Bí ẩn về “Phật sống” Như Ý ở An Giang (Kỳ 1)
Kỳ 1: Như Ý có phải là “Bồ Tát tái sinh”?
Có lẽ tất cả mọi người đều đặc biệt ấn tượng về bé Như Ý khi xem qua các video clip thuyết Pháp của bé trên kênh Youtube. Xưa nay, việc một cô bé mới 8 tuổi đã có khả năng đứng trước hàng trăm Phật tử nói Pháp là điều cực hiếm thấy. Mà không phải bình thường, Như Ý có thể nói Pháp một cách trôi chảy, rành mạch, Kinh kệ, Sấm truyền được bé trích dẫn một cách hết sức lưu loát mà không cần xem lại bài soạn. Như Ý nói Pháp như một vị tu sĩ tu hành lâu năm, có khác là ở hình tướng của cô bé mới lên 8 mà thôi.
Nhà của gia đình bé Như Ý |
Ngoài ra, có thông tin rằng, bé Như Ý là người có khả năng nhớ được rất rõ về kiếp trước của mình. Với khả năng đặc biệt đó, bé Như Ý đã trở thành một “hiện tượng” không chỉ trong giới đồng đạo của Phật giáo Hòa Hảo vùng bảy núi An Giang nói riêng mà còn thu hút được sự chú ý đặc biệt trong giới Phật tử nói chung. Nhiều người yêu mến và nể phục Như Ý nên đã gọi bé những danh xưng như “Thần đồng Phật pháp”, “Bồ Tát tái sinh” hay là hiện thân của Đức Huỳnh Phú Sổ - vị giáo chủ của Phật giáo Hòa Hảo mà bé Như Ý đang theo tu…
1 Chúng tôi đến nhà bé Như Ý vào một buổi sáng cuối năm đầy nắng. Nhà của bé nằm sâu trong thôn quê thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Đây là vùng gần giáp với biên giới Campuchia. Vốn là vùng thuần nông, quanh năm người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và sen; trừ tháng 7 đến tháng 11 thì phải trả đất về cho… lũ lụt. Từ ngoài đường lớn của thôn vào nhà Như Ý khoảng hơn 1km, đó là con đường đất khá to. Nhưng chúng tôi quyết định đi bộ vào để có thể thưởng thức cái hương vị đồng quê với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn và những đầm sen rộng cả hécta đang nở rộ hoa, hương thơm ngào ngạt.
Tất cả nhà cửa ở vùng này đều là nhà sàn, cao hơn mặt ruộng khoảng 4-5m. Dễ hiểu, đây là kiểu nhà tránh lũ. So với nhiều ngôi nhà thì nhà của bé Như Ý là đặc biệt nhất, xung quanh nhà có mấy cái am để tu thiền, tất cả thông lối với nhau bằng hành lang ván gỗ. Mẹ của bé Như Ý, chị Cam là người ra đón chúng tôi. Đứng phía dưới, chúng tôi đã cảm nhận được sự thoải mái và bình yên lạ kỳ của nơi này. Từ phía nhà hay các am nhìn ra, ta có thể nhìn thấy một cái thảm xanh ngắt trải dài ra như tới tận chân trời. Đó là màu xanh của cánh đồng lúa.
Bé Như Ý |
Cạnh nhà là 3 đầm sen rộng lớn nối nhau, đầm nào cũng đầy hoa trái với hương thơm thoang thoảng theo gió bay vào am. Xung quanh, tiếng chim hót ríu rít trên cành… Cảnh vật ở đây rất đỗi yên bình. Tôi có nói với mẹ của bé Như Ý rằng, ở đây mà chuyên tu thiền sẽ sớm được thành tựu! Có lẽ, sự thành công trong tu tập của Như Ý cũng một phần vì thế!
Trong nhà Như Ý mọi đồ đạc đều rất đơn sơ, bình dị. Nhà rộng khoảng 40m2, sàn bằng gỗ, vách và mái đóng bằng những tấm tôn kim loại. Chính vì thế mà không lúc nào trong nhà lại vắng tiếng động gây ra bởi những chiếc lá rụng trên mái nhà khi có cơn gió nhẹ thoảng qua; nó như một khúc nhạc dịu êm vậy. Trong nhà có dành một khoảng không gian riêng để thờ, cạnh có tủ để nhiều loại kinh sách.
Anh Hạnh, cha của bé Như Ý nói, nhiều người khách phương xa đến đây không khỏi ngạc nhiên, bởi họ cứ nghĩ bé Như Ý sống trong cảnh giàu sang, đầy đủ điều kiện, tiện nghi nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Đó là chưa kể ở vùng đất này, điện, nước sạch đều thiếu, hoặc có thì cũng với giá rất đắt. Nhà bé Như Ý thường xuyên thắp sáng bằng bình ắcquy, còn để dùng được máy tính, xem tivi… thì phải qua bộ biến thế. Điện còn thiếu thì Internet tất nhiên là chưa có. Hiện tại, mỗi lần bé Như Ý muốn lên mạng để tìm tài liệu cho bài giảng thì phải dùng đến Dcom 3G. Mà với thẻ nạp 100 nghìn, chỉ lướt web một lúc, xem được vài đoạn video ngắn là hết sạch.
Nhưng những điều kiện vật chất không mấy thuận lợi đó chẳng hề bó buộc được sự phát triển trong con đường tu học của Như Ý, trái lại, nó còn tác động tích cực, kích thích thêm sự quyết tâm cao độ của cô bé.
2 Ngồi đối diện với tôi, cô bé 8 tuổi thuyết Pháp ngày nào nay đã là một thiếu nữ 15 tuổi, cô có thân hình nhỏ nhắn xinh xắn, vầng trán cao, rộng, nụ cười tươi, gương mặt phúc hậu và đặc biệt thân thiện. Như Ý gọi chúng tôi bằng chú và xưng con rất lễ phép.
Tôi từng phỏng vấn rất nhiều nhân vật, phải thừa nhận là Như Ý có tư duy không khác gì người lớn, khả năng đối đáp của bé rất nhạy bén và trả lời các câu hỏi của chúng tôi vô cùng khéo léo. Mà có lẽ điều đó cũng không có gì bất ngờ với một cô bé đã hàng trăm lần đứng trước đám đông để nói Pháp như Như Ý.
Thật ra không phải đến khi 8 tuổi thì Như Ý mới bắt đầu lên diễn đàn nói Pháp mà theo mẹ Như ý cho biết, từ khi 5 tuổi cô đã bắt đầu nói được những bài ngắn, chừng vài chục câu. Sau quá trình trao dồi thêm kiến thức Phật Pháp, đến 8 tuổi thì Như Ý bắt đầu lên diễn đàn và cũng từ đó các bài nói Pháp của cô được lan truyền rộng rãi trên khắp cả nước qua kênh Youtube.
Nhiều người đồn rằng, Như Ý là “Bồ Tát tái thế” hay là “Phật sống” nên mới sớm bộc lộ được khả năng đặc biệt đó. Song mẹ bé Như Ý thì cho rằng, đó chỉ là do người ngoài nhìn vào rồi đồn đoán chứ thật ra những gì bé có được phần lớn là do quá trình siêng năng tu tập hằng ngày ngay từ khi còn nhỏ. Có chăng là bé có trí nhớ tốt mà thôi.
Chị Cam kể lại, ngay từ khi còn bé, Như Ý đã đặc biệt chăm chú quan sát mỗi khi anh chị cúng lạy và bắt chước theo. Hai vợ chồng chị vốn là người rất mộ đạo, cả hai đều sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo Hòa Hảo, anh chị cũng đã chính thức quy y theo đạo được gần 20 năm nay. Thấy con gái còn bé mà quan tâm đến đạo, anh chị rất vui mừng. Thế là anh chị tích cực chỉ dạy cho bé cách cúng lạy tại nhà. Bé học rất nhanh, chỉ ngay ngày hôm sau, Như Ý đã có thể thực hành bài bản y hệt như bố mẹ.
Bé Như Ý và cha bên bàn thờ Tổ |
Chị Cam nói, trước đó, anh chị từng ước nguyện sinh được đứa con mà sau này trở thành một giảng sư để hiện thực hóa mong ước dang dở của mình. Chuyện là ngày trước, cả hai người từng nhiều lần tham gia diễn đàn để nghe các đồng đạo thuyết Pháp và rất thần tượng hình ảnh của một giảng sư. Anh chị từng mơ ước được trở thành người như thế nhưng không có được cơ duyên cũng như khả năng đó. Thế là sau khi kết hôn, anh chị dành ước mơ đó cho con. Nhưng chính anh chị cũng không ngờ được rằng, ước nguyện ấy đã trở thành hiện thực một cách nhanh chóng và kỳ lạ đến như vậy.
Trò chuyện với chúng tôi, Như Ý cũng cho biết khả năng thuyết Pháp từ lúc 8 tuổi của cô là do có duyên lành với Phật Pháp và có quá trình tu tập từ khi còn nhỏ chứ không phải là “Bồ Tát tái sinh”. Cụ thể, lúc mới lên 3, lên 5 thì ngoài việc học theo bố mẹ, Như Ý đã hằng ngày nghe băng cassette ngâm giảng của Đức thầy rồi từ đó mà nhớ. Bé cũng được các cô chú đồng đạo dắt theo trong quá trình họ đi giáo hóa khắp nơi. Đi đến đâu, Như Ý cũng được các cô chú nhiệt tình chỉ dạy. Mà từ nhỏ, bé đã có ý thức rõ ràng trong việc tu học nên chăm chú lắng nghe và ghi lại hầu hết trong trí nhớ.
Đến năm lên 8 thì có một người trong đạo muốn tập hợp tất cả những đứa bé có duyên với Phật giáo Hòa Hảo lại lập thành một nhóm tu học; Như Ý được một đồng đạo của bố mẹ giới thiệu vào nhóm. Kể từ đó, ngoài việc học văn hóa tại trường, Như Ý bắt đầu tu tập theo giáo lý Phật giáo Hòa Hảo trong một môi trường chuyên tu. Và cũng từ đó, Như Ý bắt đầu được tin tưởng đưa lên các diễn đàn để nói Pháp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đặc trưng của đạo Hòa Hảo là người vào đạo không cạo đầu như bên Phật giáo, họ cũng không vào chùa tu. Thay vào đó, giáo dân Hòa Hảo sẽ có một giai đoạn “xuất gia”, tức rời xa nhà mình ở và tập hợp với các đồng đạo khác lập thành một nhóm để tu tập. Như Ý đã trải qua giai đoạn này từ năm lên 8 tuổi.
Như Ý kể, nhóm hoạt động được vài năm thì tan rã, Như Ý trở về nhà. Thời điểm đó, sau một thời gian nói Pháp trên các diễn đàn, bản thân Như Ý đã được rất nhiều người biết đến, có thể nói bé đã trở thành một người nổi tiếng trong Đạo Pháp. “Mà đã là người nổi tiếng thì thường họ chỉ có thể đi tiếp theo con đường mình đã chọn”, Như Ý đã nghĩ như vậy. Và cô bé cũng nghĩ rằng, nếu như cô im lặng, sau này bà con đồng đạo hỏi thì trả lời ra sao? Chẳng phải khi đó cô đã phụ lòng các cô chú đồng đạo đã chỉ dạy, phụ sự yêu mến của các Phật tử, phụ luôn lòng mong mỏi và kỳ vọng của bố mẹ… Hơn nữa, nhân duyên đã đưa cô đến Phật Pháp, chẳng lẽ chỉ vì một thử thách nhỏ mà bỏ cuộc sớm như vậy?! Nghĩ thế, Như Ý đã đưa ra quyết tâm là phải nghiên cứu kinh sách để tích lũy kiến thức và tự thân mình tu đạo, hành đạo.
3 Hẳn là khi xem các clip thuyết Pháp của Như Ý trên Youtube, người ta sẽ đặt ra câu hỏi rằng, nội dung đó từ đâu mà có?! Sự thật thì để có được bài nói Pháp khoảng 1 giờ trên diễn đàn là cả một quá trình soạn thảo kỳ công của Như Ý chứ không phải cô bé thiên tài đến mức tự dưng mà nói thuần thục được. Đầu tiên, cô bé phải tự tư duy ra chủ đề cho bài giảng, đó phải là những chủ đề gần gũi, thiết thực với những người tu tại gia như đạo hiếu, nhân quả, nghiệp báo… Từ chủ đề được xác định, Như Ý bắt đầu tìm tư liệu để xây dựng nội dung bằng nhiều nguồn khác nhau như kinh sách, bài giảng của quý sư, thầy và cả những câu chuyện từ thực tiễn cuộc sống, cộng thêm những tư duy của riêng Như Ý. Như Ý cũng cho biết, đôi khi những gì cô soạn chỉ được khoảng 70% thôi, còn lại khi đứng trước diễn đàn thì nhiều ý mới nảy sinh, chính những chi tiết ấy càng làm cho bài nói thêm hấp dẫn và cuốn hút hơn.
Nếu một vị sư thầy có tuổi mà thuyết Pháp hay thì không có gì bàn, nhưng đằng này là một cô bé mới lên 8 nên không ít người sinh tâm nghi ngại. Họ cho rằng bé chỉ đọc thuộc lòng một bài ai đó đã soạn sẵn. Thật ra, đó cũng là tâm lý hết sức dễ hiểu. Anh Hạnh kể chúng tôi rằng, anh nhớ như in có lần ngồi phía dưới nghe con nói Pháp, có người ngồi kế bên anh đã bày tỏ quan điểm như vậy. Anh ta nói rằng Như Ý chỉ đang học thuộc và trả bài thôi chứ từng tuổi ấy thì biết gì về Phật Pháp. Tất nhiên, sự thật không phải như vậy, bởi dẫu có học thuộc lòng thì cũng không ai có thể nói Pháp lôi cuốn, từng câu, từng ý đều được Như Ý diễn đạt rõ ràng, chính xác đến như vậy. Và nếu chuyện thuyết Pháp chỉ đơn giản là soạn sẵn và “trả bài” thì bao năm qua, Phật giáo Việt Nam hẳn đã có vô số những “Như Ý” rồi!
Tôi cũng thắc mắc với bố mẹ và bé Như Ý rằng, để ý thì thấy bà con Phật tử tỏ ra rất thích thú khi ngồi nghe Như Ý nói Pháp, họ vỗ tay rần rần, nhưng liệu họ có tin tưởng vào những gì một cô bé 8 tuổi nói hay đó chỉ là sự hiếu kỳ? Hỏi như vậy nhưng thật ra tôi biết rất khó để trả lời, bởi đâu ai đi xác nhận điều đó, mà có thì chắc gì họ đã nói thật. Mẹ Như Ý thì cho rằng, tùy vào duyên, nếu có duyên thì người ta sẽ nghe và hiểu còn không thì cũng khó ép buộc. Riêng Như Ý thì cảm nhận được rằng hầu hết bà con đều yêu mến và tin tưởng mình.
Điều đó cũng đã được chúng tôi một phần xác nhận khi có dịp trò chuyện với bà con trong một quán nước ngoài đầu đường, trước khi vào nhà Như Ý. Khi được hỏi, họ đều cho rằng rất quý mến gia đình bé Như Ý, đặc biệt là bé. Bé hiền lành, lễ phép và đặc biệt được bà con trong vùng nhiều phần ngưỡng mộ, kính mến. Họ đều đã ít nhiều xem Như Ý thuyết Pháp và tất cả thừa nhận là bé nói quá hay và thuyết phục. Không những thế, nhiều bà con Phật tử từ phương xa cũng lặn lội xuống tận nhà Như Ý để được gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp cùng bé. Bà Năm (70 tuổi), người mà chúng tôi gửi xe nhờ để vào nhà Như Ý, nói: “Con nhỏ nó giỏi lắm. Nghe nó nói Pháp là tôi thấy thấm liền. Trong từng bài giảng tràn ngập những tri thức, đạo lý gần gũi với cuộc sống chứ không phải cái gì đó xa lạ, khó hiểu. Phải nói, vợ chồng thằng Hạnh - con Cam có phước quá chừng”.
Thú thật, tôi cũng mong là những ai nghe Như ý nói Pháp đều sẽ thấy “thấm” như bà Năm. Bởi tôi từng xem qua rất nhiều bài Pháp của Như Ý, tôi cảm nhận được cái tâm đạo to lớn của bé đặt trong đó; tất nhiên, những đạo lý nhà Phật mà bé trình bày là đều chính xác. Mặc khác, là một người Phật tử thì hẳn ai cũng đã từng biết qua giáo lý “Tứ Y” trong kinh Phật. Giáo lý ấy dạy rằng: “Y Pháp bất y nhân”, tức hãy nghe Pháp của người nói chứ không phải là nghe theo người nói. Nếu Như Ý nói Pháp hay, ý nghĩa vậy thì hãy tin vào Pháp ấy chứ không nên chấp vào hình tướng con nít của cô bé!
Nói đến cô bé 8 tuổi đi thuyết Pháp Như Ý thì có một câu hỏi nữa được đặt ra là, vì sao chỉ mới là một đứa bé nhưng Như Ý lại có thể đọc và thấu hiểu được những đạo lý cuộc sống, triết lý nhà Phật, vốn cần đến sự trải nghiệm sâu sắc của cuộc đời? Tôi đã mang câu hỏi này hỏi cả nhà Như Ý. Mọi sự lý giải của bố mẹ bé cũng không nằm ngoài việc do bé siêng năng, biết tu học và được chư Phật gia hộ cho trí tuệ sáng suốt. Như Ý cũng cảm thấy hãnh diện về trí nhớ và khả năng tư duy rất tốt của mình.
Song, cô bé khẳng định mình không phải thông minh bẩm sinh như “thần đồng” mà tất cả do công tu tập, trao dồi mà có. Theo Như Ý, khi nói Pháp tức là cô đang truyền đạt lại những gì được đúc kết từ chân lý trong kinh điển, từ những trải nghiệm tu tập của quý sư thầy, của các cô chú đồng đạo… nên những lời đó chắc chắn sẽ thuyết phục được lòng người. Với người nghe, Như Ý còn bị thuyết phục bởi phong thái khi thuyết giảng
Nhưng đa số không mấy tin là như vậy, người ta cho rằng sở dĩ bé Như Ý có thể thông thạo được kinh Pháp là nhờ vào công năng tu tập từ trong kiếp trước của bé! Đại Đức Thích Minh Phú cho tôi biết rằng, thường những người tu hành kiếp này thì ở đời trước họ cũng là bậc tu hành. Mà những người kiếp trước tu hành tinh tấn thì kiếp này họ có trí tuệ sáng suốt hơn người, họ có phước báo về trí nhớ tốt. Cộng với công năng tu tập ở tiền kiếp của họ vẫn còn nên họ có thể thấu hiểu được kinh Pháp dù tuổi đời còn nhỏ tuổi. Rất có thể, Như Ý là một trường hợp như vậy bởi bé còn có một khả năng đặc biệt khác là nhớ được rõ về kiếp trước của mình!
(Xem tiếp kỳ sau)
Lê Trúc
Năng lượng Mới 509