Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bi kịch “của để dành”

06:57 | 30/06/2015

Theo dõi PetroTimes trên
|
“Trẻ cậy cha, già cậy con” câu nói này dường như giờ chỉ là mơ ước không thành hiện thực của không ít người đã bước vào tuổi “thập cổ lai hy”. Bởi suốt thời gian qua, đã có nhiều người làm cha làm mẹ đã đi đoạn cuối của con đường, đã "sức tàn lực kiệt”, mong manh như chuối chín cây vậy mà vẫn bị đánh đập, ngược đãi như tra tấn. Đau xót hơn, những kẻ có thể thượng cẳng chân hạ cẳng tay với họ lại chính là đứa con dứt ruột đẻ ra.

“Chúc thọ” cha mẹ bằng… chiếc quan tài

Câu chuyện diễn ra gần đây nhất ở Huế về việc con cái ngược đãi cha mẹ đã làm dư luận phẫn nộ.

Đêm 21/6, khi người dân ở phố Phạm Thị Liên (Huế) đã tắt đèn thì bất chợt, con gái bà Nguyễn Thị Hồng, 70 tuổi nghe thấy tiếng động lạ trước cửa quán cà phê, nơi chị đang ngủ. Chị liền gọi cha mẹ ở nhà ngay cạnh quán để cùng dậy xem có chuyện gì. Đến khi cửa mở ra, dưới ánh sáng của ngọn đèn hắt ra từ trong nhà, quán, mọi người bỗng bủn rủn chân tay khi thấy một chiếc quan tài màu vàng còn mới đặt ngay trước cửa quán. Quá sợ hãi, bà Hồng đã ngất xỉu ngay bên cạnh chiếc quan tài.

Bà Hồng bên chiếc quan tài của con trai "biếu"

Hiểu rõ đây là âm mưu ai đó cố tình làm nhằm nguyền rủa, gây hoang mang, mất tinh thần của ông bà và cô con gái, ông bà đợi đến sáng 22/6 đến trình báo Công an phường Kim Long, TP Huế sau khi đã khiêng chiếc quan tài vào vườn nhà.

Chỉ một ngày sau tính từ khi nhận được tin trình báo, Công an Phường Kim Long đã tìm ngay ra thủ phạm chính là Trần Minh Sơn, “quý tử” mà ông bà Hồng đã dứt ruột đẻ ra. Khỏi phải nói, ông bà Hồng đã đau lòng như thế nào khi chứng kiến cậu con trai “báo hiếu” như vậy.

Càng đau lòng hơn khi ông bà biết rõ nguyên nhân mang quan tài “biếu” cha mẹ của Sơn: Chỉ vì xin chị gái không được 15 triệu đồng, một phần tiền trích trong số 1 tỷ đồng chị được chia từ tiền bán nhà sau khi ly dị chồng nên Sơn đã mua chiếc quan tài mang đến đặt trước cửa quán cà phê, nơi chị gái ở và cũng là ngay cạnh ngôi nhà bố mẹ đẻ mình để làm “món quà ý nghĩa”. Vì Sơn cho rằng, quyết định không cho mình tiền của chị gái có “ý kiến” của cha mẹ.

Cũng cần phải nói thêm về nhân thân của Sơn, theo bà Hồng mặc dù đã lớn tuổi, nhưng không tu chí làm ăn, lười lao động, lại hỗn láo với cha mẹ mỗi khi được khuyên răn, dạy bảo nên từ lâu Sơn đã bị gia đình từ mặt.

Sơn rất cay cú vì việc này lại cộng thêm chuyện không được cho tiền, Sơn đã bỏ qua tình mẫu tử, sẵn sàng làm cái việc bất hiếu, bất nghĩa, việc mà ai cũng hiểu rằng mục đích là ngấm ngầm “chúc thọ”, “khủng bố” tinh thần cha mẹ bằng một chiếc quan tài.

Vì điều này, cơ quan Công an phường Kim Long đã yêu cầu Sơn phải mang chiếc quan tài ra khỏi nhà cha mẹ mình ngay trong chiều 23/6.

Đấm mẹ, kề dao vào cổ bố

Không chỉ Sơn mà còn nhiều đứa con “máu mủ ruột già” khác cũng ngược đãi đấng sinh thành của mình bằng nhiều hình thức khác nhau như: chửi mắng, đánh đấm… hơn cả “đòn thù”. Người ta có câu “máu chảy ruột mềm” nhưng giờ đây, dường như máu chảy ruột không mềm mà thay vào đó là sự lạnh lùng, dửng dưng đến tàn nhẫn.

Trường hợp vợ chồng cụ Nguyễn Văn Quý (84 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Chén (82 tuổi) ở thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội là một ví dụ.

Hai cụ hiện nay đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” vậy mà 8 năm nay rơi vào cảnh “trắng tay” dù có 7 đứa con – 3 trai, 4 gái và trước đó có hàng nghìn mét vuông đất đai, ruộng vườn. Bi kịch của đời các cụ bắt đầu chính từ chuyện chia chác đất đai, vườn tược cho những người con trai.

Chả là trước khi trở lại quê hương bản quán và ở cho đến lúc không có mảnh đất “cắm dùi” bây giờ, hai cụ đã từng đi xây dựng kinh tế mới ở xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn, tỉn Hòa Bình, nay thuộc huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Mà việc phải đi xây dựng kinh tế mới ở Hòa Bình cũng là vì con cái. Bởi trước khi đi, mấy con lớn của các cụ đều đã được dựng vợ gả chồng, kinh tế ổn định. Còn mấy con nhỏ lại nghèo khó quá nên các cụ quyết định dắt các con lên vùng kinh tế mới gây dựng cơ sở cho các con.

Dẫu nhà không giàu nhưng trước khi đi, với tài sản được gây dựng từ “vốn liếng” duy nhất là 20 cây tre, hai cụ cũng chia cho ba người con trai đất đai đủ mỗi người làm cái nhà.

           Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén

Sau khi lên vùng kinh tế mới, kinh tế gia đình của hai cụ cũng ổn định hơn, những người con còn lại cũng được các cụ lo cho yên bề gia thất. Lúc này, anh con trai thứ ba muốn xây dựng nhà mình trên mảnh đất hai cụ đã chia cho khang trang, to đẹp hơn nên thấy cha mẹ ổn định như vậy đã dụ dỗ bán mảnh đất ở Hòa Bình, nơi hai cụ đang ở rồi lấy số tiền đó đưa cho anh ta làm nhà.

“Cá chuối đắm đuối vì con” hơn nữa cũng chẳng nghi kỵ gì tấm lòng hiếu thảo của các con nên hai cụ quyết định làm theo lời anh thứ ba sau đó dọn về nhà anh cả ở. Tưởng với trách nhiệm cao cả, tấm lòng thơm thảo của người con trưởng, anh con trai lớn sẽ hân hoan chào đón bố mẹ.

Nào ngờ, những ngày tháng sống với anh con trai lớn là những ngày hai cụ bị mỉa mai, xỉa xói mà nguyên nhân chỉ xoay quanh chuyện hai cụ bán đất cho con trai thứ ba tiền mà không cho anh ta. Đến bây giờ, khi đã bị đuổi khỏi nhà con trai cả nhưng câu nói của anh ta vẫn văng vẳng bên tai hai cụ: “Bao nhiêu tiền bán đất cho thằng thứ ba hết, tôi được gì”.

Mà sống ở nhà con trai trưởng, đằng thẳng mà nói, để đổi lại có mái nhà che chắn nắng mưa, có bát cơm ăn mỗi bữa, hai cụ dẫu mắt mờ chân chậm vẫn phải nai lưng làm như kẻ ăn người ở. Thế nhưng vẫn không yên thân, đỉnh điểm là đến một ngày chính miệng anh trưởng công khai đuổi bố mẹ: “Ông bà cút khỏi nhà này, đi đâu thì đi”.

Chết lặng trong lòng, hai cụ không nói một câu lẳng lặng dọn dẹp quần áo đến nhà con trai thứ ba tá túc với ý nghĩ: Trước đây đã bán đất cho nó tiền xây nhà giờ bố mẹ không có nơi ở chắc nó sẽ chăm sóc, phụng dưỡng.

Nào ngờ, khốn nạn hơn cả anh trưởng, con trai thứ ba của hai cụ không những không “báo hiếu” cha sinh mẹ dưỡng mà còn dã tâm hắt hủi, chửi bới, hành hạ hai cụ cả về thể xác lẫn tinh thần - bên cạnh bắt hai cụ làm lụng vất vả, mất dạy nhất là vợ chồng anh ta còn bắt hai cụ mỗi lần đến bữa ăn phải mời vợ chồng anh ta là: “Mời ông bà ăn cơm. Mời các cháu ăn cơm”. Nếu không mời hai cụ liền bị hoạnh họe: “À, cái nhà này ăn cơm không ai biết mời ai à”.

Thế nhưng đau đớn nhất phải kể đến một ngày, chính người con trai hai cụ đã dốc hết hầu bao cho sạch số tiền có được từ việc bán đất ở Lương Sơn, Hòa Bình này đã làm một việc “trời chu đất diệt”: Giơ tay đấm thẳng vào mặt mẹ sau đó vác dao kề vào cổ bố rồi đuổi: “Chúng mày bước ra khỏi nhà tao, không tao cho nhát dao bây giờ”.

Để tỏ thêm lòng “hiếu thảo”, anh ta còn nói: “Còn quay về đây thì tao đập chết”! Đứt từng khúc ruột, ông bà một lần nữa tay nải tay xách ra khỏi nhà con trai đã từng dồn yêu thương, của cải cho. Bà bảo, chung quy chỉ tại… tiền. “Nó (con trai thứ ba) đùn đẩy: “Nuôi ông bà là trách nhiệm của ông cả, sao đến lượt tôi…”. “Đúng là “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể. Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”, cụ Chén chua xót nói!

Ngôi nhà của anh con trai thứ hai được cụ Quý và Chén cho tiền xây

Chỉ còn anh con trai thứ hai, niềm hy vọng cuối cùng của hai cụ bởi cần nói thêm về những cô con gái, trong số 4 cô, thì cô út hiếu thảo nhất nhưng khổ nỗi lại nghèo rớt mồng tơi, đến ăn còn chưa đủ làm sao cưu mang nổi bố mẹ, lại ở chung với nhà chồng nữa nên khó có thể nào lo cho các cụ một nơi “chui ra chui vào”. Hằng ngày, cô chỉ có thể chăm sóc hai cụ bằng việc đỡ đần công việc ruộng vườn. Ba cô chị còn lại thì chỉ chăm lo cho bản, quên mất trên đời còn có… bố mẹ, mặc dù khấm khá chẳng kém ai!

Lại nói đến chuyện ruộng vườn, dù đã cho con trai trưởng đất đai vả lại anh ta cũng đã có ruộng vườn riêng, ấy thế mà khi đuổi hai cụ ra khỏi nhà, hai cụ còn mỗi sào ruộng để cấy lấy cái ăn, anh ta cũng cướp nốt. Khi cô em út ra làm ruộng đỡ bố mẹ, anh trưởng vừa vác dao đuổi em gái vừa chửi: “Đây là ruộng nhà tao, bén mảng đến đây tao chém chết”.

Trở lại anh con trai thứ hai, sau khi chứng kiến cảnh bố mẹ lếch thếch mang quần áo đến nhà mình ở, anh vội vàng sắp xếp nơi ăn chốn ở cho hai cụ. Nhưng chỉ được vài ngày, vợ anh mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia, xỏ xiên mát mẻ bố mẹ chồng chỉ vì trở thành gánh nặng cho gia đình.

Không chịu nổi, dù đã nhẫn nhịn cho cửa êm nhà ấm, đã nuốt nước mắt vào trong cho “lặng” nỗi đau, cuối cùng hai cụ quyết định xin ở nhờ đình làng thôn Đồng Lư để qua ngày đoạn tháng.

Tính đến bây giờ các cụ ở đây đã 8 năm. 8 năm ấy “nhà” của các cụ là khoảnh đất khoảng 5m2, được quây tạm bợ để đủ kê chiếc giường chỉ còn 2 chân, 2 chân còn lại bị gẫy phải kê lên chồng gạch. Tài sản duy nhất của các cụ là chiếc bao tải đựng lá khô quét được làm chất đốt, là túi quần áo rách mướp, là con chó già gầy giơ xương, lúc nào cũng quanh quẩn theo hai cụ, là 6 chiếc ván dùng để đóng quan tài cho người nào “đi trước” (còn người đi sau chưa biết như thế nào).

Cụ Nguyễn Thị Chén bảo, nếu so với các anh con trai nhà cụ thì con chó này còn tình nghĩa hơn. Tình nghĩa hơn nữa là trong ngày cụ ông bị ốm, vì không có tiền thuốc men, cụ bà phải bán con chó lấy tiền mua thuốc cho ông. Như hiểu được hoàn cảnh này, ngày bị bán, con chó không kêu một tiếng mà chỉ ngoái đầu nhìn hai cụ và chảy nước mắt…

Đúng là đối với các con của cụ Quý và cụ Chén, phải nói một câu: “Chém cha cái “của để dành”!

Tú Anh (Năng lượng Mới)