Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nhân ngày di sản Việt Nam 23-11:

Bảo vệ di sản - bắt đầu từ người dân

07:00 | 23/11/2012

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nước ta sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có những di sản được cả thế giới biết đến. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng nhận thức được hết giá trị của những di sản này, kể cả những người đang sống trong lòng di sản. Nhiều câu chuyện xâm hại di sản một cách vô thức và đáng tiếc đã xảy ra chỉ vì người dân thiếu kiến thức về di sản!

Khi di sản không được coi là của quý

Lâu nay ở ta, nhắc đến di sản người ta thường hay nghĩ ngay đến các cụm từ bảo tồn, phục dựng, trùng tu chứ ít khi nhắc đến hai chữ “giáo dục”. Trong khi đó, ở những nước có nhiều di sản thì từ lâu cụm từ “giáo dục di sản” đã rất được coi trọng. Đây cũng là một trong những nội dung tiêu chí mà UNESCO mong muốn và yêu cầu ở các nước có nhiều di sản được tổ chức này công nhận.

Một số dự án giáo dục di sản được UNESCO tài trợ để triển khai trong nhà trường

Có lẽ chính vì công tác giáo dục di sản ở ta chưa được thực hiện tốt nên mới có chuyện đau lòng khi vị sư thầy trụ trì nhiều năm trong ngôi chùa Trăm Gian cổ kính có niên đại hàng trăm năm tuổi không hề biết giá trị ngôi chùa ấy nằm ở đâu, đơn giản nghĩ nó như nhà của mình nên đã “hồn nhiên” cho đập bỏ những chỗ hỏng nát để xây mới lại hoàn toàn. Rồi chuyện người dân xã Vĩnh Khúc (Hưng Yên) chỉ vì thấy vị trí ngôi đình làng đã được cấp bằng di tích quốc gia kia tọa lạc chưa hợp lý, đã hạ giải toàn bộ đình để di chuyển sang vị trí mới. Chỉ đến khi ngồi trong cuộc họp kỷ luật của các cơ quan chức năng, những người có liên quan mới biết việc mình làm là sai và mình vừa mới góp tay phá hủy một di sản vô cùng quý báu của cha ông để lại.

Mới đây nhất, các cơ quan chức năng ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã phải đau đầu để giải quyết vụ người dân đổ xô đi mò cướp cổ vật ở con tàu đắm dưới nước, khiến hàng chục cổ vật bị phá vỡ tan tành, hàng trăm cổ vật khác bị thất thoát. Chỉ đến khi các cơ quan chức năng tổ chức cuộc họp toàn bộ dân chúng quanh vùng để phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về di sản, người dân địa phương mới bắt đầu nhận thức được rằng, toàn bộ con tàu đắm và số cổ vật trong tàu là di sản văn hóa và tài sản của quốc gia, không phải của cá nhân nào; các hoạt động xâm hại, hủy hoại, khai thác của người dân đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm.

Câu chuyện chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế và vụ “hôi” cổ vật ở Quảng Ngãi đã khiến dư luận nhớ lại những câu chuyện khác trong quá khứ, từ chuyện người dân đào được cả chum tiền cổ nhưng lại mang đi bán đồng nát đến chuyện cả một đoạn Trường Lũy dài - di tích cấp quốc gia, bị người dân thuê xe ủi ủi phẳng để trồng keo chỉ vì không hề hay biết đấy là di sản. Mới thấy, việc “xóa sổ di sản”, xâm hại di tích, để chảy máu cổ vật một cách vô thức và thiếu hiểu biết như thế vẫn thường xuyên xảy ra mà chúng ta chưa có cách gì hạn chế. Mới thấy, lâu nay chúng ta ứng xử với những giá trị ông cha để lại không theo cách ứng xử với một di sản. Chẳng thế mà nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phan Cẩm Thượng đã phải thốt lên rằng: Chỉ có ở Việt Nam, người ta mới hành xử với di sản tệ hại đến như vậy. Chả trách di sản - hồn cốt của đất nước cứ nối đuôi nhau biến mất!

Người dân cần được giáo dục về di sản

Không thể phủ nhận vai trò của người dân và cộng đồng dân cư - đối tượng được coi là chủ sở hữu, người nắm giữ và trao truyền di sản văn hóa ở địa phương trong việc bảo vệ di sản. Tuy nhiên, làm thế nào để người dân nơi có di sản trở thành người bảo vệ tốt nhất cho di sản? Trả lời câu hỏi này, theo bà Katherine Muller Marin, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam thì “cần phải giáo dục về di sản cho người dân. Đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc”.

Nhà tổ chùa Trăm Gian bị phá dỡ và xây mới

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam cũng cho rằng: Bảo vệ di sản phải bắt đầu từ người dân. Tuy nhiên, theo ông Bài, việc giáo dục Luật Di sản, nâng cao ý thức bảo vệ di sản cho nhân dân hiện chưa được các cấp chính quyền coi trọng. Khi xảy ra sự việc xâm hại di sản, dư luận thường đổ lỗi cho dân mà không cho rằng, đó là lỗi của các cơ quan quản lý đã không hướng dẫn người dân, không giáo dục về di sản cho dân, không nâng cao nhận thức cho họ. “Nếu một khi người dân nhận thức được hết giá trị của di sản thì tôi tin họ sẽ không bao giờ làm sai cả” - ông Bài khẳng định.

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã đưa chương trình giáo dục di sản vào các trường học, các bảo tàng, các triển lãm nghệ thuật. Công việc giáo dục di sản được các nước này xác định là yêu cầu vô cùng quan trọng trong một thế giới hội nhập, biến đổi liên tục. Giáo dục di sản giúp thế hệ tương lai hiểu được cội nguồn và vai trò, giá trị của văn hóa dân tộc. Giữ gìn ký ức của cộng đồng về các giá trị di sản chính là xây đắp con đường bền vững đến với sự phát triển, hội nhập. Ở Việt Nam, từ năm 2005, dưới sự cố vấn và giúp đỡ của UNESCO, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đã thực hiện thí điểm dự án “Liên kết với nhà trường phát triển giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích và các điểm văn hóa, lịch sử ở Hà Nội”. Dự án này đã phần nào giúp cho thế hệ trẻ hiểu và trân trọng di sản văn hóa dân tộc, phát huy được các giá trị di sản trong đời sống hiện đại.

Thiết nghĩ, trước thực trạng ngày càng có nhiều vụ xâm hại, phá hủy di sản một cách vô thức chỉ vì thiếu hiểu biết như hiện nay, các chương trình, dự án đưa giáo dục di sản văn hóa vào trong nhà trường phổ thông như trên cần phải được triển khai, nhân rộng. Thêm nữa, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một đề án tuyên truyền, định hướng và nâng cao hiểu biết cho người dân về những giá trị to lớn của các di sản cũng như vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc gìn giữ những tài sản vô giá mà cha ông để lại.

Liên Nhi