Bỏ quy định 'ưu tiên' xe lãnh đạo cấp cao khi gây tai nạn
Tiếp thu góp ý của người dân về Dự thảo Thông tư quy định về quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, sẽ điều chỉnh dự thảo thông tư theo hướng bỏ toàn bộ nội dung “ưu tiên” lái xe của cán bộ cao cấp khi xảy ra tai nạn giao thông. Việc điều chỉnh dự thảo thông tư nhằm phù hợp với thực tế, đảm bảo công bằng.
Hình ảnh một vụ xe biển xanh gây tai nạn |
Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Công an ban hành Dự thảo Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông để lấy ý kiến người dân. Điều 22 của dự thảo quy định một số tình huống cụ thể trong điều tra, giải quyết tai nạn giao thông trong lĩnh vực đường bộ. Trong đó nêu rõ, nếu tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước thì hướng giải quyết được quy định theo 2 phương án.
Một: Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi.
Đồng thời định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.
Hai: Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện tham gia giao thông, thì phải giải quyết cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó.
Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông, thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản. Đồng thời định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.
Sau khi thực hiện xong các quy định trên thì tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định trong Chương II Thông tư, gồm những công việc: Tổ chức cấp cứu người bị nạn; kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; kiểm tra nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác của người điều khiển phương tiện gây tai nạn; khoanh vùng bảo vệ hiện trường; thu thập thông tin; tổ chức giao thông; huy động, trưng dụng phương tiện và ứng phó với tình huống phát sinh.
Đối với trường hợp vụ tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp xảy ra mà cán bộ cao cấp bị thương hoặc chết, cũng giải quyết theo quy định tại Chương II Thông tư. Ngoài ra, cơ quan thụ lý điều tra, giải quyết phải báo cáo Công an cấp tỉnh và Bộ Công an theo quy định các vụ tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp.
Nội dung này sau đó phải vấp phải nhiều ý kiến trái chiều cho rằng mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tiếp thu ý kiến, Bộ Công an đã quyết định bỏ quy định ưu tiên này.
Thiên Minh
-
Xe biển xanh đậu trước quán nhậu, nhiều cán bộ bị kiểm điểm, giải trình
-
Tước giấy phép tài xế xe biển xanh vượt đèn đỏ
-
Trộm xe biển xanh, 2 bị cáo lĩnh án 24 năm 6 tháng tù
-
Tài xế xe biển xanh bị tước bằng 2 tháng vì lấn làn, vượt ẩu
-
Vụ tài xế xe biển xanh tát CSGT: Đã xác định cơ quan sở hữu chiếc xe
-
Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp