Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Brexit và những ảnh hưởng với ngành năng lượng nước Anh

23:41 | 07/10/2017

Theo dõi PetroTimes trên
|
Tác động lâu dài của Brexit trong bất kỳ trường hợp nào cũng phụ thuộc phần lớn vào các cuộc đàm phán hiện nay giữa Chính phủ Anh và các đối tác châu Âu. 

Tâm lý bất an là hậu quả đầu tiên của Brexit. Điều này sẽ làm đóng băng các dự án và tăng chi phí đầu tư. Rủi ro trong các dự án tăng cao do Anh rời EU, buộc các nhà đầu tư phải có nhiều khoản thế chấp hơn và các ngân hàng cũng đòi lợi nhuận cao hơn với các khoản vay cho những dự án này.

Ngành điện của Anh sẽ điêu đứng

Ngành năng lượng đòi hỏi số vốn đầu tư lớn sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng. Nhất là khi ra khỏi EU, Vương quốc Anh mất tài trợ từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (7 tỉ euro bơm vào nền kinh tế Anh vào năm 2014, trong đó một nửa cho năng lượng). Khi không nằm trong không gian kinh tế EU, sự hỗ trợ của châu Âu đối với các dự án cộng đồng ở Anh cũng sẽ bị cắt.

Ngành điện của Anh bị ảnh hưởng nhiều nhất vì ngành này đang cần những khoản đầu tư lớn để thay thế các lò phản ứng hạt nhân cũ và các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng, để hoàn thành kế hoạch chuyển đổi năng lượng trên, nước Anh cần khoảng 14-19 tỉ bảng Anh mỗi năm từ nay đến 2020. Không có sự hỗ trợ của EU trong kế hoạch này, nước Anh phải bỏ tiền túi ra làm, từ đó tác động tới toàn bộ ngành điện của Anh. Những lĩnh vực cần nhiều tiền nhất như điện gió, hạt nhân có khả năng sẽ thiệt thòi nhất.

brexit va nhung anh huong voi nganh nang luong nuoc anh
Rời EU, nước Anh đứng trước nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng

Bên cạnh đó, ra khỏi EU sẽ làm cho đồng bảng Anh mất giá và trong khuôn khổ WTO, thuế hải quan sẽ được áp dụng trên nhiều sản phẩm như máy biến áp, turbine và pin. Điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu các thiết bị và dịch vụ. Điều đáng nói là nước Anh rất phụ thuộc vào các thiết bị và dịch vụ năng lượng nhập khẩu từ nước ngoài: trong 6 tập đoàn điện lực châu Âu, Anh chỉ có 2, Centrica và SSE. EON/Uniper và RWE là của Đức, EDF Energy của Pháp và Scottish Power thuộc Tây Ban Nha.

Theo các chuyên gia, rất ít công ty điện lực của châu Âu sẽ theo chân EDF đầu tư vào Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Hinkley Point của Anh. Nhất là sau khi rời EU, đồng bảng Anh mất giá khiến EDF đang chịu thiệt lớn từ chênh lệch tỷ giá.

Rời khỏi thị trường năng lượng EU sẽ làm cho sự cân bằng của hệ thống điện của Anh trở nên khó khăn hơn và kéo giá điện đi lên.

Hiện nay, sản xuất điện của Anh không đủ để đáp ứng cho tiêu dùng trong nước: Anh nhập khẩu gần 20TWh/năm, tương đương hơn 5% tổng lượng tiêu thụ, chủ yếu từ Pháp và Hà Lan. Các mạng lưới điện nối các đảo của Anh với lục địa có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp và cân bằng lưới điện. 6 dự án kết nối điện mới của Anh với EU và 3 dự án với các thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu đang được xây dựng, tổng cộng 9,9GW. Nhưng các dự án này rất tốn kém (các đường dây mới kết nối với Pháp sẽ tốn kém gần 2 tỉ euro) và là sự hợp tác giữa nhiều đối tác quốc tế. Do đó, các dự án này có thể bị đóng băng hoặc lùi thời gian thi công cho đến khi có quy định mới rõ ràng về việc nước Anh rời EU. Tất cả là mối đe dọa cho an ninh năng lượng ở Anh.

Có một điều đáng mừng là khi Anh không còn là thành viên của EU thì trong khuôn khổ WTO, những giao dịch về điện (cũng như dầu, khí đốt và than đá) giữa Anh và EU sẽ không phải chịu thuế.

Dầu khí ít bị ảnh hưởng

Anh là một nhà sản xuất khí đốt và dầu mỏ khiêm tốn trên thế giới: khoảng 1% sản lượng thế giới đối với cả hai sản phẩm trên. Khi rời EU, các ngành này của Anh sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự như ngành điện, nhưng ít bị tác động hơn. Thật vậy, không giống như điện, cơ sở hạ tầng dầu khí của Anh (lưu trữ, kết nối, thiết bị đầu cuối LNG...) khá hoàn thiện, tức là không cần đầu tư thêm nhiều.

Sản xuất dầu khí của Anh sắp tới sẽ được đẩy mạnh để hạn chế tác động lạm phát từ sự sụt giảm đồng bảng Anh. Trong bối cảnh các mỏ dầu khí ở Biển Bắc dần cạn kiệt, có khả năng Brexit sẽ kích thích các dự án khai thác nhiên liệu phi truyền thống. Các dự án này đã và đang được Chính phủ Anh hỗ trợ tích cực.

Tuy nhiên, London sẽ mất vai trò là nơi trao đổi khí đốt toàn châu Âu. Sự thống trị thị trường khí của Anh từ lâu đã bị Hà Lan thách thức. Khối lượng giao dịch trên thị trường Hà Lan, Title Transfer Facility, đã lần đầu tiên vượt qua thị trường ICE của Anh vào tháng 5-2015. Những bất ổn và rủi ro liên quan đến Brexit chắc chắn sẽ đặt dấu chấm kết cho thị trường giao dịch dầu khí London.

Anh và EU đàm phán gì về Brexit?

brexit va nhung anh huong voi nganh nang luong nuoc anh
Sơ đồ tiến trình Brexit

Ngày 23-6-2016, người dân Anh đã quyết định rời khỏi EU qua cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 20-3-2017, Thủ tướng Anh Theresa May chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để khởi động đàm phán về Brexit. Quá trình đàm phán này sẽ kéo dài 2 năm, đến tháng 3-2019. Ngày 17-7-2017, vòng đàm phán đầu tiên của tiến trình đưa Anh rời EU bắt đầu và đến nay đã trải qua 4 vòng đàm phán. Qua cả 4 lần gặp nhau, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, David Davis và Trưởng đoàn đàm phán EU là ông Michel Barnier đã không đạt được thỏa thuận nào.

Nội dung của các cuộc đàm phán xoáy vào 4 nội dung ưu tiên chính gồm số phận công dân châu Âu ở Anh, việc EU yêu cầu Anh chi trả khoảng 60 tỉ euro để đảm bảo các cam kết đối với ngân sách EU hiện hành, cũng như những khúc mắc liên quan tới thương mại, như “số phận” các loại hàng hóa Anh trên những kệ hàng tại EU ngay khi Brexit chính thức bắt đầu. Nội dung thứ 4 là các vấn đề liên quan tới đường biên tại Bắc Ireland khi biên giới mới được hình thành.

Ngoài ra, một vấn đề khác đang nảy sinh là vào ngày 22-9, Thủ tướng Theresa May đề nghị một giai đoạn chuyển tiếp 2 năm từ sau ngày 29-3-2019, thời điểm chính thức của Brexit. Bất ngờ là ở chỗ Anh dự định trong thời gian đó vẫn tiếp tục tham gia vào công việc của EU như không có gì xảy ra. Ngạc nhiên nhất là việc bà May bác bỏ hai khả năng lựa chọn mà cho đến giờ vẫn là đề tài tranh luận ở nước Anh. Đó là sau khi rời châu Âu, nước Anh sẽ liên kết với EU theo mô hình của Na Uy hay làm đối tác của EU như trường hợp với Canada.

S.Phương