Bọc lại thép cho quả đấm thép
Việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cụ thể là các tập đoàn, tổng công ty đã được đề cập đến tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI mới đây. Lần đầu tiên, vấn đề này được đề cập một cách cụ thể và có thời hạn thực hiện rõ ràng. Nhiệm vụ này cũng đã được đề cập nhiều lần ở nhiều khía cạnh khác nhau. Mới đây, việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án tái cơ cấu DNNN cho thấy quyết tâm của Chính phủ về sự kỳ vọng rất cao vào những “quả đấm thép” của nền kinh tế quốc dân.
Các DNNN tỏ ra kém hiệu quả trong kinh doanh. Mặc dù được bảo đảm và ưu tiên về vốn, tín dụng, ưu đãi về thuế, thủ tục nhưng mức đóng góp của các “quả đấm thép” này vào GDP thấp ngoại trừ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), trở thành mối đe dọa mãn tính ngăn cản phát triển. Phần lớn các DNNN này đang hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu, chủ chốt của nền kinh tế như điện lực, xi-măng, sắt thép, khai khoáng… nhưng hiệu quả sinh lợi thấp. Đặc biệt trình độ công nghệ, năng suất lao động của khá nhiều doanh nghiệp (DN) còn thấp; sức cạnh tranh hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước. Các đơn vị này luôn tạo nợ mới cho ngân sách Nhà nước. Có điều là nhiều DNNN lại luôn than thở “vì làm nhiệm vụ chính trị” mà không được kinh doanh đúng nghĩa.
Được biết từ ngày 1/7/2010, Luật DNNN đã hết hiệu lực, nghĩa là 1.500 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước buộc phải chuyển đổi hình thức để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp. Trên thực tế, bước chuyển đổi của các DN khu vực này có vẻ khá chậm chạp. Sau 2 năm, các kế hoạch cổ phần hóa vẫn chưa có được sự đột phá lớn. Mỗi lần mở cửa để thực hiện tái cơ cấu, các lo ngại về tài chính lại dấy lên. Sự đột phá trong cấu trúc của DNNN, tạo dựng được khu vực kinh tế Nhà nước thực sự vững mạnh và cạnh tranh đã đến lúc cần kíp.
Phát biểu tại Hội thảo “Tái cấu trúc DNNN” do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây các nhà nghiên cứu đều cho rằng cần tái cấu trúc DNNN.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến – Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, ở nhiều DNNN đã bộc lộ những bất cập như: sử dụng vốn tràn lan, tài nguyên lãng phí, lãng phí, thậm chí bảo vệ lợi ích nhóm. Việc tái cấu trúc DNNN thời gian tới Chính phủ cần tập trung vào 86 tập đoàn và tổng công ty lớn theo hướng thay đổi chính sách đầu tư, chính sách huy động và sử dụng vốn. Thời gian tiến hành bắt đầu từ 2012 và kết thúc vào 2015.
TS Ngô Văn Hiền, Học viện Tài chính phân tích: “Trong khi 1 đồng vốn của DNNN chỉ làm ra 0,095 đồng lợi nhuận trước thuế thì cùng 1 đồng vốn đó của công ty cổ phần (được chuyển đổi từ DNNN) lại làm ra 0,19 đồng lợi nhuận. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh; 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi tượng trưng. Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1/11/2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa tính đến món nợ khổng lồ của Vinashin đã là 813.435 tỉ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỉ đồng thì nợ của khu vực DNNN đến 2009 không kể 9 tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.
Ông Bùi Ngọc Sơn – Viện Kinh tế Chính trị Thế giới lưu ý: “Tái cấu trúc không chỉ là “tráo đầu đũa, lau cho sạch sẽ” mà là tư nhân hóa toàn bộ, tư nhân hóa từng phần hay trao quyền tự chủ cho DNNN. Chính phủ cần phải lên danh sách các loại DNNN theo các cấp độ thị trường: xem bán cái gì trước, cái gì sau. Tuy nhiên có những phần cần lưu ý như đường sắt, hệ thống truyền tải điện, tư nhân không thể tham gia trực tiếp mà phải có bàn tay của Nhà nước”.
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng, cái khó không phải làm bắt đầu từ đâu mà là phải ứng xử thế nào. Vì khi tái cơ cấu, người ta sẽ cần chi phí điều chỉnh. Lần cải cách DNNN này sẽ là giai đoạn khó khăn hơn so với 20 năm qua, vì nó liên quan rất nhiều đến các nhóm lợi ích hùng mạnh. TS Phạm Thu Hằng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển DN thuộc VCCI, đề xuất: “Nhà nước cần xây dựng kế hoạch phát triển tập đoàn 5-10 năm tới trong đó chỉ rõ những ngành nghề Nhà nước nắm 100% vốn hoặc giữ chi phối tại công ty mẹ. Nên thu gọn đến năm 2020 có khoảng 20 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mạnh tầm cỡ khu vực, các DNNN còn lại chỉ khoảng 30-50 tổng công ty và một bộ phận DNNN có quy mô hợp lý sản xuất, kinh doanh chủ yếu phục vụ ở vùng sâu, vùng xa.
Một cuộc điều tra 200 doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất mới đây do UNDP thực hiện khẳng định rằng “top 200” của Việt Nam đang đầu cơ đất đai và chứng khoán mà thiếu tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thay vào đó, các công ty này đua nhau tìm kiếm lợi nhuận tức thời trong khu vực bất động sản và tài chính.
Trao đổi với báo giới các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều đầu tiên quan trọng nhất là phải buộc các DN phải cạnh tranh với nhau. Cách làm trước đây tập hợp DN thành những tập đoàn, để rồi dẫn đến chỗ các tập đoàn là nơi các DN không phải cạnh tranh với ai cả, tăng thêm tính độc quyền là một sai lầm cốt tử. Cho nên việc quan trọng nhất là phải cạnh tranh với nhau. Thứ hai, đó là các DNNN không được ưu ái, không được dễ dãi trong nguồn vốn, hợp đồng, bao cấp về giá… Thứ ba, là chọn người điều hành thật là giỏi, rồi cho phép doanh nghiệp tự chủ. Nếu họ làm không được, không minh bạch thì thay người khác. Những người lãnh đạo giỏi phải được trả lương xứng đáng để nắm giữ, điều hành các DNNN. Nhà nước với vai trò là ông chủ có quyền chia tách, sáp nhập và làm nhân sự trong các DNNN cần phải hành xử như ông chủ chứ không phải chỉ bằng những mệnh lệnh hành chính.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, phải kiên quyết sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, chấn chỉnh tình trạng tập đoàn, tổng công ty mở quá rộng ngành nghề. Việc sắp xếp, cổ phần hoá DNNN phải trên cơ sở cơ chế thị trường.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn về câu chuyện tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay. Theo đó, cải cách doanh nghiệp Nhà nước là phải cải cách cả cách thức quản trị. Nhưng quản trị doanh nghiệp Nhà nước là hệ quả tự nhiên của thể chế. Người ta không thể quản trị một cách tự nhiên, một cách lành mạnh được nếu như môi trường vĩ mô không lành mạnh.
Nói cách khác, cải cách DNNN phải bắt đầu từ cải cách thể chế. Nếu không xác lập một không gian rõ ràng thì không có điều kiện cho bất kỳ một bài toán có tính chất vĩ mô nào cả.
Thọ Vinh