Bảo toàn AAA, nhiệm vụ bất khả thi của Pháp?
AAA là điểm an toàn cao nhất còn được xem là chiếc chìa khóa mở ra tất cả các kho bạc cho một tập đoàn, hay một Nhà nước cần huy động vốn. Ngày 21/11 vừa qua, Moody’s một lần nữa lại lên tiếng đe dọa hạ điểm tín nhiệm của Pháp. Hậu quả trực tiếp là chỉ số chứng khoán của Paris hôm qua rơi mạnh (-3,4%).
Theo giải thích của Moody’s: “Viễn cảnh tăng trưởng kinh tế và khủng hoảng (niềm tin) về nợ công của châu Âu là những yếu tố gây nhiều rủi ro” cho nền kinh tế Pháp. Moody’s ghi nhận là Chính phủ Pháp đã có những nỗ lực để giảm bớt nợ công, thu hẹp bội chi ngân sách đang từ 7,10% GDP trong tài khóa 2010 xuống còn 3% vào năm 2013 nhờ kế hoạch cắt giảm chi tiêu hơn 17 tỉ euro trải dài trong giai đoạn 2012 -2016 vừa công bố hôm tuần trước. Nhưng Moody’s hoài nghi về khả năng chi trả chính sách an sinh xã hội tốn kém trong bối cảnh tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của nước Pháp đang giảm sút, cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro chưa có dấu hiệu lắng dịu và tăng trưởng toàn cầu thì đang bị chững lại.
Dự báo tổng sản phẩm nội địa của Pháp vào năm tới chỉ tăng 1% thay vì 1,75% như đã loan báo. Khi tăng trưởng giảm sút, thuế của nhà nước thu vào cũng giảm theo. Mục tiêu thu hẹp bội chi ngân sách Nhà nước càng khó thực hiện.
Bên cạnh đó Moody’s đã tập trung chú ý vào một chỉ số gọi là “spread”, tức khoảng cách về lãi suất công trái 10 năm do Paris phát hành so với công trái của Đức – nền kinh tế vững mạnh nhất của khối euro hiện tại. Khoảng cách “spread” đó ngày càng lớn. Thí dụ như Đức phát hành công trái 10 năm với lãi suất là 1% thì đối với Pháp, lãi suất ấy phải là 2,5%. Theo ước tính của Moody’s cách biệt về giá cả đó càng lớn chừng nào, gánh nặng nợ nần của Pháp lại càng lớn chừng đó.
Nếu cách biệt “spread” giữa Pháp và Đức chỉ là 1 điểm thì chính phủ Pháp đã phải chi thêm 3 tỉ euro một năm cho các chủ nợ. Nhìn dước góc độ đó, Moody’s cho rằng, trong tương lai, Pháp sẽ phải vay tín dụng với lãi suất ngày càng cao.
Trước áp lực ngày càng lớn của các công ty thẩm định tài chính, Chính phủ của thủ tướng Fillon trong chưa đầy ba tháng đã liên tục cho ra đời hai kế hoạch cắt giảm chi tiêu. Nhưng trong mắt của nhiều nhà đầu tư và tài chính, hai kế hoạch đó không đủ khả năng đảo ngược tình thế của nước Pháp.
Chuyên gia tài chính và kinh tế Jacques Attali, nguyên là cố vấn của tổng thống François Mitterrand và cũng là người từng đứng đầu Ngân hàng Tái thiết châu Âu BERD nói: “Điều quan trọng nhất là bất kỳ một quốc gia nào khi đi vay cũng phải trấn an các nhà đầu tư. Trong trường hợp của Pháp, Paris phải trấn an được những chủ nợ đang nắm trong tay một khoản tiền tương đương với 85% GDP của Pháp. Đương nhiên họ muốn khoản tiền này phải được hoàn trả khi đáo hạn. Đó là chuyện bình thường. Nhưng họ thấy là tới nay, nước Pháp không nỗ lực giải quyết nợ công hay thâm hụt ngân sách Nhà nước. Để giải quyết bội chi ngân sách, kinh tế Pháp cần tiết kiệm 75 tỉ euro trong 3 năm với điều kiện là GDP tăng 2%. Trong giả thuyết tỉ lệ tăng trưởng thấp hơn, tức là thuế thu vào sẽ giảm sút, thì chính phủ phải tìm kiếm thêm 100 tỉ euro để giải quyết thâm hụt ngân sách trong 3 năm liên tiếp 2011, 2012 và 2013. Trong tài khóa năm nay Paris dự trù tiết kiệm 14 tỉ sang năm là khoảng 20 tỉ. Tức là chúng ta còn rất xa mục tiêu 100 tỉ như vừa nêu”.
Nói cách khác, tất cả mọi người đều xem như Pháp đã đánh mất ba chữ A và điểm tín nhiệm nợ công của Pháp chỉ còn tương đương với hai chữ A. Câu hỏi đặt ra là liệu đến khi nào thì trên giấy tờ Pháp sẽ chính thức bị hạ điểm. Theo nhiều nhà quan sát, tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Điều này có thể xảy ra trước hoặc sau cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.
Kiến Văn
Theo RFI