Bất hợp lý, không hiệu quả
Đề xuất của Bộ Y tế được đưa ra ở Điều 19 của Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với 2 phương án.
Phương án 1: Thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe với nguồn thu đến từ khoản thu bắt buộc của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia, tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Ảnh minh họa |
Phương án 2: Không lập quỹ, song các doanh nghiệp ngành bia, rượu vẫn phải đóng các khoản tương tự như trên. Mục đích của việc lập quỹ nhằm chi cho các hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia đã bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất này. Bởi mặc dù đã hoạt động 5 năm, nhưng hiệu quả hoạt động của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá được đánh giá là không cao. Đơn cử, mục tiêu và nguyên tắc của quỹ là tập trung giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, thế nhưng kết quả lại cho thấy ngược lại - mức tiêu thụ thuốc lá vẫn tăng lên từng ngày, trong đó thuốc lá nhập lậu là một trong những nguyên nhân góp sức.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2014, thuốc lá nhập lậu chiếm 20% thị phần thuốc lá tại Việt Nam, gần 1 tỉ bao. Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá nhập lậu hàng đầu trong số 14 nước khu vực châu Á. Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: “Chính phủ đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, tuy nhiên các hoạt động của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì lại không có nội dung chống thuốc lá nhập lậu”.
Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, trong thuốc lá nhập lậu chứa một số độc tố cấm sử dụng như thuốc diệt chuột; hàm lượng Tar, Nicotine đều cao vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế Việt Nam. Và điều đặc biệt, thuốc lá nhập lậu không những vừa trốn được thuế mà còn không phải in những nội dung cảnh báo về sức khỏe, không bị kiểm soát về hàm lượng những chất có hại cho sức khỏe cũng như an toàn thực phẩm... Ông Cường nói: “Thuốc lá nhập lậu không được kiểm soát khiến Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá dù dành khoản chi lớn cho công tác tuyên truyền, phòng ngừa nhưng hiệu quả chưa cao so với nguồn lực quỹ”. Chính vì vậy, ông Cường cho rằng, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa làm “tròn vai” thì việc phải gánh thêm vai trò nào cũng khó khả thi.
Đồng tình quan điểm này, một số doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia đang gặp rất nhiều khó khăn như giá nguyên liệu tăng, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và đang phải chịu thuế suất thuế TTĐB tới 65%. Chính phủ đã có chủ trương giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có nội dung về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc quy định doanh nghiệp phải đóng góp thêm 1-2% trên giá tính thuế TTĐB vào Quỹ Nâng cao sức khỏe là không phù hợp, sẽ làm cho doanh nghiệp đã khó càng khó hơn.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc đối ngoại Heineken Việt Nam cho rằng, việc lập Quỹ Nâng cao sức khỏe sẽ mâu thuẫn với chủ trương tinh giảm biên chế của Chính phủ, bởi một quỹ ra đời cần nhân sự. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chưa làm rõ vấn đề ngân quỹ sẽ được sử dụng như thế nào, dành cho hoạt động gì? Trong khi đó, nếu hình thành một quỹ, phần đóng góp của doanh nghiệp, thay vì 100% đi vào các chiến dịch vì sức khỏe người dân, thì phải trích một phần không nhỏ cho chi thường xuyên để vận hành quỹ. Như vậy, về tổng thể, việc thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe là không hiệu quả.
Vậy phải làm thế nào để chống tác hại của rượu, bia?
Với điều kiện Việt Nam hiện nay, thay vì ban hành thêm Quỹ Nâng cao sức khỏe gây tốn nguồn lực, chưa rõ tính hiệu quả thì cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật tới các nhà sản xuất và truyền thông nâng cao nhận thức hành vi sử dụng đồ uống có cồn có trách nhiệm, có văn hóa. Thay vì doanh nghiệp phải nộp 0,5-2% trên giá tính thuế TTĐB vào quỹ, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì khoản kinh phí hiện đang chi cho các chiến dịch truyền thông về uống có trách nhiệm với hiệu quả cao trong việc phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn, do các hoạt động marketing, quảng bá với người tiêu dùng vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA), bày tỏ, việc thu hút nguồn lực dành cho các hoạt động tương tác với khách hàng của doanh nghiệp vào Quỹ Nâng cao sức khỏe có thể làm tăng chi phí mà lại ít tác dụng trong việc giảm tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn. Nên bỏ đề xuất lập Quỹ Nâng cao sức khỏe. Giải pháp tốt hơn là nên quy định các doanh nghiệp đồ uống có cồn phải tiếp tục duy trì khoản kinh phí hiện đang sử dụng cho các chương trình tuyên truyền uống có trách nhiệm.
Theo Báo cáo khảo sát của Euromonitor năm 2015, ước lượng khoảng 28% đồ uống có cồn ở Việt Nam là sản xuất trái phép, không đóng thuế và không được kiểm soát chặt chẽ, trong đó chiếm 97% sản lượng và giá trị là rượu gạo, rượu lậu. |
Nguyễn Anh
-
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia
-
4 việc cần làm để giảm tác hại của bia rượu trong ngày Tết
-
Thủ tướng chỉ thị tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia
-
Bộ trưởng Y tế: Xâm hại tình dục, tai nạn giao thông, tan nát gia đình... cũng chỉ vì nhậu!
-
Đề xuất "cấm bán rượu trên internet" gây tranh luận
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)