Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

“Bom nổ” ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vì cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates

19:25 | 14/01/2014

3,425 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chỉ với một vài thông tin về “hậu trường” giới lãnh đạo chóp bu Chính phủ và quân đội Mỹ được tiết lộ, cuốn hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sắp được tung ra đã gây chấn động cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Trong cuốn sách dài 600 trang sắp xuất bản “Duty: Memoirs of a Secretary at War” (Tạm dịch là “Trách nhiệm: Hồ ức của một Bộ trưởng quốc phòng thời chiến”), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã phê phán kịch liệt những chính sách về Afghanistan của chính phủ Obama, vạch trần những mâu thuẫn gay gắt giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, mỉa mai phó Tổng thống Mỹ Joe Biden là dường như tất cả những chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của ông này đều là những sai lầm chết người.

Bộ trưởng Quốc phòng thứ 22 của Mỹ Robert Gates đã lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời hai Tổng thống George Bush và Barack Obama. Ông rời Lầu Năm Góc hồi mùa hè năm 2011. Trên cương vị lãnh đạo cơ cấu quân sự lớn nhất toàn cầu từ tháng 12/2006 đến tháng 7/2011, Robert Gates đã trải nghiệm những thời khắc quyết định của 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Vì vậy, cuốn Hồi ký của ông hứa hẹn cung cấp những cái nhìn trung thực nhất của một người trong cuộc về Washington, Quốc hội và các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Afghanistan.

Theo tờ The New York Times, Hồi ký của cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc chứa đầy các tình tiết chính trị kịch tính trong chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại cùng với những mưu đồ đầy toan tính trong nhóm cố vấn thân cận của tổng thống, ví dụ như Phó Tổng thống Biden và phó cố vấn an ninh quốc gia Thomas Donilon - những người hầu hết chẳng có kinh nghiệm gì về quân sự, nhưng ngày càng bộc lộ tham vọng muốn kiểm soát quân đội và can thiệp vào các chính sách thời chiến.

Ông Robert Gates cùng Nhóm cố vấn an ninh quốc gia” theo dõi chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden tháng 5/2011

Đặc biệt là, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã chỉ trích chính sách đối ngoại thiên về sử dụng vũ lực trong các vấn đề toàn cầu của Chính phủ Mỹ. Ông cho rằng, dường như mỗi khi phải phải đối mặt với các vấn đề chính sách khó khăn ở nước ngoài, các Tổng thống Mỹ thường chỉ biết cách dùng vũ lực để giải quyết và họ quyết định điều đó rất dễ dàng, không đau đớn, không cảm xúc. “Với rất nhiều người, chiến tranh đã trở thành một thứ trò chơi hoặc một bộ phim hành động” - ông viết.

Về 2 cuộc chiến tranh đã qua, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, có những lúc ông nghi ngờ về thái độ của ông Obama khi triển khai các chính sách do chính mình quyết định. Thậm chí, chính bản thân Tổng thống cũng không tin chắc về tính đúng đắn trong chiến lược của Mỹ ở Afghanistan và không coi những cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan là “trách nhiệm kế thừa”, khi tiếp quản chúng sau nhiệm kỳ của Tổng thống Bush. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định: “Đối với ông ấy, điều chính yếu là rút quân”.

Robert Gates bày tỏ thái độ coi thường đối với Quốc hội Mỹ và cách thức các nhà lập pháp đối xử với ông khi ông trả lời chất vấn và gọi các Nghị sĩ là “những kẻ thô lỗ và bất tài” hoặc “những kẻ thiển cận, đạo đức giả, ích kỷ, hay tự ái và thiên vị khi đặt mình trước đất nước”. Thậm chí, đã có lần Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nghĩ đến chuyện bỏ về giữa chừng trong một cuộc cuộc chất vấn của Quốc hội và từ nhiệm.

Gates cho rằng các yếu tố chính trị trong nước đã len vào "gần như tất cả các vấn đề an ninh quốc gia". Ông cho biết mình từng chứng kiến một cuộc đối thoại giữa ông Obama và bà Clinton, trong đó Tổng thống "gần như thừa nhận" sự phản đối của ông về đợt tăng quân ở Iraq năm 2007 là một tính toán chính trị. Còn bà Clinton cũng từng thừa nhận việc phản đối gửi thêm quân đến Iraq chỉ là con bài chính trị khi phải đối đầu với ông Obama để giành suất đại diện đảng Dân chủ vào năm 2008.

Tổng thống Obama (phải) và ông Robert Gates

Cựu Bộ trưởng cũng bày tỏ sự bất mãn khi vừa phải chỉ huy quân đội Mỹ vượt qua 2 cuộc chiến vừa phải đối phó với những kẻ “luôn có ý đồ nắm quyền kiểm soát chính sách thời chiến”. “Nhóm cố vấn an ninh quốc gia” (NSS) khiến ông Gates bực mình đến nỗi vài ba lần đã thẳng thừng đốp chát với Phó Tổng thống Biden và Thomas Donilon (lúc đó là phó cố vấn an ninh quốc gia), khi họ “mượn danh” Tổng thống đưa ra các mệnh lệnh đối với Lầu Năm Góc là “2 vị chẳng nằm trong cơ cấu chỉ huy quân đội nào cả”.

Nhà Trắng phản ứng yếu ớt

Chỉ một phần nội dung của cuốn hồi ký đã tiết lộ của ông Robert Gates cũng đã tạo một cơn chấn động đối với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, kích hoạt “những phản ứng dây chuyền”. Về đối ngoại, chính phủ Mỹ ra sức kiểm soát những tác động bất lợi đến mình, đồng thời “chủ động xuất kích”, đưa ra những tuyên bố và hành động bày tỏ sự tự tin là những tuyên bố trong cuốn hồi ký của vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng không hề gây ra bất cứ ảnh hưởng gì đến Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Theo Reuters, vào ngày 09-01, Nhà Trắng đã có phản ứng chính thức với hồi ký của ông Gates, khẳng định rằng Tổng thống không đồng ý với những nhận xét của ông này về nhiều mặt, đồng thời nhấn mạnh ông Biden là một trong những người xuất sắc nhất trong chính quyền Obama. Cùng ngày Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Biden đã có buổi cùng ăn trưa tại Nhà Trắng, cho phép các nhà báo được chụp ảnh và quay video nhưng họ không được tiếp cận, để có cơ hội đặt ra các câu hỏi.

Về tiết lộ của ông Robert Gates là giữa Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức quân sự cao cấp luôn tồn tại sự nghi ngờ và không tín nhiệm lẫn nhau, Phát ngôn viên Nhà Trắng Carney đã phủ nhận và cho biết: “Tổng thống đã nhiều lần khẳng định, ông tin tưởng và ngưỡng mộ các chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề trong và ngoài nước của Phó Tổng thống Joe Biden”.

Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Joe Biden an trưa tại Nhà Trắng

Nhà Trắng cũng hướng sự chú ý của mọi người vào những điểm vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng khen ngợi ông Obama trong cuốn hồi ký, bao gồm những đoạn ông Robert Gates đánh giá Tổng thống Mỹ đã đưa ra một số quyết định đúng đắn trước và sau cuộc chiến Afghanistan, ví dụ như phê chuẩn quyết định cử lực lượng đặc nhiệm hải quân Navy SEAL sang Pakistan truy lùng và giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden.

Ông Carney cho biết, vấn đề tồn tại những mâu thuẫn trong nội bộ “Nhóm cố vấn an ninh quốc gia” là không chính xác. Tổng thống Obama lựa chọn và thành lập NSS từ những đối thủ cạnh tranh khác nhau và ông hy vọng họ sẽ có những lập trường và ý kiến hỗ trợ lẫn nhau trong quyết sách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Họ đã làm được như vậy và Tổng thống rất cảm kích về điều đó.

Khi được hỏi, liệu cuốn hồi ký của vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng đã từng kinh qua 2 đời Tổng thống và lãnh đạo quân đội Mỹ trải qua 2 cuộc chiến tranh có ảnh hưởng xấu đến tâm lý của binh lính trong quân đội Mỹ hay không? - ông Carney trả lời, có một số điều trong đó là “không chính xác” và nó sẽ không ảnh hưởng gì đến Chính phủ, Quốc hội, Bộ Quốc phòng và binh lính trong quân đội.

Toàn Thắng

tổng hợp