhuận trước thuế 128 tỷ đồng, cao hơn năm trước 177 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận sau thuế kỳ này đạt hơn 80 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.
Tuy nhiên, do các quý trước doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh đã khiến cả năm 2022 Thaiholdings ghi nhận doanh thu thuần giảm tới 50%, chỉ mang về 4.112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 337 tỷ đồng, giảm tới 32%.
Đồng thời, chi phí tài chính của Thaiholdings năm 2022 giảm mạnh, xuống chỉ còn 104 tỷ đồng trong khi năm trước lên tới hơn 419 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính tăng gần gấp đôi, đạt gần 495 tỷ đồng so với năm 2021 là hơn 276 tỷ đồng. Điều này giúp Thaiholdings đạt hơn 449 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cao gấp 11 lần năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận khác chỉ ghi nhận hơn 2 tỷ đồng trong khi năm 2021 đạt gần 571 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của Thaiholdings ghi nhận 8.312 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2021 là do doanh nghiệp đã thoái vốn tại các công ty con và không hợp nhất tài sản cũng như tổng vốn tại Công ty TNHH MTV Nam Hà, Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển THD.
Báo cáo tài chính hợp nhất Quý IV năm 2022 tại THD///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Trong năm qua, Thaiholdings đã tất toán các khoản vay nợ dài hạn, đồng thời giảm gần một nửa số vay nợ ngắn hạn, xuống chỉ còn 885 tỷ đồng. Đây cũng là lý do giúp chi phí lãi vay năm qua của Thaildings giảm từ 364,8 tỷ đồng xuống còn 100 tỷ đồng.
"Con cưng" Thaispace của ông Nguyễn Đức Thụy hiện ra sao?
Công ty cổ phần Thaispace thành lập cuối năm 2021, đặt trụ sở tại Tổ 8, Khu Tái định cư, khu phố 5, phường Dương Đông, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Ngành nghề kinh doanh chính của Thaispace cũng rất khác biệt và nghe có vẻ “khác người thường” liên quan đến vận tải, kinh doanh trạm vũ trụ: đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không, xây dựng và kinh doanh trạm vũ trụ không gian, vệ tinh tại Việt Nam và Thế giới; kinh doanh dịch vụ viễn thông không dây ở Việt Nam và thế giới như internet vệ tinh, dịch vụ định vị, truyền hình vệ tinh, rada, mạng điện thoại di động và các thiết bị không dây...; kinh doanh hoạt động truyền dẫn kỹ thuật số tại Việt Nam và Thế giới; kinh doanh hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data); và kinh doanh vận tải lên vũ trụ tại Việt Nam và Thế giới.
Mục tiêu của Thaispace khi thành lập là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc nếu được các cơ quan quản lý cấp phép vào khoảng năm 2026-2030. “Bàn đạp” cho kỳ vọng của Thaispace là Dự án ENCLAVE Phú Quốc - là dự án do công ty con của Thaigroup - CTCP Enclave Phú Quốc thực hiện. Thaispace cũng dự kiến huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện.
Theo thông tin đăng ký ban đầu, Thaispace có vốn điều lệ dự kiến 26.688 tỷ đồng trong đó Thaiholdings dự kiến góp vốn tổng cộng 1.334,4 tỷ đồng tương ứng 5% tổng vốn điều lệ của Thaispace; ông Thuỵ góp 75% vốn tương ứng 20.016 tỷ đồng; con gái ông Thuỵ - bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh - góp 2.669 tỷ đồng tương ứng 10% vốn điều lệ và con trai ông Thuỵ là ông Nguyễn Xuân Thái góp 10% vốn điều lệ. Bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh là CEO kiêm người đại diện theo pháp luật của Thaispace.
Thaispace tham vọng thực hiện chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên từ Việt Nam/ Ảnh minh hoạ///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Tuy nhiên, kể từ ngày thành lập, ‘con cưng’ của ông Nguyễn Đức Thụy đã có hàng loạt sự thay đổi từ cơ cấu lãnh đạo, vốn điều lệ và mô hình doanh nghiệp.
Cụ thể, tháng 2/2022 sau khi thành lập được 2 tháng, bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh, con gái ông Thuỵ rời khỏi vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, thay vào đó là cái tên Trịnh Văn Thiệm. Đến tháng 5/2022, Thaispace thông báo điều chỉnh giảm vốn điều lệ từ 26.688 tỷ đồng xuống còn 2.275 tỷ đồng, tương ứng chưa bằng 9% vốn điều lệ đăng ký ban đầu. Việc giảm vốn điều lệ của Thaispace thực hiện sau 5 tháng tương ứng khoảng 150 ngày sau khi đăng ký thành lập.
Không chỉ giảm vốn, Thaispace còn chuyển loại hình hoạt động sang mô hình công ty TNHH, rồi đổi luôn tên sang một cái tên hoàn toàn mới - Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Bãi Thơm Phú Quốc vào tháng 6/2022. Cùng với đó, danh sách thành viên góp vốn cũng chỉ còn 2 bên, là Thaiholdings với tỷ lệ góp vốn 16,98% (tương ứng hơn 386,36 tỷ đồng) và ông Nguyễn Đức Thuỵ với số vốn góp 1.888,6 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ 82,02%. Tên của hai người con của ông Thuỵ hoàn toàn vắng bóng.
Sau đó, Thaiholdings đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trên với giá hơn 489 tỷ đồng cho ông Trịnh Văn Thiệm.
LienVietPostBank lợi nhuận năm 2022 vượt kế hoạch
Với những người quan tâm đến chuyển động của LienVietPostBank, việc HĐQT Ngân hàng này bầu ông Thụy vào cương vị Chủ tịch là hoàn toàn có thể dự đoán được. Trên thực tế, với tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm tích luỹ từ quá trình lãnh đạo doanh nghiệp, trong gần 2 năm ông Nguyễn Đức Thụy làm Phó Chủ tịch LienVietPostBank, ngân hàng đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Trong năm 2022, kết quả kinh doanh của LienVietPostBank tăng trưởng so với năm trước nhờ tăng thu cả nguồn thu chính lẫn thu từ dịch vụ. Thu nhập lãi thuần đạt gần 11.900 tỷ đồng và thu từ dịch vụ gần 1.662 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 94%.
Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu về khoản lãi gần 343 tỷ đồng trong khi năm trước lỗ gần 1,2 tỷ đồng. Hoạt động khác cũng thu được khoản lãi hơn 201 tỷ đồng trong khi năm trước chỉ thu được gần 34 tỷ đồng.
Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đến 79%, thu được 8.863 tỷ đồng. Dù trong năm LienVietPostBank dành ra gần 3.174 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gấp 2,4 lần năm 2021 nhưng Ngân hàng vẫn thu được gần 5.690 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 56% và lợi nhuận sau thuế hơn 4.510 tỷ đồng, tăng 57%.
Như vậy, nếu so với kế hoạch 4.800 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm, nhà băng này đã vượt 19% mục tiêu lợi nhuận.
Đáng chú ý, cùng với sự tăng trưởng mạnh của lợi nhuận, một chỉ tiêu khác cũng 'âm thầm' tăng trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng, đó là 'các khoản lãi và phí phải thu' hay gọi tắt là lãi dự thu. Tuy nhiên tại LienVietPostBank, lãi dự thu tính đến 31/12/2022 giảm tới 23% so với đầu năm, xuống còn 4.149 tỷ đồng. Đáng nói, con số lãi dự thu tại LienVietPosBank xấp xỉ bằng lợi nhuận.
Các khoản lãi và phí phải thu ghi nhận những khoản lãi, phí, bao gồm cả cho vay khách hàng mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai nhưng chưa chính thức thu được bằng tiền. Tuy nhiên, khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng và từ đó tạo ra lợi nhuận, do đó nhận được sự chú ý của giới phân tích tài chính.
Nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.
Tính đến 31/1/2022, tổng tài sản của LienVietPostBank tăng 13% so với đầu năm lên hơn 327.700 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng 12%, đạt 230.637 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay tăng gần 53,6%. Huy động tiền gửi từ khách hàng tăng 20% so với đầu năm, đạt gần 216.000 tỷ đồng.
Huy Tùng - Hà Phương
-
Kinh nghiệm quốc tế về thuế GTGT phân bón và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT