Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bệnh nhân tố phòng khám Trung Quốc lừa đảo

16:19 | 28/06/2012

6,016 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 28/6, Sở Y tế TP HCM tiếp nhận đơn của chị Trần Thị Hưng ngụ tại 30/3A tổ 14, đường số 10, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức khiếu nại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Trung Nam lừa đảo để chiếm đoạt số tiền khoảng 42 triệu đồng nhưng không chữa khỏi bệnh cho con chị.

Đơn khiếu nại của chị Trần Thị Hưng

Theo chị Hưng trình bày thì vụ việc bắt đầu từ tháng 9/2011, khi chị đang chạy xe qua ngã tư Đinh Bộ Lĩnh thì nhận được một chiếc quạt nhựa phát miễn phí quảng cáo về Phòng khám Đa khoa Quốc tế Trung Nam chuyên chữa bệnh phụ nữ và bệnh nam khoa với nhiều công nghệ hiện đại. Đúng lúc này, con trai chị là Trần Hữu Hiếu, sinh năm 1992 đang có triệu chứng nhức buốt vùng kín sau mỗi lần đi tiểu nên chị quyết định đưa con trai đến khám tại đây.

Ngày 24/9/2011, mẹ con chị Hưng tìm tới Phòng khám Đa khoa Quốc tế Trung Nam ở địa chỉ 1503-1505-1507-1509 đường 3/2, phường 16, quận 11. Thông qua một phiên dịch viên, chị Hưng được biết bác sĩ tiếp mẹ con chị gọi là bác sĩ Trần, người Trung Quốc. Sau khi khám cho con trai chị Hưng, bác sĩ Trần nói bệnh của con chị phải mổ nếu không sẽ bị vô sinh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị lo lắng chi phí điều trị, vị bác sĩ này nói không tốn bao nhiêu tiền, chỉ khoảng 3,5 triệu đồng. Do đó, chị Hưng yên tâm cho con làm xét nghiệm máu và các thủ tục để mổ ngay sau đó.

Tuy nhiên, lúc về các nhân viên ở phòng khám đưa cho chị Hưng một bịch thuốc giống như thạch màu đen và hướng dẫn chị cho số thuốc trên vào nồi đun chảy thành nước cho con uống hằng ngày kết hợp đưa đến phòng khám trị liệu bằng chiếu đèn tia hồng ngoại để trị dứt vi khuẩn do cháu bị nhiễm trùng. Tiền thuốc và tiền mổ ngày đầu đã hết 10 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn với chị vì nhà làm buôn bán ve chai, hoàn cảnh khó khăn nhưng vì đã lỡ mổ tại đây nên chị không dám đưa con đến nơi khác điều trị.

Phiếu thu tiền tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Trung Nam do chị Hưng cung cấp.

Những ngày hậu phẫu sau đó cũng là những ngày gia đình chị phải “điên đầu” chạy tiền cho con vì mỗi ngày số tiền đóng lên đến 3 – 4 triệu đồng, thuốc được lãnh cũng là một bịch màu đen như viên thạch với chữ Trung Quốc đem về nấu uống. Sau 12 ngày điều trị tại phòng khám trên, số tiền đóng đã nhanh chóng lên đến 42 triệu đồng, song vết mổ không lành, mà con chị còn bị sưng tấy vùng kín không đi lại được.

Thấy vậy, chị Hưng vội vã đem con tới gặp bác sĩ Trần để hỏi thì được giải thích: “Bệnh này phải chữa lâu dài. Chị không tin tôi thì con chị sẽ bị vô sinh”.

Lo lắng, chị Hưng đưa con tới Bệnh viện Bình Dân xin cứu giúp. Sau thăm khám tại đây, các bác sĩ bệnh viện quyết định mổ lại cho con chị do bị “giãn tĩnh mạch”. Ca mổ được thực hiện nhẹ nhàng. Sau 3 ngày, con chị xuất viện với số tiền chỉ khoảng 3 triệu đồng.

Ca phẫu thuật lại cho con trai chị Hưng do PGS Vũ Lê Chuyên Bệnh viện Bình Dân thực hiện

Sau đó, chị Hưng trở lại phòng khám Đa khoa Quốc tế Trung Nam xin gặp bác sĩ Trần thắc mắc vì sao cũng một thủ thuật như nhau nhưng phòng khám lại lấy số tiền quá lớn mà “bệnh vẫn không hết”, đồng thời yêu cầu phòng khám phải hoàn trả lại tiền, ông bác Trung Quốc trả lời: “Chị ăn một tô phở ngoài đường phải khác ăn một tô phở trong khách sạn 5 sao chứ! Phòng khám này là phòng khám quốc tế. Bệnh con chị không hết do chị bỏ dở việc điều trị giữa chừng… ”

Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của chị Hưng, Thanh tra viên Lê Vũ Thúy Hằng, Thanh tra Sở Y tế TP HCM trả lời: Sở sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động của phòng khám này. Tuy nhiên, về số tiền điều trị tại Phòng khám Trung Nam và việc không khỏi bệnh thì chị Hưng phải yêu cầu phòng khám Trung Nam giải quyết khi đã không điều trị hết bệnh cho con chị như cam kết ban đầu!

Thanh tra Sở Y tế tiếp nhận và trả lời đơn khiếu nại của chị Hưng.

Một thực tế đang diễn ra hiện nay là năm nào khi thanh tra các phòng khám bệnh y học cổ truyền có người Trung Quốc khám, chữa bệnh thì kiểm tra đến đâu phát hiện sai phạm đến đó, nhưng những cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

Lực lượng người Trung Quốc khám bệnh “chui” thì không rõ chuyên môn và rất khó quản lý vì mỗi khi thanh tra đến kiểm tra thì các cơ sở tìm mọi cách giúp số người này trốn chạy. Nhiều phòng khám sử dụng cả các loại thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành trên thị trường, quá hạn sử dụng… để điều trị cho bệnh nhân. Sau khi thanh tra, xử phạt thì các cơ sở vẫn tái diễn vi phạm. Điều này cho thấy, ngành Y tế cũng đang bất lực trong công tác quản lý.

Khi ngành Y tế còn đang bất lực trong công tác quản lý để các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền Trung Quốc lộng hành thì người dân là người phải gánh chịu hậu quả.

Cùng ngày 28/6, Sở Y tế TP HCM tổ chức cuộc họp với Hội Đông y thành phố nhằm chấn chỉnh hoạt động khám, chữa bệnh y học cổ truyền trên địa bàn.

Lương y Trần Văn Nghiêm – Chủ tịch Hội Đông y quận 5 cho biết: Qua thông tin báo chí phản ánh về một số phòng khám Trung Quốc sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động hành nghề, các hội viên trong hội cũng rất bất ngờ không hiểu vì sao các phòng khám này vẫn có thể tồn tại khi hoạt động quá vô tổ chức, xem thường pháp luật đến vậy. Một số phòng khám Đông y quảng cáo rầm rộ, chữa bá bệnh… với những người không rành về ngành y họ rất dễ dàng sùng bái và bị lừa gạt.

Hội Đông y cũng gặp khó khăn trong việc phối hợp với chính quyền để ngăn chặn các phòng khám sai phạm vì khi xuất hiện phòng khám bệnh có người nước ngoài ở địa phương, hội không được thông báo và cũng không được tham gia vào công tác kiểm tra.

Ông Trương Thìn phát biểu tại cuộc họp với Sở Y tế TP HCM.

Theo ông Trương Thìn – Chủ tịch Hội Đông y TP HCM, những trường hợp lương y người Việt cho thuê bằng để một số người nước ngoài núp bóng kinh doanh khám chữa bệnh bị phát hiện sai phạm trong thời gian qua đều không thuộc thành viên của Hội Đông y thành phố. Hội Đông y thành phố rất hoan nghênh những người nước ngoài hành nghề chân chính vào hoạt động để phục vụ người dân chứ không hoan nghênh những lương y không đủ tay nghề, hoạt động phi pháp vào để làm kinh doanh khám chữa bệnh vì mục đích kinh tế, gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân.

Mai Phương